Xứ Mali
NHỚ VỀ XỨ MALI,
TÂY PHI CHÂU
Trần Văn Đạt, Ph. D.
Hình 1: Nước Mali
Biến cố chính trị liên tục xảy ra trong những năm gần đây và mới nhứt vụ bắt làm con tin tại khách sạn sang trọng Radisson Blu ở Bamako, thủ đô nước Mali, làm chúng tôi có đôi chút băn khoăn và lo ngại cho số phận xứ nghèo này. Quá trình phát triển đất nước, nhứt là từ khi có nền độc lập đã đưa đến hậu quả ngày nay. Chúng tôi có cơ hội làm cố vấn cho một dự án nông nghiệp USAID tại nước Mali trong 1981-82 và sau đó trở lại xứ này công tác đôi ba lần với tư cách chuyên gia Cơ quan Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO tại Rome. Nước Mali từng là một phần của 3 đế quốc ở Tây Phi Châu kiểm soát đường thương mại xuyên Sahara: Đế quốc Ghana, Đế quốc Mali và Đế quốc Songhai từ thế kỷ 14-18, với hai thành phố cổ đại nổi tiếng trong vùng là Djenné và Timbuktu - Trung tâm thương mại và học thuật Hồi giáo ngày trước. Sau đó, Đế quốc Mali suy tàn bị Đế quốc Songhai xâm chiếm, tiếp theo bị Pháp đô hộ vào cuối thế kỷ 19 và được trả độc lập vào ngày 20-6-1960 (1).
Nước Mali là một quốc gia có khí hậu nóng bức thuộc vùng Sahel và tiếp giáp với sa mạc Sahara ở phía Nam, với diện tích 1.240.000 km2, lớn gần 4 lần Việt Nam, nhưng dân số khoảng 14 triệu người. Mali có nhiều sắc tộc, như Bambara (36%), Soninké, Khassonké, Malinké, Mandé, Peul, Voltaic, Songhai… Độ 80% dân Mali nói tiếng Bambara, nhưng tiếng Pháp là ngôn ngữ chính của quốc gia. Nước này có nguồn tài nguyên đáng kể như: vàng, uranium, phogphate, kaolinit, muối và đá vôi đang được khai thác rộng rải (1). Đa số người dân sống về nông nghiệp: chăn nuôi gia súc, dê, cừu, đánh cá, trồng lúa trong lưu vực sông Niger (Mopti, Ségou), cây công nghệ (bông vải, thuốc lá), kê, bắp, rau quả..., nhưng thu hoạch hàng năm bất thường do khí hậu không điều hòa. Những khó khăn lớn nhứt mà xừ này luôn phải đối diện là hiện tượng sa mạc hóa, phá rừng, xói mòn đất, thiếu nguồn nước sạch, đặc biệt hơn hết là hạn hán và bất ổn chính trị.
Về thiên tai, nạn đói do hạn hán đã được ghi nhận từ 1738-1756, đã làm thiệt mạng độ phân nửa dân số Timbuktu. Trong thế kỷ 20, nạn hạn hán lớn xảy ra từ 1968-1974 đã làm thiệt mạng hàng ngàn người. Do Mali nằm kề sa mạc Sahara nên khí hậu nhứt là phía Bắc luôn nóng bức, khô khan, ít mưa hơn miền Nam, thường xảy ra hạn hán và gây nạn đói thường trực.
Về chính trị, sau khi được trao trả độc lập năm 1960, Ông Modibo Keïta được bầu làm Tổng Thống đầu tiên và ngay sau đó Ông thiết lập một chế độ độc đảng, thực hiện quốc hữu hóa để kiểm soát nguồn tài nguyên quốc gia. Đến tháng 11-1968, nền kinh tế suy sụp, Ông bị đảo chánh bởi Moussa Traoré và Ông nầy trở nên vị Tổng Thống thứ hai có đầu óc cải cách kinh tế, nhưng tình hình chính trị ngày càng bất ổn, sinh viên biểu tình, 3 cuộc đảo chánh bất thành. Ngoài ra, còn có nạn hạn hán trầm trọng trong thời kỳ này; cho nên, đất nước lâm vào cảnh nghèo đói và là một trong những nước nghèo nhứt thế giới cho đến cuối thập niên 1980s. Năm 1990, các cuộc chống đối tiếp tục bùng phát, nhứt là bạo động sắc tộc ở miền bắc theo sau sự trở về của nhiều người Tuareg hay còn gọi là Kel Tamasheq, một giống người du mục sống ở Sahara, Bắc Phi, nhưng có khuynh hướng di cư về phương Nam trong thế kỷ 20-21 do dân số gia tăng và xung đột chính phủ địa phương. Họ đeo mạng che mặt và theo chế độ mẫu hệ, đàn bà có quyền đa phu (Hình 2). Ngày nay phần lớn người Tuareg định cư vùng Tây Phi.
Hình 2: Người Taureg
Các cuộc hỗn loạn xã hội và chính trị dẫn đến đảo chánh vào 1991 tại nước này. Năm 1992, Ông Alpha Oumar Konaré trở thành Tổng Thống thứ 3 của Mali qua cuộc bầu cử dân chủ. Đến 2002, Ông từ chức và qua cuộc bầu cử Tướng hồi hưu Amadou Toumani Touré, người lãnh đạo cuộc đảo chánh 1991, trở thành Tổng Thống thứ 4…. Mali lại tiếp tục rơi vào cuộc khủng hoảng tranh giành quyền lực từ tháng 3-2012, các binh sĩ nổi loạn muốn lật đổ Tổng Thống Amadou Toumani Touré. Nhân cơ hội này, phiến quân người Tuareg nổi dậy (gồm cả tàn quân của Gaddafi ở Libya) mở rộng vùng kiểm soát ở phía Bắc và tuyên bố ly khai, lập ra “nhà nước Azawad” và áp đặt luật Hồi giáo (Sharia) rất hà khắc (2).
Pháp và Tây phương lo ngại nhóm Hồi giáo này lớn mạnh trên vùng đất sa mạc mênh mông (chiếm gần 2/3 của Mali) và có thể có những phần tử quá khích thành lập các trại huấn luyện cho các chiến binh Hồi giáo cực đoan. Với sự ủng hộ của Tây Phương, NATO, Pháp gởi 500 lính tinh nhuệ với sự phối hơp của lực lượng 3.300 quân Liên Hiệp Quốc (từ Burkina Faso, Niger, Senegal và Togo) can thiệp và giành lại quyền kiểm soát miền Bắc Mali, nhưng chưa thể kiểm soát được dân chúng hoàn toàn (Hình 1). Hiện nay thỉnh thoảnh lực lượng tàn quân Tuareg phối hợp với các nhóm Hồi giáo quá khích tấn công lực lượng phòng thủ Chính phủ ở miền Bắc Mali.
Ngày 20-11-2015 vừa qua, một cuộc khủng bố lớn xảy ra tại Bamako làm 21 người thiệt mạng. Trước hết, khoảng 10 tên khủng bố thuộc nhóm thánh chiến Al-Mourabitoun bắn nhân viên bảo vệ, rồi tiến vào bên trong khách sạn Radisson Blu thuộc loại sang trọng ở Bamako, kiểm soát từng phòng bắt 170 người gồm khách và nhân viên làm con tin. Lực lượng đặc nhiêm Mali với sự trợ giúp của đặc nhiệm Pháp và Mỹ đã đột kích giải thoát con tin, 3 tên khủng bố bị giết, còn những tên khác đào thoát. Nguyên do chính của cuộc khủng bố này là do tình hình bất ổn liên tục gần đây, xung đột lợi ích của các nhóm sắc tộc chưa được giải quyết nhứt là sắc dân Tuareg ở phía Bắc Mali đòi độc lập, và sự can thiệp của Pháp ở Mali là mục tiêu của các nhóm Hồi giáo quá khích (3).
Thật tội cho một nước nghèo còn bị tai ương, do tình trạng xã hội và chính trị luôn bất ổn từ ngày độc lập cho đến nay! Trong hơn nửa thế kỷ được trao trả độc lập, Mali có 3 cuộc đảo chánh thành công và 4 vị Tổng Thống không thống nhứt được lòng dân và kết hợp hữu hiệu các thành phần trong nước - mầm móng của bất an đất nước cho đến ngày nay. Có lẽ đây cũng là tình hình chung làm cho nhiều quốc gia Phi Châu còn chậm phát triển.
Trong hoàn cảnh đó, đầu năm 1980, tôi đến thủ đô Bamako để làm tư vấn cho dự án USAID về lúa và lúa miến (sorghum) ở vùng Gao, mà đối tác của tôi là Ông Giám Đốc Nông nghiệp cấp Vùng - A. Togola thường ở trên thủ đô Bamako hơn là Gao (Hình 3). Chuyến đi công tác này thật gian nan, nhưng đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên về nghề nghiệp, đời sống người dân bản xứ, cộng đồng Việt và đất nước sa mạc cát vàng.
Hình 3: Buổi họp nông dân dưới bóng mát cây xoài
Gao là thành phố lớn thứ hai sau Bamako với dân số khoảng 87.000 (2009) nằm trên tả ngạn sông Niger. Vùng Gao, phía Đông-Bắc tiếp cận sa mạc Sahara, phía Nam giáp xứ Niger (Hình 1). Mới đây (2012-13), Gao còn là thủ đô tạm thời của “nhà nước Azawad” của người Tuareg trong phong trào đòi quyền độc lập. Khi ra khỏi thành phố độ 10 cây số, cánh đồng sa mạc cát vàng trải dài trùng điệp tiếp nối Sahara, thỉnh thoảng có những chòm cây keo cằn cổi, nên chúng tôi thường gặp đàn hươu cao cổ (giraffe) di chuyển chậm chạp ăn lá keo ven trục lộ hướng về xứ Niger. Nhiệt độ ban ngày đến 40-45oC, nhưng ban đêm rất mát mẻ, khoảng 24-25oC. Vùng Gao thường có nhiều trận bão cát lớn đến bất ngờ.
(1) Cơn Bão cát thường bất chợt xảy ra, rất khó đoán trước. Bỗng đám mây đen to lớn từ một góc trời kéo đến rất nhanh với các cơn gió mạnh ồ ạt cuốn theo cát bụi mịt mờ, theo sau cơn bão cát là một trận mưa ngắn. Khi gặp bão cát, chúng tôi không còn thấy gì chung quanh dù bầu trời không bị che tối hẳn; nhưng trên mặt cảm thấy rát khó chịu do những hạt cát va chạm mạnh và phải chạy lánh. Thỉnh thoảng nhiều nơi ở Mali có bầu trời với màn sương màu hồng đỏ bao phủ nhiều tuần lễ do bão cát gây nên. Vùng Gao có vũ lượng hàng năm rất thấp chỉ 200 mm (so với Việt Nam bình quân 1.800 mm), đời sống con người và cây cối trở nên khô cằn muôn thuở. Thật vậy, vùng đất cát này không có một ngọn cỏ xanh!
Trời mênh mông cát trải mênh mông
Người ở đâu cát sỏi đồng không?
Buồn muôn thuở kiếp thân đà điểu
Giọt nước trời khát khao đói thiếu
Sa mạc vàng Tạo Hóa xác xơ.
Từ góc trời mây xám đợi chờ
Gió từng cơn rợp trời tối sập
Rát mặt mày cúi đầu chạy tắp
Vùng hoang vu oằn oại thét gào
Người cao mặt đợi tiếng lao xao
Cát từng cơn dập dồn réo rắt …
Hết giận hờn trời thêm xám ngắt
Gió êm về … kéo trận mưa rào
Giữ bao loài háo hức sinh sôi…
(Bão cát)
Hình 4: Một thôn ở gần biên giới xứ Niger, 1981
(2) Nước sạch là một vấn đề thiết yếu cho đời sống hàng ngày của người Mali. Một hôm, trong chuyến đi công tác địa phương xa, tôi mang theo một bình nước uống cá nhân và để lại trong xe, nhưng đến khi khát nước mới biết ai đó đã uống hết rồi. Nắng lên cao, sức nóng sa mạc ngày càng gay gắt, tôi chịu không nỗi cơn khát, nên phải tìm đến một vũng sâu gần đó để lấy nước, bỏ vào một viên iodine, lắc đều rồi uống vài hớp nước cho đỡ khát! Đó là một trong những cách xử lý sống còn trong cẩm nang USAID dành cho những người đi làm việc tại các nước chậm tiến. Mỗi ngày chúng tôi phải uống 5-6 lít nước khi đi làm việc!
Nước uống lấy từ giếng sâu, nếu cạn vào mùa khô, lấy nước từ sông Niger mang về nấu chín và lọc lại trước khi uống. Tôi đã bị ói mửa hai lần trong đêm và phải mời Bác sĩ đến nhà điều trị vì người giúp việc nấu nước uống cẩu thả, không lọc cẩn thận!
(3) Bữa ăn của người địa phương rất đơn giản, trong những lần đi công tác với người bản xứ, tôi thường dùng cơm chung với họ. Hai nồi (thau) cơm và thức ăn lớn được dọn ra giữa bàn hoặc trên mặt đất có trải thảm: một thau cơm lớn, một nồi thức ăn nấu với thịt trừu hoặc bò, cá cộng với nhiều thứ lá cây, gia vị và một thau nước lạnh cùng một chiếc khăn lau tay để gần đó. Một người trong nhóm rửa tay trong thau nước lạnh, rồi bưng nồi thức ăn đổ vào thau cơm trắng. Anh dùng hai bàn tay trộn đều cơm với thức ăn và nước sauce xong, mời khách cùng ăn. Tất cả ngồi chung quanh thau cơm thịt cá, bắt đầu dùng tay mặt (sau khi rửa trong thau nước) bóc thức ăn và cơm trong thau trước mặt mình. Riêng tôi không thể dùng cơm bằng tay như mọi người; do đó, họ cho tôi một cái muỗng để ăn.
(4) Di chuyển trong vùng sa mạc là một vấn đề nhọc nhằn. Mali là một nước rộng lớn, đường xá đi các tỉnh kém mở mang, nhứt là những tỉnh, vùng xa như Gao. Từ thủ đô Bamako đến Gao dài khoảng 1.000 km; cho nên, những chuyến đi khứ hồi bằng xe từ thủ đô đến vùng này và trở lại thật vất vả, phải mất 2 ngày một đêm ngủ ở Mopti cách Bamako khoảng 300 cây số. Nếu đi bằng máy bay chỉ mất gần 2 giờ. Tuy nhiên, tôi rất ít khi lấy máy bay để đi công tác vì sợ nhiều rủi ro! Một hôm, tôi lấy chuyến bay từ Gao về Bamako phải khởi hành trễ mất hơn 2 giờ, do máy bay không đủ xăng để trở lại thủ đô! Cho nên, tôi nghe nói phi công phải đi tìm mua xăng ở phố Gao!? Từ đó mỗi lần đi công tác về Bamako, tôi chỉ đi đường bộ dù chịu nhiều gian khổ. Người ta thường gọi Air Mali là Air "Male" (đọc theo tiếng Anh, chữ có nghĩa tiếng Pháp là "Máy Bay Bệnh Hoạn"), nhưng rất may cho đến thập niên 1980s, lúc chúng tôi đến làm việc tại xứ này, Air Mali chưa hề có tai nạn chết người. Quãng đường từ Bamako đến Gao dài 1.000 cây số, nhưng chỉ có 300 cây số từ thủ đô Bamako là đường tráng nhựa, quãng còn lại là đường đất đỏ và phần lớn là lối mòn xuyên qua những cánh đồng savanna khô cằn bất tận. Tài xế phải là người quen thuộc vùng này mới có thể đến nơi đúng ngày giờ. Về sau, con lộ này nối liền giữa thủ đô Bamako và thành phố Gao ở phai bắc đã được trải đá tráng nhựa do chính phủ Pháp hỗ trợ.
(5) Về Cộng đồng Việt, tại Bamako có một cộng đồng người Việt Nam nhỏ mà tôi rất quý mến, trong đó có Bà Paquet chủ một nhà hàng Tây, Anh Vương Hữu Hải làm khảo cứu tại Viện Nông Nghiệp, Bác Sỹ Lê Văn Giát làm việc cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới, WHO, anh Trần Vĩnh An - chị Thu và anh Trương Văn Ngà dạy học tại trường Cao Đẳng Nông Nghiệp... Tôi còn nhớ, có hôm từ Gao về Bamako công tác, tôi đã có dịp chung vui với bà con tại nhà hàng sang trọng của Bà Paquet và được tiếp đãi rất nồng hậu. Trước khi trở về Gao, Bà Baquet còn nấu sẵn cho tôi một nồi thịt kho tàu đem về ăn cả tuần lễ không hết. Ngon tuyệt ở một nước Hồi giáo!
Khi làm việc tại xứ này, tôi đã gặp lại G.S. Thái Công Tụng, cựu Giám Đốc Nha Khảo Cứu Nông Nghiệp và Khối Kế Hoạch của Bộ Nông Nghiệp đang làm việc cho một dự án tại vùng Ségou, anh Cao Quản, cựu Giám Đốc Nha Hợp Tác Xã làm tham vấn ở nước Niger đang đi công tác Bamako. Tôi cũng có dịp ngồi uống Cà phê với Ông Đoàn Minh Quan, Cựu Thứ Trưởng Bộ Canh Nông trước 1975 tại một nhà hàng ở Bamako…
Với xứ Mali, tôi có nhiều kỷ niệm trong khi việc làm với người bản xứ cũng như đồng nghiệp và cộng đồng nơi đây. Một đất nước tuy nghèo, người dân hiền hòa, dễ giao tiếp và kiên nhẩn. Dù tài nguyên thiên nhiên không thể so sánh với các quốc gia ven biển, nhưng nước này cũng có con sông Niger dài chảy từ miền Nam lên Đômg-Bắc cung cấp nguồn nước cho con người và ngành nông nghiệp, cũng có đồng bằng màu mỡ Ségou, Sikasso ở phía Nam. Bỡi con người chưa biết triệt để khai thác và quản lý hữu hiệu các nguồn tài nguyên sẵn có, cũng như các nhà lãnh đạo luôn tham quyền cố vị và thiếu khả năng đoàn kết các thành phần xã hội, nước Mali ngày càng nghèo khó, dân chúng thêm cơ cực, xã hội bất an; do đó vấn nạn bạo động, đảo chánh và khủng bố liên tiếp xảy ra. Cho nên, để có sự ổn định xã hội lâu dài tại nước này, cần phải có giải pháp chính trị thích đáng đáp ứng quyền lợi, yêu cầu của các phe nhóm, sắc tộc; cần những nhà lãnh tụ biết thương dân thương nước; cần có nền dân chủ thực sự và không có sự can thiệp từ bên ngoài. Đến bao giờ?!
2015
Tài liệu tham khảo:
1. Wikipedia (Mali)
2. Mộc Thạch (tin tổng hợp). 2013. Pháp và NATO can thiệp vào Mali: Giải pháp quân sự thắng thế