Huy Lữ TRẦN VĂN ĐẠT
Nguyên Chánh Chuyên gia FAO - Rome

Lá số


LÁ SỐ CỤ PETRUS TRƯƠNG VĨNH KÝ


 

Nhìn vào lá số của Sĩ Tải Tiên Sinh, được nhận xét như sau :

Đây là mẫu người có 2 trạng thái đối kháng nhau :

1/ Cung an MỆNH : diễn tả tư tưởng  (tuổi Đinh Dậu, hành Hỏa) được an tại cung Tỵ (có Bạch hổ) là trúng cách tam hạp của tuổi Dậu (Thái Tuế-Quan phù-Bạch hổ). Diễn tả có người có nhiều tư tưởng và suy nghĩ chín chắn, đàng hoàng và ngay thẳng đồng thời rất nhiệt huyết, đam mê, mong muốn hoàn tất những công việc mà bản thân suy nghĩ. Đặc biệt người này lại rất nổi tiếng dù xấu hay tốt mà mọi người đều biết đến tên tuổi của Cụ Petrus Ký (Mạng hành âm hỏa, cung an Mệnh lại là âm hỏa và Tuần cũng là hành hỏa : đây là cách "hỏa phùng không"). Với cung Mệnh nầy, rất thành công trong lãnh vực văn học, giáo dục và nghệ thuật.

2/ Cung an Thân : diễn tả hành động, lại được an tại cung Mùi(có Điếu khách), thuộc dạng đối kháng với cung Mệnh (Tuế phá-Tang môn-Điếu khách) thì lại nói lên con người có những hành động khi ra đời làm việc hay thi hành những nhiệm vụ đều ngược lại hay trái với những suy tính của chính bản thân đã hoạch định sẵn từ trước hoặc bị áp lực nào đó mà những công việc dự tính đều bị ngăn trở (Quan Phủ) và phải làm những phần vụ mà bản thân không mấy ưa thích. Cũng vì lý do nêu trên, đương sự hầu như lúc nào cũng cảm thấy lẻ loi và cô đơn (Cô thần-Quả tú trong tam hợp). Với cung an Thân này thì không mấy thuận lợi cho lãnh vực làm những công việc có liên quan tới chánh trị.

Nhìn vào lá số ta thấy ngày tinh đẩu chính tinh của người hỏa mạng này chỉ trông cậy vào Thái dương (thuộc hỏa), nhưng tinh đẩu này bị lạc hãm, do đó ít nhiều suy nghĩ trong tư tưởng cũng không được sáng suốt lắm, và bị chị phối bởi chính tinh thủ Mệnh là Thái âm (hãm địa, hành thủy) nhờ Tuần mà trở thành trong sáng áp đảo, điều này cho thấy người này lúc thiếu thời bị chi phối nhiều vào một phụ nữ nào đó có nhiều ảnh hưởng trong gia tộc chỉ dẫn, hơn nữa trong đại vận 16-25, đương sự sống trong một môi trường gần như khép kín, sống trong khuôn khổ kỷ luật khắt khe và mẫu mực, cũng vì vậy mà rất ư là nổi tiếng trong giới bạn bè và kể cả những người cấp trên (Liêm Trinh+Địa không+Tuần), tất cả tinh đẩu này đều đồng hành với hành hỏa của tuổi Đinh dậu và đó là cách "Hỏa phùng không" cũng giống như phần cung Mệnh đã nêu ở trên.

 Nhìn vào cung Nô bộc, ta nhận ra những tay chân, bộ hạ của đương sự thì hầu như phần đông toàn là những người bất tài, nhiều tham vọng và gây hại thì nhiều (Thất sát và Tham lang (hãm địa) + Địa không, Địa kiếp tất cả trong tam hạp),  và ham danh lợi (đế vượng). Đặc biệt cung Nô này lại được sự trợ giúp từ cung Thê (nhị hợp), nên có thể những người dưới trướng của Cụ T.M.Ký là những người thân thuộc của gia đình bên vợ chăng? Ngoài ra ở cung an Mệnh lại giáp Địa không và Địa kiếp, nên những người xung quanh Cụ cũng chẳng tốt lành gì.

Tóm lại, với lá số này ta nhận thấy tư tưởng Cụ lúc nào cũng ở thế thiên về triều đình Huế và dân tộc vì cảm thấy mình phải có bốn phận nào đó của một người dân có trách nhiệm với dân tộc (Mệnh an tại thế chính phái : tam hạp Thái tuế-Quan phù-Bạch hổ), nhưng khổ nỗi cung an Thân lại ở thế đối kháng (Tuế phá-Tang môn-Điếu khách) nhưng cũng chỉ là đối lập giả tạo (đối lập cuội), tức là lúc thân bên Triều đình Huế, lúc thì lại thiên về chánh quyền bảo hộ thân Pháp.

Cũng vì những lý đó nêu trên, mà tạo ra nhiều tai tiếng trong dư luận xã hội thời đó (đại vận 36-45) là Cụ không có lập trường rõ ràng, cộng thêm với cung Nô bộc qua tồi, nên Cụ phải chịu trách nhiệm không thể  thổ lộ với ai được, cho dù Cụ (cung an Thân) có phân trần hay thanh minh (điếu khách) cũng không đạt được kết quả mà lại còn bị thị phi và tai tiếng không mấy thuận lợi (Cự môn+Hoá kỵ+Hóa quyền (phù suy không phù thịnh) +Kình dương+thiên hình) và mang thêm nghiệp chướng (Hình, Riêu+ Địa kiếp).

Nhưng dù sao, mọi người cũng phải thừa nhận Cụ Trương vĩnh Ký  đã có ít nhiều công trạng đối với nền văn hóa và giáo dục nước nhà và đã để lại hơn 100 tác phẩm liên quan về văn học, lịch sử , địa lý và nhiều tác phẩm dịch thuật khác.

Có lẽ biết được cuộc sống đã trải qua những năm tháng thăng, trầm trong cuộc đời cùng với cách nhìn và suy nghĩ thuận, nghịch nào đó của nhiều người trong xã hội đối với Cụ, nên khi tuổi về chiều, Cụ tự suy gẫm (đối diện lương tâm)  lại những việc mà bản thân đã làm là đúng hay sai ? và trước khi mất cụ đã làm một bài thơ đường luật gồm 8 câu, để chấm dứt bài viết, xin mạn phép trích lại 2 câu cuối như sau :

                                  Cuốn sổ bình sanh công với tội, 

                                   Tìm nơi thẩm phán để thừa khai”.

 

 

 

 

 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free