Huy Lữ TRẦN VĂN ĐẠT
Nguyên Chánh Chuyên gia FAO - Rome

Trương Vĩnh Ký

CHỮ DŨNG TRONG HÀNH TRÌNH CỦA NHÀ BÁC HỌC NGÔN NGỮ TRƯƠNG VĨNH KÝ
 
T.S. Trần Văn Đạt
 

 
 
Dẫn Nhập
Hành động dũng cảm là do sự lựa chọn nhất định của một người với phán xét trí tuệ trước những dằn co, trăn trở, khó khăn, nguy hiểm về một số vấn đề trọng đại cá nhân, tập thể hoặc cả hai; đặc biệt đối với những quyết định tinh thần không nằm trong diện truyền thống. Vì thế, nhân vật anh dũng là đối tượng được nhiều người chú ý và nể trọng. Họ có hành động phi thường và khí phách anh hùng; nhưng thể hiện tâm huyết này không phải lúc nào cũng giống nhau tùy theo cá thể, hoàn cảnh và môi trường với tầm mức quan trọng khác biệt. Cái dũng vĩ đại của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được mọi người biết đến là vứt bỏ danh vọng hão huyền để dấn thân trên đường tu tập, tìm đạo pháp giải thoát con người khỏi kiếp nạn luân hồi, nhứt là dũng tâm chiến thắng bản ngã của Ngài. Đức Chúa Jesus Christ đã mang hùng tâm lớn hơn người, dám nói lên và truyền bá đức tin của mình khác với niềm tin tưởng thần quyền đại chúng, mà không nghĩ đến bản thân. Ngài đi truyền đạo ở Trung Đông và thuyết phục cư dân Thượng Đế là Đấng tối thượng của muôn loài sẵn sàng cứu rỗi các con chiên tin tưởng Ngài chứ không phải dành riêng cho một dân tộc. Ngài đã bị hãm hại và vu oan làm phiến loạn chống Đế quốc La Mã, nên khi đến thành phố Jesusalem giảng đạo nhà cầm quyền La Mã bấy giờ bắt Ngài, đóng đinh trên thập tự giá ở núi Golgotha cùng với hai tên cướp. Ngài đã gánh chịu đau khổ cho chúng sinh. Thật dũng cảm và cao quý!
 
Ở Việt Nam, những gương anh dũng không thiếu trong lịch sử dân tộc, nhưng tầm ảnh hưởng giới hạn hơn, như Trưng Trắc, Trưng Nhị, Trần Bình Trọng, Lê Lai đã lấy cái chết để bày tỏ lòng trung kiên của mình đối với tổ quốc và dân tộc. Trong lịch sử hiện đại, Trương Công Định, Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí, và nhiều vị anh hùng khác đã chọn cái chết anh dũng cho chánh nghĩa kháng chiến chống thực dân Pháp. Những người bình thường hơn cũng có những cái dũng riêng trong cuộc đời để lấy quyết định tối quan trọng cho bản thân, gia đình trong bối cảnh nhỏ hẹp hơn và chấp nhận mọi hậu quả. Vào hậu bán thế kỷ XIX, trong số học giả nổi tiếng của đất nước, Ông Trương Vĩnh Ký (1837-1898), một nhà bác học ngôn ngữ quốc tế, ảnh hưởng rất lớn trong nền văn hóa Việt Nam bấy giờ (quảng bá chữ quốc ngữ, làm báo đầu tiên…), đã thể hiện dũng tâm to lớn trong suốt hành trình đời mình trước tình thế khó khăn, xã hội phân hóa để xây dựng lý tưởng phục vụ dân tộc lúc giao thời.
 
Trong tình trạng đất nước lạc hậu, chính sách bế quan tỏa cảng và chuyên chế bài đạo của triều Nguyễn đã đưa đến cuộc xâm lăng tàn bạo của thực dân Pháp. Ông Trương Vĩnh Ký, một nhà trí thức có đạo Ki Tô, lúc nhỏ được các Cha Cố Pháp nuôi dưỡng và giáo dục làm linh mục, đã phải sống đối diện với nhiều thách đố đương thời. Cả đời Trương tiên sinh ưu tư về đất nước, thân phận trong một xã hội nhiễu nhương và đã có những lựa chọn quyết định hết sức can đảm để phục vụ dân tộc với lòng yêu nước vô bờ. Những chọn lựa cực kỳ khó khăn đó đã thể hiện qua hành trình tâm linh, trí tuệ và đời sống cho nguyện vọng và mục tiêu cao cả, ảnh hưởng đến quốc gia và nền văn hóa dân tộc sau này.
 
 
1.     Quyết định hồi hương trong hoàn cảnh đất nước đen tối và không làm linh mục dù tương lai rực rỡ đang chờ
Ông Trương Vĩnh Ký sinh tại Cái Mơn, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc tỉnh Bến Tre) trong thời vua Minh Mạng, với chính sách bế môn tỏa cảng, bài đạo sắt máu bắt đầu từ 1825 khi chiếc tàu Thétis vào Đà Nẵng để lại giáo sĩ Rogerot đi giảng đạo khắp nơi. Vua Minh Mạng cho rằng “Đạo Phương Tây là tà đạo, làm mê hoặc lòng người và hủy hoại phong tục, cho nên phải nghiêm cấm để người ta phải theo chính đạo”. Lệnh cấm đạo gây ra nhiều cuộc nổi loạn, nhà vua lại càng cấm đạo nghiêm khắc hơn, có nhiều giáo sĩ bị bắt và bị giết trong thời gian từ 1834 đến 1838, nhưng lòng tin đạo không hề suy giảm. Việc cấm đạo ngày càng trở nên nghiệm nhặt dưới thời vua Thiệu Trị và Tự Đức. Những đạo vụ cấm đạo Ki Tô đưa đến người ngoại quốc giảng đạo bị tử hình; những đạo trưởng bản xứ không chịu bỏ đạo bị khắc chữ vào mặt và bị đày đến rừng hoang nước độc; còn dân chúng theo đạo bị ngăn cấm, giáo dục chính đạo và không bị giết hại (Trần Trọng Kim, 1971). Vấn đề ngăn cấm đạo Ki Tô là một chính sách sai lầm của triều Nguyễn, không những gây ra hỗn loạn trong xã hội quần chúng, nhứt là những nơi nhiều người theo đạo này, mà còn là nguyên do chính đáng để người Pháp và I-pha-Nho can thiệp vấn đề tôn giáo và xâm chiếm nước ta.
 
Trong hoàn cảnh đất nước xáo trộn như thế, Ông Trương Vĩnh Ký lớn lên trong một gia đình có đạo dòng. Bất hạnh hơn nữa, Ông mồ côi cha từ lúc 3 tuổi, thiếu tình thương hạnh phúc của một gia đình bình thường; nhưng Ông thông minh và có trí tuệ lạ thường, được xem là một thần đồng ở Cái Mơn thời bấy giờ. Lúc còn nhỏ, Ông được thầy giáo Học dạy chữ Nho, đến 9 tuổi được Cố Tám, rồi Thừa Hòa (Borelle), Cố Long (Charles Emile Bouilleveaux) nhận làm con nuôi để dạy học đạo.
 
Với chỉ dụ sát tả của vua Tự Đức ngày 14-8-1848, các chiến dịch càn quét người có đạo trở nên dữ dội hơn, nhiều giáo sĩ, giáo dân bị giết, nhà thờ, làng đạo bị phá hủy hoặc đốt cháy, trong đó có nhà thờ Cái Mơn, Cái Nhum bị lửa thiêu nhiều lần. Lúc đó Cậu Trương 11 tuổi. Để tránh tai họa xã hội bất an, Cố Long đưa Cậu đi học đạo trong 3 năm tại Chủng Viện Pinhalu ở Cao Miên, do Cố Hòa (Belleveaux) làm Giám Đốc. Nhờ đổ đầu ở trường này, Ông được gởi qua đảo Penang thuộc xứ Malaysia ở Ấn Độ Dương theo học tại Chủng Viện Giáo Hoàng, một trường đạo nổi tiếng dành cho các chủng sinh Viễn Đông. Lúc này Cậu Ký đã tròn 14 tuổi. Nơi đây, Cậu có cơ hội tiếp cận ít nhiều đời sống văn minh Tây phương trên đảo thuộc địa Anh. Sự học vấn của Cậu tiến bộ nhanh, đầu óc thêm sáng suốt, mở rộng kiến thức Âu Á với các phương pháp giáo dục tân thời như giáo án khoa học, chương trình học vấn tân thời, thư viện đầy ấp các tài liệu, thông tin khoa học, kỹ thuật, thần giáo, triết học, văn học… quốc tế mà Cậu luôn mê say, tìm tòi học hỏi.
 
Sau 7 năm đèn sách (1851-1858), chàng thanh niên họ Trương đã đổ đầu kỳ thi mãn khóa, được tuyển chọn để tiếp tục đi học làm linh mục ở Thành Phố Rome, Ý Đại Lợi. Đây là một cơ hội hiếm có trong đời của một người học đạo để tiến thân trong một tôn giáo lớn. Ban Giám Đốc của Chủng Viện Giáo Hoàng Penang chúc mừng và khuyến khích Ông chấp nhận tiếp tục học để nhận sứ mạng dìu dắt con chiên sau này. Các bạn đồng môn cũng vui mừng hối thúc Ông tiến lên bước đường tu tập và hành đạo ở bậc cao hơn. Ngay cả Cha Lefèbvre, người đã từng đi giảng đạo, bị triều đình Huế lên án tử hình và được cứu thoát ở Việt Nam, đã đến dạy học tại Chủng Viện này, cũng hết lời khuyên Ông tiếp tục con đường làm linh mục. Đây là một thời điểm hết sức quan trọng cho cuộc đời của Trương tiên sinh. Trước đó, Ông nhận được hung tin về người mẹ thân yêu đã qua đời ở quê hương. Trước mắt, có hai con đường để Ông lựa chọn: (i) con đường vinh quang làm linh mục trong tương lai, và (ii) con đường trở về quê hương tăm tối, nguy hiễm, với xã hội xáo trộn do chính sách bài đạo tàn nhẫn, mà mình là một người có đạo và được giáo dục hơn thập niên qua. Với lòng hiếu thảo, Ông đã can đảm quyết định hồi hương để vừa thọ tang mẹ vừa có cơ hội phục vụ đất nước, dù có thể gặp nhiều nguy hiểm đến tánh mạng. Sự hồi hương này quả là một quyết định sáng suốt, không bị lôi cuốn bởi ảo ảnh phù du, phản ánh tấm lòng yêu nước dạt dào và hiếu để của một thanh niên thông minh quán chúng, vừa tròn 21 tuổi đời.
 
Thậy vậy, biết bao nhiêu người đã từng đi du học ở ngoại quốc rồi quyết định ở lại quê hương người vì nhiều lý do. Đã bao nhiêu nhân tài ở lại Pháp suốt trong thời kỳ đô hộ của thực dân này, ở lại Mỹ trong thời chiến tranh vừa qua? Đó là hiện tượng mất chất xám to lớn, hoang phí của một dân tộc nghèo đang phát triển!
 
Sau khi hồi hương, Trương tiên sinh chứng kiến cuộc xâm lược dã man của Pháp và I-pha-nho. Ngày 19-2-1859, thành Gia Định thất thủ bị Pháp chiếm đóng. Bầu không khí chiến tranh tang tóc bao phủ nhiều nơi, lan rộng từ tỉnh Gia Định đến Biên Hòa và Định Tường. Từ 3 tỉnh Miền Đông đến 3 tỉnh Miền Tây, từ Nam Kỳ đến Bắc Kỳ và cuối cùng Annam. Đời sống của các vùng này lần lượt trở nên khó khăn hỗn loạn, các cuộc kháng chiến chống Pháp bùng phát; nhưng các con chiên đạo Ki Tô cảm thấy không còn lo âu như ngày nào.
 
Cũng như những người có đạo khác, Ông Trương Vĩnh Ký không còn mỗi ngày lo sợ cho tánh mạng mình do chính sách bài đạo. Các giáo sĩ ngoại quốc bắt đầu xuất hiện và hoạt động truyền giáo mạnh mẽ ở những vùng mà quân Pháp chiếm đóng. Cha Lefèbvre và Cố Croc tìm cách tiếp xúc và móc nối Trương tiên sinh cho mục tiêu phát triển đạo Ki Tô ở Việt Nam. Các giáo sĩ này nhận thấy Trương tiên sinh là một người có tiềm năng rất lớn trong công tác truyền đạo, vì Ông biết nhiều ngoại ngữ: Pháp, I-pha-nho, Bồ Đào Nha, La Tinh… và có trình độ tu học khá cao trong đất nước lạc hậu này. Với mưu đồ xa hơn trong tương lai, họ khuyến khích Trương tiên sinh tiếp tục xuất ngoại du học ở La Mã để sau này trở thành vị linh mục có đầy đủ khả năng truyền bá tôn giáo mới trên đất nước Việt Nam. Họ cố gắng thuyết phục ông nhiều lần nhiều ngày, nhưng Trương tiên sinh đã có lập trường dứt khoát ở lại quê hương để phục vụ đồng bào với khả năng mình khi đất nước đang trên bờ vực thẳm, mặc dù chức sắc linh mục sẽ giúp đời sống và tư thế xã hội của Ông ở tầng cao hơn trong tương lai, chưa kể đến vinh dự mang về cho gia đình thân tộc.
 
Quyết tâm không di tu học để làm linh mục đã xác nhận rõ hơn thực tâm lập trường của Tiên sinh muốn sống hòa đồng với đồng bào trong thời chiến loạn và thực hiện lý tưởng cao cả của mình, đặc biệt việc phổ biến chữ “Quốc Ngữ” mà ông đã từng ôm ấp từ khi được cố Long dạy lúc còn ở Cái Mơn. Ước mơ này được bồi đấp thêm to khi Ông còn tu học tại Chủng viện Giáo Hoàng đảo Penang, được Cố Long trao tặng và đọc ba quyển sách hết sức quý giá: Từ điển Việt-Bồ-La, Văn phạm Việt ngữPhép giảng tám ngày. Hơn nữa, quyết định lần này không còn bị yếu tố tình cảm và hiếu đạo ảnh hưởng như khi hồi hương từ đảo Penang để chịu tang mẹ, chỉ còn tình yêu quê hương nơi Ông. 
 
 
2.     Ở với họ mà không theo họ trước sự cám dỗ vật chất và danh vọng
Quyết định ở lại quê hương, không đi du học để làm linh mục đã đặt Trương tiên sinh trong hoàn cảnh rất tế nhị khó xử, với nhiều đêm thao thức cho cuộc hành trình sau này của mình. Là một người được các Cố đạo Pháp nuôi dưỡng từ lúc nhỏ, được cho theo học triết lý, thần học đạo Ki Tô, ông sẽ phải làm gì khi sống trong đất nước đang bị xâm lăng bởi quốc gia của người nuôi dưỡng và dưới mắt ngờ vực của triều đình Huế? Một bên tình quốc gia dân tộc, một phía ân nghĩa và đạo giáo cưu mang, chưa kể đến sức ép, mưu mô và quyền lực của các giáo sĩ đang bủa vây quanh khi Ông mới đặt chân về xứ sở. Trương tiên sinh đã rất khổ tâm khi được mời làm một công tác đầu tiên - thông dịch cho cuộc thảo luận giữa đại diện triều đình Huế, Ông Tôn Thất Thiệp và đại diện Pháp, Trung tá Jauréguiberry ở Biên Hòa vào năm 1860. Với Ông, công việc thông dịch này có phải nhằm tháo gở các hiểu lầm, giúp hòa giải và tạo sự thông hiểu giữa đôi bên hay đây là việc làm nối giáo cho giặc? Câu hỏi này đã làm cho Trương tiên sinh nhiều đêm suy nghĩ, giấc ngủ không bình yên. Bối cảnh lớn lên và nên người do các Cố đạo chăm sóc từ lúc Ông vừa lên 9 tuổi, tiếp theo 3 năm ăn học ở chủng viện Pinhalu và 7 năm ở trường Giáo Hoàng đảo Penang đã lôi cuốn Ông vào hướng đi không có nhiều chọn lựa. Ông ray rứt trong cuộc sống nhiều ngày để đi đến thái độ dung hòa, lựa chọn cho mình vị thế “Ở với họ mà không theo họ, nhờ họ mà không quị lụy họ, lựa thời mà ra, tùy thời mà về, biết thế mà điều chỉnh”, như hàm ý của câu châm ngôn Hy Lạp.
 
Thể hiện chủ trương này, Ông chống đối lệnh bắt buộc làm thông ngôn cho xét xử các nghĩa quân và các vụ án tầm thường, trong khi Ông mong muốn làm một việc gì đó có tầm vóc lớn hơn, nhứt là muốn lợi dụng cơ hội tham gia đóng góp cải tiến nền văn hóa dân tộc dù phải đối đầu với thế lực thực dân.
 
Vì không nghe theo lệnh của Thiếu tá d’Aries, người thay thế Trung tá Jauréguiberry, để đi thông dịch các cuộc điều tra dân sự khác, Ông bị Thiếu tá này báo cáo cho Đô Đốc Charner: ...Với cương vị thông ngôn của Sở sự vụ bản xứ Sài Gòn, các thừa sai và Thiếu tá Jauréguiberry đã quá đề cao P. Ký và vì vậy đã kích thích tính kiêu ngạo, cái tính đã làm anh ta quên mất mình là ai. Tôi không hề thấy ở anh ta một chút của sự siêng năng mẫn cán vốn được thiếu tá tiền nhiệm của tôi ca ngợi. Là người của quân đội Pháp nhưng anh ta lại làm việc không theo chỉ huy của tôi, mà theo ý thích của anh ta, một việc chưa có tiền lệ của một quân đội bách chiến bách thắng của chúng ta. Tôi buộc lòng phải sa thải anh ta - sa thải- không có tên gọi nào đúng hơn. Tất nhiên, không bao giờ tôi lại muốn giới thiệu anh ta cho Ngài, như nhiều thừa sai gợi ý, để Ngài lấy thông ngôn cho các hội đồng chiến tranh của chúng ta...” (Hoàng Lại Giang, 2001). Ông làm việc cho Pháp, nhưng không nhứt thiết phải nghe lời họ, nếu xét thấy không theo đúng chủ trương của mình, nghĩa là phục vụ cho tổ quốc và dân tộc, Ông khẳng khái từ chối. Đó là một cử chỉ dũng cảm của Trương tiên sinh trước thế lực kẻ mạnh. Mấy ai hành xử như thế trong hoàn cảnh này, ngay sau lần đầu tiên làm nhiệm vụ thông dịch.
         
          Ông Paulin Vial, Giám Đốc Nội Vụ Nam Kỳ đã báo cáo về Ông Trương Vĩnh Ký như sau: “Trương Vĩnh Ký là hiện thân của những phần tử đáng nghi ngờ trong đám người Việt”. Càng làm việc lâu với thực dân Pháp, Trương tiên sinh càng bày tỏ lập trường cứng rắn của mình cho lòng yêu nước và phục vụ quyền lợi dân tộc, chống đối các chính sách mị dân. Cũng vì nhiệt tâm đó, mà Ông bị thuyết phục và lôi cuốn vào môi trường chính trị của Paul Bert trong một thời gian ngắn. Sự thân thiết và hợp tác của Ông với Thống Đốc Paul Bert đã gây ra sự ghen ghét và đố kỵ từ Giám Đốc Nội Chính Paulin Vial. Ông này đã báo cáo lên Paul Bert như sau (Hoàng Lại Giang, 2001):
 
          “…Tôi biết P. Ký là bạn rất thân và được Thống Đốc tin tưởng mà giao phó nhiều việc quan trọng. Nhưng tôi muốn thưa với Thống Đốc rằng. Ký là người thâm sâu. Y có dụng ý trong việc yêu cầu Thống Đốc thay những thân binh bằng những binh cơ người bản xứ, tổ chức hiện đại theo lối Âu. Tôi đoan chắc với Thống Đốc rằng bọn người bản xứ ấy sẽ quay súng mà chúng ta đã trang bị ấy vào ngực của chúng ta! Đó là sự phản chủ tất yếu. P. Ký, con người luôn tự hào dân tộc mình có lịch sử trên 4000 năm, con người ấy không dễ dàng rứt bỏ quá khứ…”.
 
Lá thư này đã nói lên con người thật và lòng yêu dân yêu nước chân thành của Trương Vĩnh Ký bất cứ ở đâu và lúc nào. Sau khi xa lánh cuộc cờ chánh trị quá rối ren ở triều đình Huế, Trương tiên sinh trở về Nam nghỉ hưu, nhưng vẫn còn tiếp tục dạy học tại trường Hậu Bổ. Vì còn ghen ghét, Paulin Vial cắt bớt lương bổng của Ông, làm cho cuộc sống và công việc ấn loát tài liệu gặp nhiều khó khăn; tuy nhiên về sau nhờ sự can thiệp của bạn bè có thế lực ở nước Pháp, lương bổng của Ông được hồi phục.
 
          Ông Trương Vĩnh Ký đã trải qua cuộc sống thăng trầm và làm việc trong một hoàn cảnh giao thời, tế nhị, khó khăn qua thời gian gần 30 năm. Trong khi thực dân Pháp nghi kỵ các hoạt động tích cực vì đất nước của Ông và không hoàn toàn tin tưởng Ông ở các chức vụ giao phó, Trương tiên sinh còn bị chỉ trích về thái độ hợp tác với thực dân từ phía quốc gia, mặc dù để có cơ hội thực hiện hoài bão lớn của mình. Đó là quyết tâm khai sáng nền tân học và phổ biến chữ Quốc Ngữ đến đại chúng, một lối thoát khỏi phong tỏa và kiềm hãm văn hóa nô lệ lâu dài. Có ai thông cảm và hiểu hết tâm tư nặng trĩu dẳng dai của Ông đây? 
 
      Rõ ràng Trương tiên sinh đang sống và hành trình đối diện với với lương tâm và thực tại. Ông Gautier đã viết về Ông: “… Một con người như vậy quá đã làm vẻ vang cho dân tộc An Nam và rộng hơn là cho cả loài người. Nhưng dường như anh đang đứng giữa hai dòng thác! Nhưng dù thế nào đi nữa chúng tôi vẫn tin anh đủ khôn ngoan và bản lĩnh để không bị dòng thác nào cuốn trôi hay nhận chìm!...” (Hoàng Lại Giang, 2001). Quả vậy, chính vì không muốn bản thân mình bị cuốn trôi hay nhận chìm trong cơn bão tố của tổ quốc mà Ông phải chọn lựa hành xử theo châm ngôn: “Sic vos non vobis”.
 
Trương tiên sinh đã dứt khoát từ bỏ thái độ chấp nhận dễ dàng hợp tác với Pháp để có chức cao quyền trọng, vinh thân phì gia như bao nhiêu người trí thức khác đang làm. Trong suốt thời gian cộng tác với thực dân, Ông luôn đặt tâm mình hướng về quê hương và dân tộc, với lòng nhiệt thành và khả năng thiên phú, đồng thời phải dựa vào thế lực thống trị hiện tại để mưu đồ chuyện lớn. Ông đã cộng tác với họ, nhưng chưa bao giờ làm hại đất nước và đồng bào, trái lại Ông là một người yêu nước thầm lặng, luôn nghĩ đến quê hương và dân tộc còn lạc hậu, với tâm nguyện đóng góp cải tiến.
 
 
3.     Không chấp nhận quốc tịch Pháp để hưởng cuộc sống danh vọng, giàu sang của kẻ thống trị
Vào buổi đầu Pháp thuộc, việc nhập quốc tịch Pháp không phải dễ dàng, đòi hỏi một số điều kiện: phải có một trình độ đồng hóa cao, con nuôi trong gia đình Pháp, hay kết hôn với một công dân Pháp, hay có một chứng chỉ của một trường trung học Pháp, hoặc phục vụ trong quân đội Pháp. Năm 1937, cả nước chỉ có 2.555 người có Pháp tịch, mà ba phần năm ở Nam Kỳ (Nguyễn Thế Anh, 1970). Trong khi đó, chính phủ thuộc địa nhiều lần mời Ông Trương Vĩnh Ký nhập quốc tịch Pháp, nhưng Ông dứt khoát từ chối. Đối với nhiều người bản xứ, nhập Pháp tịch là một phương tiện tiến thân trên đường công danh, được hưởng ân huệ nhà nước và bảo đảm an ninh tài sản cùng quyền lợi gia đình. Chẳng hạn, các chức vị cao cấp trong ngành hành chánh cũng như chức hội viên các hôi đồng đại biểu chỉ dành cho những người có Pháp tịch mà thôi.
 
Nhưng đối với Trương tiên sinh, Pháp tịch trên đất nước mình không là chi cả, nhưng còn trái với luật thiên nhiên. Thái độ từ chối Pháp tịch là hành động chính đáng biểu lộ mình không phải là người của thực dân; cho nên khi trả lời thơ cho Pène Siefert, Ông viết lời tâm tình như sau: “Người ta có viết cho tôi ba lá thư liên tiếp khuyên tôi vô quốc tịch Pháp. Tôi cương quyết từ chối vì tôi không bao giờ thay đổi ý kiến và lập trường. Một khi nhập quốc tịch Pháp tôi sẽ mất tất cả uy tín, mất tất cả ảnh hưởng, từ nay không còn tín nhiệm của nhà Vua, của triều đình và của dân tộc An Nam…”. Với một người bạn đồng hương, Ông viết “…Đặng một bên, mất một bên, lợi thì ít mà hại thì nhiều”, và Ông khiêm nhường khéo nói rằng “…không lý trời sinh ra tôi là con quạ, bây giờ một hai nói tôi là con cò làm sao đặng? Nên là điều trái với sự tự nhiên hết sức”. Vì thế, suốt cả đời ông luôn khoát trên người chiếc áo dài thâm, quần trắng và khăn đóng màu đen - bộ quốc phục đương thời. Trương tiên sinh muốn cho mọi người biết Ông vẫn là người Việt Nam thuần túy và mong muốn phục vụ cho lý tưởng của một công dân Việt Nam. Mấy ai có thái độ bất khuất trước các cám dỗ danh lợi như thế? Thái độ từ chối công dân Pháp đã làm cho thực dân nghi ngờ tấm lòng trung trực của Ông trong các công tác phát triển văn hóa được đánh giá cao. 
 
 
4.     Đối diện với các nhà trí thức lớn ở Pháp, lãnh đạo thế giới và tôn giáo dù là một thanh niên mới vào đời 26 tuổi
Sau khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ, triều đình Huế rất bối rối vì thực lực chống kháng của nước nhà quá yếu kém với gươm giáo, tầm vong vạt nhọn, mấy khẩu đại bác thần công đối diện với hỏa lực hùng hậu của địch gồm đại phái hỏa lực mạnh, súng liên thanh, tàu chiến; nên phải dùng đến sách lược cầu hòa. Vua Tự Đức than rằng: “…còn súng nổ đất của Trẫm còn bị mất”, nhưng nhà vua không có đủ sáng suốt và khả năng lãnh đạo dũng cảm như Minh Trị Thiên Hoàng của Nhựt Bổn đã dám làm một cuộc cách mạng chính trị, kinh tế và xã hội triệt để từ năm 1868 để cứu nước và đưa xứ Phù Tang vươn lên, vượt khỏi tình trạng phong kiến chậm tiến và 30 năm sau trở thành một nước công nghiệp hóa. Năm 1863, triều đình Huế đã cử một phái đoàn qua Pháp để chuộc lại 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường. Phái bộ này gồm có (Phạm Phú Thứ bản dịch, 2001 và Nguyễn Vi Khanh, 2005):
 
-      Hiệp Biện Đại Học Sĩ Phan Thanh Giản làm Chánh Sứ,
-      Hiệp Tả Tham Tri Bộ Lại Phạm Phú Thứ làm Phó Sứ,
-      Án Sát Sứ tỉnh Quảng Nam Nguyễn Khắc Đản làm Bồi Sứ, 
-      Thông ngôn thứ nhứt Ông Trương Vĩnh Ký,
-      Thông ngôn thứ nhì Petrus Sang,
-      Văn tự viên thứ nhứt Bá-Tường, Phủ Tân Bình,
-      Văn tự viên thứ nhì Hiếu, văn tự Văn phòng Bộ Tham mưu.
 
Phái đoàn gồm tất cả 70 người rời bến cảng Sài Gòn ngày 14-7-1863 đến bến cảng Marseille, nước Pháp ngày 11-9-1863. Vì không muốn ngưng cuộc xâm lăng, mãi đến ngày 7-10-1863, Hoàng đế Napoléon III mới tiếp kiến phái đoàn Việt Nam tại điện Tuilleries ở Paris. Sau đó, phái đoàn tiếp tục đi thăm viếng nước I-pha-nho, Bồ Đào Nha, Ý Đại Lợi và trở về nước vào ngày 18-3-1864.
         
Trong phái đoàn khá đông đảo này với nhiều chuyên gia thương thuyết về một số lãnh vực chuyên môn để chuộc lại 3 tỉnh miền Đông, không có ai đã lợi dụng cơ hội ngàn vàng này để tìm tòi học hỏi những tiến bộ xã hội, văn hóa, kỹ thuật của các nước văn minh trời Âu hầu phục vụ đất nước, ngoại trừ Ông Trương Vĩnh Ký. Phó sứ Phạm Phú Thứ, Án Sát Sứ Nguyễn Khắc Đản và các khoa bảng khác trong đoàn tùy tùng của Cụ Phan Thanh Giản đã không làm việc gì khác hơn nhiệm vụ được giao phó, khi trải qua thời gian 8 tháng ở hải ngoại với tổn phí nhiều bạc tiền trên chuyến công du tại một số quốc gia có nền văn minh vượt bực mà Việt Nam đang cần học hỏi, bắt chước!
 
Trương tiên sinh lúc đó mới 26 tuổi, một trong những người thanh niên trẻ nhứt của phái đoàn đã quyết tâm phấn đấu từ cá nhân đến phái đoàn để có cơ hội tiếp xúc và học hỏi với các bậc danh nhân của nước Pháp và vài quốc gia khác, với vốn kiến thức hạn chế của mình. Ông đã làm được việc mà các bậc học giả khác của phái đoàn không làm hoặc không thể làm, nhờ vào lòng can đảm, óc cầu tiến và hiểu biết sâu rộng tình hình thế giới, đặc biệt ở châu Âu. Tại điện Tuilleries, Ông được Hoàng đế Napoléon III yêu cầu làm thông ngôn thay vì ông Aubaret, thông ngôn do Pháp chỉ định trước đó. Với tài ăn nói hùng hồn, giọng điệu của trí thức Paris, phong thái nho nhã của một nho sĩ thức thời, Trương tiên sinh đã thu phục sự chú ý, vị nễ và lòng hiếu kỳ của nhiều nhân vật có quyền lực cao và một số nhân sĩ bản xứ tên tuổi, nổi tiếng thế giới. Họ không những ngạc nhiên khi thấy một thanh niên trẻ trung ăn nói hùng biện, mà còn là một người đến từ một tiểu quốc chậm tiến, có kiến thức rộng rãi trên thế giới, thấu hiểu rành rẽ văn hóa và tiến bộ khoa học của Pháp và châu Âu. Từ đó, Ông lại khai triển ước vọng của mình về liên lạc giao tình với giới trí thức thượng lưu này để có thể nhờ họ hỗ trợ cho việc làm văn hóa tương lai của mình: phổ biến chữ Quốc Ngữ và phát triển nền tân học tại xứ sở.
 
Dù mới ra đời không lâu lắm, chưa có nhiều kinh nghiệm từng trải ngoài đời, nhưng với đầu óc cầu tiến và thông minh bén nhạy, Ông Trương Vĩnh Ký đã mạnh dạng chủ động tiếp xúc và làm quen nhiều nhân vật tên tuổi trong xã hội Pháp bấy giờ, trong đó có có quý Ông (Hoàng Lại Giang, 2001):
         
Ernest Renan (1823-1892), nhà sử học, triết học, thần học đã mời Ông Trương Vĩnh Ký đến thuyết trình về triết học phương Tây và thần học ở đại học Le Creuzot. Sau này, Ông là người đề cử Trương Vĩnh Ký vào danh sách các nhà văn hào thế giới và được trúng tuyển vào danh sách “Thế Giới Thập Bát Văn Hào” vào năm 1874.
 
Paul Bert là nhà sinh lý học, Giáo Sư đại học Bordeaux và Bộ Trưởng Giáo Dục dưới thời Thủ Tướng Gambetta. Nhà khoa học và chính trị này cũng mời Trương tiên sinh thuyết trình tại đại học Bordeaux về Tư tưởng triết lý phương Đông, mà Khổng Phu Tử đã đóng vai trò quan trọng trong hình thành nền văn hóa này.
         
Emile Littré (1801-1881) nhà từ điển học đã mời Trương tiên sinh về nhà đàm đạo, nhân dịp này họ Trương đã tìm hiểu học hỏi công việc làm từ điển. Ông Littré đã tặng Ông bộ “Từ điển ngôn ngữ Pháp” vừa được in xong tập I.
         
Victor Hugo (1802-1885): Trương tiên sinh đã đến đảo Guernesey ngoài bờ biển Normandy để thăm Nhà văn nổi tiếng thế giới Ông Victor Hugo, người đã tự ý đến đảo này để lưu vong và phản đối các chánh sách xâm lăng và độc tài của Hoàng đế Napoléon III. Ông Victor Hugo là nhà văn hào nổi tiếng thế giới vào thế kỷ XIX, ảnh hưởng rất lớn trong nền văn học Pháp.
         
Vào ngày 4-12-1863, Ông và phái đoàn được Đức Giáo Hoàng Pio Nono IX (1846-1876) tiếp kiến, riêng đối với Ông, Đức Thánh Cha tặng 2 quyển từ điển rất quý báu cho công việc khảo cứu ngôn ngữ về sau: “Từ điển Annam-Latin” của giám mục Pigneau de Béhaine và Hồ Văn Nghi soạn thảo vào năm 1722 và “Từ điển Annam-Latin” của giám mục Tabert và Phan Văn Minh.
         
Ở Paris, Ông đã làm dấy động bầu không khí của giới trí thức, học giả và chính trị gia qua các bài thuyết trình trước các giáo sư sinh viên đại học về nền văn hóa Đông - Tây, lý luận ngôn ngữ, triết học và thần học hết sức súc tích mới lạ, với phong cách của một thanh niên phương Đông mảnh khảnh còn dáng dấp thư sinh. Điều này đã đưa Trương tiên sinh đến gần với các nhà trí thức khoa bảng ở Paris và tạo được nhân tố cho thành công trong cuộc bình chọn các nhà Bác học văn hóa khoa học gần cuối thế kỷ XIX, và thuận lợi cho công trình nghiên cứu văn hóa ngôn ngữ để phục vụ đất nước sau này. Ông Gautier viết về sự hiện diện của chàng thanh niên họ Trương ở Paris như sau (trong Hoàng Lại Giang, 2001):
 
 
“…Từ trước đến nay, ít có nhà giáo dục, văn hóa Đông Phương nào đặt chân tới đất Pháp và gieo tư tưởng Đông phương sâu sắc như người thanh niên Annam Trương Vĩnh Ký. Thật là một điều đáng tiếc, nhất là với công việc tìm tòi, tham khảo của chúng tôi. Và không ngờ nỗi bức xúc của chúng tôi đã được giải tỏa. Tại cung điện Hoàng gia Paris, tôi đã gặp một người Annam, dáng mảnh khảnh, mặc áo dài màu đen, đội khăn đóng cũng màu đen, chiếc quần ống rộng trắng ngà. Anh ta bắt tay tôi với một cử chỉ lịch sự rất đúng mốt và tự giới thiệu: Tôi là P. Trương Vĩnh Ký, thông ngôn, tùy tùng cùng phái bộ của sứ thần Annam… Bằng một giọng Paris rất chuẩn, anh ta đã thu hút tất cả chúng tôi…
 
         
 
Nhanh chóng chúng tôi trở thành bạn của nhau. Bằng trí nhớ phi thường của mình, Trương Vĩnh Ký đã giới thiệu cho chúng tôi những nhà triết học khổng lồ của phương Đông như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Xiêm, Annam… Mỗi nhân vật Trương Vĩnh Ký đều cho chúng tôi một tóm lược tiểu sử rõ ràng minh bạch và rất chi tiết…
 
         
 
Chàng trai mới ngoài 20 tuổi này đã mang phong thái trầm tĩnh mà uyên bác của nhà bác học. Khi nói về văn hóa phương Tây, một lần nữa Trương Vĩnh Ký lại làm chúng tôi ngạc nhiên. Chàng trai còn rất trẻ của phương Đông này đã trình bày cho chúng tôi về cuốn “Esprit des loi” và “Lettres persanes” của Montesquieu, về cuốn “Contrat social” của Rousseau rành rẽ cũng như nói về “Lettres philosophiques” của Voltaire…
 
         
 
Littré nói rằng trên trái đất này khó tìm ra người thứ hai say mê ngôn ngữ như Trương Vĩnh Ký. Gặp người Anh, Trương Vĩnh Ký nói bằng tiếng Anh nhuần nhị như người Luân Đôn. Tiếp xúc với người Ý Đại Lợi, người Y Pha nho, người Bồ Đào Nha… Trương Vĩnh Ký đều nói theo đúng âm luật ở kinh đô nước đó… Sự thông thạo tới 26 ngoại ngữ của P. Trương Vĩnh Ký đủ để loài người tôn vinh anh như một nhà bác ngữ học vào bậc nhất của thời nay.
 
         
 
Không nghi ngờ gì nữa, Trương Vĩnh Ký là nhà văn hóa của phương Đông trong phong thái ung dung tự tại mà lại rất khiêm nhường. Thông minh cực kỳ, nhưng với ai anh cũng học hỏi, ít nhất một điều gì đó. Điều lạ là ở lĩnh vực nào anh chàng Annam áo dài khăn đóng này cũng tỏ ra sự hiểu biết tinh tường và sâu sắc của mình. Và khi trình bày cho mọi người; anh có lối diễn đạt của một phương pháp sư phạm hiện đại…”.
 
         
 
Chính Trương tiên sinh đã ghi vào cuốn sổ tay của mình như sau: “…chuyến đi đã cho tôi được sâu sắc một nền văn hóa nữa của loài người. Paris uy nghi và tráng lệ. Nơi đây Montesquieu đã từng sống, từng khao khát; Rousseau, người đã từng tỏa sáng ý nguyện dân chủ của mình cho khắp châu Âu trước cuộc cách mạng năm 1789 đến 50 năm. Diderot, rồi Voltaire… Ngày nay nước Pháp có Victor Hugo và Littré…
 
Lịch sử loài người rực rỡ những gương sáng, chỉ cần những người của hôm nay khiêm tốn nhìn vào mà sửa mình thì xã hội sẽ có Tự do – Bình đẳng – Bác ái…. Tôi cầu mong một ngày nào đó hai dân tộc Pháp - Annam hiểu nhau và giúp đỡ nhau. Nước Anh và nước Pháp vốn là kẻ thù của nhau. Dân Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ đã từng nguyền rủa dân tộc Anh Cát Lợi… Vậy mà, bây giờ họ lại là đồng minh của nhau. Hugo nói đúng: “Tình yêu tồn tại!” Tôi sẽ làm hết sức mình để cho hai dân tộc Pháp - Annam chỉ còn lại mỗi tình yêu, mỗi tình bạn…”.
 
Lòng yêu nước, hoài bảo tương lai của Trương tiên sinh quá to lớn, ngoài tấm lòng dũng cảm của một người trai trẻ từ một nước nhược tiểu đã dám trực diện với các cây cổ thụ nổi tiếng của thế giới văn minh và xuất sắc tạo nên cảm tình vị nễ của họ! 
 
 
5.     Giáo dục quần chúng thay vì làm một triết gia hay tư tưởng gia nổi tiếng
Có ít người nêu câu hỏi: Tại sao nhà bác học ngôn ngữ Trương Vĩnh Ký không trở thành một triết gia tài giỏi để nghiên cứu sâu rộng tư tưởng, tâm linh của con người, khi ông đã có trình độ giáo dục cao về triết học, thần học, văn học, lịch sử, địa lý…, và thông làu kinh sử văn hóa Đông Tây, biết 26 ngoại ngữ và thông thạo trên 10 thứ tiếng? Trái lại, Ông chỉ say mê quan tâm đến các công tác văn hóa thực tiển nhằm giáo dục quần chúng để tạo điều kiện cho đất nước sớm thoát khỏi tình trạng lạc hậu lúc bấy giờ. Đó là sự lựa chọn dũng cảm và khôn ngoan, đặt quyền lợi dân tộc trên háo danh cá nhân, chấp nhận hiện thực trên những ảo tưởng xa vời, có thể nói là xa xỉ đối với một dân tộc còn quá chậm tiến. Nhiều người học trò và thân hữu của Ông đã thường đề cập đến vấn đề này, Ông thường bày tỏ cho họ biết nguyện vọng của ông làm sao phổ biến chữ Quốc Ngữ đến mọi người dân, thiết đặt nền móng tân học để tạo cơ sở sớm đưa dân tộc này ra ngoài ánh sáng văn minh và xã hội bớt dốt nát, trong khi kiên định giữ gìn giềng mối đạo đức trật tự xã hội.
 
Với con người năng động và ý chí phục vụ đất nước, Ông đã dốc tâm nghiên cứu về nguồn gốc và tương quan ngôn ngữ của loài người mà lúc bấy giờ thế giới chưa chú ý nhiều lắm, soạn các quyển từ điển cần thiết, các giáo án cho các lớp Quốc Ngữ, mà chưa ai làm tới và dịch thuật các kinh sách quí giá của nho giáo để cho người đời học hỏi về đạo đức xã hội. Tất cả công việc hoàn toàn mới lạ với đất nước ta thời đó đã làm cho Ông bận rộn suốt năm tháng và suốt cả đời. Con người không biết mệt mỏi này đã để lại cho hậu thế nhiều công trình quí báu còn ảnh hưởng đến nền văn hóa ngày nay và mai sau. Một người có đầu óc cao cả với nhiệt huyết dấn thân chỉ nhằm phục vụ dân tộc và đất nước còn quá lạc hậu.
 
          Giáo Sư Vũ Ký (2005), trong Tuyển tập Hiện Tượng Trương Vĩnh Ký, đã không ngần ngại so sánh nhà Bác học Trương Vĩnh Ký và Ông Aristote của Hi Lạp:
 
      “Nhìn lại sự nghiệp bác học đa dạng đa phương của Trương tiên sinh, tôi còn muốn làm một cuộc so sánh - không quá đáng chút nào - với triết gia Aristote lỗi lạc của nền cổ sử Hi Lạp vào thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, Aristote là tác giả của bao nhiêu tác phẩm, tài liệu với nhiều chuyên ngành, nào chánh trị học, luận lý học, sinh vật học, vật lý, sử học, văn chương và siêu hình học góp phần xây dựng nền văn minh cổ Hi Lạp rực rỡ. Thực có nhiều điểm tương đồng với nhà bách khoa Trương Vĩnh Ký của chúng ta. Công trình sáng tạo của cụ Trương nhiều vô số, kể ra không hết nào là về lịch sử, về văn chương, văn học Việt nam,về phong tục Việt nam, về biên soạn nhiều tự điển, về dịch thuật, về sưu tầm phiên âm truyện nôm và cổ văn Việt Nam, về sáng tác bút ký, thi văn, về tài liệu giảng huấn bước đầu của Việt ngữ, tiếng Hán, tiếng Phápcùng các sơ đồ, bản văn về vật lý thiên văn và y học thiên văn để giảng dạy thời tiết, chu kỳ vũ trụ, về phương hướng v.vTriết gia Aristote xây dựng mọi công trình của mình trên lẽ đạo Tây phương, tính nhất thống của vũ trụ học. Còn ở Trương tiên sinh lại lấy nền tảng ở Trung Dung, noi ý hướng của thánh hiền tìm về nguồn gốc Chính đạo, luôn luôn người lo sợ mất chơn truyền đạo học vốn là giềng mối lẽ đạo của phương Đông. Mọi sáng tạo văn chương, hành động của Trương tiên sinh được xây dựng trên nền tảng đạo đức nho gia ấy, trên cảm thức siêu hình và hiện hữu sâu đậm đối với đất nước mà nhiều bậc thức giả đánh giá là nỗi niềm ái quốc cô đơn và rất cao đẹp của người.”
 
          Giáo sư Nguyễn Văn Trung (2005) cho rằng khi đánh giá công lao của Ông Trương Vĩnh Ký không thể tách rời tư cách trí thức của Ông trong những sự lựa chọn của Ông:
 
 
1.           “…Về phương diện văn hóa ông có thừa khả năng trở thành nhà bác học đặc biệt về ngôn ngữ học. Một số bài viết của ông về ngôn ngữ học được giới chuyên môn thời đó coi ông như đương nhiên là đồng nghiệp của họ. Nhưng sau đó ông cũng đã không đi theo sự lựa chọn đó.
 
 
2.          Ông thừa khả năng lập thuyết về chính trị văn hóa vì ông am hiểu sâu rộng văn hóa Đông Tây kim cổ, chẳng hạn trao đổi bằng tiếng La Tinh với những học giả ở Âu Châu, một điều mà ngay trí thức Âu Châu ít người làm được ở thế kỷ XIX. Ông đã chọn một cách có ý thức, trước hết nghề làm thông ngôn, thầy ký dịch sách là một nghề mà những ai có kinh nghiệm đều thấy vất vả, tăm tối không nổi tiếng được cho bằng những kẻ lập thuyết dù sai hay đúng, và công việc này thường thích hợp với những nhà tu dù Công giáo hay Phật giáo chỉ nghĩ đến lợi ích của văn hóa. Lựa chọn thứ hai là làm thầy giáo dạy con nít tiểu học những trò chơi con nít, những kiểu nói lái, nói trại câu đố câu thai…và ông đã chú thích đây không phải là nhãm nhí đâu mà là văn hóa đạo lý đấy. Những lựa chọn này đã bị Phạm Quỳnh chê bai khinh bỉ, nhưng người miền Nam lại coi Trương Vĩnh Ký là ông thầy Đạo Lý của cả Nam Kỳ.
 
Những sự lựa chọn này không phải là dễ dàng đối với một nhà trí thức không bình thường - một nhà Bác Học Ngôn Ngữ được thế giới bình chọn!
 
 
6.     Tiên phong quảng bá chữ Quốc Ngữ và cổ động nền tân học trước nền văn hóa Hán Nôm cực thịnh
Vào tuổi ấu thơ, cậu Trương Vĩnh Ký được thầy giáo Học dạy chữ Hán, đến 9 tuổi được các Thừa sai dạy tiếng La Tinh, tiếng Pháp và chữ “Quốc Ngữ”. Nhờ đầu óc cực kỳ thông minh và trí nhớ quán chúng, Cậu thu thập rất nhanh các ngôn ngữ này, đặc biệt Cậu rất yêu chuộng chữ Quốc Ngữ vì đó là thứ ngôn ngữ tượng âm, tạo ấn tượng sâu xa trong lòng Cậu học trò nhỏ này. Cậu thấy dường như loại chữ này là tiếng nói thật sự của cậu và của dân tộc Cậu. Có nhiều lúc, Cậu tưởng tượng ra nếu tất cả người Việt Nam đều biết viết và đọc thứ chữ này sẽ là lúc dân tộc mình có thêm một loại văn tự dễ học và viết hơn thứ chữ Hán mà nước ta lệ thuộc trong nhiều thế kỷ qua. Chữ Quốc Ngữ đã được xây dựng từ năm 1620 bởi linh mục Francisco Pina, sau được cải tiến bởi Jaspar D’Amaral, Antonio Barbosa từ năm 1630, rồi A. de Rhodes vào năm 1651 hoàn chỉnh chính xác hơn, với sự giúp đỡ của các nhà truyền giáo Việt Nam như: Hồ Văn Nghi, Phan Văn Minh…
 
Vào năm 1848, khi được đưa đến Chủng Viện Pinhahu ở Cao Miên để tu học, Cậu Ký đã gặp nhiều dân tộc khác và rất ngạc nhiên khi thấy mỗi dân tộc có một thứ chữ viết riêng của mình, trong khi nước ta lại dùng chữ Hán của Trung Quốc, một thứ chữ tượng hình, khi phát âm những người không học sẽ không hiểu biết gì cả. Vì thế đa số dân tộc Việt trở nên dốt nát vì không thông hiểu Hán tự. Cậu Ký tự hỏi tại sao người Việt không tìm kiếm cho mình một thứ chữ viết riêng cho đân tộc? Có phải vì tinh thần lệ thuộc đã nhiễm quá sâu trong máu huyết dân ta qua hơn ngàn năm Bắc phương đô hộ, nên không còn quyết tâm giữ vững tinh thần độc lập văn hóa và bản sắc dân tộc mình, ngay cả chữ viết? Cũng có lúc vì tinh thần quốc gia lên cao độ, Việt Nam đã sáng tạo ra thứ chữ Nôm từ đời nhà Trần, do học giả Hàn Thuyên bỏ nhiều công sức nghiên cứu từ chữ Hán, nhưng rồi những triều đại sau đó, nhứt là triều Nguyễn, chữ Hán lại trở về vị trí quan trọng của nó trong nền văn học nước nhà. Nhựt Bổn và Triều Tiên, trái lại, cũng sáng chế chữ viết riêng cho dân tộc mình từ chữ Trung Quốc, nhưng đến nay họ vẫn còn sử dụng phổ thông trong đời sống hàng ngày.
 
Đến năm 1851, nhờ học giỏi đổ cao, Cậu Ký được các Thừa sai tuyển chọn tiếp tục đi học đạo tại Chủng Viện Giáo Hoàng Phương Đông, đảo Penang, thuộc địa Anh Quốc. Lúc này Cậu Ký đã 16 tuổi, đầu óc có nhiều suy tư hơn về thân phận xứ sở và dân tộc. Cậu nhìn thấy tại đảo Penang một xã hội tiến bộ hơn đất nước mình, với phố xá rộng rãi, bến cảng với tàu bè náo nhiệt, xe đạp, xe hơi vận chuyển khắp nơi, đèn điện sáng chói trong đêm… Trong khi xứ Cậu với xã hội bất ổn, nhiều người khốn khổ vì đạo, loạn lạc khắp nơi, người dân của xứ Cậu còn lam lũ, vai gánh, lưng mang, chân đất chỉ biết phục vụ cho các triều đình nối tiếp tham ô thối nát. Ở Chủng Viện này, cậu gặp thêm nhiều chủng sinh ưu tú của các dân tộc khác nữa, mà mỗi dân tộc có chữ viết riêng của họ. Cậu tự hỏi tại sao chữ “Quốc Ngữ” do các cha cố sáng tạo để giao lưu với nhau và truyền đạo đến dân chúng không thể trở thành thứ chữ viết riêng của dân tộc Việt Nam? Loại chữ này đã được hình thành gần 300 năm, đã trở nên hoàn chỉnh hơn và có thể phổ biến sử dụng trong dân gian. Đây là yếu tố rất quan trọng để có thể khởi động luồng gió mới đưa đến dân tộc mình. Một thứ chữ viết theo âm điệu của ngôn ngữ sẽ dễ dàng để người dân, kể cả hàng thứ dân học hỏi, so với chữ Hán và Nôm chỉ dành cho tầng lớp nho sĩ và người cai trị dân. Cậu ước mơ một ngày đó dân Việt sẽ dùng đến loại chữ viết này để thay thế thứ chữ hình tượng khó nhớ kia, giúp dân tộc Cậu thoát ra khỏi vòng lệ thuộc dai dẳng lâu đời của nước bá quyền phương Bắc.
 
Theo tài liệu gia đình, trong thời gian ở Penang, Cậu Ký được Cố Long gởi tặng 3 quyển sách của giáo sĩ Alexandre de Rhodes: Từ Điển Việt-Bồ-La, Văn Phạm Việt NgữPhép giảng tám ngày. Đối với Cậu Ký lúc bấy giờ ba quyển sách này rất quý giá trong đời Cậu, vì chúng đến đúng lúc mong ước của Cậu và làm cho giấc mơ của Cậu Ký càng lớn thêm hơn. Đây là những cuốn sách chìa khóa cho chữ Quốc Ngữ tương lai của nước Cậu. Nhưng ai là người tiên phong trong công tác phổ biến này? Có lẽ Cậu phải bắt đầu từ Hội truyền Giáo của đạo Ki Tô vì họ đã có ít nhứt hệ thống truyền đạo trong nhiều làng ấp khắp nước. Chính họ đã sáng tạo chữ viết này và hiện sử dụng để truyền đạo. Tuy nhiên, lòng Cậu chùng lại khi đọc trang Lời Tựa của quyển Từ Điển Việt-Bồ-La, do giáo sĩ Rhodes viết bày tỏ nghi ngờ chẳng biết bao giờ chữ Quốc Ngữ mới được phổ thông trong quần chúng. Giáo sĩ viết (Hoàng Lại Giang, 2001):
 
“…Cuốn từ điển này hoàn thành được, trước tiên là nhờ ở các bậc thầy của tôi. Đó là giáo sĩ Francesco de Pina, giáo sĩ Gaspar d’Amaral, giáo sĩ Antonio Barbosa… Với giáo sĩ, cuốn từ điển này sẽ trở thành cẩm nang, nhưng với trí thức người Việt thì cuốn sách này hãy còn mới mẽ… Sự thay đổi một thói quen, dù rất nhỏ, như nếp sinh hoạt của gia đình, hay một tục lệ lạc hậu cũng là điều không thể dễ dàng…, huống chi là sự thay đổi cả một hệ thống chữ viết của một dân tộc vốn đã coi chữ Hán là “Quốc gia văn tự” từ gần 2.000 năm về trước! Tôi thật không dám chắc sự thành bại của mình. Tôi không dám đoán trước bao nhiêu năm qua sẽ có người hiểu tôi…”.
 
Cậu Ký cũng có cảm nhận tương tự, như trông thấy một biển rộng mênh mông đang trải dài trước mắt; nhưng Cậu vẫn ước mơ có một ngày Cậu sẽ tranh thủ vượt sóng trùng dương. Từ đó, thứ chữ mới lạ được La tinh hóa gọi là “Quốc Ngữ ” và công tác làm sao phổ biến thứ chữ này đến dân gian luôn luôn xuất hiện trong đầu óc Cậu Ký. Lòng Cậu ngày đêm trăn trở về việc này. Gặp bất cứ vị thừa sai nào ở ngoại quốc cũng như trong nước, Cậu cũng đề cập đến vấn đề quảng bá chữ Quốc Ngữ với họ mong tìm ra một giải pháp thích đáng. Mọi người ủng hộ thành ý của Cậu Ký vì quốc gia Cậu, nhưng họ đều nói đến chữ nhân duyên và chờ đợi cơ hội thuận tiện.
 
Năm 1862, giấc mơ lớn này đến một cách đột ngột, khi Đô đốc hải quân và Thống soái Nam Kỳ De La Grandière đã chấp nhận cho sử dụng chữ Pháp và chữ Quốc Ngữ trong nền hành chánh của 3 tỉnh Miền Đông vừa chiếm được, và chữ Hán lần đầu tiên không còn độc tôn trong nền văn hóa Việt Nam ở Nam Kỳ. Cậu đã được một chiếc tàu lớn ngoại quốc giúp lên đường vượt trùng khơi. Trong những cái rủi của tổ quốc cũng có một cái may cho đất nước! Đây là thời điểm khởi đầu cho cuộc hành trình của thứ chữ viết theo từng âm điệu đi vào lòng dân tộc. Một cuộc hành trình không phải đơn giản mà lắm chông gai với vô số trở ngại từ nhiều phía, đặc biệt từ lớp quan lại triều đình Huế và các hũ nho từ Nam chí Bắc luôn bo bo giữ lại Hán Nôm muôn đời, cho đến kẻ thống trị luôn muốn Pháp ngữ phải là tiếng duy nhứt thay thế chữ Hán. Cho nên, đất nước cần đến những người dũng cảm, có lòng yêu quê hương dân tộc dấn thân làm việc vất vã như lội nước ngược dòng, để phổ biến thứ chữ viết mới hữu ích đến mọi người.
 
Trương tiên sinh và những cộng sự viên nắm bắt thời cơ có một không hai, quyết tâm thuyết phục các thế lực bên trong và vận động từ bên ngoài, với sự hỗ trợ của những nhà trí thức trời Âu để chính phủ thực dân chấp nhận chữ Quốc Ngữ được dùng song hành với tiếng Pháp Ngữ trong lãnh vực hành chánh và giáo dục. Quả là công việc đội đá vá trời trong buổi đầu! Chỉ có Trương tiên sinh và một số bạn đồng nghiệp, cộng sự viên và các học trò của Ông đã vượt lên trên các lời chỉ trích, chế giễu và búa rìu của công luận trong giai đoạn giao thời. Ở châu Phi và nhiều quốc gia châu Á cũng bị thực dân đô hộ đã không có chữ viết riêng cho bản sắc dân tộc mình và phải dùng chữ của thực dân làm ngôn ngữ chính thức. Tiếng Nhựt và tiếng Tàu cũng được các giáo sĩ La tinh hóa, nhưng cho đến nay chúng chưa trở thành thực dụng. Trường hợp nước Việt Nam ngoại lệ với sự hiện diện của một nhà ngôn ngữ thông minh có hoàn cảnh không bình thường, nhưng tinh thần luôn hướng về dân tộc, biết nắm bắt thời cơ trong buổi giao thời. Do đó, sự cộng tác của Ông với thực dân Pháp không ngoài lý do thúc đẩy phổ biến chữ Quốc Ngữ và phát triển nền văn hóa mới; phải nhờ đến hậu thuẩn họ để xuất bản các tài liệu, sách vở giáo khoa do Ông sáng tác, dịch thuật để có cơ hội phổ biến rộng rãi đến quần chúng.
 
Ông bắt đầu công trình văn học của mình khi chấp nhận dạy học ở trường Thông Ngôn, được thành lập ngày 8-5-1861. Nơi đây, Ông dạy người Pháp học tiếng Annam và người Annam học tiếng Pháp để họ có thể giao lưu tư tưởng và văn hóa với nhau, giúp cho hai dân tộc hiểu biết nhau nhiều hơn. Trong bộ sách “Sơ học qui chánh”, Ông đã viết lời tựa như sau: “Chữ Quốc Ngữ phải trở thành chữ viết của đất nước, phải như thế vì lợi ích và sự tiến hóa. Vậy người ta nên tìm cách phổ biến thứ chữ này bằng mọi phương tiện…”. Ông đã khuyếch trương phổ biến chữ Quốc Ngữ rộng rãi hơn qua các công trình soạn thảo các bộ sách căn bản để làm các giáo trình dạy học, như Vần Quốc Ngữ, Yếu lược văn phạm Annam, Bài học thực hành tiếng Annam, Sơ học vấn tân, Mẹo luật dạy tiếng Phang sa, Sách dạy chữ Nho… (Hoàng Lại Giang, 2001). Về sau công tác quảng bá chữ Quốc Ngữ của Ông tăng thêm cường độ và phạm vi vĩ mô trong lúc đảm trách chức vụ trợ bút và Tổng Tài (1869-1872) của tờ Gia Định Báo bằng chữ Quốc Ngữ đầu tiên của Việt Nam. Tiếp theo, Ông tự xuất bản tờ tạp chí Thông Loại Khóa Trình (1888-1889) để phổ biến rộng rãi chữ viết này, tư tưởng Đông Phương, văn minh Âu Á, nếp sống đạo đức xã hội… đến tận nông thôn.
 
Trong buổi đầu, Triều đình Huế lên án đây là thứ chữ “bạo loạn” của những người tà đạo phương Tây vì xứ sở đã có quốc gia văn tự và cũng là chữ của Thánh hiền. Đối với các nhà hũ Nho, chữ Quốc Ngữ chỉ là thứ chữ bình dân, chỉ dùng cho đời sống hàng ngày, vã lại còn là thứ chữ của thực dân dùng để truyền bá tà đạo và chinh phục xứ sở. Đến cụ Nguyễn Đình Chiểu, một nhà văn hóa lớn của đất Nam Kỳ cũng lên tiếng phản đối, bài bát, không cho con đi học chữ Quốc Ngữ, không cho phép Ông Trương Vĩnh Ký phiên dịch cuốn Lục Vân Tiên ra thứ chữ ngoại lai. Mãi đến sau này, Cụ Đồ Chiểu mới cho phép Trương tiên sinh làm công việc đó, sau khi quan sát thái độ và hành sử của tiên sinh khi tiếp xúc với thực dân Pháp. Ngoài ra, vì lòng ghen ghét hoặc tinh thần cục bộ, Ông Phạm Quỳnh khinh rẽ công trình văn hóa của Trương tiên sinh. Trong bút ký “Một tháng ở Nam Kỳ”, Ông đã viết về bậc tiền bối của mình, Ông Trương Vĩnh Ký, như sau: “Nay có một Ông Nam Kỳ bàn về các vấn đề ấy một cách rất kỳ khôi đọc đến không thể nhịn cười được tuy lời lẽ có lắm chỗ quá đáng “nôm na là cha mách qué”… Ông Trương chẳng qua là một nhà làm sách giáo khoa thường cho con nít học mà thôi đã công gì với Tổ Quốc. Chẳng dám khinh gì người trước nhưng những danh sĩ nước Nam cứ như Ông Trương cả thì cũng không lấy gì làm vẻ vang cho nước lắm” (Nguyễn Vi Khanh, 2005). Ông Phạm Quỳnh không hề nhắc đến Trương tiên sinh được bình chọn là một trong 18 nhà Bác Học của thế giới vào gần cuối thế kỷ XIX, năm 1874, đã làm rạng rỡ nước nhà một thời. Rất tiếc Ông cũng không đọc được các bức thư của người ngoại quốc như Ông Littré, Gautier… gởi cho Cụ Trương Vĩnh Ký để Ông biết thật sự Trương tiên sinh đã làm vẻ vang dân tộc ta thời đó mà không một ai cùng thời làm được.
 
Một số thân hào nhân sĩ Nam Kỳ cũng đăng báo “Le Saigonnais”, số ra ngày 10-12-1885 để yêu cầu chính phủ bảo hộ hủy bỏ chữ Quốc Ngữ và nên giữ lại chữ Pháp và chữ Nôm. Đối với thực dân, sự chống đối chữ Quốc ngữ cũng khá ồn ào, họ đánh giá thấp chữ Quốc Ngữ. Đa số đề nghị dùng chữ Quốc ngữ ở các trường tiểu học để người dân có thể đọc các báo chí, thông cáo của nhà nước, dùng chữ Pháp và chữ Nôm trong trường trung học, đại học vì đây mới là thứ chữ văn hóa văn chương nên học (Nguyễn Vi Khanh, 2005).  
 
Dù bị tấn công nhiều mặt, Ông Trương Vĩnh Ký và các cộng sự viên đã âm thầm miệt mài thực hiện công tác khai phóng văn hóa, mở đường cho chúng ta có một thứ chữ viết thực dụng và đi lên tầng cao văn học ngày nay. Công trình văn hóa to lớn được Trương tiên sinh tóm lược:
 
 
1)           Công trình ngữ học: Tự vị, văn phạm, phương pháp, khóa giảng v.v… bằng tiếng Pháp và tiếng Annam.
 
2)           Công trình thực tiễn và giáo khoa bằng tiếng Annam và viết bằng văn xuôi như các tác phẩm có liên hệ đến lịch sử, tập tục, thói quen, các sản phẩm thiên nhiên, kỹ nghệ, địa lý nước nhà v.v…
 
3)           Công trình hoa mỹ bằng tiếng Annam và bằng thơ: Truyện bằng thơ, tuyển tập thơ, văn học v.v…
 
Giống như mặt trận quân sự, Ông Trương Vĩnh Ký và đồng nghiệp là những người lính tiên phong can đảm đấu tranh trong mặt trận văn hóa và chính trị trong tinh thần yêu nước muôn thuở của mình. Ông là nhà văn hóa tiên phong trong phát triển nền văn học chữ Quốc Ngữ. Giáo sư Đỗ Quang Vinh (2005) đã phân tích và diễn tả một cách khoa học tiến trình phát triển chữ Quốc Ngữ qua một biểu đồ gồm 4 giai đoạn chính, với sự tham gia ban đầu không kém phần quan trọng của Trương tiên sinh:
 
 
1) “Chữ Quốc ngữ, thành lập từ cuối thể kỷ 16, chưa được sử dụng rộng rãi khắp cả nước, ban đầu chỉ là phương tiện để dạy các thừa sai và dịch các kinh sách trong đạo Thiên Chúa.
 
2) Với tờ “Gia Định Báo”(1865) và những công trình trước tác của ông, Petrus Ký trở thành một tên tuổi lỗi lạc trong số các nhà văn tiên phong dấn thân cho việc hình thành nền văn học chữ Quốc ngữ, trong khi thứ chữ này lại bị chống đối từ mọi phía gồm giới sĩ phu yêu nước bảo thủ các học giả theo tân trào, và ngay cả phe thực dân.
 
3) Từ 1905 (Nhật thắng trong chiến tranh Nga-Nhật), các sĩ phu yêu nước đối lập nhìn nhận được những lợi ích thiết thực của Quốc ngữ, đã lợi dụng văn tự này làm vũ khí hữu hiệu cỗ vũ các phong trào cách mạng, chữ Quốc ngữ thành phổ cập.
 
4) Từ 1932, nhóm trí thức lãnh hội nền giáo dục Âu tây, canh tân nền văn học Việt Nam, ra mắt công chúng những tác phẩm của họ, mệnh danh là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, từ đó, khích lệ và đẩy mạnh đà phát triển cho văn học Việt Nam sang giai đoạn cất cánh”.
 
 
7.     Không mưu cầu danh lợi khi gia đình túng quẩn dù miếng mồi danh lợi của Thực dân trước mắt
Buổi giao thời thường tạo ra những bậc vĩ nhân, anh hùng, kẻ hèn hạ và người cơ hội. Hoàn cảnh và lòng tham lam của con người đã bắt buộc hoặc khuyến khích họ theo đuổi những mục tiêu cao thượng hay không. Những người có ăn học hoặc lớn lên trong gia đình giàu có quyền thế thường đối diện với những lựa chọn khó khăn do lương tâm, tinh thần trách nhiệm và sự cám dỗ. Cuộc xâm lăng của Pháp vào buổi đầu ở Nam Kỳ đã tạo nên những anh hùng như Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực, Thiên Hộ Dương, Thủ Khoa Huân… Nhiều người lợi dụng thời thế để tiến thân, mưu cầu danh lợi cho bản thân và gia đình qua sự hợp tác với Pháp, đại diện cho số người có học này là Tôn Thọ Tường, Nguyễn Văn Vĩnh, Hoàng Cao Khải, Trần Bá Lộc, Nguyễn Thân, Lê Phát Đạt… Cũng là người hợp tác với Pháp, Ông Trương Vĩnh Ký luôn đặt mình trong trường hợp ngoại lệ: ở với họ mà không theo họ để có thể thực hiện mục tiêu cao cả của mình. Vì thế, Ông đã từ chối các cơ hội mưu cầu danh lợi cho bản thân và gia đình, không hề làm hại đến các nhà ái quốc. Biết bao cơ hội đã thử thách Ông từ khi bước vào đời.
 
Chẳng hạn, các cha cố quen biết xung quanh có quyền thế lớn, có thể đưa Ông lên nấc thang cao danh vọng, tiền tài. Trí tuệ, khả năng ngôn ngữ của Ông có thể giúp Ông trở nên giàu có trong thời buổi nhiễu nhương, thay vì hiến thân cho công tác văn hóa sáng tạo. Ông có thể làm quan, đầu tư mua ruộng vườn để trở thành các phú ông của đất Nam Kỳ. Ông Lê Phát Đạt là học trò của Ông, không muốn theo chí hướng của Thầy nên trở thành phú hộ, giàu có một thời, mặc cho Thầy của mình chỉ biết hy sinh sức khoẻ và tài chánh cho nền văn hóa dân tộc, sống cảnh cơ hàn cho đến lúc lâm chung. Những chuyến đi xuất ngoại đến Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý Đại Lợi, Thái Lan, Malaysia, Hồng Kong, Ma Cau… đã cho Ông biết bao cơ hội để đắc lợi. Những cuộc tiếp xúc làm trung gian giữa Pháp và Triều đình Huế đã cho Ông nhiều cơ hội để khai thác lợi lộc cho bản thân. Chức phận của Ông, dù rất khiêm nhường, trong vai trò Giám Đốc trường Thông Ngôn, Tổng Tài báo Gia Định, Chánh Đốc Học trường Hậu Bổ cũng đủ cho Ông và gia đình sống trong giới thượng lưu thời bấy giờ, nếu muốn khai thác và lợi dụng. Cũng vì thế Trương tiên sinh phải đóng cửa tờ báo tâm huyết của mình - Thông Loại Khóa Trình sau hai năm phát hành ở Miền Nam vì nghèo túng. Giao tiếp với Paul Bert là cơ hội hi hữu để Ông vinh thân phì gia. Bậc sư phụ của vua Đồng Khánh có thể hiến cho Ông cơ hội ngàn vàng để thăng tiến đường mây ở cung đình, chứ không phải chỉ làm việc ở đó khoảng 4 tháng rồi xin nghỉ hưu về quê qui ẩn. Trong Ngư Tiều Trường Điệu, Trương tiên sinh đã xác nhận lại lập trường mình:
 
 
… Chực cửa vàng, chầu bệ ngọc
 
Nực cười hai chữ công danh!
 
Nơi thành thị có danh âu có nhục,
 
Chốn lâm tuyền càng tục lại càng thanh.
 
8.   Cuốn sổ bình sanh công với tội (tự xét về mình) - Cho đến cuối đời, Trương tiên sinh còn dám viết ra công với tội của mình để công luận phán xét. Chúng ta thử hỏi xem trong đa số các tập hồi ký xuất bản ở hải ngoại và trong nước có bao nhiêu người dám nói lên công và tội của mình một cách trung thực để thế gian tìm hiểu phán đoán? Chúng ta chỉ thấy một số người có tên tuổi, địa vị cao kể lại những hoạt động và thành tích tốt có tính cách khoa trương, nếu không nói đánh bóng và quên đi các “chi tiết” không chỉnh một cách nhẹ nhàng, vì họ cho rằng chẳng có gì đáng viết ra. Kể từ lúc nhận làm thông ngôn cho Trung Tá Jauréguiberry năm 1860, lúc 23 tuổi đời, hết thời kỳ sợ hãi vì chánh sách bài đạo của triều Nguyễn, Cậu thanh niên Trương Vĩnh Ký bắt đầu mang nhiều tai tiếng cay đắng gần xa, dư luận khen chê trong và ngoài nước và can đảm gánh chịu âm thầm đến lúc lâm chung. Tuy nhiên, Ông vẫn bền bĩ theo đuổi mục tiêu tham vọng vì tổ quốc và dân tộc. Vì vậy, Ông mang trong người những dằn co lớn lao giữa thực tế và hoài bão cá nhân.
 
Bên cạnh các thành quả văn hóa to lớn của mình, sự lên án, chống đối, ganh tỵ, dèm pha của quan lại triều đình Huế và lớp Nho sĩ bấy giờ, đặc biệt việc Ông theo đạo Ki Tô, hợp tác phục vụ thực dân Pháp và Phổ biến chữ Quốc Ngữ đã gặm nhấm tâm hồn Trương tiên sinh ngày càng nhiều. Vì thế, lúc cuối đời, Trương tiên sinh đã không thẹn lòng thốt nên lời tâm sự cưu mang qua bài thơ Tuyệt Mạng nổi tiếng với tất cả lòng tin vào chính nghĩa và quá trình hoạt động chính đáng của mình:
 
 
Quanh quanh quẩn quẩn lối đường quai
 
Xô đẩy người vô giữa cuộc đời
 
Học thức gởi tên con mọt sách
 
Công danh rốt cuộc cái quan tài
 
Dạo hòn lũ kiến men chân bước
 
Bồi xối con sùng chắc lưỡi hoài
 
Cuốn sổ bình sanh công với tội,
Tìm nơi thẩm phán để thừa khai”.
 
          Từ áng thơ bất hủ đó, một số người dựa vào để kết tội Trương tiên sinh. Ông Trương Vĩnh Ký quả là người trung thực và khiêm nhường khi yêu cầu người thân viết hộ lên ngôi mộ (ở góc đường Trần Bình Trọng và Trần Hưng Đạo, Sài Gòn) với lời trăn trối cuối cùng (bản dịch của Giáo sư Nguyễn Văn Trung):
 
 
“Xin hãy thương tôi, ít ra là những bạn hữu của tôi!
 
Kiến thức của con người, có nó là nguồn sống.
 
Những ai sống và tin, tôi sẽ không phải chết đời đời”.
 
Sau khi Ông Trương Vĩnh Ký mất hơn nửa thế kỷ, không thấy dư luận chỉ trích cá nhân và công trình văn hóa của Ông; trái lại có nhiều công trình quần chúng xây đúc tượng, đặt tên đường, tên trường ở Nam Kỳ. Nhưng sau đó do lập trường chính trị chống Pháp cực đoan và đầu óc địa phương hũ lậu, một số bài viết tiêu cực nhằm hạ bệ uy tín Trương tiên sinh, gạt bỏ vai trò tiên phong của Ông trong phong trào Tân học và quảng bá chữ Quốc Ngữ; đồng thời chủ ý hạ thấp giá trị nền văn hóa Miền Nam xuất hiện trong nước và hải ngoại trước và sau 1975. Trong khi đó đồng bào Miền Nam luôn kính phục Trương tiên sinh và xem Ông là một bậc Thầy xuất chúng, một nhà trí thức đạo đức, liêm khiết và khiêm nhường. Cũng vậy, dân chúng Miền Nam rất tôn kính và biết ơn các vị Chúa và triều đại nhà Nguyễn đã dày công khai hoang lập ấp, dựng nên vùng đất trù phú ở đồng bằng sông Cửu Long.
 
Nhờ đó, có rất nhiều bài viết tích cực xuất hiện liên tục để phản bác các lập luận thiên vị một chiều hoặc thiếu các thông tin chính xác, trong đó có vài nhân vật tên tuổi đã xét lại suy nghĩ và lập trường đối với Trương tiên sinh. Đa số ý kiến ủng hộ và chống đối lập trường của Trương tiên sinh được tóm lược trình bày trong quyển Tuyển tập Hiện Tượng Trương Vĩnh Ký do Liên Hội Ái Hữu Petrus Trương Vĩnh Ký Nam-Bắc Cali và Nhóm Petrus Ký.org xuất bản trong 2005, nhân dịp tổ chức Đại Hội Hải Ngoại Petrus Ký lần thứ I ở Miền Nam Cali, Hoa Kỳ.
 
Ở Pháp, Bác sĩ Léone Gautier, bạn thân của Victor Hugo đã biện minh hộ cho Trương tiên sinh sau khi Ông qua đời:
 
“…Về sau, tôi có nhận được tin Trương Vĩnh Ký trải qua nhiều cơn khủng hoảng tinh thần vì có kẻ dèm pha, ghét bỏ mình. Âu đó là tâm trạng chung của những con người đem tất cả tâm hồn, chí khí, năng lực vào việc bảo tồn cơ sở tinh thần của nước nhà nhưng không được mấy ai đoái hoài đến; đã vậy mà họ còn đứng ra tìm đủ cơ mưu để chống đối nữa ...” Bác Sĩ Gautier muốn nói đến thành phần quan lại triều đình Huế và các nhà nho thủ cựu bấy giờ.
 
Ông Jean Bouchot bày tỏ: “Ta phải xem đời của cụ Trương Vĩnh Ký là một bài học và một gương tốt cho ta. Một bài học, vì ta thấy người dân hoàn toàn Nam Kỳ ấy sánh kịp với các nhà thông thái xứng đáng nhứt của Âu châu trong đủ ngành khoa học...”
 
 
Cụ Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố viết: “…Và bây giờ, nếu ta được nhìn trở lại và để rút cái đời Trương tiên sinh một bài học thì trước hết là một bài học quý giá về lòng tin tưởng ở sức mạnh của lòng cương quyết. Sự tin tưởng đã thắng hết thảy những sự cản trở, miễn là sự tin tưởng ấy bền bĩ và quả quyết.
 
Thật là đẹp dẽ cái đời cần lao của tiên sinh! Đời ấy đã làm vinh dự cho cái làng đã đản sinh ra tiên sinh và cả nước Việt Nam đã được tiên sinh để lại cho cái kết quả của sự nỗ lực lớn lao của tiên sinh… Sự nghiệp ấy, thân thế ấy có thể tóm lại làm ba tiếng: bác học, tâm thuật và khiêm tốn.
 
Ông Trương Vĩnh Ký nghe được những lời nói đích thực này (trong Khổng Xuân Thu, 1958) chắc an lòng nơi chín suối! 
 
 
Kết Luận
Dù bị chỉ trích nhiều về hợp tác với Pháp do chủ ý hạ bệ hoặc cục bộ, nhiều nhà bình luận nghiêm túc đã thừa nhận sự đóng góp lớn lao của Ông Trương Vĩnh Ký vào công trình phát triển văn hóa dân tộc và đặc biệt phổ biến chữ Quốc Ngữ thân yêu của chúng ta. Để hoàn thành các công trình vĩ đại và khó khăn này trong buổi giao thời và xã hội loạn lạc, Trương tiên sinh phải vận dụng trí tuệ khôn ngoan và lòng dũng cảm hiếm có để thuyết phục, cổ động những đối tượng cực kỳ khó khăn đương thời, và khắc phục ngay cả bản thân trước một số dư luận bất lợi. Lòng hy sinh và tận tụy suốt đời của Trương tiên sinh đã lưu lại hậu thế nhiều tác phẩm văn học giá trị, phản ánh chữ dũng luôn gắn chặt suốt cuộc hành trình chông gai của nhà Bác học ngôn ngữ có một không hai trên đất nước Việt Nam, trong khi hợp tác với thực dân để thực hiện hoài bão cao quý của mình. Hoàn cảnh đặc biệt của Trương tiên sinh trong thời niên thiếu (mồ côi cha sớm, các giáo sĩ nuôi dưỡng, học đạo 10 năm ở ngoại quốc, theo đạo Ki Tô giáo) có thể biện minh chính đáng cho lựa chọn thế đứng xã hội bấy giờ, vì Ông không thể làm khác hơn, nhưng luôn kiên định mục tiêu phục vụ tổ quốc và dân tộc.
 
 
Trần Văn Đạt, Ph. D.
 
 
 
Tài Liệu Tham Khảo:
 
1)    Đỗ Quang Vinh. 2005. Trương Vĩnh Ký: Một nhà văn hóa lớn, một nhà bác ngữ học lỗi lạc. Trong Tuyển tập Hiện Tương Trương Vĩnh Ký, Liên Hội Ái Hữu Petrus Trương Vĩnh Ký Nam-Bắc Cali và Nhóm Petrus Ký.org x/b, trang 106-133.
2)    Hoàng Lại Giang. 2001. Trương Vĩnh Ký - Bi kịch muôn đời. NXB Văn Hóa và Thông Tin, 712 trang.
3)    Lê Trọng Văn. 1966. Pétrus Trương Vĩnh Ký Tuyển Tập. X/b San Diego, 188 trang.
4)    Khổng Xuân Thu. 1958. Trương Vĩnh Ký 1837 - 1898. Tủ sách Những Mảnh Gương Tân Việt, Sài Gòn, 149 trang.
5)    Nguyễn Thế Anh. 1970. Việt Nam thời Pháp đô hộ. Lửa Thiêng xuất bản, Sài Gòn, 391 trang.
6)    Nguyễn Văn Trung. 1989. Chữ và văn Quốc Ngữ. Nam Sơn xuất bản, Xuân Thu tb, California, trang 99-101.
7)    Nguyễn Văn Trung.. 2005. Đài RFI phỏng vấng Giáo Sư Nguyễn Văn Trung nhân dịp 100 n ăm ngày giỗ Trương Vĩnh Ký. Tuyển tập Hiện Tương Trương Vĩnh Ký, Liên Hội Ái Hữu Petrus Trương Vĩnh Ký Nam-Bắc Cali và Nhóm Petrus Ký.org x/b, trang 397-406.
8)    Nguyễn Vi Khanh, 2005. Trương Vĩnh Ký và một số vấn đề văn bản, lối nhìn…Trong Tuyển tập Hiện Tương Trương Vĩnh Ký, Liên Hội Ái Hữu Petrus Trương Vĩnh Ký Nam-Bắc Cali và Nhóm Petrus Ký.org x/b, trang 315-356.
9)    Phạm Phú Thứ. 2001. Tây Hành Nật Ký. Bản dịch của Tô Nam và Văn Vinh (2001), Nhà X/B Văn Nghệ, TP/HCM, 214 trang.
10)                       Trần Trọng Kim. 1971. Việt Nam Sử Lược - Quyển I. Trung Tâm Học Liệu, Bộ Giáo Dục, Sài Gòn, 396 trang.
11)                       Vũ Ký. 2005. Lời Tựa. Trong Tuyển tập Hiện Tương Trương Vĩnh Ký, Liên Hội Ái Hữu Petrus Trương Vĩnh Ký Nam-Bắc Cali và Nhóm Petrus Ký.org x/b, trang xii-xx.
 
 
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free