Huy Lữ TRẦN VĂN ĐẠT
Nguyên Chánh Chuyên gia FAO - Rome

Có gì lạ

GÒ CÔNG CÓ GÌ LẠ KHÔNG EM?

 



Cầu Mỹ Lợi
 

 Gò Công, gồm cả huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây và Tân Phú Đông là một vùng  tương đối trầm lặng khi nhìn từ góc độ phát triển kinh tế chung của khu vực. Vùng này không có những công nghiệp lớn nổi bật, chỉ có ngành may mặc được nhà nước đặc biệt chú ý và một số công nghiệp nhỏ và vừa đang cố gắng vươn lên, như công nghiệp hỗ trợ ngành nuôi đánh bắt cá, chăn nuôi, canh nông và phi nông nghiệp. Như đã đề cập vài lần, vùng Gò Công có tiềm năng rất lớn khi các công nghiệp hướng biển được khởi động bùng lên song song với sự lớn mạnh của các cảng biển quan trọng khác của đất nước.

Tuy nhiên, gần đây một số tín hiệu sơ khởi cho thấy đất Gò bắt đầu vực dậy một số lãnh vực, dù còn nhỏ khiêm tốn cũng tạo ra một số điều kiện thuận lợi cho sự phát triển tương lai của mình khi thời cơ đến, trong đó đáng kể hơn hết là công trình xây cầu Mỹ Lợi, hình thành con Lộ Mới (hay tỉnh lộ 871B), nghề nuôi yến, nuôi dê bò và quy hoạch Đô thị mới.

Cầu Mỹ Lợi có chiều dài 1.422 m, nối hai bờ sông Vàm Cỏ, đã được xây dựng từ tháng 1- 2014 và khánh thành vào tháng 9-2015, với vốn đấu tư là 1.438 tỷ 952 triệu đồng, có 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Các dư luận sôi động một thời nóng bỏng trước lúc xây cầu cũng như trong lúc công tác đang tiến hành và sau ngày thông cầu đã trở nên yên lặng dù chưa dứt hẳn. Giao thông qua cầu và vùng lân cận trở nên nhộn nhịp. Nhiều hàng quán, cở sở mới mọc lên hai bên dốc cầu phía Cần Đước, bên Lộ Gốc, đường vào bến phà cũ và đường về trung tâm thị xã; trong khi hai bên phố trong bến phà đang bị tháo gở phải đóng cửa. Cơ sở thu phí và trạm thu phí giao thông khá đồ sộ được xây dựng dưới dốc cầu phía Gò Công. Lộ phí xe phải trả khi qua cầu từ 35.000 (dưới 12 chỗ) đến 180.000 đồng/chuyến (xe container). Còn các cư dân sống bên ngoài khu bến phà Mỹ Lợi ngày xưa phía Cần Đước cũng như bên Gò Công đã có sinh hoạt trở lại bình thường dù yên tĩnh hơn…, dĩ nhiên có ít xe cộ và khách vãng lai.

 

Cầu Mỹ Lợi rút ngắn thời gian đi từ Thành phố về Gò Công, tạo điều kiện giao thông dễ dàng thuận lợi thu hút các nguồn đầu tư, du lịch từ bên ngoài vào địa hạt Gò Công trong thời gian sắp tới.

 
Lộ Mới 871B
 

Lộ Mới: Ngày 19-1-2015, Thị xã Gò Công bắt đầu khởi công xây dựng tỉnh lộ 871B hay “Lộ Mới” đi xuyên qua xã Tân Trung, Tân Phước và Gia Thuận, bắt đầu từ QL 50 thuộc ấp Xã Lới, xã Tân Trung cách trung tâm Thị xã Gò Công 4 cây số và cầu Mỹ Lợi 9 cây số đến giáp tuyến đê biển ven sông Soài Rạp, Gia Thuận. Đường dài 7km, nền đường rộng 17m, chiều rộng mặt đường 12m, chiều rộng lề đường mỗi bên 2,5m, tráng nhựa, tải trọng 12 tấn/trục, xây dựng 03 cầu và cống qua đường, với tổng mức đầu tư 1.438 tỷ đồng (1).

 

Con đường này được thực hiện nhằm phục vụ vận tải hàng hoá và container từ Khu công nghiệp Gò Công phía Đông ra QL.50 đi Thành phố, các tỉnh, thành và ngược lại, đồng thời tạo môi trường hấp dẫn để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế về lãnh vực công nghiệp và dịch vụ hướng biển, góp phần phát triển nhanh.

 

Hiện có nhiều hàng quán, nhà cửa mọc hai bên con Lộ Mới dù còn thưa thớt. Đã có hai trạm xăng bắt đầu hoạt động thuộc xã Tân Trung và xã Tân Phước (gần Cầu Móng). Giao thông phần lớn là xe máy, nhưng thỉnh thoảng có xe vận tải và xe con qua lại, vài tai nạn xe chết người đã xảy ra tại ngả tư Lộ Mới và tỉnh lộ 871, vì chưa có bảng chỉ dẫn giao thông. Một khu công nghiệp phía đông đang được quy hoạch, nhắm tới khu đất 100 ha đã được khai hoang ở cuối Lộ Mới bên kia bờ đê phòng ngự, mà việc bồi thường đất đai vừa hoàn tất tại xã Gia Thuận trong 2017. Khu này có 2 cụm công nghiệp được quy hoạch: Cụm công nghiệp (CCN) Gia Thuận I và II, mỗi cụm chiếm 50 ha đất.

 

Theo quy hoạch của tỉnh Tiền Giang, cụ thể CCN Gia Thuận I ở ấp 5, xã Gia Thuận với ngành nghề đầu tư chủ yếu là công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng tư liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản… CCN Gia Thuận II ở ấp 2 và 3, xã Gia Thuận với ngành nghề chủ yếu sản xuất sản phẩm mới, sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu, phụ tùng, lắp ráp, sửa chữa máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp… (2) 

Thật ngạc nhiên, khi thấy Lộ Mới (tỉnh lộ 871B) được xây dựng mau chóng thì tỉnh lộ 871 từ xã Tân Tây đến chợ Xã Tân Phước đến nay (tháng 11-2017) vẫn còn lồi lõm như thời kỳ còn chiến  tranh! Đoạn đường này dài 5 km được xây đắp, trải đá xanh và tráng nhựa vào thời Pháp thuộc nên giao thông rất dễ dàng. Nhưng khi chiến tranh xảy ra, đoạn đường bị đào xới, đắp mô ngăn cản sự đi lại trong vùng đến nay dấu tích đó vẫn còn rõ nét vì con lộ chỉ được vá víu bằng đất đá sau mỗi mùa mưa. Sự kiện này có lẽ do tình trạng kinh tế kém quan trọng của vùng sâu vùng xa của huyện Gò Công Đông (xã Tân Phước và Gia Thuận), nên chưa được nhà nước lưu ý đúng mức (?); trong khi đó một hương lộ dài 7,4 km từ xã Tân Hòa xuyên qua xã Kiểng Phước, Gia Thuân và Tân Phước (xóm Rạch Già) được hoàn chỉnh, tráng nhựa từ lâu, nhờ có sự hiện diện đình Trương Định ở Gia Thuận và Ao Dinh, nơi tuẩn tiết của Ông tại ấp 3, xã Tân Phước!

 

Ngoài ra, theo quy hoạch của tỉnh Tiền Giang, Gò Công Đông sẽ có một khu bến cảng chuyên dùng trên sông Soài Rạp góp phần không nhỏ cho hướng phát triển kinh tế biển trong tương lai. Đó là khu bến cảng chuyên dùng, có bến tổng hợp cho tàu trọng tải từ 20.000 đến 50.000 tấn và 70.000 tấn giảm tải vào, rời cảng qua cửa Soài Rạp. Chưa biết đến bao giờ khu bến cảng này trở thành hiện thực! (3)

 

Thị xã Yến: Đến trung tâm Thị xã Gò Công, du khách có thể nghe tiếng chim yến kêu cà réc cà réc khắp nơi mà phần lớn do âm thanh nhân tạo. Âm thanh yến nghe êm tai và không gây khó chịu chút nào, mới ban đầu nhận thức được tiếng chim vang rền quanh đâu đây, nhưng sau vài phút chìm vào quên lãng. Tiếng chim yến kêu không dứt, tỏa rộng từ trung tâm thị xã đến vùng ngoại ô. Do đó, nhiều người địa phương gọi đây là “Thị xã yến” hoặc “Thành phố yến”! Nghề yến sào ở Gò Công bắt nguồn từ xã Long Bình, Gò Công Tây, còn được gọi là “Pháo đài yến” lan rộng đến nhiều nơi trong Huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây và Thị xã Gò Công. Vào những chiều hôm hoặc những ngày có mây xám đen bao phủ, chim yến bay lượn đầy trời, có lúc đen nghịt tại các Pháo đài yến.

 

Vùng đất Gò Công có môi trường tương đối thuận lợi cho ngành nuôi yến, do gần kề Biển Đông với khoảng không gian Rừng Sác rộng ven sông Soài Rạp và cửa sông ra biển Đông, gió biển mát quanh năm lại phong phú phù du và côn trùng. Thị xã Gò Công bắt đầu nuôi yến từ 2005 và có đến 208 địa điểm nuôi yến trong 2013, từ đó tiếp tục phát triển đến các vùng nông thôn xa khắp huyện. Chẳng hạn, xã Tân Phước cách Thị xã 11 cây số về hướng Đông-Bắc, có đến 5 nhà nuôi yến, trong số đó nhà nuôi yến đầu tiên gần chợ xã xây cách nay 5 năm chim đã vào làm tổ quá tải, nên chủ nhân đang xây thêm một nhà gần bên để nuôi thêm yến. Trung bình, một ngôi nhà nuôi yến có 3 tầng với kích thước 4x20m, tầng dưới dùng để ở, sinh hoạt gia đình và 2 tầng trên nuôi yến, sau 4-5 năm xây cất, mỗi tháng có thể thu hoạch khoảng 2kg yến sào thô (chưa biến chế) trị giá hiện nay từ 22 đến 25 triệu đồng/kg, một lợi tức phụ thêm không nhỏ cho gia đình cấp huyện.

 

“Phú Mỹ Hưng” Gò Công: Người Sài Gòn thường tự hào với khu phố mới Nam Sài Gòn hay Phú Mỹ Hưng với đường phố rộng rãi, sạch sẽ, nhiều cây xanh, building, nhà phố và khu thương mại hài hòa sầm uất; trong khi Hà Nội hãnh diện với khu Mỹ Đình có công trình xây cất đồ sộ, tốn kém với khoảng không gian rộng lớn. Riêng Thị xã Gò Công, người ta thường nói đến khu đô thị mới hay khu dân cư Trương Định, còn gọi là “Phú Mỹ Hưng Gò Công”, nằm phía nam Thị xã, gồm hơn 500 nền biệt thự đươc quy hoạch và phát triển khi nối dài và mở rộng đường Trương Định ở phường 5 (4). Ngoài ra, còn có quy hoạch phát triển Khu Đông Nam nội thị và hoàn thiện khu dân cư (mới) dọc bờ sông Salisetti. Nếu đi trên đường đến biển Tân Thành, từ Thị xã qua khỏi Cầu Đúc-Lò heo rẻ vào một con đường nhỏ cũng dẫn vào khu đô thị mới của Thị xã. Khu phố mới này trước đây chỉ là vùng đất trũng, nghĩa địa và ruộng nước được lấp đầy, phân lô nền 4,5m x 25m trị giá khoảng một tỷ đồng (gần 50.000 đô), khởi sự xây cất từ năm 2011. Các căn hộ villa, nhiều ngôi nhà lầu 3 tầng mọc lên khá nhanh chiếm gần hết khu đất quy hoạch, gồm cả dãy nhà chung cư lớn, khang trang dành cho công nhân viên của Nhà máy ống thép Dầu khí của Khu Công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp ở Vàm Láng cách đó khoảng 12 cây số về hướng Đông.


            Cư xá Dầu khí

Một con kênh nhỏ, xinh xắn (Kinh Salisetti) có dòng chảy qua khu phố mới, từ rạch Vàm Giồng phía nam Thị xã cùng với kinh Champeaux từ Tân Hòa đến Tân Thành qua sông Cửa Tiểu, làm tăng thêm vẻ đẹp khu phố; tuy nhiên, chưa có bàn tay con người làm đẹp hai bờ sông nên cây cỏ còn sầm uất! Nhiều quán ăn, quán café mọc lên như nấm, chưa có các dịch vụ thương mại khác xuất hiện bên trong khu phố ở thời điểm này. Vào đêm, nhứt là trong những ngày cuối tuần hoặc lễ hội, đầy ánh đèn màu và âm nhạc rền vang. Các nam thanh nữ tú tuổi teen chạy xe máy dạo phố và nói chuyện ồn ào trong các quán nổi tiếng như quán café 127, quán Container, quán Góc phố, Mai Vàng, Thảo Mộc, Viên Vỹ, Karaoke Khánh Ngân…

Một hiện tượng lạ trong khu phố mới này tại quán Góc Phố với sự hiện diện của một “người đẹp cô đơn” và trầm lặng trong khung cảnh hàng quán, nhưng là một sự kiện lạ, khá đặc biệt làm bao chàng trai phải để mắt đến cũng như chẳng bao giờ muốn tìm lời giải đáp cho lòng mình. Mỗi sáng sớm, nàng ngồi một mình chăm chú đọc báo với ly café sữa đá trên chiếc bàn tròn, nhỏ và thấp khoảng từ 7 đến 9 giờ sáng. Trong hơn 3 năm qua, ngày nào cũng vậy, nàng ngồi một mình trong quán chẳng nói một lời, chẳng để ý đến ai hoặc quan tâm xung quanh… hình như nàng chỉ biết có mình trong khoảng không gian ồn ào, đầy tiếng cười nói của quán. Nàng trông khá xinh, tuổi khoảng ngoài 30, dáng thanh tao vừa phải, dường như là chủ tiệm của một “Beauty salon” nào đó trong Thị xã. Ai có óc hiếu kỳ xin mời đến!

Nghề mới - Nuôi dê: Cách nay hơn 10 năm, nghề nuôi bò đã được giới thiệu đến nông dân khá rầm rộ và còn tiếp tục đến nay mặc dù mức độ kém đi. Mấy năm gần đây nghề nuôi dê bùng phát khá nhanh là do dê thuộc loại nhai lại, ăn lá cây cỏ, dễ nuôi, sinh đẻ nhanh, tốc độ tăng đàn cao, chống đỡ bệnh tật tốt, đầu tư vốn ban đầu ít, hiệu quả kinh tế cao, thời gian thu hồi vốn nhanh và tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi trong gia đình.


Nuôi dê
            Từ các hương lộ và tỉnh lộ du khách có thể trông thấy vô số hàng cây so đủa mọc lên và nhiều mảnh đất trồng cỏ voi xuất hiện khắp nơi. Đó là những nguồn thức ăn chính để nuôi dê. Nhứt là khi ngành sản xuất lúa gạo, nuôi heo hiện đang gặp nhiều khó khăn về giá cả, lợi tức thu hoạch kém. Một số nông dân lấy ruộng đất trồng cỏ, bờ đê trồng cây so đủa. Nhiều nông dân thích nuôi dê vì khá dễ dàng và giá cả ít thay đổi, tuy gần đây giá thịt dê bắt đầu xuống thấp khi ngành nuôi dê bành trướng ngày càng nhiều. Lúc đầu giá thịt còn cao, khoảng 120-130 ngàn đồng/kg, nay còn 80-90 ngàn đồng/kg, vẫn còn tốt hơn ngành nuôi heo.

Ngoài ra, ngành nuôi dê có thể sản xuất nhiều sản phẩm: thực phẩm (thịt dê), sữa (sữa dê không chỉ làm thực phẩm, mà còn làm các sản phẩm khác như sữa rửa mặtsữa tắm,...), lông (làm áo ấm, chăn...), da dê, sừng (dùng trang trí trong nhà...)… nếu ngành sản xuất dê đươc công nghiệp hóa và thực hiện với chu kỳ khép kín.


Trung tâm dưỡng lảo Liên Hoa

          Trung tâm Dưỡng lão Liên Hoa: Một trung tâm dưỡng lão có tầm vóc đầu tiên của Gò Công vừa được khánh thành vào ngày 17/09/2017 tại xã Bình Đông, Thị xã Gò Công, nằm cạnh cầu Mỹ Lợi, nhằm giúp đỡ người già nghèo, đơn chiếc, bệnh tật không người chăm sóc. Ngoài ra, tại Trung tâm các cụ còn có dịp tiếp xúc với Phật pháp lúc thư giãn. Trung tâm này do tư nhân xây dựng từ năm 2015 với đóng góp của nhiều mạnh thường quân, nổi bật hơn hết từ một vị nữ hảo tâm sáng lập. Trung tâm gồm có hai dãy nhà 2 tầng màu gạch dành cho các cụ ông và cụ bà riêng, phòng ăn chung, phòng người bệnh nặng, phòng y tá, phòng hành chánh…. Một niệm phật đường nằm ở giữa hai dãy nhà, có nhà trú cho tăng ni ở phía sau. Trung tâm có khả năng phục vụ tối đa 50 người già miễn phí, qua nguồn tài chánh tự túc (sản xuất và kinh doanh dầu ăn,…) và sự đóng góp xã hội.

Trung tâm Dưỡng lão Liên hoa sẽ bắt đầu hoạt động từ ngày 1-1-2018. Người địa phương đang chờ xem sự quản lý và hoạt động thực tế của Trung tâm này trong những ngày sắp tới.


           Hồ Văn Cường

Thần tượng âm nhạc nhí Hồ Văn Cường: Một hiện tượng khá ồn ào xuất hiện trong âm nhạc VN với chương trình Thần tượng âm nhạc nhí năm 2016 (Vietnam Idol Kids); đó là cậu bé lọ lem Hồ Văn Cường nay 14 tuổi cư ngụ tại xã Long Bình, Gò Công Tây thuộc gia đình nghèo, có tiếng hát trong veo, giọng ngọt ngào gây ấn tượng mạnh và rất sành điệu như người lớn, vượt qua các đối thủ khác và đoạt ngôi vị quán quân thuyết phục, đồng thời nhận được giải thưởng 200 triệu đồng. Mặc dù kỹ thuật ca hát còn yếu, nhưng giọng hát của bé Cường đầy cảm xúc, hấp dẫn và lôi cuốn người nghe, đặc biệt với những bài hát dân ca hay giai điệu quê hương như: Còn thương rau đắng mọc sau hè, Bà Năm... Cậu còn có thể trổ tài hát cải lương rất “mùi”! Sau đó, Cường được ca sĩ Phi Nhung nhận làm con nuôi và hứa sẽ cho cậu bé tiếp tục đi học hết cấp 3 rồi vào trường âm nhạc chuyên môn. Cậu bé hiện đang học lớp 8 và thỉnh thoảng đi hát cùng mẹ Phi Nhung khi có dịp nghỉ lâu. Mới đây họ cùng đi du lịch ở Úc Châu (4).

Gò Công còn gì lạ nữa không em?2017

Người Gò Công

11-2017

Tài liệu tham khảo:

1.      Trần Văn Đạt. 2016. Cầu Mỹ Lợi và phát triển kinh tế Gò Công, Tiền Giang. Đặc san Gò Công Xuân Bính Thân. Trang 47-56.

2.      Trần Văn Đạt, Trần Nghĩa Đời và Lê Thiện Tùng (Chủ biên). 2014. Gò Công – Những dấu ấn nổi bật (Quyển 2). Nhà in 5 Star Printing, Hội ái hữu Gò Công phát hành, 395 trang.

3.      Duy Sơn. 2016. Phát triển công nghiệp khu vực Gò Công: Theo hướng "chậm mà chắc". Ấp Bắc online 

This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free