Huy Lữ TRẦN VĂN ĐẠT
Nguyên Chánh Chuyên gia FAO - Rome

Gò Công

ĐẤT GÒ CÔNG:

VÀI SUY TƯ VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ

 


Cây Sơ ri 

Gò Công là một vùng đất có quá trình khai khẩn và phát triển tương đối sớm của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và một thời trở nên vựa lúa to lớn của tỉnh Gia Định và Nam Kỳ vào thế kỷ 19. Sau đó tầm quan trọng kinh tế vùng kém dần so với các tỉnh khác, vì các hạn chế thiên nhiên và thiếu kế hoạch phát triển địa phương thích đáng, dù nhiều ưu thế địa dư có sẵn. Đây là vùng đất nông nghiệp (độ 75-80%) chuyên về trồng trọt, đánh cá, chăn nuôi và thủ công nghệ còn hình thức gia đình; vì thế trong thế kỷ 20 đất Gò không có nhiều thay đổi lớn, đời sống người dân trôi qua thầm lặng và chịu ảnh hưởng thăng trầm của đất nước.

Với bề dày lịch sử còn quá ít, Gò Công đã tạo được nhiều tiếng thơm cả nước; nhưng phát triển kinh tế còn gặp nhiều vấn đề. Rất may vùng đất này có nhiều lợi thế địa dư và người dân hiền hòa, cần cù, năng động; nên tiềm năng phát triển rất lớn nếu được khai thác có quy hoạch và thực hiện hữu hiệu.  

1.    Hiện Trạng Phát Triển Kinh Tế Đất Gò

Từ lâu, do điều kiện địa lý, Gò Công có nền kinh tế phát triển không đồng đều. Thủy thổ từ tây qua đông của vùng có đặc tính khác nhau nên đã hình thành hai vùng mà tên đặt hiện nay nói lên phần nào sự khác biệt đó - Gò Công Đông và Gò Công Tây. Trong gần 4 thập niên qua, nền kinh tế Gò Công thay đổi, cải tiến khá nhiều do kết quả của chương trình Ngọt hóa Gò Công khởi sự từ giữa thập niên 1990 và sự lớn mạnh của ngành nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản dọc theo sông rạch và Biển Đông. Tuy nhiên, đời sống của nông dân và ngư dân không thay đổi tương xứng với đóng góp lớn lao của họ vào nền kinh tế quốc gia.

Gò Công Đông có vị trí kề cận biển Đông, giới hạn phía Bắc bởi sông Vàm Cỏ, Soài Rạp, phía Nam bởi sông Mỹ Tho, phía Tây giáp huyện Gò Công Tây; cho nên, có nhiều đất phèn và mặn gây trở ngại cho sự trồng trọt và phát triển của vùng này, ngoại trừ các ngành nghề ngư nghiệp. Trước khi có chương trình ngọt hóa, phần lớn vùng Gò Công Đông chỉ trồng một vụ lúa mỗi năm vào mùa mưa, đến mùa nắng cánh đồng lên phèn vàng và nước mặn xâm nhập, nông dân thất nghiệp phải đi nơi khác làm ăn.

Gần đây, chương trình ngọt hóa hoàn tất, trải dài 54.000 ha ở hai huyện Gò Công Đông - Tây, giúp cho vùng có đời sống khởi sắc hơn, môi trường xanh tươi hơn. Nông dân đáng lẽ kiếm lợi nhiều hơn với canh tác rau hoa ngoài lúa và không phải lo lắng nhiều về nguồn nước uống trong mùa khô; nhưng thị trường bị lái thương thao túng, chánh sách giá cả nông nghiệp không thuận lợi, nên lợi tức không được khả quan! Gò Công Đông bắt đầu thâm canh, trồng 3 vụ lúa mỗi năm trên khoảng 11.000 ha (tốt hơn nên chuyển đổi 2 vụ lúa và một màu khác để tránh sâu bệnh, đất đai khô cằn trong dài hạn), 2 vụ/năm trên 3.000 ha và 1 vụ/năm trên 1.000 ha (1). Năng suất bình quân độ 5 tấn/ha. Nhờ hệ thống nước ngọt, nông dân ngày càng đa dạng canh tác với rau, hoa và cây ăn trái. Diện tích gieo trồng hàng năm 8.300 ha. Kinh tế vườn cũng phát triển dù hơi chậm, với diện tích độ 2.160 ha (trong đó diện tích trồng cây sơ ri chiếm khoảng 700-800 ha). Chương trình Ngọt hóa đang bị đe dọa xuống cấp do sự bồi lắng của các tuyến kinh dẫn nước, nếu không có biện pháp bảo quản hữu hiệu kịp thời.

Ngoài ra, ngành chăn nuôi khá ổn định, hàng năm có đàn heo 44.012 con, gần một triệu con gia cầm. Nuôi bò, dê và yến đang có xu hướng phát triển. Sản xuất ngư nghiệp đang được đặc biệt quan tâm, nhứt là đầu tư vào lãnh vực nuôi thủy sản với nhiều loại có giá trị kinh tế cao như: nghêu, sò huyết, tôm sú; vùng nước ngọt có tôm càng xanh, nuôi cá ao, cá trên ruộng lúa và nuôi cá bè dọc sông Tiền. Các loài cá tạp nhỏ được dùng chế tạo nước mắm, bột cá, làm thức ăn cho gia súc, thủy sản… Đến năm 2008, huyện Gò Công Đông có diện tích nuôi trồng thủy sản hàng năm độ 3.566 ha, trong đó nuôi tôm sú giữ vai trò chính yếu, tập trung ở xã Phú Tân, Phú Đông, Kiểng Phước và một ít ở Tăng Hòa, Phước Trung, Bình Đông, Bình Xuân, Tân Trung, Tân Phước và Gia Thuận, năng suất không cao và bị đe dọa bởi bệnh dịch truyền nhiễm do kém quản lý nước thải. Tổng sản lượng thủy hải sản thu hoạch hàng năm của huyện là 55.140 tấn (1).

Trong khi đó, Gò Công Tây tiếp cận tỉnh Long An ở phía Bắc, huyện Chợ Gạo ở phía Tây, sông Cửa Tiểu ở phía Nam và huyện Gò Công Đông ở phía Đông, phần lớn có nguồn nước ngọt từ sông Tiền Giang, đất đai phì nhiêu; nên có nhiều khu vườn cây trái sung túc và trồng rau cải xanh tươi quanh năm. Miền này ngoài trồng lúa còn có độ 3.000 ha dừa và 2.420 ha cây ăn trái, lại có ưu điểm không bị lũ lụt hàng năm. Chương trình Ngọt hóa Gò Công làm cho vùng đất này vốn xanh lại càng xanh tươi thêm, trồng trọt 2,3 vụ mùa, có nơi quanh năm; do đó, sản xuất nông nghiệp tăng vọt đáng kể. Hơn nữa, còn có chăn nuôi, nuôi trồng đánh bắt thủy sản và làm tiểu công nghệ: thực phẩm chế biến, dầu dừa thô, gỗ chế biến, than gáo dừa, hàng xơ dừa (1). Nhờ đó, đời sống dân Gò Công Tây tương đối phồn thịnh hơn Gò Công Đông. Ngoài ra, Gò Công Tây có vị trí gần với thành phố Mỹ Tho, một thị trường tiêu thụ lớn của tỉnh Tiền Giang, và tỉnh Long An, một nơi có nhiều khu công nghiệp năng động. Trung tâm thương mại của Gò Công Tây là thị trấn Vĩnh Bình, có nhà lồng chợ lớn, các dãy phố khang trang, thu hút hơn 380 hộ kinh doanh.

            Tầm nhìn tổng thể, Huyện Gò Công Đông-Tây và gồm cả tỉnh Tiền Giang đang gặp những vấn đề cần phải khắc phục:

(i)                 Hơn 300 năm qua, Gò Công chỉ phát triển về mặt nông nghiệp và một số ngành nghề tiểu công nghiệp gia đình, không có một công nghiệp lớn nào đang hoạt động trong vùng. Ngành nông nghiệp thường phụ thuộc điều kiện thiên nhiên, và đã phát triển tới mức giới hạn về diện tích; nên không thể tạo thêm nhiều phúc lợi cho người dân trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới, khi dân số mãi tiếp tục gia tăng và thiếu chánh sách hỗ trợ nông nghiệp hợp lý. Hiệu năng và lợi nhuận kinh tế của ngành nông nghiệp luôn thấp kém so với công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch. 

(ii)               Yếu kém cơ bản thứ hai là Gò Công chưa khai thác triệt để nội lực và tiềm năng kinh tế của vùng. Đất Gò có bờ biển khá dài từ Vàm Soai Rạp đến Cửa Đại độ 32 km qua 8 xã và hai cù lao, nhưng khai thác đánh cá biển xa bờ chưa đúng tầm mức, không có hải cảng tầm cỡ quốc gia, nhà máy biến chế thủy hải sản lớn. Gần đây mới phát triển kỹ nghệ nuôi tôm, thủy sản dọc bờ biển, nhưng công nghệ biến chế và xuất khẩu thủy hải sản còn yếu kém. Các loại đặc sản như mắm tôm chà, mắm còng lột, dưa hấu, mãng cầu, tủ thờ… chưa được khai thác triệt để cho thị trường quốc nội và quốc ngoại.

Chẳng hạn, hiện nay Gò Công sản xuất nhiều trái sơ ri ở Bình Ân, Bình Nghị, Tân Đông, Kiểng Phước, Tân Điền, nhưng một phần được Bến Tre thu mua để chế biến thành rượu, syrup và chế phẩm khác. Từ năm 2004 đến tháng 3-2006, diện tích trồng sơ ri giảm từ 750 ha xuống 280 ha. Một số nhà vườn thay thế cây sơ ri bằng trồng lúa và cây ăn quả khác, có giá trị kinh tế cao hơn (2). Thời kỳ vàng son của cây sơ ri vào thập niên 1980-1990 không còn nữa! Một điều nghịch lý là nông dân trồng sơ ri không có nơi tiêu thụ, trong khi nhà máy biến chế sơ ri xuất khẩu của công ty TNHH Thịnh Phát ở thị xã Gò Công cho biết không đủ nguyên liệu hoạt động! Đó là do thiếu quy hoạch hữu hiệu từ sản xuất đến tiêu thụ cho một loại trái cây được xem là "đặc sản" của tỉnh Tiền Giang. Công ty Thịnh Phát chuyên biến chế trái sơ ri với công suất 12 tấn sơ ri đông lạnh/ngày, dây chuyền ép nước sơ ri công suất 28 tấn nguyên liệu/ ngày (2).      

(iii) Yếu kém cơ bản thứ ba là hạ tầng cơ sở chưa phát triển đúng tầm mức, tương ứng với nhu cầu phát triển công nghiệp, chưa tạo đủ sức hấp dẫn thu hút đầu tư, nhất là nguồn vốn nước ngoài: Gò Công chỉ cách xa Sài Gòn 58 km đường bộ, 45 km đường chim bay, nhưng bị cô lập bởi các sông Vàm Cỏ, Soài Rạp, sông Cửa Tiểu, Cửa Đại và biển Đông, và xa với Quốc lộ 1A; nên rất ít du khách thăm viếng. Hơn nữa, Quốc lộ 50 còn chật hẹp, quá tải cho xe gắn máy, xe hơi; lại thêm phà Mỹ Lợi, nên phải mất gần 2 giờ để đi từ Sài Gòn đến thị xã Gò Công; do đó các tập đoàn kinh doanh khó đến đầu tư khai thác tiềm năng của vùng. Nhiều xe khách và các xe vận tải đi Sài Gòn, thường xuyên đi qua ngã Mỹ Tho, dù đường dài đến 105 km, gần gấp đôi QL 50! Ngoài ra, giao thông đường thủy từ Sài Gòn đến Gò Công rất tiện lợi, đi qua kinh Nước Mặn và sông Soài Rạp; nhưng đến nay vẫn chưa được khuyến khích khai thác và chưa có bến đò thực thụ. Chưa nói đến đường xá, cầu cống, điện, nguồn nước uống, trường học, y tế nông thôn, thông tin, viễn thông… trong hai Huyện còn rất nhiều giới hạn, nhứt là ở cù lao Lợi Quan (Huyện mới Tân Phú Đông).

2.   Khai Thác Tiềm Năng Đất Gò Để Vươn Lên

Có thể nói nền kinh tế Gò Công không được phát triển mạnh trong 3 thập niên vừa qua, ngoại trừ vài tiến bộ ở ngành thủy sản và công nghiệp may; mặc dù vùng đất này có một số ưu điểm thuận lợi và cơ hội phát triển cao so với một số tỉnh khác, với sông ngòi, biển cả, đất giồng và đồng ruộng. Điều này được thể hiện qua đời sống khó khăn của đa số người dân trong vùng, không có cơ sở công nghiệp mới đáng kể. Thị xã Gò Công được chỉnh trang lại trông có vẻ rộng rãi và khang trang hơn trước, nhưng hoạt động còn tĩnh lặng. Vùng đất Gò không có mõ kim khí, nhưng có được địa thế ưu đãi như sau (Hình 1):

(i)  Gò Công Đông là cửa ngõ và tiếp cận với thành phố Sài Gòn, Vũng Tàu - Bà Rịa, nơi công nghiệp phát triển mạnh, những thị trường tiêu thụ lớn. Gò Công Tây tiếp giáp với Long An và gần với thành phố Mỹ Tho, vùng công nghiệp và thị trường tiêu thụ lớn, theo thứ tự.


Bản đồ Gò Công, Tiền Giang 

(ii)  Với 32 cây số bờ biển, 03 cửa sông lớn (Soài Rạp, Cửa Tiểu và Cửa Đại) và rất gần với Bà Rịa-Vũng Tàu và Sài Gòn, đây là vị trí rất thuận lợi cho Gò Công phát triển nền kinh tế biển: cảng biển, đánh cá xa bờ, biến chế thủy sản, du lịch biển, giao thông vận tải và công nghiệp đóng tàu đang có xu hướng phát triển trong nước.

(iii) Sông Soài Rạp được chính thức khai thông luồng tàu biển mới từ Vũng Tàu vào cảng nước sâu Hiệp Phước ở Nhà Bè và Sài Gòn, ngoài con sông Lòng Tàu đã được sử dụng hơn thế kỷ qua. 

(iv)  Với 30 cây số sông Vàm Cỏ ở phía bắc rất thuận lợi cho giao thông chuyên chở hàng hóa đi các tỉnh ĐBSCL và Sài Gòn. Về phía đông, đường biển từ huyện Gò Công Đông đến Bà Rịa-Vũng Tàu chí cách khoảng 40 cây số.

(v)  Vùng đất đa năng: tiếp giáp biển Đông, có nhiều sông rạch, đất mặn, nước ngọt, rừng cây và một số di tích lịch sử nổi tiếng trong nước rất thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp và du lịch.

            Để phát triển vùng này, trước tiên cần phải có chính sách và quy hoạch thích đáng, quyết tâm vững mạnh nhằm nâng cao đời sống thịnh vượng của người dân và phát huy tối đa tiềm năng nội lực của đất Gò trong bối cảnh Tiền Giang và rộng lớn hơn trong quy hoạch phát triển kinh tế của ĐBSCL (thí dụ: dự án cầu Mỹ Lợi phải tạm hoãn vì thiếu ngân sách cho Gò Công!). Ngoài ra, còn phải chủ động khai thác đia lý ưu đãi, đẩy mạnh công nghiệp hóa và thị trấn hóa hướng ra Biển Đông, nỗ lực hơn trong ngành du lịch và phát triển nguồn nhân sự địa phương.

1)   Vấn đề chính sách và quy hoạch:

Một cách tổng quát, nhằm cải tiến đời sống người dân hiện nay, công tác phát triển kinh tế của ĐBSCL nói chung và vùng Gò Công nói riêng rất quan trọng, cần có những "think tanks" (bộ óc) giỏi, những giải pháp ngắn, trung và dài hạn, được thực hiện trên cơ sở tỉnh, vùng và quốc gia qua mô thức phối hợp tổng thể 3P: chính sách, quy hoạch và thực hành (policy-planning-practice).

Theo báo cáo trong nước, Đồng bằng Cửu Long gồm cả Gò Công hiện đang đối diện với một nghịch lý về mặt xã hội: đồng bằng đã sản xuất hơn 50% sản lượng lúa, 90% gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy hải sản và 70% sản lượng trái cây cả nước; nhưng đời sống của nông dân không chỉ kém về vật chất mà còn nghèo nàn về mặt văn hóa và tinh thần; trình độ học vấn thấp hơn mức bình quân của cả nước (3)!!! Năm 2012, một nghiên cứu mới của nhà nước còn xác nhận tình trạng thấp kém này của ĐBSCL! Đó là sự mất cân bằng vô lý của phát triển đất nước. Cho nên, ĐBSCL cần phải có chính sách, quy hoạch và thực hành thích đáng, nghĩa là cần một Master Plan hay quy hoạch tổng thể chung cho sự phát triển đồng bộ cả vùng, tỉnh, thành phố và các thị trấn trong công bằng xã hội.

Cần phải đặt lại vấn đề: Đồng bằng này gồm cả vùng đất Gò có nên tiếp tục phát triển lấy nông nghiệp làm căn bản như đã làm từ 3 thế kỷ qua để bảo tồn văn hóa và cân bằng môi trường? Nếu không, phải phát triển những gì có lợi ích kinh tế cao? Phải thực hiện như thế nào để được bền vững về cả mặt kinh tế và môi trường trong từng giai đoạn? Tỉnh huyện nào cần phải làm gì, ở đâu và khi nào? Vốn đầu tư? Đã có quy hoạch tổng thể hợp lý cấp nhỏ hơn cho phát triển kinh tế của tỉnh Tiền Giang và các huyện? Trung Quốc đã có quy hoạch tổng thể cho từng khu, miền, đặc biệt các khu đô thị hóa. Khi đã có quy họach rồi, bao giờ hoàn tất thực hiện?

Sự phát triển kinh tế đất nước không còn ở nông thôn. Các nước tiến bộ đã chuyển dịch từ nền kinh tế nông nghiệp qua kinh tế công nghiệp để giúp xứ sở phát triển và giàu mạnh hơn. Nông dân của họ trở thành thiểu số (dưới 10% dân số, riêng Mỹ dưới 1%), nhưng vẫn giàu có do các chính sách trợ cấp vĩ đại từ các lãnh vực khác của nhà nước. ĐBSCL, gồm cả Gò Công cần phải giảm tỉ trọng nông nghiệp, đa dạng hóa sản xuất, chủ yếu giảm bớt diện tích trồng lúa, để dành đất đai cho sản xuất những gì có trị giá kinh tế cao hơn, gồm cả công nghiệp, dịch vụ, thương mại và du lịch. Trong thế kỷ 21, quan niệm về an ninh lương thực không chỉ là tăng gia sản xuất thực phẩm, mà phải đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch tồn trữ và phân phối từ thành thị đến địa phương.

2)   Vấn đề địa lý ưu đãi:

-  Gò Công chỉ cách Sài Gòn, tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu ít hơn 50 km, chỉ cách Long An, Cần Giờ, khu công nghiệp cảng Hiệp Phước của Sài Gòn từ 1-10 km (sông Soài Rạp, sông Vàm Cỏ, sông Nhà Bè), nhưng tại sao nền kinh tế Gò Công còn đang ở trong tình trạng yên tĩnh và không được phát triển sống động như đang thấy ở các vùng và tỉnh lân cận? Có phải do thiếu sách lược và quyết tâm của các nhà lãnh đạo, mà chủ yếu thể hiện qua hạ tầng cơ sở còn yếu kém, nhứt là Quốc lộ 50 Gò Công - Sài Gòn chưa hoàn tất mở rộng trong hơn 30 năm qua? Trong tầm trung hạn, nếu Quốc lộ này được mở rộng đúng tầm mức và thay thế phà Mỹ Lợi bằng chiếc cầu, sẽ đem Gò Công tiếp cận với khu công nghiệp Hiệp Phước, khu đô thị Nam Sài Gòn và Long An, tạo nên sức bật cho đất Gò vùng lên. Cũng giống như tỉnh Bến Tre đã sốt ruột chờ cầu Rạch Miễu xây dựng xong để có cơ hội phát triển kinh tế mạnh hơn mức hiện có. Trong khi chờ đợi, Gò Công nên sớm hoàn tất mở rộng Quốc lộ 50 từ phà Mỹ Lợi đến Thành phố Mỹ Tho để chuẩn bị nối tiếp phần còn lại.

            Trong kế hoạch của "Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" gồm 8 tỉnh và thành phố: Vũng Tàu-Bà Rịa, Đồng Nai, Bình Dương, Sài Gòn, Tây Ninh, Bình Phước, Long An và gần đây thêm Tiền Giang, việc cải tiến Quốc lộ 50 đã được đề cập đến, nhưng 80% tuyến đường này thuộc phía đông của tỉnh Long An và nằm trong vùng không có ưu tiên phát triển của tỉnh này. Vùng ưu tiên của Long An nằm ở phía tây, gồm Bến Lức, Đức Huệ, dọc sông Vàm Cỏ Đông nối dài lên Củ Chi để hình thành các đô thị vệ tinh của Sài Gòn (4).

-  Ngoài ra, khu công nghiệp Hiệp Phước thuộc huyện Nhà Bè của Thành Phố HCM đã được qui hoạch và đang được thành lập. Các bến cảng nằm dọc theo sông Sài Gòn dự tính di dời về bờ phía Tây của sông Soài Rạp trong khu công nghiệp cảng Hiệp Phước trong vòng 10 đến 15 năm sắp tới của kế hoạch phát triển hướng ra biển Đông của Thành Phố (5). Bờ phía đông của sông này thuộc xã Tân Phước, Gia Thuận và Vàm Láng, Gò Công Đông. Sự phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến toàn vùng Gò Công, nếu chính quyền địa phương biết lợi dụng, khai thác và tiếp cận với các công tác phát triển trọng điểm vùng này.

-  Vùng biển Đông của Gò Công rất thuận lợi cho phát triển kinh tế về mặt biển. Hiện nay chỉ có xã Vàm Láng và Tân Thành, cách Thị Xã Gò Công 13-15 Km đường bộ, được phát triển khá mạnh với ngành đánh cá biển, du lịch và trở nên những vùng có nền kinh tế khá nhộn nhịp, cung cấp nhiều việc làm và đời sống của người dân địa phương sung túc hơn các nơi khác. Ở các cửa biển của sông Soài Rạp, Cửa Tiểu và Cửa Đại cũng có các xóm chày lưới đánh cá nhỏ, có đời sống tương đối khá giả hơn các làng ấp lân cận, nhưng cần được cải tiến để phát triển lớn hơn. Tuy nhiên, nghề đánh cá của Gò Công còn tính cách gia đình, chưa được tổ chức qui mô, chưa được công nghiệp hóa và tập trung đánh cá xa bờ, nên tiềm năng chưa được khai thác triệt để. Cần lưu ý hơn về phát triển kinh tế biển. Du lịch biển là một tiềm năng mới của đất Gò nếu được qui hoạch, đầu tư và kết hợp với các vùng năng động nói trên.


Bắt nghêu trên bãi biển Gò Công Đông (Internet) 

-  Vùng đất mặn ven biển: Bờ biển trải dài từ bờ sông Soài Rạp đến Cửa Đại, ít bị bão tố, ngoại trừ trận bão lụt năm Giáp Thìn 1904 ở Gò Công và bán đảo Cà Mau năm 2006. Biển có sóng lớn cao nhứt từ tháng 10 đến tháng 2, khi chịu ảnh hưởng của gió đông bắc (gió chướng) và thủy triều biển Đông. Khu vực ven biển được phù sa bồi đắp quanh năm, nên có một số cồn mới được thành lập có triển vọng kinh tế, như cồn Vân Liễu, cồn Ông Mão, cồn Ngang, cồn Vượt (1).

Dọc theo bờ biển có rừng cây ngập mặn, thuở xưa dày đặc, còn gọi là rừng phòng hộ Gò Công hay rừng chắn sóng ven biển, gồm các loại bần mắm, đước, dừa nước, phi lao. Dãy rừng này đã bị hủy diệt gần hết bởi thuốc khai quang trong thời chiến tranh (1960s), nay phục hồi, nhưng còn thưa và thấp, có nhiệm vụ thiên nhiên chắn sóng và thủy triều của Biển Đông để không làm xói bờ biển và bảo đảm cho khu ngọt hóa Gò Công Đông. Tuy nhiên, sự lạm dụng khai thác làm cho khu rừng ngày càng mỏng đi, hiện nay chỉ còn 1.600 ha. Trong đó có 350 ha rừng phòng giữ, chắn che cho tuyến đê ngăn mặn dài 21 km. Theo thống kê, trong 15 năm qua khu rừng phòng hộ Gò Công bị mất 15 ha/năm. Điều đó đang đặt khu rừng này và tuyến đê vào tình trạng nguy hiểm trong mùa mưa bão hàng năm. Nếu không có biện pháp ngăn chặn khai thác bừa bãi kịp thời, nước mặn xâm thực, thủy triều có thể phá vỡ con đê ngăn mặn và ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt và sự trồng trọt của ít nhứt 7.800 ha đất tự nhiên và trên 23.000 dân (6). Hiện nay, có một đoạn đê ngăn mặn không còn rừng chắn ở vùng biển Tân Thành, nên bị thủy triều phá vỡ, nước mặn xâm nhập làm cho nhiều ruộng lúa gần đó không thể trồng trọt.

Trong 4-5 năm nay, dân cư dọc theo ven biển Đông đã bắt đầu khai thác nuôi tôm sú và thủy sản khác, làm thay đổi tình trạng kinh tế của vùng ven biển, từ nghèo khó trở nên phát đạt. Cần lưu ý, theo kinh nghiệm của Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc và gần đây ở Cà Mau, Bạc Liêu cho biết rằng ngành nuôi tôm thường bị xuống dốc và sụp đổ sau 3-4 năm khai thác, nếu không theo đúng qui trình kỹ thuật, nhứt là tình trạng vệ sinh môi trường và hệ thống thoát nước ô nhiễm không được thiết lập đúng tiêu chuẩn. Do đó, việc nuôi tôm ven biển cần phải theo dõi cẩn thận để vừa có thể khai thác công nghiệp nuôi tôm và các loài cá khác được vững bền vừa bảo tồn rừng chắn thiên nhiên để chống đỡ thiên tai, xâm nhập nước mặn và xói mòn bờ biển.

-  Vùng nước ngọt: Hệ thống ngọt hóa của Gò Công Đông cần được bảo quản kỹ lưỡng để vừa giúp dân có đủ nước ngọt sinh sống trong mùa nắng và vừa giúp thâm canh vụ, tăng lợi tức nông dân. Nhờ nước ngọt, cả vùng Gò Công có thể khai thác trồng trọt các hoa quả có giá trị kinh tế cao, nhứt là rau cải, bông hoa và cây ăn trái để cung cấp cho thị trường địa phương và thị trường béo bở Sài Gòn. Đây là một điểm son của Huyện. Đặc biệt hơn hết, cần chú trọng đến hệ thống sản xuất các đặc sản nổi tiếng của vùng để xuất khẩu, như mắm tôm chà, mắm tôm chua, dưa hấu, sơ ri, mãng cầu, đồ mộc… dưới hình thức công nghiệp thay vì gia đình.

3)   Công nghiệp hóa và thị trấn hóa

Gò Công chỉ có thể phát triển mạnh nền kinh tế khi công nghiệp hóa và thị trấn hóa bắt đầu thực hiện. Trước hết cần phải phát triển tiềm năng nội lực địa phương. Cần phát triển công nghiệp biến chế bảo quản cho các đặc sản, rau quả và hải thủy sản, nhắm vào thị trường lớn như  Sài Gòn, các tỉnh láng giềng và xuất khẩu ra ngoại quốc. Điều kiện tiên quyết để xâm nhập vào các thị trường thế giới, các nông sản, đặc biệt các loại cây ăn quả và biến chế phẩm phải có chất lượng cao và sức cạnh tranh lớn. Cũng vậy, cần chú ý nhiều hơn ngành mộc và tiểu công nghệ để xuất khẩu qua Mỹ và Âu Châu vì hai thị trường này đang có triển vọng tiêu thụ cao nhứt trên thế giới hiện nay.

Các dự án cụm và khu công nghiệp sau đây đang hình thành tại một số địa phương là một hướng phát triển tích cực ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Gò Công và cả Tiền Giang, nên cần được quy hoạch hữu hiệu và sớm hoàn tất thực hiện.

-  Thành lập Cụm Công Nghiệp Long Hưng (thị xã Gò Công) là một dự án đầu tiên của đất Gò, có chiều hướng tốt cho phát triển vùng, nhưng cụm Công Nghiệp này chỉ thật sự phát triển mạnh khi Quốc lộ 50 được nâng cấp đúng mức và cây cầu Mỹ Lợi được xây cất xong để thu hút đầu tư và vận tải mau lẹ hàng hóa đến bến cảng và nơi tiêu thụ. Theo quy hoạch, cụm công nghiệp có diện tích 23 ha, nhằm khuyến khích đầu tư công nghiệp tiêu dùng, cơ khí, điện, điện tử, công nghệ tin học, hóa chất, sản xuất thiết bị điện, chế biến thủy sản, may mặc xuất khẩu…, với vốn đầu tư gần 73 tỉ đồng (7). Hiện nay, hạ tầng cơ sở được xây dựng tại ấp Hưng Thạnh, xã Long Hưng.

-  Cụm công nghiệp Vàm Láng: Cụm Công nghiệp nằm trên địa bàn xã Vàm Láng có diện tích gần 30 ha, tổng vốn đầu tư hạ tầng dự kiến 70 tỷ đồng. Xã Vàm Láng vốn là vùng thủy hải sản lớn nhất của tỉnh có cảng cá quy mô quốc gia với mật độ tập trung ghe tàu đánh bắt từ các nơi khác đến rất lớn. Chức năng của khu vực: Cảng cá, dịch vụ cảng cá, sửa chữa đóng tàu, chế biến hải sản.


 
Sửa soạn cho khu công nghiệp Gia Thuận

Hiện nay, huyện Gò Công Đông đang xúc tiến nhanh hoàn thành xây dựng hạ tầng Cụm cảng tổng hợp và công nghiệp Soài Rạp (Vàm Láng). Huyện ưu tiên cho đầu tư các loại hình chế biến thủy hải sản các loại và các dịch vụ phục vụ chế biến. Nước sạch phục vụ cho sản xuất, chế biến, tỉnh đã có kế hoạch dẫn từ Mỹ Tho về. Cụm Công nghiệp này đã có 02 doanh nghiệp là Châu Ngọc và Mỹ Yến đang hoạt động với diện tích mặt bằng 04 ha. Và doanh nghiệp tư nhân Đức Hương đang lập dự án đầu tư sản xuất nước mắm xuất khẩu với tổng vốn 521 tỷ đồng, trên diện tích mặt bằng 09 ha.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đang thành lập Khu Công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp, đồng thời triển khai Dự án Nhà máy ống thép Dầu khí ở đây, qua Công ty Cổ Phần Sản xuất ống thép Dầu khí Việt Nam (PV-PIPE) chuyên chế tạo ống thép phục vụ cho ngành Dầu khí. Hiện nay, nhà máy đã xây dựng xong và đang đi vào hoạt động sản xuất (Xem Chương 25: Gò Công - Các cụm công nghiệp hiện tại và tương lai). 

 

-  Gần đây, trên tuyến đê ven biển Gò Công, sông Soài Rạp, sông Vàm Cỏ, từ xã Kiểng Phước, Gia Thuận, Tân  Phước đến Bình Đông và Bình Xuân, tỉnh Tiền Giang quy hoạch khu Công Nghiệp Liên Hợp. Khu này gồm có khu công nghiệp tàu thủy Soài Rạp (Gia Thuận, Hình 3) với nhiều dự án cảng biển, đóng tàu, chế biến các sản phẩm dầu khí, các nhà máy, khu đô thị - thương mại - dịch vụ - du lịch…, với tổng vốn đầu tư đến hàng tỷ Mỹ kim trên diện tích độ 5.000 ha, do các Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn VINASHIN, Công ty An Sơn, Công ty Khang Thông và nhiều tập đoàn khác.

Hy vọng dự án lớn này sớm được thực hiện để tạo cơ hội chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống của gần 5.000 hộ với gần 30.000 nhân khẩu cùng trên 100.000 công nhân sẽ làm việc tại đây (báo Ấp Bắc).

Tuy nhiên, sự suy thoái kinh tế toàn cầu và Vinashin vỡ nợ đang gây ảnh hưởng lớn đến các dự án trong nước; do đó, dự án cảng biển, đóng tàu của tập đoàn này ở sông Soài Rạp bị hủy bỏ. Hiện nay, một khu rừng lá phòng hộ ven sông đã bị phá hủy và lấp đầy đất cát ở xã Gia Thuận-Vàm Láng, nhưng bị bỏ hoang vu (Hình 3)!

            Ngoài ra, còn có một số dự án công trình đã được thiết lập cho giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020, chẳng hạn:

(i)     Dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp (CCN) (2011-2015):

-          CCN Vàm Giồng, ở xã Vĩnh Hựu - huyện Gò Công Tây, diện tích 30 ha, vốn đầu tư 50 tỉ đồng (3,13 triệu USD).

-          CCN TT. Vĩnh Bình, ở TT.Vĩnh Bình- huyện Gò Công Tây, diện tích 20 ha, vốn đầu tư 62 tỉ đồng (3,86 triệu USD).

-          CCN Tân Long, ở xã Bình Tân và xã Long Bình- huyện Gò Công Tây, diện tích 20 ha, vốn đầu tư 40 tỉ đồng (2,5 triệu USD).

 

(ii)   Dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp (2016-2020):

-          CCN Đồng Sơn, ở xã Đồng Sơn- huyện Gò Công Tây, diện tích 15 ha, vốn đầu tư 30 tỉ đồng (1,88 triệu USD).

-          CCN Tân Tây, ở xã Tân Tây- huyện Gò Công Đông, diện tích 20 ha, vốn đầu tư 34 tỉ đồng (2,13 triệu USD).

-          Huyện Tân Phú Đông có 2 dự án: Khu du lịch sinh thái Cồn Ngang (xã Phú Tân) và Trại chăn nuôi heo (xã Tân Thới).

-                                                                                     

4)   Phát triển ngành du lịch:

Du lịch là một thành phần quan trọng của nền kinh tế trong một quốc gia. Kỹ nghệ du lịch nước Ý, Pháp đứng đầu trong đóng góp vào GDP của họ, hơn cả ngành công nghiệp. Trên thế giới, hơn 40% lợi tức do từ dịch vụ du lịch. Riêng ngành du lịch của đất Gò Công còn rất yếu vì không có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong nước. Nhưng, vùng này có bãi biển du lịch Tân Thành dành cho dân Gò Công và các tỉnh vùng lân cận như Mỹ Tho, Bến Tre và Long An, vì đường đi không xa lắm so với bãi biển Vũng Tàu. Đất Gò còn có các di tích lịch sử, như Lăng mộ Phạm Đăng Hưng, Lăng mộ Trương Công Định, Đám Lá Tối Trời, Đầm Vạn Thắng, Pháo Đài… Du lịch Gò Công cần kết hợp chặt chẽ với Thành phố Sài Gòn và các tỉnh lân cận.

Hiện nay, ngành du lịch có ý muốn tổ chức khai thác du lịch theo hai tuyến. Tuyến thứ nhất, du khách từ TP. Hồ Chí Minh đi đường Quốc lộ 50 đến thăm Lăng Hoàng Gia, đền thờ Trương Định, nhà Đốc Phủ Hải, Lăng Trương Định rồi đến khu du lịch Tân Thành - Hàng Dương. Tuyến thứ hai, du khách đi từ TP. Hồ Chí Minh đến TP. Mỹ Tho, tham quan cù lao Thới Sơn, sau đó đến Gò Công thăm viếng Lăng Hoàng Gia, biển Tân Thành... Thế nhưng, theo các công ty du lịch, các tuyến du lịch này vẫn chưa phát huy hết tác dụng và hiệu quả chưa cao vì thiếu tổ chức, quảng bá và hạ tầng cơ sở kém, trong khi những cố gắng kêu gọi đầu tư để trùng tu, bảo vệ các di tích nhằm thu hút khách tham quan các điểm du lịch đến nay vẫn chưa đạt được hưởng ứng đúng mức (10).

Ngoài ra, cần phải phục hồi, chấn hưng, phát triển các di tích lịch sử và thắng cảnh hiện có, đồng thời phổ biến rộng rãi khắp nước.

          Rừng lá Rạch Già                       

            Trong công tác chấn hưng và phát triển, cần đa dạng hóa giải trí cho người du lịch và cần có các điểm du lịch chuyên biệt của vùng, không giống với du lịch của các tỉnh khác. Đối với Gò Công, di tích lịch sử là các điểm du lịch cá biệt của vùng. Về anh hùng Trương Định, cần tái lập các địa danh nổi tiếng liên hệ đến Ông, chủ yếu lập một khu Đám Lá Tối Trời độ vài hecta (Hình 4) ở xã Tân Phước, Gia Thuận, nơi đây là chiến khu kháng Pháp cuối cùng của Ông, vì rừng phòng hộ hiện nay chưa sử dụng cho du lịch! Đồng thời cần trùng tu tái lập "Khuôn Đất Vinh" (sau này là Ao Vinh) nơi Ông tuẩn tiết ở xã Tân Phước, và xây dựng thêm thành lũy Pháo Đài ở cù lao Lợi Quan (giữa sông Cửa Tiểu và Cửa Đại). Tái lập một phần của Đầm Vạn Thắng và Thành Vạn Thắng (với lũy tre, đầm nước ở xã Bình Ân), tu bổ đền thờ ở Gò Tre để ghi nhớ chiến công của người hùng Võ Tánh và thu hút du khách bốn phương. Các công việc này không quá tầm tay của người dân đất Gò!

Chẳng hạn, xóm Rạch Già, Tân Phước có Ao Vinh, nhưng chỉ có thắng cảnh này chưa đủ thu hút nhiều du khách. Nếu gần đó có thêm 1-2 hecta dừa nước tượng trưng cho đám lá tối trời ngày nào, có lẽ sẽ có du khách thăm viếng nhiều hơn. Hiện nay, khu Ao Dinh chưa được ngành du lịch chú ý đến, vì còn hoang vắng, ít người biết đến. Thiếu quảng bá sâu rộng di tích này cùng kết hợp với du lịch Đền thờ Trương Định ở Gia Thuận, mộ phần của Ông ở thị xã Gò Công và khu du lịch Tân Thành. Có nhiều nhóm du khách đến viếng Đền thờ Trương Định rồi về, không ghé thăm Ao Dinh dù cách đó hơn một cây số. Nhóm làm video Gò Công Ngày Nay (DVD 1 và 2) là một thí dụ cụ thể - thiếu thông tin Ao Vinh, nơi Trương Định tuẩn tiết!

Chiến lũy Pháo Đài cũng không thoát khỏi tình trạng này, nghĩa là chưa được khai thác trong ngành du lịch của tỉnh Tiền Giang (12-2012)!

Ở nước Ý, các di tích lịch sử cách nay hơn 2.000 năm thật sự đã bị thời gian hủy diệt hoàn toàn, nhưng được người Ý đầu tư nhiều năm trong các chương trình dài hạn, nhằm phục hưng và tái lập di tích để thu hút du khách thế giới, như đấu trường Coloseum, Tòa Thánh Vatican, khải hoàn môn Constantine ở thành phố Rome; thành phố Pompei bị núi lửa chôn vùi ở tỉnh Napolie, mộ Julliette, biệt thự gia đình Romeo và Julliette…

Cần tái lập cánh rừng bần, đước ở gần biển Tân Thành, tạo nên một điểm du lịch sinh thái cho du khách đến viếng thăm sau khi đến biển Tân Thành nghỉ ngơi, để làm tăng thêm sự thu hút của điểm du lịch này. Ngoài ra, cần kết hợp với các chương trình du lịch của tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Long An và Sài Gòn để làm phong phú ngành du lịch đất Gò.

(ii) Phổ biến, giới thiệu rộng rãi các địa điểm du lịch lịch sử, thắng cảnh và đặc sản của đất Khổng Tước Nguyên, đặc biệt qua trang website trên mạng. Đến nay, Gò Công còn rất ít website chuyên đề du lịch và giới thiệu đất Gò Công đầy đủ chi tiết. Những website trong nước hiện nay còn rất nghèo nàn về nội dung và vận tốc chậm chạp. Người ngoài tỉnh và ngoại quốc rất khó khăn truy cập Internet để tìm hiểu thông tin chi tiết về con người, kinh tế, xã hội, văn hóa và các nét đặc thù nổi bật của vùng này. Trang web của Tiền Giang hiện nay giới thiệu quá sơ luợc về vùng đất Gò Công, không đủ sức hấp dẫn đầu tư và du lịch từ phương xa.

5) Phát triển nguồn nhân lực:

Cần có chính sách và chế độ ưu đãi để thu hút nhân tài về hoạt động tại đất Gò, ở các cụm và khu công nghiệp tương lai. Cần huấn luyện nông dân với kỹ thuật tiến bộ và chuyển đổi nghề nghiệp khi cần. Hiện có bao nhiêu Kỹ sư, Thạc sỹ và Tiến sỹ đang làm việc ở đất Gò?! Do đó, cần có một Đại học cộng đồng ở Gò Công để đào tạo nhân tài tại chỗ.

6) Lập các dự án chi tiết và khả thi cho phát triển các loại đặc sản, rau quả, hải sản, biến chế nông phẩm, đồ mộc để xuất khẩu, du lịch, các công nghiệp địa phương và hạ tầng cơ sở (đường sá, bến cảng, cầu Mỹ Lợi, nguồn nước uống…) để xin duyệt xét trợ cấp, đồng thời kêu gọi đầu tư từ chính phủ, doanh nghiệp nước ngoài và tư nhân. Đầu tư của người đồng hương cần được cổ võ và khuyến khích thực tâm. Đặc biệt cần nỗ lực nhiều hơn để tiếp cận, khai thác các hoạt động của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các Cụm Công Nghiệp đang hình thành trong huyện cho nhu cầu phát triển kinh tế của vùng đất Gò. Cầu Mỹ Lợi cần được thúc đẩy xây cất và QL50 hoàn tất càng sớm càng tốt. Cần hợp tác và kết nghĩa huynh đệ với Thành phố HCM, TP Hải Phòng, TP Đà Nẳng…

3.   Kết Luận

Gò Công là vùng đất nhỏ trong đồng bằng sông Cửu Long, một thời trù phú có địa thế ưu đãi, nhưng đã trở nên cô lập, ít du khách viếng thăm và không có nguồn đầu tư bên ngoài. Vì vậy, sự phát triển kinh tế hiện nay còn khá chậm chạp so với các tỉnh và vùng lân cận. Nhiều thanh niên đã bỏ làng ấp đến các khu công nghiệp ngoại vùng tìm việc làm sinh sống. Cả vùng trông có vẻ yên lặng, ngay ở thị xã Gò Công với ít chiếc xe hơi qua lại vào lúc cao điểm. Do đó, phải làm thế nào để vực dậy sức sống năng động của ba huyện nhà trong thời kỳ Đổi Mới? Đây là câu hỏi trăn trở của nhiều người quan tâm đến vùng đất Gò.

            Rõ ràng sức năng động kinh tế của Gò Công chỉ có thể trổi dậy khi bốn sự kiện sau đây trở thành hiện thực để tạo sức bật đáng kể cho phát triển tương lai:

(1) Khi các cấp lãnh đạo liên hệ có quyết tâm cao, được thể hiện qua chính sách, qui hoạch hữu hiệu và thực hiện nghiêm túc để phát huy tối đa tiềm năng kinh tế hiện có của vùng, phát triển các khu cụm công nghiệp, thị trấn, thương mại, dịch vụ và du lịch, với đặc biệt chú trọng nền kinh tế biển. Cần có thái độ chủ động hơn là thụ động hiện nay.

(2) Khi địa bàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được thật sự mở rộng thêm đến tỉnh Tiền Giang (Gò Công có vị trí rất gần với Sài Gòn, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu và khu công nghiệp cảng Hiệp Phước của Thành Phố). Gò Công cần hiện diện rõ nét trong vùng kinh tế trọng điểm này.

(3) Khi Quốc lộ 50 nối Sài Gòn - Gò Công - Mỹ Tho được nâng cấp mở rộng hoàn tất, cầu Mỹ Lợi được xây cất để thay thế chiếc phà chậm chạp, giúp lưu thông vận tải hàng hóa được dễ dàng và nhanh chóng hơn. Và

(4) Khi Khu Công nghiệp Long Hưng, Công nghiệp liên hợp Gò Công, các dự án cụm công nghiệp khác được thực hiện sớm và một trường Đại Học cộng đồng được thành lập.

Trần Văn Đạt, Ph. D.

8-2008

Tài Liệu Tham Khảo:

1.      Tiền Giang. 2006. Mục kinh tế-xã hội: thủy sản.
2.      Huỳnh Phước Lợi. 2006. "Xử trảm" vườn sơ ri Gò Công. SGGP Online.
3.      Tô Văn Giai. 2006. Ba giải pháp góp phần xóa đói, giảm nghèo ở đồng bằng sông Cửu Long. Tuổi Trẻ online
4.      Đặng Đại. 2006. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam loay hoay đầu tàu phát triển - Bài 2: Bao giờ có nhạc trưởng? Tuổi Trẻ online
5.      Đặng Vỹ. 2006. Hiệp Phước trở thành cụm cảng trung tâm (http://www.vietnamnet.vn).
6.      Tấn Vũ. 2006. Rừng Mỏng dần - Đê nguy hiểm. Tin Tức Sự Kiện, Tiền Giang
7.      Lê Ngọc. 2008. Tiền Giang: Khởi công xây dựng cụm công nghiệp Long Hưng.
8.      Phùng Long. Vàm Láng - Từ làng biển đến một đô thị biển trong tương lai –
9.      Chu Trinh. 2008. Vàm Láng: Kinh tế thủy sản của một xã chuyên ngư.
10.  Thế Anh. 2011. Những ngôi nhà độc đáo và việc giữ gìn di tích cổ.

 


 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free