Huy Lữ TRẦN VĂN ĐẠT
Nguyên Chánh Chuyên gia FAO - Rome

Lễ hội

HẠT GẠO VÀ LỄ HỘI THẾ GIỚI


 

(Ảnh Internet)

Qua hàng ngàn năm, lúa gạo là thực phẩm thiết yếu hàng đầu và đóng vai trò quan trọng trong tiến trình văn minh của nhiều dân tộc trên thế giới.  Nguồn gốc của cây lúa đã được nhiều chuyên gia quốc tế nghiên cứu, nhưng các ý kiến và giả thuyết chưa đồng thuận.  Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học đã đồng ý rằng cây lúa trồng hiện nay là do sự thích ứng và tiến hóa của loài lúa hoang đa niên có cùng chung tổ tiên vào thời đại luc địa Gondwana chưa tách rời nhau.  Gần đây, các di chỉ khảo cổ cho biết rằng cây lúa trồng có thể xuất hiện một cách độc lập từ nhiều trung tâm khởi thủy, mà một trong những trung tâm này là miền Bắc Việt Nam cách nay độ 8.000 năm trong nền văn hóa Hòa Bình hoặc xa hơn.  Tầm quan trọng của lúa gạo trên thế giới được thể hiện như sau:

  • Lúa gạo là thức ăn căn bản của hơn 50% nhân loại trên thế giới hay 4 tỷ người;
  • Lúa gạo và phó sản cung cấp 27% năng lượng hấp thụ cho thế giới và 50-70% trong nhiều nước A Châu;
  • Lúa gạo cung cấp việc làm cho 1 tỷ người trên thế giới;
  • Lúa gạo rất quan trọng cho tình trạng an ninh thực phẩm trong nhiều nước kém phát triển;
  • Hệ thống trồng lúa không những cung cấp thức ăn dinh dưỡng con người, còn mang các chức năng khác qua bảo tồn đất đai, thủy lợi, môi trường và nền văn hóa của nhiều cộng đồng trên thế giới;
  •  Đến năm 2030, thế giới cần tăng gia sản xuất thêm 38% sản lượng lúa của năm 1997-1999 (590 triệu tấn lúa) để phục vụ cho một thế giới hơn 8 tỷ người; và
  • Vì thế, năm 2004 được Liên Hiệp Quốc và thế giới vinh danh là Năm Lúa Gạo Quốc Tế.

               Thật vậy, lúa gạo đã ăn rể sâu vào đời sống, văn hóa và lịch sử của rất nhiều dân tộc và cũng phát sinh ra nhiều nền văn minh lúa nổi tiếng trên thế giới; nhưng chúng ta nhiều khi quên đi vai trò văn hóa sơ khai, lâu dài của cây lúa với nhiều tập tục thần thoại và lý thú liên hệ đến hạt gạo.  Thật là ngạc nhiên khi thấy loại ngũ cốc này đã không những xâm nhập đặc biệt vào đời sống người A Châu (sản xuất và tiêu thụ hơn 90% tổng sản lượng lúa trên thế giới), mà còn xuất hiện trong đời sống văn hóa trong các châu lục khác, nhứt là châu Âu và châu Mỹ.  Kể từ thời đại La Mã cổ xưa, trong các đám cưới hỏi, cô dâu thường được những người dự khán ném các loại hạt hỗn hợp như hạt hạnh nhân, hạt đậu và vài loại hạt khác để cầu chúc các cô dâu được nhiều hạnh phúc và sinh nhiều con cái. Về sau, bị ảnh hưởng của nền văn hóa A Châu, gạo trắng đã thay thế các loại hạt khác trong lễ cưới hỏi vì hạt gạo có màu trắng tinh khiết dễ thương lại nhẹ nhàng, dễ chịu hơn khi được khán giả ném chúc lành.  Tục lệ này vẫn còn tồn tại đến ngày nay dưới nhiều hình thức, trong đó thói quen rải bông giấy màu trong các lễ hội lớn, nhứt là vào dịp lễ cưới đã được phổ biến rộng rãi.  Ơ nước Mỹ, chẳng hạn, lễ cưới được xem như chưa hoàn tất nếu cô dâu không được ném gạo và bông giấy nhiều màu.

 Ngày nay, tục lệ ném gạo vào cô dâu trong ngày lễ cưới vẫn còn được dân chúng nước Y ưa chuộng.  Cách đây vài năm, một tai nạn hiếm có xảy ra ở xứ này do tục ném gạo trong ngày cưới.  Đó là một cô dâu trẻ ở Lecco, một tỉnh thuộc miền nam nước Y, đang hạnh phúc tràn trề trong một lễ cưới trang trọng vừa xong ở nhà thờ, bỗng cảm thấy khó chịu không ít khi một hạt gạo được ném từ khách chúc lành đã lọt vào tai của cô một cách kỳ lạ.  Cô nàng được đưa khẩn cấp vào bệnh viện và hạt gạo được lấy ra an toàn, điều này cho thấy “quyền năng của hạt gạo” và vai trò của lúa gạo trong đời sống con người.

Tại Nhựt Bổn
, trước kia, lúa gạo gặt xong và chỉ được ăn sau khi nông dân tổ chức một lễ hội đặc biệt với các điệu vũ múa và mặc quần áo cổ truyền.  Lễ Koshogatsu có nghĩa là “Tiểu Tân Niên” được tổ chức vào ngày trăng tròn đầu tiên trong năm, độ tháng giêng (Nhựt không còn dùng âm lịch kể từ 1868), để cầu nguyện được mùa.  Đến khi vụ lúa bắt đầu vào ngày 1 tháng 6, những cô gái Nhựt mặc áo Kimono với tay áo xếp ngược được buộc chặt bằng những mảnh khăn đỏ, bắt đầu cấy lúa, trong khi nông dân đánh trống, thổi sáo và đánh chuông cũng như hát hò và khiêu vũ, làm vang động và rộn rịp cả một vùng trời.  Vào mùa gặt hái tháng 8, hạt lúa mới thu hoạch được dâng lên cúng trời đất ở các địa phương.  Ơ cấp bậc quốc gia, Nhựt Hoàng đến dự lễ hiến dâng gạo mới sản xuất đến Trời Phật.  Hiện nay, ngày lễ chào mừng mùa gặt lúa trở thành ngày lễ quốc gia, được gọi là “Ngày Tạ Ơn Lao Động”, nhằm ngày 23 tháng 11 mỗi năm.  Ngày lễ này gần tương tự với “Ngày Tạ Ơn” của Mỹ, được tổ chức vào ngày Thứ Năm trong tuần lễ cuối tháng 11.  

Triều Tiên lúc xưa cũng có lễ hội Ngày Trăng Tròn Âm lịch Đầu Tiên vì bắt đầu vụ mùa nông nghiệp của năm.  Vào ngày lễ này, người Triều Tiên thức dậy sớm, ăn năm loại hạt đặc biệt (ngũ cốc): gạo, lúa mè, nếp, đậu và lúa miến được trộn với lá rau cải xanh phơi khô, nhằm chống nhiệt độ lên cao trong mùa hè sắp tới.  Những cộng đồng nông nghiệp địa phương tổ chức các nghi lễ để thờ cúng các thần linh và thả diều có đề chữ “dẹp bỏ ma quỉ”, hy vọng mùa thu hoạch sắp tới được mỹ mãn, không bị quyền lực ngoại giới ma quỉ gây thiệt hại.  Dân Triều Tiên cũng làm lễ Chusok hay Lễ Hội Mùa Trăng Gặt Hái vào ngày rằm tháng Tám âm lịch để vừa tạ ơn cho mùa gặt vụ thu và đồng thời để tưởng niệm công ơn tổ tiên.  Trong mùa lễ này, có một loại bánh gạo hình bán nguyệt cổ truyền với nhiều hạt mè, bột đậu gọi là Songpyon rất phổ biến trong dân gian, và các gia đình đi tảo mộ ông bà để thăm viếng, cúng bái và làm sạch mộ cho mùa đông sắp tới.

Tại Philippines, Hội Lễ Tạ Ơn là một trong những hình thức lễ lạc của các bộ lạc ở các đảo.  Ơ bộ lạc Ifugao, những điệu múa vũ chuyển động bắt chước như những con gà trống đi rải rác trên nền đất, tượng trưng cầu nguyện tạ ơn đến Thần Kabunian cho được mùa lúa.  Cả nam và nữ tỏ ra hoan lạc trong lễ hội Tạ Ơn này.  Ơ đảo Manerwap, khi gặp trời hạn hán, tộc Bontoc làm lễ cầu nguyện đấng Kabunian (Thượng Đế) mở rộng bầu trời để mưa rơi xuống làm đầy nước ở các ruộng lúa bậc thang và miền núi non.  Những người trẻ tham dự Hội Lễ này phải leo núi khó khăn để đến một nơi thiêng liêng gọi là Fawi hiến dâng rượu và thịt cho Ngài.  Họ là những thanh niên mạnh khoẻ phải chịu nhịn đói và chỉ uống nước khi leo núi.  Còn các bô lão nhảy múa cầu mưa trong hai ngày liên tiếp và đánh phèn la suốt đêm.

Ở đảo Bali thuộc nước Indonesia, lúa gạo là hiện thân của Thần Dewi Sri, Mẹ Lúa Gạo, Thượng Đế của đời sống và sinh sản.  Đây là vị thần thánh được tôn kính cao qúy nhứt của Ân Giáo (Hindu), xuất hiện ở mọi nơi dưới hình dạng cả nam và nữ.  Trong lễ nghi hàng ngày, nông dân đặt từng nhúm gạo dọc theo bờ ruộng để cho các ma quỉ và thú dữ không dám đến phá hại.  Người dân Bali rất tôn sùng Mẹ Lúa Gạo vì họ tin rằng nếu không có thần Dewi Sri, họ không có được đời sống như ngày nay.  Mọi người từ trẻ đến già, nam hay nữ cần phải hấp thụ quyền lực của Mẹ Lúa Gạo vào thân thể mình, bằng cách làm ướt trán, thái dương và ngực với nước thánh và dán hạt gạo chưa nấu vào da thịt của mình.

Malaysia: Hội Lễ Gặt Lúa còn gọi là Gawai Dayak được tổ chức vào ngày thứ hai của tháng Sáu, nhưng mỗi đảo có một tập tục và truyền thống riêng biệt và ngày tổ chức lễ hội cũng không giống nhau.  Dân đảo Sabah tổ chức Hội Lễ Gặt Kadazan.  Theo sự tin tưởng của dân đảo này, thần lúa được xem là một phần của Thần Kinoingan còn được biết là Thần Bambaazon, đấng Tạo Hóa của sự sống và sinh tồn.  Do đó, người dân Malaysia tôn kính thần lúa Bambaazon qua lòng trân trọng đến mọi bộ phận của cây lúa, từ thân rạ, hạt gạo đến hạt cơm.  Nhiều người tin tưởng rằng “Không có lúa gạo, không có sự sống.”  Trong ngày lễ hội, người thổ dân Saba mặc áo cổ truyền nhiều màu sắc, và vui chơi trong bầu không khí lễ lạc từ sáng đến chiều tối.  Tapai, một thứ rượu trắng thổ sản được uống đến say sưa trong ngày lễ hội này.

Tại miền nam Ấn Độ, Hội Lễ Pongal là một hội lễ 4 ngày mừng thu hoạch lúa và là một trong những lễ hội lớn, quan trọng và vui vẻ nhất trong năm.  Ở tiểu bang Tamil Nadu, gạo mới thu hoạch được nấu trong một buổi lễ trang trọng trong cộng đồng địa phương.  Ơ Kanataka, lễ hội này được gọi là “Sankranti” và những con bò vàng được trang hoàng với màu sắc rực rỡ và được dẫn đi theo nhịp trống kèn.  Trong 4 ngày lễ hội Pongal, mỗi vị thần linh được cúng bái một ngày, với những tục lệ khác nhau tùy theo địa phương.  Tại Ấn Độ, lễ hội mừng gặt lúa được tổ chức cùng ngày, nhưng với tên khác nhau ở mỗi vùng.  Tuy nhiên, trong những lễ hội này, đốt lửa mừng và thết tiệc lớn là hai lễ tục truyền thống luôn luôn phải có để dân làng có cơ hội chung vui và tạ ơn ngày gặt lúa.   

Thái Lan là một nước xuất khẩu lúa gạo nhiều nhứt trên thế giới từ hơn 70 năm qua, nhưng nông dân trồng lúa vẫn còn tương đối nghèo.  Lúa gạo là yếu tố quan trọng của đời sống và nền kinh tế nước này.  Trong 700 năm qua, Lễ Hội Cày Hoàng Gia được tổ chức hàng năm vào khoảng tháng Năm rất trọng thể trước Đại Sảnh Đường ở Bangkok, dưới sự chủ trì của nhà vua.  Hội lễ này giống như lễ Tịch Điền ngày xưa của Việt Nam vậy.  Bắt đầu buổi lễ này, vị Phraya Raek Na, một công thần trưởng ban tổ chức làm một quẻ bói toán về thời tiết sắp tới, bằng cách chọn một trong 3 mảnh vải màu có chiều dài khác nhau, được che phủ bằng một mảnh vải khác trong một cái khay, do một nhà tiên tri Brahim bưng giử.  Nếu mảnh vải ngắn được chọn, sẽ có mưa nhiều ở trên đất cao, lụt lội ở đất thấp; nếu mảnh vải trung bình, sẽ có mưa thuận gió hòa; và nếu mảnh vải dài, trời sẽ ít mưa, có hạn hán ở đất cao nhưng có nhiều nước ở đất thấp.   Sau đó, vị Phraya Raek Na quấn tấm vải đó vào thân, tiến đến ruộng và bái lạy Nhà Vua.  Ông ta bắt đầu cày ruộng với hai con bò mộng qua 3 vòng chung quanh thửa ruộng và 3 đường cày chéo góc, trong khi tay gieo hạt lúa đựng trong một rổ bằng vàng được mang bởi 4 Nang Thepis.  Sau khi cày xong, hai con bò mộng được tháo ách và dẫn đến trước một nơi có trưng bày sẵn 7 thức ăn uống: hạt lúa, đậu xanh, bắp, cỏ khô, hạt mè, nước và rượu trắng.  Thức ăn nào mà hai con bò ưa thích nhứt được dùng để tiên đoán tình trạng vụ mùa lúa sắp tới.  Chẳng hạn, nếu bò ăn hạt lúa hay bắp, vụ mùa ngũ cốc và cây ăn quả sẽ trúng mùa; nếu bò uống rượu, vấn đề truyền thông sẽ được cải tiến, kinh tế phát vượng và ngoại thương gia tăng… Sau khi cuộc lễ chấm dứt, những người dự khán tranh nhau chạy vào ruộng, lượm các hạt lúa đã gieo và mang về nhà trộn chung với hạt giống của mình để gieo trồng hoặc giữ lại như một vật thiêng liêng của gia đình.

Ở Thái Lan, hiện nay còn có Hội Lễ Tên Lửa rất nổi tiếng, được tổ chức vào tuần lễ thứ hai của tháng Năm ở Yasothon, miền Đông Bắc Thái Lan để cầu nguyện mưa nhiều.  Vào đầu gió mùa, nông dân ở các làng Đông Bắc Thái làm những hoả tiển khổng lồ để bắn vào không trung nhằm “đảm bảo” mưa thuận gió hòa sắp tới, sau khi trải qua những buổi lễ, diễn hành, nhảy múa và ăn uống say sưa, và trước khi bắt đầu những ngày làm việc nặng nhọc ngoài đồng áng.

Tại Việt Nam, từ thời Hùng Vương đã có Hội Lễ Tịch Điền, nhằm khuyến khích dân chúng trồng lúa, phát động mùa lúa mới và cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa; nhưng lễ hội này được tổ chức long trọng hơn hết dưới triều đại Nhà Nguyễn.  Ngoài ra, còn có các Lễ Thượng Điền, Lễ Hạ Điền, Lễ Cơm Mới…được tổ chức ở các đình miểu địa phương.  Vào năm 987, Vua Lê Hoàn (980-1.005) đến cày ruộng ở Núi Đọi và núi Bàn Hải (Hà Nam) làm xới bật lên hai hũ vàng và bạc, nên gọi là ruộng vàng, ruộng bạc, với mục đích khuyến khích dân chúng phát triển nghề trồng lúa trong nước.  Lễ Tịch Điền được tổ chức vào tháng Năm âm lịch, gọi là tháng trọng xuân.  Vào thời Vua Minh Mạng, lễ này được tổ chức rất trọng thể ở phường An Trạch và Hậu Sinh, Huế.  Trong buổi lễ, Nhà Vua đích thân cày ruộng, tay phải cầm cày, tay trái cầm roi, với hai bô lão dắt trâu và hai người khác đỡ cày.  Theo sau, một triều thần gieo thóc.  Nhà Vua cày ba lượt giữa tiếng nhạc, phèn la vang.  Tiếp theo, các Hoàng Tử cày 5 lần, quan viên văn bộ cày 9 lần và cuối cùng nông dân xã Phú Xuân.  Lúa thu hoạch ở các ruộng lễ hội Tịch Điền này được phân phối cho nông dân làm lúa giống cho mùa tới.

Không cần nói nhiều, bất cứ lễ hội nào trong năm ở nước ta, từ các đình miễu đến gia đình, gạo và nếp hay cơm, xôi và rượu trắng đều được trân trọng dùng làm thực phẩm thờ cúng ông bà, tổ tiên, thần thánh và Trời Phật.  Tết năm nay cũng như mọi năm, nhà nhà đều có bánh chưng hay bánh tét, thức ăn truyền thống làm bằng gạo nếp từ đời Vua Hùng Vương Thứ VI, cách nay độ 2.500 năm, bên cạnh các món ăn cổ truyền khác, để tưởng nhớ tổ tiên và đón mừng Năm Mới Hy Vọng Mới.

10-2004

 TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  FAO. 2004. Tài liệu của  Năm Lúa Gạo Quốc Tế.

-          Duy Từ. 2000. Lễ Tịch Diền. Lễ hội cung đình triều Nguyễn. NXB Thuận Hóa, Huế, trang 82-85.

 

 

This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free