Hạn điền
Vài ý kiến về
CHÁNH SÁCH HẠN ĐIỀN, TÍCH TỤ RUỘNG ĐẤT
VS.
PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG THÔN
Chánh sách tích tụ ruộng đất và/hoặc bải bỏ chế độ hạn điền là nhu cầu cấp thiết cho cải tiến và phát triển tam nông trong nước hiện nay.
Nông dân sống vì đất, vì ruộng vườn, nhưng đất đai của họ ngày càng nhỏ hẹp theo thời gian. Như vậy, đời sống của họ ra sao? Thanh niên nông thôn ngày càng rời bỏ làng xóm để kiếm sống nơi đô thị. Theo số liệu thống kê, quỷ đất bình quân của mỗi đầu người vào thập niên 1.930 là 1 ha ở Miền Bắc và Miền Trung, 3 ha ở Miền Nam. Vào thập niên 1.970 là 0,7 ha ở Miền Bắc và Miền Trung và 2 ha ở Miền Nam. Đến giữa thập niên 2.000 là 0,5 ha ở Miền Bắc và Miền Trung và 1 ha ở Miền Nam. Những chánh sách hạn điền, cải cách ruộng đất trong quá khứ cộng thêm tập tục kế thừa ruộng đất gia đình làm thu hẹp diện tích đất trồng mỗi hộ ngày càng ít hơn. Hậu quả, ngành sản xuất nông nghiệp Việt Nam trở nên manh mún, tự phát tự khởi, thiếu quy họach và thiếu lực cạnh tranh thị trường nội địa và thế giới; trong khi đời sống nông dân chưa được cải thiện tương xứng đối với đóng góp lớn lao của họ cho đất nước. Việc tháo gở chánh sách hạn điền, cổ vỏ tích tụ ruộng đất là tất yếu và cấp thiết để nông dân Việt Nam có tương lai tốt đẹp hơn, xóa đói giảm nghèo nhanh hơn và tăng tốc thành lập những nông thôn mới hiện đại khắp nước, ngòai những biện pháp kinh tế-xã hội khác.
Để có được như vậy, chính quyền cần phải có bước đột phá trong tư duy, chính sách trong sáng và hành động kịp thời để đổi mới quá trình sản xuất nông nghiệp, cũng như giúp chánh sách tam nông được đề ra năm 2.008 có cơ hội thành công. Hiện nay, vấn đề được đặt ra cho ngành nông nghiệp trong nước là (i) Hạn điền có tác dụng gì đến tiến bộ nông thôn? (ii) Tích tụ ruộng đất dưới hình thức nào? (iii) Điều kiện để tích tụ ruộng đất nhanh chóng, hiệu quả cao? và (iv) Khắc phục các hậu quả tiêu cực của tích tụ ruộng đất như thế nào?
1) Chánh sách hạn điền đã được thực hiện lần đầu tiên ở Việt Nam vào thời kỳ Hồ Quý Ly (1.400-1.407) tiếm đọat ngôi vị Nhà Trần (1.226-1.400), nhằm hạn chế ảnh hưởng lớn mạnh của các công thần chế độ cũ trên địa bàn cả nước, đồng thời muốn đất đai tập trung vào quyền lực nhà nước. Những chánh sách cải cách ruộng đất từ thập niên 1.950 đến nay chỉ muốn tiêu diệt lớp địa chủ, tạo công bằng xã hội; nhưng đã vô tình kiềm hãm tiến bộ nông thôn và ngày càng bần cùng hóa giai cấp này so với người đô thị, như hiện đang xảy ra. Nông dân đã đóng góp rất nhiều cho an ninh lương thực và kinh tế quốc gia từ thế hệ này đến thế hệ khác, nhưng chính bản thân họ luôn bị lợi dụng và cam chịu đời sống thấp kém ngòai xã hội. Tại sao có những đại gia trong lãnh vực công nghiệp (ngay cả ngành thủy hải sản) mà không cho phép có đại điền chủ mới trong nền nông nghiệp hiện đại khi có luật lệ quốc gia chi phối?!
Về hạn điền, cần có tầm nhìn xa và mở rộng ra ngòai thế giới. Chính sách hạn điền hiện hành đã tạo nên những tiêu cực đáng chú ý. Theo Thống kê nông nghiệp, Việt Nam hiện có 10 triệu ha sản xuất nông nghiệp với khỏang 70 triệu thửa đất và gần 14 triệu hộ nông dân. Mỗi hộ có từ 2-10 thửa đất nhỏ! Đã đến lúc cần lọai bỏ chánh sách hạn điền hoặc phải mở rộng hạn mức lớn gấp bội hiện nay. Cần rút kinh nghiệm trong nước và thế giới để phù hợp với điều kiện nước ta và cải tiến xã hội. Chẳng hạn ở Mỹ, nông trại nhỏ có ít hơn 200 ha, nông trại lớn trên 1.000 ha. Ở châu Âu đất đai hẹp hơn, nông trại được xem nhỏ dưới 50 ha và nông trại lớn trên 200 ha. Thông thường, một nông trại phải có diện tích tối thiểu 20 ha để sản xuất đạt đến hiệu quả kinh tế có thể chấp nhận.
Ở các nước tiến bộ không còn chế độ hạn điền (thực ra bị chi phối bởi nền kinh tế thị trường và chế độ thuế khóa), nhờ có luật pháp chi phối, những siêu đại điền chủ có hàng ngàn hecta không phải là những người bốc lột lao động công nhân; thật vậy, thành phần sau này được bảo vệ bởi luật pháp quốc gia, họ được hưởng lương bổng tối thiểu, được tự do lập nghiệp đòan, biểu tình phản đối nếu bị lạm dụng, được bảo đảm y tế, tai nạn lao động… Nhờ đó và các chánh sách trợ cấp nhà nước, tỉ trọng nông nghiệp đối với GDP cả nước dù rất thấp, nhưng ngành nông nghiệp vẫn có khả năng sản xuất lương thực đầy đủ hoặc dư thừa cho nhu cầu nội địa. Cho nên, chánh sách tích tụ ruộng đất và/hoặc bải bỏ chế độ hạn điền là nhu cầu cấp thiết cho cải tiến và phát triển tam nông trong nước hiện nay.
2) Các hình thức tích tụ đất hiện nay:
- Trong thập niên qua, quá trình tích tụ ruộng đất qua mua bán đang diễn ra thường xuyên khắp nước, nhưng còn chậm chạp với số lượng nhỏ trong giới nông dân có nhiều tiền của. Một số nông dân trúng mùa, với tiền dành dụm và vay mượn để mua thêm đất cho gia đình với hy vọng sản xuất nhiều hơn sẽ thu lợi tức lớn hơn để cải thiện đời sống gia đình. Khi có một số vốn kha khá, họ chuyển qua kinh doanh những lãnh vực phi nông nghiệp mang đến lợi nhuận kinh tế cao hơn.
- Một hình thức với tích tụ ruộng đất mà nông dân không mất đất qua hình thức thuê bao, thiết lập công ty nông nghiệp hoặc doanh nghiệp tính bằng cổ phần. Trung Quốc đang thực hiện mô hình này, nhưng chưa có kết quả cụ thể; trái lại có những tiêu cực phát hiện khi doanh nghiệp thua lỗ, thất mùa, thị trường quốc tế giao động… Nên lưu ý ngành nông nghiệp có nhiều rủi ro hơn các ngành nghề khác vi tùy thuộc quá nhiều vào điều kiện thiên nhiên.
- Ngòai ra, còn có hình thức tích tụ ruộng đất qua tổ chức hình thành những “cánh đồng mẫu lớn” mà nhà nước đang theo đuổi, khuyến khích thử nghiệm tại một số địa phương, nhưng cách thức tổ chức và sự vững bền khai thác hợp tác còn đặt ra nhiều vấn đề hiện tại và tương lai, chưa kể đến mặt kỹ thuật (môi trường vi mô, đất đai chuyên biệt từng địa phương, nông nghiệp chính xác và yếu tố con người).
3) Điều kiện kích thích tích tụ ruộng đất nhanh và hiệu quả cao:
- Cần có tư duy mới trong vấn đề đất đai để có bước ngoặc mới cải cách nông thôn, đạt đến mục tiêu nông thôn mới và công nghiệp hóa được đề ra. Nếu không, chỉ có chánh sách và thực hiện nửa vời!
- Cần có hành lang pháp lý thông thóang cho sở hữu ruộng đất nông dân và nên bỏ hạn điền để làm dễ dàng và tạo động lực cho thực hiện tích tụ ruộng đất nhanh chóng, bắt kịp tiến bộ thế giới. Kinh nghiệm nhiều năm từ các tổ chức quốc doanh (Vinashin, Vinalines,…), các hợp tác xã, nông trường cho thấy chỉ có sở hữu ruộng đất và hình thức tư doanh hoặc bán công mới có thể kích thích nỗ lực phát triển kinh tế bền vững, tạo bước đột phá đổi mới trong cải cách nông nghiệp. Bằng không, chỉ là hình thức vá víu mà thôi!
- Ngành công nghiệp phải phát triển mạnh và song song với thực hiện tích tụ đất đai để tạo ra thị trường lao động thu hút các nông dân không ruộng đất, nhứt là giới thanh niên dư thừa ở nông thôn. Ngành công nghiệp phát triển chậm sẽ đưa đến tích tụ ruộng đất thấp, nếu không có chánh sách bãi bỏ hạn điền. Do đó, nhà nước nên để cho quá trình phát triển tự nhiên xảy ra, chỉ cần hòan thiện hệ thống pháp luật, cải thiện hành chánh, khuyến khích đầu tư và giàm bớt tham nhũng để đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo đúng nghĩa của nó; từ đó, ruộng đất sẽ tự nhiên tích tụ, sản xuất nhiều sản phẩm nông nghiệp tốt cho xã hội.
4) Hậu quả của tích tụ ruộng đất:
- Tích cực: Tích tụ ruộng đất đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, có sức cạnh tranh với thế giới, đồng thời đáp ứng nhu cầu cấp thiết và cải tiến đời sống nông thôn hiện nay. Không kể đáp ứng mục tiêu quốc gia hiện đại hóa và công nghiệp hóa nông thôn.
- Tiêu cực: Dù hầu hết nhận ra những tích cực nêu trên và chấp nhận tích tụ ruộng đất là quy luật tất yếu phải trải qua của đất nước, nhưng giới hữu trách thường né tránh hoặc nêu nhiều lo lắng khi phải đề cập tới. Đó là vì việc tích tụ ruộng đất có thể dẫn tới hiện tượng “đại điền chủ mới”, nông dân nghèo bị áp lực bán rẻ đất, không có ruộng, tích tụ đất đai để chờ giá, chờ cơ hội, lập dự án treo, phân lô bán làm giàu bất chính của một nhóm người, bởi luật lệ qúa lỏng lẻo và thiếu hệ thống kiểm tra chặt chẻ. Tuy nhiên, nếu có luật lệ hợp lý, chính phủ quyết tâm kiểm sóat hữu hiệu sẽ ngăn chận các tiêu cực này, như đã thấy ở các nước phát triển.
Nếu là mô hình tập trung ruộng đất hay doanh nghiệp công có thể phát sinh tình trạng tham nhũng ở cấp lãnh đạo dù thực hiện dưới hình thức cổ phần, do trình độ yếu kém của nông dân và cấp lãnh đạo ở nông thôn (mô hình này cần có quá trình lâu dài để học hỏi, rút kinh nghiệm và hòan thiện hệ thống tổ chức và kiểm sóat). Việt Nam đã có quá nhiều bài học cay đắng về hiệu quả kém của các công ty quốc doanh, hợp tác xã và nông trường quốc doanh!
Vấn đề giải quyết lao động nông nghiệp khi nông dân rời bỏ ngành này tùy thuộc rất nhiều vào mức độ công nghiệp hóa trong nước. Đừng lo nhiều khi nông dân không còn ruộng đất sẽ bị thất nghiệp, vì hiện nay đang xuất hiện tình trạng thiếu hụt nhân công ở nhiều vùng nông thôn khi vụ mùa đến. Khi số lượng nông hộ giảm xuống ở nông thôn là tín hiệu đáng mừng của đất nước. Cũng vậy đối với diện tích đất nông nghiệp dù dành cho an ninh lương thực (hãy nhìn Trung Quốc, Malaysia, Singapore…)! Bởi vì không có nước nông nghiệp nào mà giàu mạnh do tỉ trọng nông nghiệp đóng góp vào nền kinh tế cả nước rất thấp so với các ngành nghề khác như công nghiệp, dịch vụ, du lịch… (đặc biệt tại các nước giàu mạnh)! Năm 2.004, tại Mỹ tỉ trọng này dưới 1%, Đại Hàn 3,7%, Philippines 13,7%, Thái Lan 10,1% trong khi Việt Nam còn gấp đôi Thái Lan - 20,4%.
Thật ra, những điều lo lắng về tích tụ đất đai nhiều khi chỉ là vấn đề nhạy cảm, lo âu quá mức. Tất cả những tiêu cực trên là do thiếu sót hành lang pháp lý và biện pháp kiểm tra kém hữu hiệu của nhà nước. Hiện nay, ba vấn đề đang được tranh cải nhiều nhứt trong họat động tích tụ ruộng đất là (1) quyền sở hữu đất đai, (2) bãi bỏ hoặc mở rộng hạn điền và (3) thị trường lao động do tích tụ ruộng đất phát sinh.
Cho nên, cần sớm hòan thiện hệ thống luật lệ đất đai gồm cả hai hình thức “mua bán” và “thuê bao” để tạo điều kiện phát triển công nghiệp hóa và đô thị hóa nông thôn, nhằm tiến đến sản xuất lương thực bền vững, quy mô lớn và có chất lượng tốt để nâng cao lực cạnh tranh ngành này trên thế giới. Cần tôn trọng quy luật kinh tế thị trường. Hai mô hình “mua bán” và “thuê bao” ruộng đất đều có thể thích hợp tùy từng vùng Nam, Trung và Bắc hoặc trong 8 vùng sinh thái Việt Nam (Tây bắc, Đông bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, Cao nguyên Trung bộ, Duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long). Không thể áp dụng cùng luật lệ đất đai cho cả miền núi, đồng bằng, hoặc cao nguyên, vùng duyên hải như trong quá khứ (chuyển đổi cơ cấu đất trồng lúa qua sử dụng khác ở Nam bộ!).
Nông thôn Việt Nam hiện chiếm 70%, đô thị 30%. Nông thôn càng quá nhiều, tình trạng chậm tiến, tụt hậu càng lâu dài. Bao giờ nước ta đạt đến tỉ lệ cơ cấu đảo ngược: 70% đô thị và 30% nông thôn, lúc đó đất nước mới thực sự trở nên xứ công nghiệp. Bao giờ? Thời điểm năm 2.020? Theo tiên đóan của cơ quan FAO, năm 2.050, tỉ lệ nông thôn Việt Nam còn chiếm đến khỏang 43%, nếu không có những bước đột phá mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp quốc gia. Cho nên, cần có một chánh sách đất đai khôn ngoan, cải thiện hệ thống luật lệ hiện hành và cải cách hành chánh trung ương và địa phương để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển công nghiệp ngay tại huyện xã và quanh thị trấn hay đô thị. Hãy tôn trọng nguyên tắc kinh tế thị trường và nhà nước chỉ can thiệp bằng chính sách, theo dõi kiểm tra đến nơi đến chốn để giữ mức độ phát triển kinh tế cao hợp lý, ổn định và bền vững, bên cạnh thực hiện tốt vai trò hỗ trợ vốn sản xuất, chuyển giao công nghệ, đảm bảo vật tư trợ nông, cung cấp thông tin kinh tế nông nghiệp chính xác kịp thời, và yễm trợ khâu hậu thu họach và thị trường đúng lúc.
Trần văn Đạt
15-6-2012
2. Châu An. 2011. Tích tụ ruộng đất để phát triển. Sài Gòn tiếp thị online.
3. Bảo An. 2010. Tích tụ ruộng đất - cần sớm hành lang pháp lý. Dân Việt online.
4. Vĩnh Sơn. 2008. Giải bài tóan tích tụ ruộng đất: Lập “công ty nông nghiệp”. Pháp Luật TPHCM Online.
5. Người Lao Động..2012. Sửa Luật Đất Đai: Đừng lo tích tụ ruộng đất. Người Lao Động Online.
6. Đặng Hùng Võ. 2012. Đã đến lúc bỏ chính sách hạn điền. Thanh Niên online.