Huy Lữ TRẦN VĂN ĐẠT
Nguyên Chánh Chuyên gia FAO - Rome

Hiroshima

HIROSHIMA VÀ THÔNG ĐIỆP HÒA BÌNH

 Trần Văn Đạt

 


                                                              

(ảnh Internet)

 

Vào đầu tháng 10-2019, người viết có dịp đến thăm thành phố Hiroshima, cảm thấy xúc động ngay phút đầu tiên khi nhìn tận mắt “Vòm bom nguyên tử” (Genbaku Domu), tòa nhà duy nhứt còn sót lại trong tâm điểm của vụ nổ bom nguyên tử ở thành phố này. Mặc dù đã đến công tác tại Nhựt Bổn nhiều lần từ thập niên 1970, nhưng đây là lần đầu tiên người viết ghé thăm một địa danh nổi tiếng thế giới hiện còn lưu lại trong lòng nhiều ấn tượng khó quên khi viết ra những dòng chữ này…

 

 

1.      Tổng quan

Ngày 6-8-1945, lúc 8:15 giờ sáng Lực lượng không quân Mỹ thả trái bom nguyên tử đầu tiên có tên “Little boy” xuống thành phố Hiroshima, cách thủ đô Tokyo 681 cây số về phía nam, làm cho khoảng 140.000 người thiệt mạng do vụ nổ và hậu quả của nó. Ba ngày sau, Mỹ thả trái bom thứ hai trên thành phố Nagasaki, cách Hiroshima khoảng 421 cây số về phía tây-nam, giết 74.000 người (1). Nước Nhựt tuyên bố đầu hàng!

 

            Lần đầu tiên, Mỹ sử dụng vũ khí giết người hàng loạt ở nước ngoài đã gây nỗi kinh hoàng cho nhân loại lúc bấy giờ, nhưng với thời gian trôi qua cảm tưởng sợ hãi khủng khiếp đó dường như không còn nữa, mà con người chỉ biết đó là thứ vũ khi giết người đáng sợ nếu xảy ra; cho nên, một số nước giàu mạnh đua nhau sản xuất vũ trang loại khí giới này để vừa tự vệ và răn đe kẻ thù. Cuộc chạy đua vũ khí nguyên tử sớm nhứt là Mỹ và Xô Viết (bây giờ là Liên bang Nga) ngay sau vụ Hiroshima-Nagasaki vài năm, sau đó là Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bắc Hàn và Do Thái (không bao giờ tuyên bố). Hiện 9 nước này sở hữu khoảng 13.400 vũ khí nguyên tử, trong đó Mỹ và Nga chiếm 90% (2).

 

            Trong thời chiến tranh lạnh sau Thế Chiến II (1947-1991), vũ khí hạt nhân được sản xuất có sức tàn phá ngày càng mãnh liệt và các loại hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử có tầm ngày càng xa, đặc biệt ở Mỹ, Nga và Trung Quốc. Năm 1987, sau thời gian dài thương lượng Mỹ và Liên Xô đã tiến đến Hiệp ước Lực lượng Nguyên tử Tầm trung INF (The Intermediate-Range Nuclear Forces Treaty). Với Hiệp ước này, Hoa Kỳ và Liên Xô đã phá hủy tổng cộng 2.692 tên lửa tầm ngắn và trung từ 500-5.500 km trong thời gian thực hiện Hiệp ước tính đến ngày 1-6-1991 (3). Nhưng gần đây, do mất lòng tin tưởng nhau, Mỹ rút khỏi Hiệp ước này ngày 2-8-2019 và đang chờ những cuộc thương thảo sắp tới giữa hai cường quốc Mỹ, Nga và có lẽ thêm Trung Quốc.

 

            Ngoài ra, ngày 8-4-2010, Hiệp ước về giảm thiểu vũ khí chiến lược START (Strategic Arms Reduction Treaty) cũng được Mỹ và Nga ký kết tại Prague, nhằm cắt giảm lực lượng hạt nhân chiến lược. Năm 2019, các lực lượng hạt nhân của cả hai nước vẫn ở dưới giới hạn quy định. START sẽ hết hạn vào tháng 2-2021, đang được Mỹ và Nga đồng ý đàm phán gia hạn hiệp ước này vào cuối tháng 6-2020. Mỹ đã mời Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán, nhưng bị từ chối (2). Những khó khăn ban đầu về đàm phán START mới và sự sụp đổ của Hiệp ước INF cho thấy kỷ nguyên của các hiệp định kiểm soát vũ khí hạt nhân song phương giữa Nga và Mỹ có thể không dễ dàng kết thúc tốt đẹp.

 

Mầm mống gây chiến chưa dứt hẳn giữa các cường quốc do lòng tham không đáy và ganh ghét tranh đua của con người, nhứt là sự cạnh tranh giữa các cường quốc. Trong khi mọi người muốn tránh sự hủy diệt khủng khiếp của vũ khí hạt nhân, một số quốc gia lại nghĩ đến những phương tiện hại người thầm lặng khác, chẳng hạn vũ khí sinh học, chiến lược không gian, công nghệ tiên tiến tiềm ẩn… có mối nguy hiểm sát thương không kém; nhưng không thể tiên đoán được để cuối cùng họ có thể chiếm ưu thế trong mưu toan làm bá chủ toàn cầu. Nạn đại dịch Covid 19 hiện đang hoành hành tạo sự hoang man lo sợ khắp nơi, đã gây số người nhiễm bệnh thế giới đến hơn 17 triệu người và giết hại hơn nửa triệu người vô tội chỉ trong 7 tháng (đến 31-7-2020) có thể là một ẩn dụ điển hình?!

 

            Cho nên, các nhà lãnh đạo cường quốc cần được động viên tích cực đến viếng thực địa thường xuyên dấu vết tàn phá của vũ khí nguyên tử ở Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima (Hiroshima Peace Memorial Park), Nhựt Bổn hoặc thỉnh thoảng tổ chức các cuộc họp thượng đỉnh tại địa danh này để vừa tưởng nhớ những nạn nhân nguyên tử bị giết hàng loạt đầu tiên vừa nhắc nhở bản thân mối hiểm họa khôn lường của một cuộc chiến tranh hạt nhân khác xảy ra! Họ nên đến Công viên này để chính mắt nhìn thấy Mái Vòm Bom hạt nhân (Genbaku Domu), xác tòa nhà không còn nguyên vẹn - vẫn được giữ nguyên hiện trạng sau vụ thả bom hạt nhân năm 1945, Đài tưởng niệm trẻ em - bé Sasaki Sadako biểu tượng cho sự ham sống của loài người, Mộ tập thể Hiroshima ghi nhớ những nạn nhân vô phúc của vũ khí giết người khủng khiếp, Hồ Hòa Bình với đuốc thiên vĩnh cữu và Viện bảo Tàng Hiroshima chứa đựng những bằng chứng di vật hiện trường, tài liệu, phim ảnh hết sức cảm động thương tâm để chiêm nghiệm sự đau khổ cùng cực và tăng thêm sự đồng cảm với những nạn nhân nguyên tử đã lặng lẽ ra đi.

 

            Mong ước này có lớn lắm không?!

 

2.      Tại sao Mỹ và Đồng Minh phải sử dụng bom nguyên tử ở thành phố Hiroshima và Nagasaki trong Thế Chiến II?

Đây là câu hỏi đến nay vẫn còn tranh luận giữa một số người quan tâm gồm các học giả, chuyên gia, sử gia, giới chánh trị, tôn giáo, đạo đức…

 

Để có cái nhìn trung thực cho vấn đề này trước hết cần tìm hiểu sơ lược tình trạng Thế Chiến II bấy giờ đối với nước Mỹ và một số quốc gia liên hệ. Thế Chiến II bắt đầu khi Đức tấn công Ba Lan ngày 1-9-1939 và sau đó Pháp, Anh Quốc tuyên chiến đã lôi cuốn khoảng 100 triệu người từ 30 quốc gia tham gia, hai phe Đồng Minh và phe Trục (Đức, Ý, Nhựt, Romania và Hungary) hình thành, giết hại lẫn nhau và gây hậu quả thảm khốc cho nhân loại với khoảng 70-85 triệu người thiệt mạng, đa số là thường dân ở Liên bang Xô Viết và Trung Quốc (4). Sau 6 năm thảm họa của loài người, Thế Chiến II chấm dứt ngày 2-9-1945 sau khi Nhựt hứng chịu hai bom nguyên tử của Mỹ và đầu hàng vô điều kiện.

 

Trong giai đoạn đầu Thế Chiến II, nước Mỹ đã giữ vị thế trung lập, bán hàng hóa và vũ khí cho cả hai phe và không tỏ thái độ chống lại bên nào cho đến khi Nhựt Bổn tấn công bất ngờ Trân Châu Cảng, đảo Hawaii, mở mặt trận Thái Bình Dương và Đức quốc tuyên chiến năm 1941. Hoa Kỳ là nước duy nhất tham chiến mà lãnh thổ và nền kinh tế hầu như không bị chiến tranh tàn phá, trái lại họ còn thu được nhiều lợi ích từ các hợp đồng bán vũ khí, nguyên liệu, lương thực..., ngoại trừ hy sinh khoảng 400 000 người. Hoa Kỳ được coi là lực lượng có vai trò quan trọng nhất trong chiến thắng của phe Đồng Minh tại châu Á và Thái Bình Dương.

 

Ở châu Á, Nhựt Bổn luôn có tham vọng thống trị châu lục này, cho nên năm 1931 để tạo ảnh hưởng với Trung Quốc Nhựt chiếm Mãn Châu như là bước đầu cho tham vọng, sau đó các trận chiến giữa 2 nước xảy ra ở Thượng Hải, Nhiệt Hà (Rehe), Hồ Tây cho đến khi có ngừng bắn năm 1933. Tháng 7-1937, Nhựt tiến đánh Bắc Kinh, kinh đô cũ của Trung Quốc, rồi chiếm Thượng Hải, Nam Kinh, Vũ Hán… Đồng thời để bao vây Trung Quốc và chiếm vị trí chiến lược thuận lợi nếu có chiến tranh với Tây phương, Nhựt quyết định đánh chiếm vùng bắc Đông Dương như Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện. Do đó, Nhựt bị liên minh Hoa Kỳ-Anh Quốc-Hà Lan cấm vận cung cấp dầu hỏa hàng không từ 1939, tiếp theo những nguồn tài nguyên khác như than, sắt, thép… (4, 5).

 

Năm 1941, mối quan hệ Mỹ-Nhựt xấu đi kể từ khi Nhựt chiếm đóng vùng Bắc Đông Dương và gây đe dọa ngầm đối với Philippines, một nước dưới quyền bảo hộ của Mỹ. Mỹ bắt đầu tịch thu toàn bộ tài sản của Nhựt ở Mỹ và cấm tàu Nhựt đi qua kinh đào Panama. Sau đó, Mỹ còn đe dọa sẽ tiến hành chiến tranh Mỹ-Nhựt nếu Nhựt không rút khỏi vùng chiếm đóng ở Trung Quốc hoặc chiếm bất cứ vùng nào ở Đông Nam Á hay Nam Thái Bình Dương. Trong khi giới quân đội Nhựt từ lâu có ảnh hưởng lớn đến các quyết định ngoại giao của Nhựt, nên nước này không chú ý nhiều đến việc thương thuyết và không muốn trả lại các vùng đất đã chiếm đóng. Trái lại, các hành động đe dọa nêu trên còn là nguyên do dẫn đến ngày 7-12-1941 Nhựt Bổn khởi sự chiến dịch tấn công các căn cứ Anh và Mỹ và đồng thời tiến chiếm một số nước Đông Nam Á và một số đảo Thái Bình Dương, bao gồm cuộc tấn công bất ngờ vào các hạm đội Mỹ tại Trân Châu Cảng (Hình 1) và Philippines, đổ bộ vào Thái Lan, Malaysia và trận chiến Hồng Kông, nhằm chiếm thế mạnh vùng biển Thái Bình Dương và làm suy yếu tiềm lực quân sự Mỹ ở vùng này.

 

            Một ngày sau khi Trân Châu Cảng bị đánh bom, Tổng thống Roosevelt đã xuất hiện trước một phiên họp chung của lưỡng viện Quốc Hội và yêu cầu ngành Lập Pháp thông qua Nghị quyết Tuyên bố Tình trạng Chiến tranh giữa Mỹ và Nhựt. Ba ngày sau, Đức và Ý thuộc phe Trục tuyên chiến với Mỹ để ủng hộ Nhựt, và chính phủ Mỹ cũng có tuyên bố tương tự.

                


                                             

                                          Hình 1: Trận chiến Trân Châu Cảng, 7-12-1941

 

 Tham vọng to lớn của Nhựt ở châu Á và các cuộc tấn công chiếm đất đảo nêu trên đã khiến Hoa Kỳ, Anh, Trung Quốc, Úc và một số quốc gia khác chính thức thành lập liên minh tuyên chiến với Nhựt Bổn; trong khi Liên Xô, liên quan nhiều đến các chiến sự quy mô lớn với các nước phe Trục châu Âu, nên vẫn duy trì thỏa thuận trung lập với Nhựt Bổn. Dĩ nhiên, Đức, tiếp theo các quốc gia Trục khác, tuyên chiến với Hoa Kỳ để đoàn kết với Nhựt Bổn, với lý do biện minh vì các cuộc tấn công của Mỹ vào các tàu chiến Đức đã được Tổng Thống Roosevelt ra lệnh (4).

 

Chiến lược quân sự quan trọng ở Thái Bình Dương của Nhựt đã được lên kế hoạch từ trước, nhưng bị ngăn chặn khi một lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã khám phá các mật mã hải quân của Nhựt vào cuối tháng 5-1942, biết rõ đầy đủ các kế hoạch và trật tự của cuộc chiến, nên sử dụng thông tin này đánh bại lực lượng Hải quân hùng mạnh của Đế quốc Nhựt và giành chiến thắng quyết định tại trận chiến Midway ngày 4-7 tháng 6, 1942. Sau Midway và sự cạn kiệt của chiến dịch Quần đảo Solomon, năng lực quân sự Nhựt Bổn suy giảm rõ rệt và trận chiến này được coi là bước ngoặt trong chiến tranh Thái Bình Dương (6).

 

Sau thảm bại Midway, các cuộc tấn công của Nhựt giãn dần ở Lãnh địa Papua, đảo Solomon. Sau đó, Nhựt cũng lần lượt thất bại ở Miến Điện, Philippines, Indonesia, hai đảo nhà: Iwo Jima và Okinawa. Trong khi Lực lượng Không quân của Quân đội Hoa Kỳ và Đồng Minh đã phát động một chiến dịch không kích vĩ đại từ tháng 3-1945 vào các thành phố chiến lược Nhựt Bổn, nhứt là thủ đô Tokyo trong nỗ lực tiêu diệt ngành công nghiệp chiến tranh và tinh thần dân sự của Nhựt. Đồng thời Đồng Minh kêu gọi Nhựt Bổn đầu hàng vô điều kiện trong Tuyên bố Potsdam ngày 26/7/1945, với phương án "hủy diệt tức khắc và toàn bộ":

 

"Chúng tôi kêu gọi chính phủ Nht Bn ra tuyên bố đầu hàng vô điều kiện ngay lập tức cho toàn bộ lực lượng vũ trang Nht, và đưa ra sự đảm bảo thích đáng và đầy đủ đối với thiện ý của họ trong hành động như vậy. Sự lựa chọn khác cho Nht Bn là sự hủy diệt toàn bộ ngay lập tức."

              

Lúc này, mặc dù có ý định đầu hàng Đồng Minh, Chính phủ Nhựt vẫn từ chối buông súng đạn vì sợ Thiên Hoàng Hirohito bị bắt, chế độ bị thay đổi và các lãnh đạo chiến tranh bị đưa ra tòa án quốc tế xử tội; trong khi họ tin rằng khả năng đàm phán qua trung gian Liên Xô sẽ có những điều khoản đầu hàng thuận lợi hơn. Đến ngày 6 và 9 tháng 8-1945, Hoa Kỳ thả hai quả bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki. Giữa hai vụ đánh bom nguyên tử này, Liên Xô đã tiến quân chiếm Mãn Châu do Nhựt nắm giữ và nhanh chóng đánh bại Quân đội Kwantung, lực lượng chiến đấu lớn nhứt của Nhựt Bổn. Hồng quân cũng tiến chiếm phần phía nam của đảo Sakhalin và đảo Kuril. Đến ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhựt Bổn tuyên bố đầu hàng.

 

·         Sự tàn phá của bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki (4, 7)

Vào thời điểm ném bom, Hiroshima là một thành phố công nghiệp và quân sự. Một số đơn vị quân đội được đặt gần đó, trong đó quan trọng nhất là trụ sở của Quân đoàn thứ hai của Đại nguyên soái Shunroku Hata, chỉ huy phòng thủ của toàn miền nam Nhựt Bổn. Thành phố này là căn cứ tiếp tế và hậu cần cho quân đội Nhựt cũng là một trung tâm liên lạc, một cảng quan trọng để vận chuyển và một khu vực lắp ráp cho quân đội. Thành phố còn là nơi sản xuất các bộ phận cho máy bay và tàu thuyền, bom, súng trường và súng ngắn. Cũng vậy, thành phố Nagasaki là một trong những cảng biển lớn nhất ở miền nam Nhựt Bổn và có tầm quan trọng lớn trong thời chiến.            Ngày 25 tháng 7-1945, quân Đồng Minh dưới sự lãnh đạo của Mỹ đã ra lệnh cho bom nguyên tử được sử dụng trên bốn thành phố - Hiroshima, Kokura, Niigata hoặc Nagasaki. Đến ngày 6 tháng 8, một trong những chiếc B-29 được sửa đổi đã thả một bom loại uranium ("Little boy") xuống thành phố Hiroshima. Trái bom này chứa khoảng 64 kg uranium-235 mất 44,4 giây để rơi từ máy bay đang bay ở độ cao khoảng 9.400 m xuống độ cao phát nổ khoảng 580 m trên thành phố. Ba ngày sau đó, một chiếc B-29 khác thả một quả bom nổ plutonium ("Fat Man") trên thành phố Nagasaki (Hình 2).

 

               Tại hai thành phố nêu trên, mọi người trên mặt đất đều cho biết đã thấy một thứ ánh sáng rực rỡ lóe sáng lên, sau đó là một âm thanh bùng nổ dữ dội của bom. Hai quả bom nguyên tử ngay lập tức tàn phá mục tiêu chỉ định. Các cuộc điều tra của Hoa Kỳ ước tính 4,7 dặm vuông (12 km2) của thành phố Hiroshima đã bị phá hủy. Các quan chức Nhựt Bổn xác định 69% các tòa nhà của Hiroshima đã bị phá hủy và 6-7% khác bị hư hại. Một số tòa nhà bê tông cốt thép ở Hiroshima đã được xây dựng rất vững chắc để chống động đất nên khung sườn không bị sụp đổ mặc dù chúng nằm khá gần trung tâm vụ nổ. Từ hai đến bốn tháng sau, vụ đánh bom nguyên tử đã giết chết từ 90.000 đến 146.000 người ở Hiroshima và 39.000 đến 80.000 người ở Nagasaki; khoảng một nửa số ca tử vong ở mỗi thành phố xảy ra vào ngày đầu tiên. Một số lượng lớn tiếp tục chết trong nhiều tháng sau đó, do ảnh hưởng của cháy da, bệnh phóng xạ và các thương tích khác, kết hợp với bệnh tật và suy dinh dưỡng. Ở cả hai thành phố, hầu hết người chết là thường dân, mặc dù Hiroshima có một đơn vị đồn trú quân sự khá lớn.

 

                     

 Hình 2: Nổ bom nguyên tử trên thành phố Hiroshima (trái) ngày 6-8-1945

Nagasaki (phải) ngày 9 -8-1945 (Wikipedia).

               Nhựt Bổn chính thức ký văn kiện đầu hàng ngày 2 tháng 9 tại Vịnh Tokyo, kết thúc Thế chiến II một cách hiệu quả. Tuy nhiên, việc sử dụng bom hạt nhân để buộc nước này đầu hàng đã tạo nên nhiều cuộc tranh luận thế giới về mặt đạo đức, pháp lý và quân sự xung quanh lời biện minh của Mỹ và cũng là chủ đề của các cuộc tranh luận của giới học thuật và quần chúng.

 

(1)   Những người ủng hộ đã lập luận rằng hai vụ đánh bom nguyên tử đã khiến Nhựt sớm đầu hàng, do đó ngăn chặn nhiều thương vong tàn phá so với một cuộc tấn công xâm chiếm Nhựt nếu xảy ra. Việc thả bom nguyên tử đã cứu một triệu thương vong. Ngoài ra, nếu việc phong tỏa hải quân xảy ra cũng có thể khiến người Nhựt phải khuất phục mà không cần xâm lược, nhưng sẽ dẫn đến nhiều cái chết cho người Nhựt. Hơn nữa, việc đổ lỗi thất bại bởi bom nguyên tử sẽ giúp bảo vệ uy tín và danh dự Thiên hoàng cũng như thu hút được sự cảm tình quốc tế; đồng thời việc đổ lỗi thất bại do bom nguyên tử sẽ giúp Hoa Kỳ hài lòng và đối xử với Nht Bn với một thái độ thiện chí (1). 

(2)   Những người phản đối các vụ đánh bom đưa ra những lý do khác cho quan điểm của họ, trong số đó có  người tin rằng ném bom nguyên tử về cơ bản là vô đạo đức, các vụ đánh bom được coi là tội ác chiến tranh,  và chúng thực sự là cuộc khủng bố nhà nước (7).

 

(3)   Năm 1965, nhà sử học Mỹ Gar Alperovitz nêu ý tưởng về ngoại giao nguyên tử: Hoa Kỳ đã sử dụng vũ khí hạt nhân để đe dọa Liên Xô trong giai đoạn đầu của Chiến tranh lạnh. Mặc dù không được các nhà sử học chính thống chấp nhận, nhưng điều này đã được ghi trong sách giáo khoa lịch sử của trường học Nhựt Bổn.

 

(4)   Nhà sử học Nhựt nổi tiếng Tsuyoshi Hasegawa lại lập luận rằng sự tham gia của Liên Xô vào cuộc chiến chống Nhựt Bổn "đóng vai trò lớn hơn nhiều so với bom nguyên tử khiến Nhựt Bổn đầu hàng vì nó đã dập tắt mọi hy vọng Nhựt có thể chấm dứt chiến tranh thông qua hòa giải của Moscow". Ngày 5-8-1945, Liên Xô tuyên bố hủy bỏ Hiệp ước trung lập Xô-Nhựt và chấp nhận thỏa thuận Yalta của Đồng Minh. 

(5)   Năm 2013, theo Ông Ward Wilson (một nhà hoạt động chống vũ khí hạt nhân) thì việc Nhựt Bổn đầu hàng có nguyên nhân chính từ Chiến dịch Mãn Châu của Liên Xô chứ không phải do 2 quả bom nguyên tử của Mỹ. Vì thực tế Nht đã có ý định đầu hàng trước khi bị Hoa Kỳ ném bom, nên sự tuyên bố đầu hàng sau khi Hoa Kỳ ném bom chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Ngoài ra, báo cáo sơ bộ của nhóm điều tra của Lục quân Nhựt về vụ ném bom Hiroshima đã không được trình nộp cho đến ngày 10 tháng 8 dù tình thế rất cấp bách bấy giờ, Đế quốc Nhựt lúc đó không có kiến thức về bom nguyên tử, nên sự lựa chọn đầu hàng với hy vọng Liên Xô bảo vệ mình trước sức ép của quân Đồng Minh về việc phải nhận trách nhiệm tội ác chiến tranh; nhưng bất hạnh thay Liên Xô đã tuyên chiến với Nht, sau đó đổ bộ lên quần đảo Kuril (1). 

(6)   Cũng có người cho rằng tại sao Mỹ và Đồng Minh không dùng bom hạt nhân loại nhỏ hơn để sớm chấm dứt chiến tranh ở châu Âu, mà sử dụng tại châu Á? Trận tấn công Trân Châu Cảng bất ngờ có phải là một yếu tố gián tiếp quyết định dùng bom nguyên tử ở Nhựt Bổn? Vấn đề chủng tộc đã có từ lâu giữa Đông và Tây? Kỹ thuật chế tạo bom hạch nhân đã sẵn sàng từ lúc nào? ...

Dù nguyên do nào, tham vọng của bọn quân phiệt Nhựt đã phải trả giá cho cuộc đầu hàng vô điều kiện nhục nhã cho đất nước và dân tộc Nhựt, hai thành phố phục vụ chiến tranh đã nhận hậu quả thảm khốc từ hai trái bom hạt nhân đầu tiên, làm thế giới kinh ngạc sửng sốt và dân tộc Nhựt thầm lặng với một quốc tang quá khủng khiếp đối với con người. Cho nên, kể từ đó dân tộc Nhựt nỗ lực vận động thế giới bảo vệ nền hòa bình bằng mọi giá để thảm trạng Hiroshima-Nagasaki thứ hai không tái diễn trong tương lai, qua những cố gắng biến khu vực bị tàn phá từ bom nguyên tử  ở Hiroshima trở thành một Công viên Tưởng niệm Hòa bình nổi tiếng quốc tế, với mục đích tưởng nhớ sự kiện đau thương có một không hai của họ, đồng thời truyền đi thông điệp hòa bình cho nhân loại và sự nguy hiểm không thể tưởng của một loại vũ khí giết người hàng loạt.

 

3.      Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima (8)

Công viên này được thành lập năm 1954 trên 12 ha, tọa lạc tại trung tâm thành phố Hiroshima để tưởng niệm các nạn nhân của vụ nổ bom nguyên tử vào ngày 6/8/1945 trong Thế Chiến II và cầu nguyện hòa bình vĩnh cửu cho thế giới. Công viên được Cơ quan UNESCO công nhận là một Di sản thế giới từ năm 1996. Trong công viên có Vòm bom nguyên tử, Đài tưởng niệm bé Sasaki Sadako, Nhà tưởng niệm các nạn nhân bom nguyên tử quốc gia, Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima, Trung tâm Hội nghị Quốc tế Hiroshima... Ngoài ra, ở khu vực trung tâm có nhiều điểm thắp lửa hòa bình Heiwa-no-hi, với mục đích cầu nguyện hòa bình vĩnh cửu cho thế giới và xóa bỏ vũ khí hạt nhân. Khắp công viên còn được trang trí bởi những chim hạc giấy do nhiều người trên khắp nước Nhựt tình nguyện gởi đến cầu nguyện cho hòa bình mãi mãi.

 

·         Mái Vòm Bom hạt nhân:

 


 

Hình 3: Vòm bom nguyên tử, tòa nhà duy nhứt còn sót lại

trong tâm điểm của vụ nổ bom ở Hiroshima

 

Đây là một trong những tòa nhà duy nhất còn sót lại ở trung tâm Hiroshima sau tác động tàn phá của bom nguyên tử. Tòa nhà trông xơ xác nhưng có vẽ ngạo nghể đau thương kêu gọi lòng tư bi bác ái của nhân loại để không còn nhìn thấy hình ảnh này một lần nữa trong tương lai. Quả vậy, khi nhìn Vòm bom nguyên tử lòng người như chùng lại, cảm xúc chực tuôn tràn. Vòm đứng lặng lẽ để tưởng nhớ về thảm kịch ấy cũng như sự đau thương kiên cường của người dân trong thành phố. Do đó, di tích này còn gọi Vòm bom nguyên tử "Genbaku-Domu" đại diện cho những nỗ lực vì hòa bình của Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima (Hình 3).

 

Năm 1915, tòa nhà theo thiết kế kiểu Séc này được khai trương để làm địa điểm tổ chức Triển lãm Thương mại Tỉnh Hiroshima, đã được sử dụng để tổ chức các cuộc triển lãm giáo dục và quảng bá sản phẩm công nghiệp. Lúc 8:15 sáng ngày 06/8/1945, Không lực Hoa Kỳ thả quả bom nguyên tử đầu tiên được sản xuất để phục vụ chiến tranh. Mặc dù chỉ cách tâm điểm dội bom nguyên tử 160 mét nhưng kết cấu của Vòm bom nguyên tử vẫn chịu được sức ép của bom. Nhờ vậy, chỉ có tòa nhà còn trụ lại trong khu vực này khi cả thành phố gần như bị phá hủy hoàn toàn.

 

Dù đây là vết tích đau thương không những của Hiroshima mà cho toàn nước Nhựt, Thành phố đã quyết định bảo tồn những phế tích còn lại của Vòm bom nguyên tử như một sợi dây kết nối với quá khứ và cũng là biểu tượng cho tương lai, đồng thời cho xây dựng Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima ở các nơi quanh Vòm.

 

·         Đài tưởng niệm nạn nhân vụ nổ nguyên tử (9)

 


 

Hình 4: Đài tưởng niệm nạn nhân trong Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima.

 

Đài tưởng niệm Nạn nhân Vụ nổ bom Nguyên tử, còn gọi là Memorial Cenotaph nằm bên cạnh hồ nước yên lặng, là một công trình tọa lạc ngay trong Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima, tuy giản dị nhưng mang nhiều ý nghĩa. Đây là một trong những đài tưởng niệm đầu tiên được xây dựng năm 1952 trên khu vực bị san bằng ở trung tâm của vụ nổ bom nguyên tử. Đài tưởng niệm được kiến trúc sư Kenzo Tange thiết kế với mái vòm hình yên ngựa nhằm mục đích bảo vệ linh hồn cho các nạn nhân được ghi danh trên đài tưởng niệm, nhưng đồng thời cũng thiết kế để hòa hợp với Ngọn lửa Hòa bình và di tích Vòm bom nguyên tử ở đằng xa (Hình 4).

 

Đài tưởng niệm gồm một mái vòm bê tông điêu khắc trùm trên một ngôi mộ trống. Tên nạn nhân được ghi lên ngôi mộ bằng đá này để tưởng nhớ những người đã thiệt mạng trong vụ dội bom nguyên tử xuống thành phố, kể cả do bom nổ hay chất phóng xạ sau này. Danh sách ghi tên hơn 297.000 nạn nhân từ Nhựt Bổn và các quốc gia khác.

 

Đài có một tấm bia khắc chữ được dịch ra: "Hãy để các linh hồn nơi đây được an nghỉ, vì chúng ta sẽ không để tội ác này tái diễn". Đài tưởng niệm thường được trang trí với vòng hoa và hàng năm người dân đều tổ chức các hoạt động để tưởng nhớ vụ nổ bom. Hãy đến tham quan Đài tưởng niệm Nạn nhân Vụ nổ bom Nguyên tử để suy ngẫm về biến cố bi thảm thương tâm đã xảy ra và nêu lên thông điệp vì hòa bình của Hiroshima.

 

·         Đài tưởng niệm bé Sasaki Sadako và nghìn con hạc giấy (10):

 


Hình 5: Đài tưởng niệm bé Sasaki Sadako và nghìn con hạc giấy

 

Khi không lực Mỹ thả quả bom nguyên tử Little Boy xuống Hiroshima, Sadako mới 2 tuổi và đang ở nhà mình gần cầu Misasa cách tâm vụ nổ chỉ hơn một cây số. Mười năm sau cô bé bắt đầu phát bệnh ung thư bạch cầu, căn bệnh mà mới đầu mẹ của Sadako gọi là "thứ bệnh dịch của bom nguyên tử".

 

Tháng 11-1954 các bướu nhỏ bắt đầu xuất hiện trên cổ và sau tai của Sadako. Tháng 1-1955, chân của cô bé bắt đầu xuất hiện các đốm thẫm màu. Cô bé nhập viện ngày 21-2-1955 và sống những tháng ngày còn lại của mình tại đây.

 

Nghìn con hạc giấy:

Theo truyền thuyết xứ Nhựt, ai xếp đủ 1.000 con hạc giấy và kết lại thành chuỗi thì có được một điều ước về sức khỏe trở thành hiện thực. Do đó, người dân Nagoya tự xếp 1.000 con hạc giấy và gởi tặng bé Sadako với niềm tin cô bé sẽ sớm lành bệnh.

 

Bé Sadako rất vui mừng đón nhận món quà quý báu này, nhưng nằm trong bệnh viện bé muốn tự mình xếp 1.000 con hạc giấy để sức khỏe sớm hồi phục mặc dù sức yếu dần với bệnh ung thư bạch huyết ngày càng phát triển. Tội nghiệp cho bé chưa hoàn thành ước nguyện mà ra đi vĩnh viễn ngày 25-10-1955 khi mới xếp được 644 con hạc giấy theo tác phẩm “Sadako và nghìn con hạc giấy”; nhưng Viện Bảo tàng khu Tưởng niệm hòa bình Hiroshima ghi bé đã làm xong 1.000 con hạc. Trong niềm thương tiếc, các bạn của em kêu gọi đóng góp xây tượng đài kỷ niệm để tưởng nhớ Sadako qua niềm tin của sự sống và kêu gọi tinh thần hòa bình trên thế giới. Năm 1958, đài hòa bình của trẻ em được khánh thành tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima (Hình 5- 6).

 

 

Hình 6: Mỗi ngày, nhiều đoàn học sinh, trẻ em khắp nước Nhựt đến đặt hạc giấy, làm lễ tưởng nhớ đến Sasaki Sadako và nhắc nhở sự vô tội của trẻ em chết vì chiến tranh tại Đài tưởng niệm.

 

·         Viện bảo Tàng Hiroshima: (11)

 


 

Hình 7: Viện Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima 

 

 

-          Viện Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima (Hình 7) được xây dựng để thu thập tài liệu và trưng bày những sự kiện bi thảm trong vụ dội bom nguyên tử xuống thành phố vào năm 1945, cũng như truyền đi thông điệp về hòa bình trên thế giới. Mười năm sau, Viện Bảo tàng khai trương nhằm mục đích trình bày hậu quả các tác động chính trị, lịch sử và xã hội của vụ nổ bom nguyên tử, đưa ra một cái nhìn sâu sắc về nỗi ám ảnh kinh hoàng của biến cố này thông qua những câu chuyện riêng của người dân, những hiện vật về nạn nhân và tài liệu ghi chép khoa học. Tuy nhiên, thông điệp chủ yếu mà bảo tàng muốn nhắn gửi là lời kêu gọi mong muốn hòa bình thế giới trường tồn, loại bỏ vũ khí hạt nhân và không có chiến tranh.

 

-          Tòa nhà hiện đại này do kiến trúc sư Nhật Kenzo Tange thiết kế và là một hạng mục chính của Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima. Nên bắt đầu chuyến tham quan bảo tàng từ khu phía tây của tòa nhà, nơi tập trung trưng bày những thiệt hại do vụ nổ bom gây ra. Những thiệt hại của thành phố và cả nỗi thống khổ của người dân đều được tái hiện chân thực và thương tâm qua những vật phẩm trưng bày như quần áo và đồ dùng cá nhân của các nạn nhân. Có thể nhận thấy mức độ phá hủy của bom nguyên tử trên các hiện vật khác nhau, trong đó có cả đá và kim loại. Những thiệt hại do hậu quả của vụ nổ gây ra rất khủng khiếp, trong đó có trận mưa phóng xạ đen độc hại rơi xuống cho những người còn sống sót. Hình ảnh của những dòng sông thương tâm đầy người để có nước uống và bớt nóng cháy da sau vụ nổ với các lều trại dã chiến trên bờ sông để giúp đỡ nạn nhân. Bảo tàng cũng có một khu chuyên trưng bày về tác động thảm khốc của chất phóng xạ đối với cộng đồng người dân vẫn còn tiếp diễn đến ngày nay.

 

-          Khu vực phía Đông được xây dựng sau của Viện Bảo tàng trưng bày khía cạnh chính trị và lịch sử của vụ ném bom qua những tấm bảng gắn hình, video nội dung phỏng vấn những người sống sót sau vụ nổ bom nguyên tử, tài liệu cung cấp thông tin và minh chứng bằng những số liệu quan trọng về tác động tàn phá của vũ khí hạt nhân. Khu vực này gởi lời kêu gọi vì hòa bình quốc tế và loại bỏ vũ khí hạt nhân.

 

-          Việc tìm hiểu về nỗi thống khổ mà người dân phải gánh chịu do hậu quả của bom nguyên tử có thể khiến người xem khó lòng kìm nén cảm xúc trong không gian tối mờ im lặng của Viện Bảo tàng, trong khi tham quan thỉnh thoảng nghe vang lên những tiếng nấc, sụt sùi của người thăm viếng... Viện Bảo tàng này là một địa điểm quan trọng thể hiện sự tưởng nhớ, tính kiên cường và sứ mệnh không để tái diễn thảm họa hạt nhân của Hiroshima.

 

4.      Kết Luận

Thế chiến II đã để lại một số di sản tồi tệ nhưng là bài học đắt giá cho nhân loại, với các thiệt hại kinh khủng về sinh mạng và vật chất không bao giờ ngờ đến: hơn 70 triệu người tử vong trong 6 năm chiến tranh khốc liệt, hàng ngàn thành phố bị hủy hoại san bằng, điển hình là thành phố Bá Linh, Đông kinh và nghiêm trọng sâu sắc hơn trong chiến dịch ngày D ở Dunkirt, Pháp Quốc và việc bỏ bom hạt nhân ở Hiroshima, Nagasaki. Ngoài ra, còn có những cuộc khủng hoảng nhân đạo, đặc biệt nạn đói giết 2 triệu người ở Miền Bắc Việt Nam vào năm 1945 mà thế giới ít khi đề cập đến.

 

Sự sử dụng bom nguyên tử đầu tiên - một loại vũ khí mới giết người hàng loạt mà ngày nay được xem như nguyên nhân tội phạm chiến tranh, đã gây ra không ít tranh luận thời hậu chiến về mặt trách nhiệm, đạo đức con người; trong khi chiến tranh có những cách giải quyết khác qua thương thuyết ngoại giao, dùng vũ khí truyền thống hoặc biện pháp cấm vận bao vây... Đến tháng 7 và đầu tháng 8-1945, Nhựt Bổn đã thất bại tại nhiều mặt trận ở châu Á - Thái Bình Dương và đang chịu áp lực nặng nề từ các hoạt động cấm vận của Đồng Minh về các nguyên liệu cần thiết cho bộ máy chiến tranh, nên Chính phủ Nhựt lúc bấy giờ đang có kế sách đầu hàng dù chậm trễ. Vì vậy, việc sử dụng vũ khí giết người hàng loạt có thật sự đúng lúc và chính đáng không? Hay vì lý do khác như sĩ diện quốc gia, thử nghiệm vũ khí mới, chủng tộc, hoặc răn đe kẻ thù?

 

Chiến tranh dù bất cứ dưới hình thức nào cũng là một hành động vô nhân đạo, giết người vô tội nên không thể chấp nhận đối với những người yêu chuộng hòa bình và xã hội bình đẳng. Do đó, đừng bao giờ quên nêu lên tại các diễn đàn quốc tế những lời cảnh báo và thông điệp hòa bình, từ bi, bác ái và bình đẳng để mọi người quan tâm, đặc biệt đối với những nhân vật thế giới đang có quyền lực quyết định trong tay. Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima của Nhựt Bổn là một địa điểm đáng được giới thiệu và mời gọi các nhà lãnh đạo thế giới thường xuyên đến tham quan chiêm nghiệm!

 

Trần Văn Đạt, Ph. D.

1-8-2020

 

Tài liệu tham khảo:

 

1.      Wikipedia: Vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki

(https://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BB%A5_n%C3%A9m_bom_nguy%C3%AAn_t%E1%BB%AD_xu%E1%BB%91ng_Hiroshima_v%C3%A0_Nagasaki

2.      Khánh Minh. 2020. Nguy cơ chạy đua vũ khí hạt nhân mới

(https://www.sggp.org.vn/nguy-co-chay-dua-vu-khi-hat-nhan-moi-667726.html).

3.      Arms Control Association. 2019. The Intermediate-Range Nuclear Forces (INF) Treaty at a glance (https://www.armscontrol.org/factsheets/INFtreaty).

4.      Wikipedia. World War II (https://en.wikipedia.org/wiki/World_War_II).

5.      Catherine Putz (Lê Hồng HiệpTrần Quốc Nam dịch). 2015. Bài học từ trận Trân Châu Cảng cho nước Mỹ ngày nay (https://nghiencuuquocte.org/2015/12/29/bai-hoc-tran-tran-chau-cang-my/).

6.      Trận chiến Midway (https://en.wikipedia.org/wiki/Battle_of_Midway).

7.      Wiki: Atomic bombings of Hiroshima and Nagasaki

(https://en.wikipedia.org/wiki/Atomic_bombings_of_Hiroshima_and_Nagasaki).

8.      Expedia.com.vn. 2019. Công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima.

 (https://www.expedia.com.vn/Hiroshima-Peace-Memorial-Park-Hiroshima.d6102502.Tham-Quan-Diem-Den).

9.      Đài tưởng niệm nạn nhân: (https://www.expedia.com.vn/Cenotaph-For-The-A-Bomb-Victims-Hiroshima.d6102480.Tham-Quan-Diem-Den).

10.  Đài tưởng niệm bé Sasaki Sadako: (https://vi.wikipedia.org/wiki/Sasaki_Sadako).

(https://en.wikipedia.org/wiki/Atomic_bombings_of_Hiroshima_and_Nagasaki_).

11.  Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Quốc gia Hiroshima (https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3036/71047/bao-tang-tuong-niem-hoa-binh-quoc-gia-hiroshima.html).


This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free