Huy Lữ TRẦN VĂN ĐẠT
Nguyên Chánh Chuyên gia FAO - Rome

Petrus Ký

nhà bác hỌc trương vĩnh ký:

mỘt đóa sen thơm

 

Trần Văn Đạt, Ph. D.



 

Ông Trương Vĩnh Ký là một hiện tượng đặc biệt và một kỳ tài đa diện trong thời kỳ thực dân đô hộ Việt Nam vào hạ bán thế kỷ XIX. Một thần đồng, một cậu bé mồ côi cha lúc 3 tuổi, một thiếu niên được hướng dẫn học đạo Thiên Chúa nhưng không trở thành linh mục, một nhà bác học lúc 37 tuổi, một nhà trí thức thức thời, một gạch nối tích cực giữa hai chế độ chính trị (triều đình Huế và chính phủ đô hộ), một tinh thần dung hòa Đông Tây, một người làm thông ngôn nhưng từ chối làm công dân Pháp, một nhà ngôn ngữ học quán chúng, một người đặt nền móng cho ngành tân học Việt Nam, một nhà tiền phong quảng bá chữ quốc ngữ và khai phóng dân trí, một ông tổ của làng báo Việt Nam, một sĩ phu giản dị, liêm khiết và ái quốc và một ông Thầy đạo lý của Nam Kỳ.

Những nét độc đáo này đã phản ánh một con người trí thức quốc tế, yêu nước và yêu dân tộc, sống trong một bối cảnh quốc gia phức tạp; nhưng rất tiếc có một số người không chịu tìm hiểu thấu đáo con người và hoàn cảnh thực tế của Ông để có những lời phê phán tiêu cực. Theo thiển ý, khi làm các công tác phê bình cần phải khách quan, tự đặt mình lên trên và bên ngoài để nhìn tổng thể vấn đề của cuộc đời Trương tiên sinh. Nếu chỉ từ một vài góc độ nào đó hoặc do động cơ chính trị, cục bộ chẳng hạn, người phê phán không tránh khỏi chủ quan và lệch lạc. Trước đây Ông Alexandre de Rhodes hay Đắc Lộ (vào thế kỷ XVII) đã bị lên án là nhà “sáng tạo ra chữ quốc ngữ với những mục đích đen tối” (1), nay được phục hồi danh vị của một người có công sáng lập ra chữ quốc ngữ. Đâu là lý lẻ đứng đắn?

Cũng vậy, có những lời bình phẩm không ngay thẳng về Ông Trương Vĩnh Ký. Thật không công bằng cho nhà bác học Việt Nam này! Một thức giả đã tận tụy phục vụ cho đất nước, đã đóng góp sự nghiệp ngôn ngữ, văn hóa to lớn cho cả quá khứ, hôm nay và tương lai, nhưng không tránh khỏi tội danh như “một tên Việt gian đại tài” (2) trong một chiến dịch hạ bệ danh nhân và văn hóa miền Nam. Dĩ nhiên, đó chỉ là những lời phán xét nông cạn, lệch lạc, phát sinh từ một vài nguyên nhân, động lực mờ ám ở một thời điểm nào đó vì không đầy đủ thông tin và không chịu tìm hiểu thấu đáo hoàn cảnh, môi trường, tâm huyết, công trạng và lòng yêu nước của Ông trong khi hợp tác với Pháp, cũng như không biết đến phản ứng tình cảm yêu mến của quần chúng Nam Bộ đối với Ông sau ngày qua đời. Đa số lời chỉ trích chỉ nhằm xóa một thần tượng mà không nghĩ đến sản nghiệp văn hóa vĩ đại do Ông để lại cho hậu thế. Đó là chưa nói đến sự chuyển hóa, thăng hoa sâu sắc trong suốt cuộc đời của Ông, với 40 năm chìm đắm trong cơn lốc của xứ sở. Trong tinh thần cởi mở và xây dựng, chúng ta hãy minh tâm xét lại danh vị của Trương tiên sinh. Người viết chỉ mong mỏi đóng góp ít suy luận của mình về vai trò và con người của ông Trương Vĩnh Ký trong xã hội Việt Nam. Lịch sử sẽ công bình phê phán Ông, dân tộc Việt Nam sẽ nhận thức giá trị chân thực của hiện tượng hiếm có này. Sau đây là một số đặc điểm của con người Trương Vĩnh Ký được phát họa lại để làm sáng tỏ thêm công tác tham luận, ngoài công việc vinh danh nhà Bác học đáng kính.

Thần đồng:

Ông Trương Vĩnh Ký sinh ngày 6-12-1837 tại Cái Mơn, làng Vĩnh Thạnh, Tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc tỉnh Bến Tre) và mất vào ngày 1-9-1898 tại Chợ Quán, Sài Gòn. Lúc nhỏ, Ông đã nổi tiếng là một thần đồng, có óc thông minh xuất chúng. Lúc lên bốn tuổi Ông đã thuộc lòng Tam Tự Kinh và đọc được Minh Tâm Bửu Giám. Ông được cho học Hán Tự và chữ Nôm với cụ đồ Học và học đạo với cố Tám, người thọ ơn của cha Ông trong một chiến dịch bài đạo của Triều đình Huế. Vốn là đứa bé thông minh nổi tiếng trong làng, vào lúc 9 tuổi Ông được hai vị linh mục Pháp là Thừa Hòa và Cố Long[1] để ý, nuôi dưỡng và cho học chữ “Quốc Ngữ”, chữ Pháp và tiếng La Tinh. Ông có một trí nhớ siêu việt, ham đọc sách và đối đáp với bề trên như một người lớn, làm nhiều người ngạc nhiên. Họ đã ví Ông như thần đồng Nguyễn Hiền, đổ Trạng Nguyên khi mới 13 tuổi và làm Thượng Thư trong triều đại vua Trần Thái Tông (1225-1258). Mới 11 tuổi Trương tiên sinh đã thuộc làu Tứ Thơ, Ngũ Kinh. Lúc hơn 12-15 tuổi, nhờ tiếp xúc với bạn học đồng chủng viện Ông thông hiểu nhiều ngoại ngữ, La Tinh, Pháp, Anh, Miên, Lào, Thái, Trung Hoa, Nhựt Bổn, Ấn Độ,…Ông là một học sinh thông minh xuất chúng đương thời và có năng khiếu ngoại ngữ phát triển mau lẹ, đã đỗ đầu trong khóa học 25 chủng sinh của chủng viện Pinhalu ở Cao Miên; nên sau đó được chọn đi du học ở Trường Giáo Hoàng, một chủng viện tối cao cho vùng Á-Đông trên đảo Pulau Penang, Mã Lai.  Ở đây, Ông lại đỗ đầu trong số 300 thí sinh trong một kỳ thi bằng tiếng La Tinh về lịch sử đạo, văn chương và khoa học ứng dụng. 

Nhà Bác Học:

Ông Trương Vĩnh Ký là một trí thức quốc tế. Ông được nổi tiếng là uyên bác trong ngành ngôn ngữ học và nhiều lãnh vực khác nên vào lúc 36 tuổi, được liệt vào danh sách 18 nhà trí thức nổi tiếng về văn chương và khoa học trên thế giới vào giữa hậu bán thế kỷ thứ XIX. Vào lúc 21 tuổi, Ông thông thạo trên 10 ngoại ngữ và biết đến ít nhứt 15 thứ tiếng khác. Thật là một con người hiếm có trên trái đất này. Mỗi khi học được một ngôn ngữ nước ngoài chúng ta có thêm một “con người” mới, biết thêm một nền văn hóa thế giới. Vốn kiến thức sinh ngữ đó cộng thêm trí nhớ nhanh và hiếu học đã giúp cho con người Trương Vĩnh Ký trở nên uyên bác. Ngoài ra, 118 tác phẩm về dịch thuật, khảo cứu và sáng tác mà Ông để lại, đóng  góp to lớn vào kho tàng văn hóa dân tộc. Ông Trương Vĩnh Ký có một kiến thức rộng rãi, lề lối suy nghĩ khoa học đã giúp cho các tác phẩm của Ông trong sáng, dễ hiểu. Ngoài lãnh vực văn học, ông còn tham gia vào nghiên cứu lịch sử, địa lý, thực vật học, nông nghiệp,… theo đường lối tân học, khác hẳn với lề lối cổ xưa của các sĩ phu đương thời. Thật vậy, Ông cũng đã đóng góp công lao vào lãnh vực phát triển nông nghiệp qua du nhập từ Mã Lai, khi có dịp về thăm quê hương, các giống cây ăn quả như măng cụt, chôm chôm, sầu riêng, bòn bon … và phổ biến tại Cái Mơn, về sau lan rộng đến cả Lục tỉnh và các nơi khác, tạo thêm công ăn việc làm và nâng cao đời sống của nông dân trong vùng (3).

Nhờ 10 năm du học ở hai chủng viện ở Cao Miên và Mã Lai (1848-1858) và chuyến công tác và tham quan ở châu Âu, Ông Trương Vĩnh Ký đã học hỏi được nhiều kiến thức mới lạ, mở rộng tầm mắt và tiếp xúc được nhiều người bạn ngoại quốc, trong đó có một số nhân vật nổi tiếng trên thế giới. Nhiều học giả đã nghiên cứu và viết nhiều sách báo về con người và sự nghiệp của Trương tiên sinh. Ông Jean Bouchot đã viết: “Ta phải xem cuộc đời của ông Trương Vĩnh Ký là một bài học và một tấm gương sáng, bởi ta thấy con người thuần Nam Kỳ ấy đã sánh kịp với các nhà thông thái bậc nhứt của châu Âu trong đủ mọi ngành khoa học” (4).

Khi nằm xuống Ông Trương Vĩnh Ký được sự thương tiếc không những của nhiều người trong nước mà còn nhiều độc giả, bạn bè trên thế giới. Ông đã được người dân Nam Kỳ dựng tượng, đặt tên đường, tên trường học. Đây là vinh hạnh lớn không những cho gia đình Ông mà còn cho dân tộc Việt Nam, nhứt là người miền Nam. 

Một đóa sen thơm ngát:

Từ giữa thập niên 70 về trước, nhà bác học Trương Vĩnh Ký đã được biết đến và ngưỡng mộ bởi đa số người Miền Nam Việt Nam và đặc biệt trong giới trí thức toàn quốc, nhưng về sau này tên tuổi của Ông đã bị quên lãng đối với hầu hết các thanh thiếu niên dưới tuổi 40 ở Việt Nam cũng như hải ngoại, vì các thế hệ này không còn nhận được thông tin đứng đắn về Ông …Cũng như thế, tên tuổi của Ông Nguyễn Trường Tộ, người đã làm các bài điều trần nhằm cải cách quốc gia vào triều đại Tự Đức, đã bị mai một.

Người ta còn gán ép cho ông Trương Vĩnh Ký các tội danh trong thời chiến tranh. Đó là các sự áp đặt thô bạo, phiến diện vì nhu cầu chánh trị, kỳ thị hoặc ghen ghét với tài năng của Ông mà không chú trọng đến môi trường sinh sống và trưởng thành, tâm huyết canh tân đất nước và các hoạt động văn hóa to lớn của Ông thời bấy giờ. Trong một đời người ngắn ngủi, sinh hoạt tích cực của mỗi cá nhân được phát triển tùy theo khả năng, bản chất và môi trường sinh sống. Trong tinh thần tự do, mỗi người có một nhiệm vụ, một việc làm thích ứng với khả năng và hoàn cảnh của mình, miễn sao đóng góp hữu ích cho quốc gia và dân tộc theo những đường lối riêng của họ. Kẻ làm chính trị, làm văn hóa, người làm khoa học, làm kinh tế … Ông Trương Vĩnh Ký sinh ra trong một gia đình có đạo gốc, mồ côi cha từ thuở lên ba, cố đạo nuôi dưỡng lúc lên 9 và vì đi lánh nạn đàn áp tôn giáo, tu học tại chủng viện Pinhalu và Penang. Nhờ 10 năm tu học ở hải ngoại, sự thông minh và bản chất tiềm tàng của Ông được phát huy một cách triệt để, đồng thời Ông đã vô tình rơi vào vòng tay của thực dân qua bàn tay của vài nhà truyền giáo ân nhân. Ông cũng là một đối tượng của triều đình Huế với chính sách bài đạo cực đoan. Khi trở về nước thọ tang mẹ và ở lại quê hương để sinh sống, Trương tiên sinh đã không có ngõ rẽ nào khác hơn vho hoàn cảnh của mình là bắt đầu vào đời qua sự hợp tác, mặc dù miễn cưỡng, với chính phủ thuộc địa do từ tinh thần trọng Nho của một kẻ mang ơn của người nuôi dưỡng cho ăn học. Trong khi đó, Ông luôn ôm ấp hoài bão phục vụ đất nước, đem kiến thức học hỏi được ở nước người giúp dân tộc. Ông thầm lặng đi theo con đường mà mình không chủ động, nhưng luôn đeo đuổi mục tiêu hướng thượng. Lợi dụng việc làm thông ngôn và vai trò trung gian giữa hai thế chính trị thù nghịch như là một trong những phương tiện để Ông thực hiện hoài bão của mình trong mở đường cho nền văn học mới và truyền bá chữ Quốc Ngữ. Chúng ta cần nhắc lại rằng lúc bấy giờ dân trí của nước ta còn kém mở mang, ánh sáng văn minh Tây Phương còn quá xa chưa soi tới vì nền văn hóa Khổng Mạnh che kín cả đất nước Việt Nam từ lâu rồi.

Với bản chất và hoàn cảnh của mình, Ông Trương Vĩnh Ký không thể làm cách mạng như Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực hoặc cụ Phan Bội Châu mà chỉ thích ứng với các công tác khai phóng khuếch trương văn hóa dân tộc, mở đường văn minh cho xứ sở cho tương lai. Trong tinh thần phục vụ dân tộc và đất nước, Ông đã dấn thân vào đời với vai trò thông ngôn, giáo dục và hành chánh cũng như tích cực tham gia vào công tác phát triển đạo đức, ngôn ngữ và văn hóa. Để thực hiện các mục đích đã vạch ra, Ông phải hòa hợp vào xã hội bị đô hộ, tiếp cận với thế giới Tây Phương để từ đó Ông mang luồng gió văn minh vào lòng dân tộc Việt Nam. Về sau, nhờ tháp tùng phái đoàn thương thuyết của Cụ Phan Thanh Giản đi Pháp, Ông Trương Vĩnh Ký có dịp tiếp cận các nhà trí thức danh tiếng như nhà văn hóa Victor Hugo, Émile Littré, sử gia Ernest Renan, khoa học gia Paul Bert… và chứng kiến một nền văn minh hiện đại, đời sống dân chủ, sự phồn thịnh ở một số nước Âu Châu. Lòng yêu nước và hoài bão của Ông bấy giờ càng thêm to lớn khi có dịp so sánh tình trạng văn minh của xứ mình và xứ người, thúc đẩy Ông dấn thân xây dựng một nền học thuật mới cho đất nước khi trở về nước và góp công vào việc cải tiến dân trí đang bị phong tỏa, kiềm hãm của nền phong kiến Bắc Phương. Cụ Ứng Hòe Nguyễn Tất Tố đã viết “...Đã đến lúc những học giả Nam Kỳ phải tìm cách thay thế những tư liệu cũ ấy, phải loại cái mớ thông tin ngụy tạo vốn vay mượn ở những tư liệu Trung Hoa, mặt khác, họ phải dành một địa vị xứng đáng cho những dữ kiện vốn có rất nhiều và rất chính xác do những biên soạn niên sử Annam cung cấp” (5).

Trong một phong trào tìm kiếm thuộc địa mãnh liệt trên thế giới, với cả ý đồ và mưu mô của đế quốc vây quanh, của các vị giáo sĩ đỡ đầu, Ông Trương Vĩnh Ký đã không trở thành một nhà tu hiến mình cho đạo, mà lại dấn thân vào đời phục vụ cho xứ sở hữu hiệu hơn với khả năng thiên phú của mình. Đó là cuộc cách mạng bản thân lớn của Trương tiên sinh. Mặc dù được thực dân nâng đỡ và khuyến dụ, Ông khẳng khái từ chối làm một công dân Pháp. Đây là tiết tháo của một nho sĩ, có tinh thần quốc gia và ý chí phản kháng thực dân thường trực của Trương tiên sinh. Trong khi phải cộng tác với kẻ cai trị Ông luôn tự nhủ: “theo họ nhưng không lệ thuộc vào họ”. Nếu là một người mãi quốc cầu vinh Ông, gia đình Ông đã có một cuộc sống vinh thân phì da như một số nhà trí thức đồng thời tham lợi: Hoàng Cao Khải, Tôn Thọ Tường, Nguyễn Thân...

Ông Trương Vĩnh Ký là một nhà trí thức, nhưng Ông khác hơn những nhà trí thức đương thời trong nước. Ông đã ý thức được nhiệm vụ và vai trò của mình đối với xứ sở trong giai đoạn giao thời cũng như muốn nêu cao tinh thần hòa hợp hòa giải Đông-Tây. Với vai trò thông ngôn, Ông đã đóng góp nhiều cho sự thông hiểu giữa nhà cầm quyền thuộc địa và triều đình Huế bấy giờ, đồng thời tạo nhân tố phát triển cho sự hợp tác Đông - Tây, thúc đẩy cải cách chế độ, duy tân xã hội và thực hiện một trong nhiều công tác văn hóa bề thế - phổ biến chữ quốc ngữ cho quần chúng. Ông Trương Vĩnh Ký đã tâm sự: “Tôi chỉ có thể phục vụ như trung gian giữa những dân tộc vừa gặp nhau ở Đông Dương. Tôi chỉ muốn tạo cho hai dân tộc hiểu và thương nhau. Vì thế tôi đã liên tiếp phiên dịch tiếng Annam, vì tôi tin rằng đàng sau ngôn ngữ và chữ viết, một ngày kia sẽ đạt tới những tư tưởng và những khái niệm đầu tiên của nền văn minh nhân loại” (6)

Theo học giả Hồ Hữu Tường, Ông Trương Vĩnh Ký không như những nhà trí thức trong xứ, càng làm việc lâu với thực dân, Trương tiên sinh lần lần hóa nên một sĩ phu hữu dụng cho quốc gia vì Ông là một nhà ái quốc (7). Đây là một hiện tượng đặc biệt trong thời buổi nhiểu nhương bấy giờ. Ông không phải là loại trí thức bù nhìn, tham mê phú quý. Ông đã gởi thơ cho Toàn quyền Pháp yêu cầu bênh vực quyền lợi cho xứ sở ở tả ngạn sông Cửu Long (8). Trong quyển “Gia Định Phong cảnh Vịnh”, Ông đã can đảm gọi thực dân Pháp là giặc (2). Đây là một hành động đối lập. Một người “nối giáo cho giặc” cả đời không thể có hành động can đảm bốc đồng như thế mà chủ nhân ông chịu để yên ổn. Đó là dấu hiệu của tấm lòng tha thiết yêu nước của Ông.

Ngoài ra, Ông Trương Vĩnh Ký vốn là một người nho nhả, cử chỉ nhún nhường với lòng khiêm tốn luôn luôn với chiếc khăn đóng áo dài, cho nên một số văn thư của Ông viết gởi cho nhà cầm quyền Pháp thời bấy giờ bị người ta hiểu nhầm như có sự bợ đỡ, van xin quá đáng. Đây cũng  là một cách hành xử mà Ông bắt buộc phải dùng đến trong thời thuộc địa khắt khe và hoàn cảnh của kẻ “nằm trong rọ” dưới tay kẻ uy quyền. Cụ Nguyễn Đình Chiểu, dù mù lòa, cũng đã nhận thấy tấm lòng yêu nước của Ông Trương Vĩnh Ký, nên Cụ bảo người con gái ghi sắc phong Hàn Lâm Thị Giản Học Sĩ của vua Đồng Khánh ban cho Ông Trương Vĩnh Ký vào tập gia bảo của Cụ (7).

Một dữ kiện khác chứng minh Ông Trương Vĩnh Ký không phải là nhà trí thức luôn luôn nghe lời và phục vụ quyền lợi cho thực dân Pháp như một vài người nghĩ. Ông đã bị ngưng chức, hạ lương bổng bởi Paul Vial, người tạm thời thay the ông Paul Bert, nhà Toàn quyền Pháp cũng là bạn của Ông, vì ông Vial biết Trương Vĩnh Ký đã đề nghị Pháp nên võ trang một đội khinh binh cho vua Đồng Khánh; điều này có thể làm nguy hại đến quyền lợi của thực dân Pháp (2). Nhưng buồn làm sao lại có người đưa ra giã thuyết, Trương tiên sinh “có thể dùng đoàn quân này lật đổ vua Đồng Khánh”, hoặc có thể “dùng người Việt giết người Việt để người Pháp đỡ phải chết” (2)?! Ngán ngẫm với thói đời bất nhứt, từ đó Trương tiên sinh trở lại cuộc sống bình dị, ẩn dật ở Sài Gòn và được vua Đồng Khánh sắc phong “Nam Trung Ẩn Sĩ”.

Về phương diện văn hóa, giáo sư Nguyễn Thanh Liêm đã kết luận về Ông như sau: “Ông Petrus Ký không phải chỉ là một nhà văn khai đường mở lối cho câu văn xuôi và nền văn chương chữ Quốc Ngữ, Ông cũng không phải chỉ là một nhà bác học chỉ tìm tòi nghiên cứu để thỏa mãn tính hiếu kỳ của con người mình, mà Ông còn là một nhà văn hóa giáo dục có tinh thần nhân bản, dân tộc và khai phóng đã đặt nền móng cho nền học thuật mới ở Việt Nam vào hạ bán thế kỷ XIX “(9).

Cho nên, những sự kiện nêu trên đã làm cho chúng ta nghĩ đến một đóa sen trổ hoa thơm ngát trong chốn ao tù. Sen phải sinh ra nơi đầm lầy nước đọng, sống bằng những chất dinh dưỡng của bùn đen để ngoi lên từ lòng nước hôi tanh, nhưng cành sen không vì thế mà bị lem luốt. Sen vẫn vươn mình lên trong mưa nắng và thở không khí quê hương để sinh nở những đóa hoa lộng lẫy mà mọi người ưa chuộng. Đó hẳn là cuộc đời của Ông Trương Vĩnh Ký. Bản chất thông minh của Ông được phát huy tuyệt đỉnh và trí tuệ của Ông được đâm chồi nẩy lộc trong khung trời nho giáo, trên nền giáo dục ngoại quốc và ở môi trường đô hộ. Nhờ đó, Ông đã có cơ hội thi thố tài năng, hoạt động hữu hiệu, lưu lại những thành quả nghiên cứu sâu sắc, công trình văn hóa to lớn cho dân tộc, làm rạng rỡ xứ sở, thay vì ẩn mình trong lớp áo nhà tu. Trong khi nhiều trí thức theo Pháp bị hầu hết đồng bào trong nước lên án, Ông Trương Vĩnh Ký được nhiều người mến chuộng dựng tượng đồng, đặt tên đường, tên trường để ghi nhớ công ơn của Ông và nhắc nhở các thế hệ sau này. Ông Trương Vĩnh Ký không phải là Phật tử, nhưng Ông đã có một hùng tâm dũng trí, đã từ quan bỏ những ham muốn vô thường – danh vọng – vào giữa cuộc đời, để hy sinh những ngày còn lại của mình cho các công tác khảo cứu, phiên dịch, trước tác văn học cho đến cuối tuổi già. Ông đã giác ngộ và có được những ngày tháng niết bàn trong tâm hồn rồi vậy.

Một nét đặc thù dân tộc Việt:

Một công lao to tát khác có tầm vóc quốc gia của Ông Trương Vĩnh Ký mà ít người để ý tới, qua sự cổ xúy của Ông về phát triển chữ Quốc Ngữ, đã gián tiếp giúp dân tộc Việt Nam có thêm một nét đặc thù, chữ viết riêng, khác hẵn với người anh em láng giềng đầy tham vọng. Với hơn một ngàn năm đô hộ tàn bạo, dai dẳng, dân tộc Việt Nam đã bị thấm nhuần quá nhiều với văn hóa, tập quán, tư tưởng Khổng Mạnh, mà phần lớn còn sót lại trong đời sống của chúng ta hôm nay, dù rằng đã có sự tiếp cận với Tây Phương hơn một trăm năm qua. Như sử gia Trần Trọng Kim đã viết: “Người mình nhiễm cái văn minh của Tàu một cách sâu xa, dẫu về sau có giải thoát được cái vòng phụ thuộc nước Tàu đi  nữa, người mình vẫn phải chịu cái ảnh hưởng của Tàu, cái ảnh hưởng ấy lâu ngày đã thành ra cái quốc túy của mình, …” (10). Từ cách ăn mặc cho đến màu da, lề lối suy nghĩ, và phương cách xử thế của người Việt chẳng khác người Tàu bao nhiêu!

Hơn nữa, người Việt thường có bản chất dễ thay đổi và khả năng hòa nhập mau lẹ với môi trường mới, nếu so sánh với một số dân tộc khác như Do Thái hoặc Tàu. Chỉ có tinh thần bất khuất, chống ngoại xâm là cứng thép và bất di bất dịch. Điều này lại đưa đến tính kiêu ngạo, tôn thờ chủ nghĩa cá nhân. Ngoài ra, do sự xâm lược văn hóa khắt khe của Tàu và sự đập phá, tiêu hủy sau mỗi chế độ đi qua, xứ ta chẳng còn giữ được di tích gì nổi bật và tượng trưng cho dân tộc Việt như từng thấy ở các nước chung quanh: Tàu, Thái Lan, Miến Điện, Cao Miên và ngay cả Lào. Chẳng hạn, khi đến Bangkok, Ngưỡng Quan chúng ta nhận ngay ra những nét đặc thù của xứ Thái Lan, Miến Điện với các kiến trúc đền chùa cá biệt, còn khi đến Hà Nội hoặc Sàigòn, chúng ta có thể thấy những nét đặc thù gì của Việt Nam? Ngay cả thành Thăng Long, cố đô năm nào, cũng không còn dấu vết rõ rệt!

Chân bước lãng du hồ Trúc Bạch

Mắt tìm mõi mệt dấu Thăng Long.

(trong Tập Thơ Nắng Hạnh Phúc)

 

Sau hơn 1.000 năm đô hộ và gần 1.000 năm độc lập, sự khác biệt rõ rệt nhất của dân tộc Việt đối với Tàu chỉ là tiếng nói riêng mà thôi. Và khoảng 150 năm gần đây, chúng ta có thêm chữ viết riêng, một may mắn lớn của dân tộc. Chữ Quốc ngữ, nhờ ưu thế của mẫu tự La Tinh, là một phương tiện rất hữu hiệu, giúp đại đa số quần chúng thấu hiểu nền văn hóa sâu rộng hơn, mở mang trí tuệ nhiều hơn. Chữ quốc ngữ chỉ được bắt đầu xử dụng rộng rãi kể từ năm 1862, sau khi được thực dân chính thức áp dụng trong các ngành hành chánh thuộc địa tại 3 tỉnh Miền Đông Nam Kỳ (Biên Hoà, Gia Định và Định Tường) mà họ đã kiểm soát được. Trong biến cố ngẫu nhiên này, Ông Trương Vĩnh Ký là người tiền phong trong công tác quảng bá chữ quốc ngữ của Việt Nam. Ông còn là một chủ bút đầu tiên của tờ Gia Định Báo, tờ báo tiếng Việt đầu tiên của nước ta, được phát  hành vào năm 1865 và kéo dài được 45 năm. Ông đã từng khuyên đồng bào ta “nên học và viết tiếng AnNam ròng, nếu không, rất dễ bị đồng hóa và mất gốc” (11). Lịch sử còn đó. Chữ Hán đã làm cho chúng ta lệ thuộc Tàu cả ngàn năm. Chúng ta muốn thoát khỏi loại chữ này bằng chữ Nôm, nhưng không thành công lắm. Cho đến ngày nay, nhiều người Tàu vẫn còn xem Việt Nam là một thành phần của nước họ. Người viết có dịp tham dự nhiều diễn đàn quốc tế, khi gặp các thành viên trong phái đoàn Trung Quốc, họ vẫn còn bảo rằng “Xứ anh với xứ tôi chẳng khác gì nhau”. Tôi khẳng định có khác nhau ít nhất về ngôn ngữ, họ lại đáp: “Nước tôi cũng có nhiều tiếng nói khác nhau”. Tôi nói tiếp: ”Nhưng nước tôi có chữ viết theo mẫu tự La Tinh”. Họ im lặng! Cho nên, đáng mừng thay chữ quốc ngữ một nét đặc thù quý giá của dân tộc Việt ở châu Á. Ông Trương Vĩnh Ký đã đóng góp công lao to lớn cho thành quả khác biệt đó. Công lao nầy cũng quá đủ để vượt trội hơn các tội danh bị một số người gán ép, ngoài lòng yêu nước với tâm huyết phục vụ xứ sở và dân tộc của Ông.

Vài biến chuyển mới:

Do nhu cầu giảng đạo và giao thiệp với người bản xứ, ông Alexandre de Rhodes và những người đi trước Ông như giáo sĩ Francesco de Pina, giáo sĩ Gaspar d’Amaral, giáo sĩ Antonio Barbosa, người Bồ Đào Nha... đã có công lớn góp phần vào việc sáng lập ra chữ quốc ngữ để thay thế chữ Hán và chữ Nôm, sản phẩm và cũng là chứng tích của thời đô hộ Bắc phương. Ông Alexandre de Rhodes được người Việt biết đến nhiều hơn hết do người Pháp đánh bóng và còn được dân tộc ghi nhớ qua tên đường Sàigòn và bia tưởng nhớ ở Hà Nội. Để rồi Ông Alexandre de Rhodes đã bị kết tội danh “gián điệp văn hóa”, dẫn đường thực dân chiếm cứ Việt Nam. Vì thế, tên đường bị thay thế và bia tưởng niệm bị bỏ xó (1975). Trong khi đó theo tinh thần Nho giáo, chúng ta đã thọ ơn Ông cho dù Ông và một số người ngoại quốc khác sáng tạo chữ quốc ngữ với bất cứ mục đích gì.

Gần đây, do những yếu tố chính trị ở trong cũng như ngoài nước và tinh thần cởi mở của chế độ, danh vị của Alexandre de Rhodes được phục hồi một cách ngạc nhiên và thỏa đáng, qua sự  tái lập bia ghi ơn ở Hà Nội và tên đường ở Sàigòn. Ngoài ra, cũng nên nhắc thêm rằng trước đó những tên đường như Pasteur, Yersin và Calmette đã được tái lập. Đây là dấu hiệu đáng mừng, có thể dẫn đến việc cứu xét rộng rãi hơn trong tương lai để tái xác định vị trí đích thực của Ông Trương Vĩnh Ký trong lịch sử Việt Nam. Khi Ông Alexandre de Rhodes, một người ngoại quốc, đã được vinh danh trở lại thì không có lý do gì mà sự công bằng chẳng được trả lại cho Ông Trương Vĩnh Ky. Hơn nữa, công trình phổ biến chữ quốc ngữ cũng được đánh giá tương đương với công lao góp phần vào sáng tác loại chữ này. Một hạt gạo mà chúng ta ăn hôm nay cũng do một chuỗi lao động liên tục từ nhà khảo cứu cho đến chuyên viên khuyến nông, nông dân và những người chế biến, mậu dịch. Chữ quốc ngữ mà chúng ta dùng ngày nay cũng phải trải qua những giai đoạn tương tự như thế. Sáng tác và phổ biến đều quan trọng ngang nhau.

Hiện nay, qua bầu không khí đổi mới trong nước, vai trò và công trạng của Ông Trương Vĩnh Ký vào thế kỷ XIX đã được đem ra thảo luận trong chiều hướng thuận lợi kể từ năm 1989, qua văn bản 141/QLDT ngày 2/3/89 của Sở Văn Hóa Thành Phố xác nhận sự đóng góp đáng kể của Ông vào việc xử dụng chữ quốc ngữ thay thế chữ Hán (8). Vài dấu hiệu tiến bộ khác đã được ghi nhận gần đây ở Sàigòn. Ban Giám Hiệu mới của trường Trung Học Phổ Thông (chuyên) L.H.P đã đề cao cùng một lúc hai nhân vật “Trương Vĩnh Ký - L.H.P” trong Kỹ Yếu 1995 - 1996 (mặc dù sự kết hợp này không được tương xứng cho lắm).

Ngoài ra, Ủy Ban Liên Lạc Cựu Giáo Sư và Cựu học sinh Trường Petrus Ký - L.H.P đã chính thức tổ chức một buổi thăm viếng mộ của Ông Trương Vĩnh Ký ở góc đường Trần Hưng Đạo và Trần Bình Trọng (11). Trong một xã hội khép kín như Việt Nam hiện nay, những sự kiện trên không phải là việc bình thường. Một khi danh vị của Ông được phục hồi trong lịch sử thì tên trường và đường lộ sẽ phải được trả lại theo sau đó.  Trong năm 1997, một trường trung học phổ thông mới cấp II và III được xây dựng khá hiện đại ở quận Tân Bình lấy tên Trương Vĩnh Ký! Ngoài ra, một ngôi đền thờ nhỏ đã được chính quyền địa phương xây dựng ngay trên nền nhà ngày xưa của gia đình Trương tiên sinh ở Cái Mơn cạnh bờ rạch nhỏ để tưởng nhớ công ơn (Xin xem ảnh ở Phần V: Phụ Lục).

Trong chiều hướng này, Giáo Sư  Nguyễn Văn Trung, cựu Khoa Trưởng của Đại Học Văn Khoa ở Miền Nam trước 1975, đã “duyệt lại lối nhìn trước đây về Trương Vĩnh Ký”. Còn quí vị khác có minh tâm xét lại cái nhìn của mình đối với nhà bác học đáng kính này hay không trong tinh thần hòa hợp và đoàn kết dân tộc? Trong khi nhà văn Nguyễn Vi Khanh đặt vấn đề:”... Như vậy, nay đã đầu một thế kỷ và thiên niên mới, đất nước lòng người đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống thực dân và nội bộ, sao lại phải khơi những tro tàn 30, 50 năm trước mà chính người liện hệ đã thay đổi, mở mắt và hoàn cảnh đã khác? Với hậu ý gì?”(13)

Phải thành thật nhìn nhận rằng nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng nhưng vẫn còn yếu kém về những nét đặc thù dân tộc. Đa số tinh hoa văn hóa ngày nay là do những sự du nhập và hấp thụ từ Đông Tây, bằng áp đặt hay tự nguyện. Nay có thêm một học giả nổi tiếng ở trong cũng như ngoài nước - Ông Trương Vĩnh Ký - là một điều đáng trân quí. Hơn nữa, lăng mộ và ngôi nhà làm việc của Ông với lối kiến trúc cổ truyền dân tộc, một nét mỹ thuật hiếm có hiện nay ở giữa thành phố Sài gòn đang chuyển mình thay đổi, là những di tích lịch sử văn hóa cần được trùng tu và phát huy (Xin xem ảnh ở Phần V: Phụ Lục). Một hiện tượng Trương Vĩnh Ký, khu lăng mộ và ngôi nhà cổ kính của Ông là những viên cẩm thạch quý báu trong tiến trình xây dựng Nhà Văn Hóa Việt Nam.

Chúng ta mong rằng sự phục hồi rốt ráo danh vị cho Ông Trương Vĩnh Ký sẽ đến một ngày gần đây.

2005

 

Tài LiỆu Tham KhẢo:

  1. Trần Trung Ngọc, 1994. Alexandre de Rhodes: Công hay Tội? Trong Petrus Trương Vĩnh Ký  Tuyển Tập (trên Việtnet 1994), trang 185-186.
  2. Lê Trọng Văn, 1996. Góp ý thêm về Petrus Ký Tuyển tập, tr. 79-82.
  3. Quán Phong, 1996. Trương Vĩnh Ký hay một công ơn to tác không hề được biết. Đặc San Petrus Ký, 1996 do hội Ái Hữu Petrus Ký Miền Nam California, tr. 28-29.
  4. Bouchot, J. Petrus J. B. Trương Vĩnh Ký Un Savant et un Patriote
  5. Cochinchinois, 3ème éd. Revue et corrigée, Sai Gon: Nguyễn Văn Của, 1927, pp 106.
  6. Hoàng Lại Giang. 2001. Trương Vĩnh Ký - Bi kịch muôn đời. NXB Văn Hóa và Thông Tin, 712 trang.
  7. Đặc san Petrus Ký , 1996. Hội Ái Hữu Petrus Ký Miền Nam California, tr .9.
  8. Hồ Hữu Tường, 1974. Hiện tượng Trương Vĩnh Ký hay hóa trình từ người  trí thức đến kẻ sĩ, Bách Khoa số 414. Trong Petrus Ký Trương Vĩnh Ký  Tuyển Tập, tr. 7-15.
  9. Đặc San Petrus Ký, 1996. Diễn đàn dư luận: Đã đến lúc cần phải đặt vấn đề phục hồi tên cũ cho trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký, Đặc San 1996 của Hội Ái Hữu Petrus Ký Miền Nam California, tr.10-20.
  10. Nguyễn Thanh Liêm, 1994 . Trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký và nền giáo dục phổ thông Việt Nam , tr. 20.
  11. Trần Trọng Kim, 19…  Việt Nam Sử Lược, Quyển I, Nhà xuất bản Đại Nam (1990), tr. ix (Tựa).
  12. Thiên Tân, 1997. Petrus Ký, L.H.P: Trường cũ, tên mới. Trong Đặc San Tin Hội , 1997 do Hội Ái Hữu Petrus Trương Vĩnh Ký, Cộng Hoà Liên Bang Đức, số 4/2/97, tr. 18-22.
  13. Nguyễn Vi Khanh, 2001. Về Trương Vĩnh Ký và một số vấn đề văn bản, lối nhìn... Định Hướng, số 26-2001, trang 4-34.

 

 

 

 



[1] Tên của Cố Hòa là Borelle và Cố Long là Bouilleaux.


This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free