Huy Lữ TRẦN VĂN ĐẠT
Nguyên Chánh Chuyên gia FAO - Rome

Đô thị hóa

VẤN ĐỀ ĐÔ THỊ HÓA

VÀ CHUYỂN ĐỔI ĐẤT NÔNG NGHIỆP

Trần Văn Đạt


Đô thị
đầu tiên đã xuất hiện cách nay 5.000 năm ở thung lũng sông Tigris và Euphrates, Trung Đông. Đến đầu thế kỷ 20, dân số thế giới sống ở thành thị chiếm 15%, hiện nay gần 50% và trong năm 2030 đến 60%. Đô thị hóa là một qui trình phát triển và tiến bộ của thế giới, do tiến trình này đi song song với sự phát triển kinh tế và công nghiệp. Theo định nghĩa trước đây, đô thị hóa là một qui trình tập họp các phố sá, kỹ nghệ, thương mại, dịch vụ và giao thông ở một nơi thuận lợi về mặt kinh tế hoặc văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, tình trạng chất lượng của mỗi đô thị khác nhau, tùy thuộc vào sự xuất hiện của chúng ở các nước đang phát triển hay các nước công nghiệp tiền tiến. Tại các nước đang phát triển, các thành thị bành trướng nhanh chóng thiếu qui hoạch, thiếu tài nguyên và theo dõi; nên phát sinh một số tệ trạng kém chất lượng như dân số đông đảo quá tải, giao thông tắt nghẽn, tội ác, nghèo khó, thiếu điện nước và ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, các thành phố lớn cũng cung cấp nhiều cơ hội cho việc làm, lương bổng tốt hơn, nhiều dịch vụ xã hội (nước, điện, giao thông, thông tin…), năng suất sản xuất cao hơn, và có cơ hội phát triển văn hóa, tôn giáo nhiều hơn.

Do đó, cần có một qui hoạch chính thức cho mỗi đô thị với tầm nhìn xa để điều hòa quản lý đất đai, xây cất building, khu dân cư, thương mại, hành chánh, khu cây xanh với sự phối hợp chặt chẽ cho hạ tầng cơ sở như đường sá ra vào, điện nước, các hệ thống thoát thủy, quản lý chất thải, v.v.

Ở các nước tiền tiến, quá trình đô thị hóa đã bắt đầu phát triển từ 200 năm nay, mạnh nhứt từ gữa thế kỷ 19 đến thế kỷ 20 và còn tiếp tục đến nay. Cho nên, các nước này đang đề cập đến bảo vệ đất nông nghiệp, mặc dù còn lõng lẽo. Chẳng hạn, nước Mỹ có luật lệ Liên Bang bảo vệ đất nông nghiệp, nhưng việc thi hành rất mềm dẻo tùy theo điều kiện của mỗi bang. Những nơi đã có quá nhiều đô thị lớn như bang New York thi hành luật lệ này rất nghiêm nhặt, trong khi ở những nơi còn nhiều đất nông trại như bang Indiana, việc thi hành luật rất thông thoáng. Trái lại, một số nước còn đang phát triển lại nghĩ đến bảo tồn đất nông nghiệp cho những nông dân nghèo!

Trung Quốc có một chính sách rất tiến bộ nhằm phát triển các đô thị để cải tiến dân sinh và giảm mức nghèo khó ở nông thôn. Hiện nay hướng tiến đô thị hóa của nước này đã chuyển từ các vùng bờ biển vào lục địa, chẳng hạn Tứ Xuyên, Hồ Nam. Ở Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, phố thị phát triển mau lẹ mỗi năm. Nhà kinh tế Joseph Stiglitz, đoạt giải Nobel, phát biểu rằng: “Vấn đề đô thị hóa ở Trung Quốc và sự phát triển công nghệ cấp cao của Mỹ là hai chìa khóa ảnh hưởng sâu đậm đến phát triển con người trong thế kỷ 21… Đô thị hóa của Trung Quốc sẽ là đầu tàu cho sức lớn mạnh kinh tế của vùng và mang đến  lợi ích kinh tế quan trọng nhứt”. Họ đang cố gắng chuyển đổi lực lượng nông nghiệp qua các kỹ nghệ phi nông nghiệp trong những vùng còn hệ thống nông nghiệp truyền thống, đặc biệt ở miền trung của Trung Quốc, nơi nghèo khó hơn các vùng khác, với chính sách phát triển kỹ nghệ nhỏ và trung bình ở nông thôn. Họ muốn biến đổi nông dân thành thị dân càng nhiều càng tốt, còn vấn đề cung cấp thực phẩm, nếu cần, có các nước nhỏ chung quanh sản xuất.

Ở Thái Lan, thủ đô Bangkok phát triển mạnh từ 1974 cho đến cuối thập niên 1980s, khi nền kinh tế của nước này trong lúc thịnh vượng với mức tăng trưởng kinh tế gần 8% từ 1960 đến 1970 và sau đó từ 10-13% mỗi năm (13,2% trong 1988). Cho đến đầu thập niên 1990s, vùng bán kinh 40 km của thủ đô Bangkok đã bao gồm nhiều khu nhà bất động sản, khu thương mại, kỷ nghệ và các trung tâm giải trí. Tuy nhiên, quan niện về Vùng Thủ Đô Bangkok nay mau chóng trở nên lỗi thời và đang được thay thế bằng Thủ Đô Bangkok mở rộng, với chính sách khuyến khích di chuyển các khu kỹ nghệ về địa phương. Hiện nay, họ chưa chú trọng nhiều về bảo vệ đất nông nghiệp. Bangkok ngày nay là hình ảnh của Sài Gòn trong 25-30 năm tới, nếu nền kinh tế Việt Nam vẫn còn giữ mức độ hiện nay. Khuynh hướng đô thị hóa của một số nước khác có thủ đô như Tokyo, Manila, Kuala Lumpur với những khu đô thị vệ tinh chung quanh. 

Chuyển đổi đất nông nghiệp để làm khu công nghiệp hoặc đô thị là một chuyển hướng giúp phát triển kinh tế trong một nước, và cũng là bước đầu để tiến đến đô thị hóa vì sẽ tạo ra làn sóng di dân tìm việc làm; nhưng cũng làm ảnh hưởng đến sản xuất thực phẩm qua hai diện: (i) làm mất đất nông nghiệp khi diện tích khu đô thị hoặc công nghiệp bành trướng trong tương lai và (ii) giảm bớt lực lượng nông dân do di chuyển vào thành thị và giảm bớt tiềm năng sản xuất của các nông trại còn lại. Chẳng hạn, Ở Mỹ, khu đô thi chiếm hàng năm độ 400.000 ha đất nông trại.  Trung Quốc đã bị mất gần 1 triệu ha đất ruộng mỗi năm trong thời gian từ 1987 đến 1992. Vào 1975, Trung quốc trồng độ 37 triệu ha lúa để nuôi dân, nay chỉ còn trồng 30 triệu ha lúa; nhưng họ không những đã nuôi dân đầy đủ mà còn có thể xuất khẩu gạo nhờ tăng gia năng suất. Như thế việc chuyển đổi đất ruộng cho các ngành phát triển khác có lợi nhuận nhiều hơn không phải là vấn đề đáng lo ngại, nếu được quy hoạch kỹ lưỡng và có quản lý xây dựng tuân theo luật lệ đô thị để khuyến khích phát triển công nghiệp và nền kinh tế quốc gia. Ngành nông nghiệp chính thống vốn có sức cạnh tranh thấp kém hơn những ngành nghề khác.

Trong khi đó, ở Việt Nam sự chuyển đổi đất ruộng độ 30.000 ha mỗi năm trong thập niên 1990s. Có lẽ mức độ chuyển đổi này còn ít so với một số nước trong vùng. Vì thế, trong năm 2005, dân số nông thôn Việt Nam còn chiếm 73%, Ấn Độ 71%, Thái Lan 67%, Trung Quốc 59%, Indonesia 52%, Malaysia 35% và Philippines 34%. Điều này cho thấy rằng mức đô thị hóa tại Việt Nam còn chậm chạp. Miền Nam Việt Nam cần thúc đẩy nhanh hơn nữa công tác chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp để xóa đói giảm nghèo, vì còn nhiều đất nông nghiệp kém lợi tức kinh tế.

Trong quá trình tiến bộ của các nước công nghiệp, chuyển hóa đất nông nghiệp cho xây dựng các đô thị và các khu công nghiệp là chặn đường tất yếu, là đầu máy không những lôi kéo nền kinh tế phát triển mau lẹ, mà còn tạo ra một số ảnh hưởng trên các đất nông nghiệp phụ cận như sau:

-          Làm tăng giá trị đất đai: Nhu cầu đất đai để phát triển đô thị làm cho giá đất nông nghiệp tăng nhanh. Các nhà xây dựng phải trả giá cao để có đủ đất xây cất và phát triển. Sự mất đất đai có thể làm ảnh hưởng đến mức sản xuất thực phẩm của nông dân, nhưng họ rất hài lòng khi thấy giá trị của đất gia tăng. Mặc dù đất sản xuất bị mất vì đô thị hóa, mức sản xuất thực phẩm trong nước vẫn luôn gia tăng vì năng suất được cải thiện nhờ vào các kỹ thuật mới. Như đã thấy trường hợp sản xuất lúa gạo ở Trung Quốc nêu trên nhờ chương trình phát triển lúa lai, hoặc ở Việt Nam. Ở Mỹ, mức sản xuất thực phẩm gia tăng 2% mỗi năm và dư thừa hơn nhu cầu, mặc dù đất nông nghiệp liên tục bị giảm sút.

 

-          Tăng thị trường thương mại: Các nông trại gần với các đô thị có cơ hôi tìm được đầu ra nhanh chóng. Các đô thị sẽ trở thành các thị trường tiêu thụ nông sản mạnh mẽ, mở ra thị trường mới, giúp nông dân chuyển đổi qua sản xuất các nông sản đặc biệt, như rau cải, trồng hoa, trái cây, cũng như thay đổi việc thương mại của các nhà cung cấp các nhập lượng trợ nông.

 

-          Tăng thị trường lao động: Những nông trại gần với các khu tập trung lực lượng lao động có cơ hội sử dụng nhân công để chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp thích hợp với môi trường mới. Nông dân có thể chuyển đổi trồng các loại cây đặc biệt để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của khu đô thị mới. Tuy nhiên, nông dân có thể bị lôi cuốn bỏ nghề để có công việc bớt nặng nhọc hơn và có lợi tức hàng năm cao hơn ở thành thị.

 

-          Vấn đề láng giềng phi nông nghiệp: Sự giao thông và chuyên chở của khu đô thị và vùng nông thôn lân cận đối nghịch nhau. Người đô thị láng giềng dùng các con đường nông thôn gần đó để giao thông, di chuyển; trong khi nông dân dùng các con đường này để tải các nhập lượng trợ nông, nông cụ ra ruộng hoặc mang về nhà các nông sản thu hoạch. Nông dân còn gặp các trở ngại khác như trộm cấp, hoặc bị khiếu nại về sử dụng các chất hóa học nông nghiệp có mùi hôi, bụi bặm, nguy hại sức khoẻ, gây nhiều tiếng ồn ào.

 

-          Tăng tình quí mến nông thôn: Khi đất nông nghiệp càng bị biến mất thì giá trị đất nông nghiệp càng trở nên qúi báu đối với dân địa phương vì đất này cung cấp khoảng trống không gian, phong cảnh thiên nhiên và không khí trong lành; đóng góp vào đặc tính dễ mến của thôn quê.

 

Tuy nhiên, khi giải tỏa đất nông nghiệp để chuyển đổi qua các sử dụng khác như các dự án khu công nghiệp, xây dựng đô thị mới… cần phải lưu ý đến một số vấn đề như sau để tránh một số ảnh hưởng tiêu cực có thể xảy ra:

 

i)                    Khuyến khích sử dụng các loại đất phi nông nghiệp hoặc có giá trị nông nghiệp thấp kém trong các chương trình đô thị hóa và công nghệ hóa; nhưng những loại đất nông nghiệp tốt thường thích hợp cho các công tác này.

 

ii)                  Bảo tồn những khu thiên nhiên có  ảnh hưởng đến môi trường cả vùng (bảo tồn đất đai, đa dạng sinh học, chỗ trú của loài hoang dã, danh lam thắng cảnh...) và bảo tồn văn hóa.

 

iii)                Bảo tồn nguồn cung cấp nước ngầm: Nước ngầm trong đất thường được dùng để cung cấp nguồn nước ngọt cho con người và nông nghiệp. Đô thị hóa thường làm thay đổi hẳn tình trạng nước chảy tràn trên mặt đất hay trong đất. Các nhà cửa, đường xá, chỗ đậu xe… không giúp nước mưa thấm vào lòng đất như từng thấy ở đất ruộng, cây cối; do đó gây nên ngập lụt hoặc thất thoát nước. Ngoài ra, những khu công nghệ có thể làm ô nhiễm nguồn nước sạch trong vùng lân cận do sa thải chất dư thừa không đúng cách.

 

iv)                Bảo tồn khoảng trống không gian cần thiết nhằm tạo thông thoáng, bớt ô nhiễm trong khu đô thị hoặc công nghiệp trong tương lai.

 

v)                  Trước khi sử dụng đất nông nghiệp, cần có qui hoạch khoanh vùng hợp lý và quản lý xây dựng hữu hiệu để tránh các ảnh hưởng tiêu cực như đã từng thấy trong các khu phố thị cũ, đặc biệt nên chú ý đến tạo việc làm và có đủ tài nguyên cho phát triển lâu dài.

 

vi)                Cần có giải pháp kinh tế-xã hội ổn thỏa cho sử dụng đất đai ngoài mục tiêu nông nghiệp để tránh bất ổn đời sống của người dân cư ngụ lâu đời.

 

 

Tiến trình đô thị hóa và công nghệ hóa sẽ còn tiếp tục trên thế giới, với mức độ khác nhau trong mỗi nước, tùy theo tiến bộ của từng nền kinh tế, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Tiến trình này còn được thúc đẩy mạnh mẽ hơn do các yếu tố như: (i) nhu cầu đòi hỏi nhân công của các đô thị lớn và các khu công nghiệp, (ii) khoảng cách xã hội giữa thành thị và nông thôn càng ngày to lớn hơn và (iii) dư thừa nhân công do sự canh tân nền nông nghiệp hoặc tình trạng khiếm dụng nhân công ở nông thôn. Sự bành trướng của các đô thị không hẳn vô giới hạn, mà có thể bị tùy thuộc vào địa thế, tính chất đất đai, khí hậu, nguồn nước và nguồn tài nguyên khác. Trong tương lai, các đô thị mới có khuynh hướng phát triển thành những đô thị cở nhỏ và trung bình để có thể quản lý tốt, trong khi chú trọng nhiều hơn về môi trường và có tính chất chuyên biệt, như đô thị xanh, đô thị văn hóa, đô thị tài chánh, đô thị công nghệ cao…Do đó, tỉ trọng nông nghiệp trong nước giảm dần theo thời gian nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, và số lượng nông dân trở thành thị dân ngày càng nhiều hơn.

2004

 

 

Tài Liệu Tham Khảo:

1.      Asian Development Bank. 2001. PRC: Town-based urbanization strategy 

2.      Economic Research Service (ERS/USDA). 2006. Land use, value, and management: urbanization and agricultural land .

3.      Geography 2010: Introduction to Environmental issues: Urbanization, humans, and the Environment 

4.      Krongkaew, Medhi. 1996. The Changing urban system in a fast-growing city and economy: The case of Bangkok and Thailand. In Global influences on urbanization trends, United Nations University Press  .

5.      Lê Hồng Nhu. 1999. Rice production in Viet Nam and policies to promote its development. In Proceedings of the 19th session of the IRC. Int.  Rice Comm., Cairo, Egypt, 7-9 September 1998, Rome, p 162-165.

6.      Nature Gallery (Global Trends. Urbanization and cities) . 2005. .

7.      People’s Daily Online. 2005. China to push forward urbanization steadily (05-12-2005) .

8.      US Geological Survey (USGS). 1999. Analyzing land use change in urban environments .

9.      United Nations University Press. 1996. Emerging world cities in Asia-Pacific, eds by Fu-chen Lo and Yue-man Yeung .

 

 


This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free