Huy Lữ TRẦN VĂN ĐẠT
Nguyên Chánh Chuyên gia FAO - Rome

Nguồn gốc cây lúa

                              CẬP NHỰT

NGUỒN GỐC CÂY LÚA CHÂU Á

Trần Văn Đạt, Ph. D.

Hiện nay, thế giới có 2 loài lúa trồng với hai nguồn gốc lịch sử khác nhau, bên cạnh còn có hơn 21 loài lúa dại khác sống ở các lục địa. Đó là loài lúa trồng châu Á (Oryza sativa, L.) và loài lúa trồng châu Phi (Oryza glaberrima). Nguồn gốc của lúa châu Phi không là đề tài tranh cải trong giới khoa học và khảo cổ học liên hệ, được biết xuất phát từ loài lúa tổ tiên (Oriza longistaminata) có nguồn gốc ở lưu vực sông Niger đến xứ Senegal của lục địa Phi cách nay khoảng 3.500 năm. Trong khi nguồn gốc lúa trồng châu Á đã trải qua một thời gian tranh luận dài cho đến đầu thế kỷ 21.

 

                                                

Vùng nguồn gốc lúa châu Phi

Một cách tổng quát, nguồn gốc cây lúa trồng châu Á có ít nhứt năm giả thuyết thường được các nhà nghiên cứu đề cập tới, như sau (1):

1.  Giả thuyết Trung Quốc: Từ cuối thế kỷ 19 đến đầu 21, nhiều nhà nghiên cứu Tây phương và Trung Quốc cho rằng cây lúa trồng có thể bắt nguồn từ Trung Quốc cách nay khoảng 10.000-8.000 năm và phổ biến lan rộng xuống phía nam như Đông Nam Á và phía đông như Nhựt Bổn, Đại Hàn.

Gần đây, các nhà khảo cổ Trung Quốc tìm thấy phytoliths[1] lúa dại, di tích của hạt lúa cổ cách nay độ 12.400 năm tại các hang Xianrendong và Diaotonghuan, phía nam Giang Tây thuộc miền đông bắc tỉnh Giang Tây (Jiangxi); nhưng theo Bellwood (2005:116) (2), thời gian đó là thời kỳ lạnh giá và khô khan “Tiểu hạn” (Younger Dryas) đang xảy ra cách nay 13.000-11.500 năm, nên lúa dại vắng mặt. Vì vậy, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã xét lại phytoliths lúa tìm được và đưa ra thêm nhận xét cho rằng một phần phytoliths là do lúa thuần dưỡng khoảng 11.000-10.000 năm! (Zhao, 1998, Lu et al., 2.000).

2.  Giả thuyết Ấn Độ: Cũng vậy, từ cuối thế kỷ 19 các nhà nghiên cứu Tây Phương và Ấn Độ cho rằng cây lúa trồng bắt đầu từ xứ này rồi lan rộng đến các nơi khác trên thế giới.

Di vật lâu đời của lúa được tìm thấy ở Ấn Độ là vỏ trấu trộn với đất sét (vật dụng kiến trúc) tại Lothal (Quận Ahmedabad, Gujarat) được xác định niên đại 4.300 năm trước. Hai mẫu lúa cổ xưa thuộc nền văn minh Harappan nổi tiếng ở Ấn Độ khoảng 4.200-3.700 năm trước (Nayar, 1973). Di vật cổ nhứt là hạt lúa và trấu được tìm thấy trên đồ gốm và phân bò ở Koldihwa, Uttar Pradhesh có niên đại phóng xạ 8.570 và 6.530 năm trước (Vishnu-Mittre 1976; Sharma et al. 1980).

3.  Giả thuyết Đông Nam Á: Trong thế kỷ 20, nhiều nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết nguồn gốc cây lúa trồng ở vùng Đông Nam Á, bởi vì vùng này có đa dạng di truyền và rất nhiều loài lúa dại, bên cạnh giả thuyết về Trung Quốc và Ấn Độ. Giáo Sư nhân chủng học và học trò Chester Gorman thuộc Đại Học Hawaii khai quật tại miền bắc Thái Lan, đặc biệt ở Non Nok Tha, khám phá dấu tích hạt và trấu trên gốm có niên đại ít nhứt 6.000 năm; tuy nhiên cần phải khảo cứu thêm để đánh giá xác nhận (Solheim II, 1967 và 1971).

Ông Higham (1989) báo cáo vỏ trấu và liềm gặt lúa bằng vỏ sò được tìm thấy ở Khok Phanom Di gần vùng vịnh Thái Lan có niên đại phóng xạ 8.000-6.000 năm trước. Ông Watanabe (1997), sau khi nghiên cứu trên các vỏ trấu trong các lâu đài xưa cổ đổ nát để tìm lộ trình của lúa ở Á Châu, cho rằng trung tâm nguồn gốc trồng lúa ở vùng Assam-Vân Nam.

4.  Giả thuyết đa trung tâm: Ông T.T. Chang (1985), chuyên gia di truyền lúa của IRRI, xem xét lại tất cả tin liệu và các dữ kiện từ khoa học, khảo cổ, sinh học tiến hóa, hệ thống sinh học và lịch sử nông nghiệp để đưa ra kết luận rằng lúa trồng ở châu Á có thể bắt nguồn từ nhiều địa điểm một cách độc lập và đồng bộ, vì những nơi này hiện có nhiều loài lúa dại và lúa trồng cùng sống chung một môi trường. Những địa điểm này khởi đầu từ đồng bằng sông Ganges đến miền bắc Myanmar, miền đông bắc Thái Lan, bắc Lào, bắc Việt Nam, miền nam và tây nam Trung Quốc, và những vùng lân cận khác. Xin nhắc lại rằng ông Morinaga (1955) cũng nêu giả thuyết đa nguồn của cây lúa trồng vì có nhiều biến đổi di truyền của cây lúa tại châu Á.

Giả thuyết 2 nguồn gốc (Nam Văn Hội Quán, 2017):

-          Năm 2007, Kovach và những cộng sự viên nghiên cứu biểu đồ gen của 2 nhóm lúa Japonica và Indica, nhận thấy chúng có những bộ gen rất khác nhau, nên chúng có khả năng được thuần hóa một cách độc lập nhau ở miền nam Trung Quốc và Ấn Độ (Hình 4).

-          Londo và cộng sự viên (2006) trong một nghiên cứu khác đã đưa ra giả thuyết lúa Indica được thuần hóa ở phía nam dãy Hy Mã Lạp Sơn còn Japonica được thuần hóa ở miền nam Trung Quốc.

-          Van Driem (1998) và Hazarika (2006) nêu giả thuyết lúa Indica có nguồn gốc tại vùng vịnh phía bắc bờ biển Bengal, còn Japonica có nguồn gốc tại trung lưu Dương Tử.

-          Oka (1988) đưa giả thuyết lúa có nguồn gốc tại lưu vực sông Hằng, Ấn Độ và hạ lưu sông Dương Tử, Trung Quốc.

 


Mối liên hệ di truyền giữa giống lúa japonica và indica
(Kovach, 2007)

Tóm lại, tất cả 4 giả thuyết nêu trên đều hội đủ 4 tiêu chuẩn cho nguồn gốc cây lúa châu Á (tổ tiên lúa hiện diện, khảo cổ xác nhận cây lúa xưa ở đó, loài nguyên thủy cây lúa cũng ở đó và biến đổi di truyền lúa trồng và lúa hoang khác biệt); nhưng theo tài liệu Trung Quốc chỉ có di vật lúa phát hiện lâu đời nhứt cách nay khoảng 10 000 năm trong các cuộc khai quật khảo cổ ở châu thổ sông Dương Tử. Nếu vậy, câu hỏi tiếp theo được đặt ra cây lúa châu Á được thuần hóa một lần duy nhứt hay nhiều lần suốt trong thời kỳ Đá Mới cách nay 10 000-5 000 năm? Trong dự án 3 000 bộ gen lúa, các chuyên gia IRRI kết luận lúa châu Á đã được thuần hóa nhiều lần một cách độc lập hàng ngàn năm (Wensheng Wang, Ramil Mauleon, […]Hei Leung, 2018), (IRRI, 2018).

5.    Giả thuyết mô hình một nguồn gốc:

(News Network Archaeography, 2011) và (Ewen Callaway, 2014)

Đây là kết quả nghiên cứu gen vào đầu thế kỷ 21, nhờ phối hợp sử dụng tiến bộ khoa học từ công nghệ di truyền, tin học và mô hình đã giúp các nhà khảo cổ giải quyết một số vấn đề khó khăn gặp phải khi đi tìm nguồn gốc và lộ trình con người rời khỏi châu Phi cách nay cả trăm ngàn năm. Cũng vậy, từ sử dụng phương pháp nghiên cứu kết hợp này để tìm nguồn gốc cây lúa trồng, một số khám phá mới được báo cáo gần đây về thời kỳ xuất hiện của loài lúa Japonica (hạt gạo tròn và dẻo - nếp) và lúa Indica (hạt gạo dài, không dẻo - tẻ), cũng như nguồn gốc cây lúa thuần đã gây nhiều ngạc nhiên trong giới chuyên ngành; dĩ nhiên, còn cần nghiên cứu rộng rãi hơn để có thêm dữ kiện chính xác.

Năm 2011, dựa vào mô hình nghiên cứu dữ liệu di truyền trong tiến hóa loài người, các nhà nghiên cứu của bốn trường đại học Mỹ: Đại học New York (Genomics & Biology), Đại học Washington ở Saint Louis (Biology), Đại học Stanford (Genetics) và Đại học Purdue (Agronomy), dưới sự dẫn đầu của Dr. Michael Purugganan (Đại học New York), đã đánh giá lại lịch sử tiến hóa và phát sinh loài lúa thuần bằng cách sử dụng các dữ liệu đã công bố trước đây, mặc dù còn giới hạn không đại diện cho tất cả các nhóm lúa trên thế giới. Kết quả nghiên cứu được đăng trong Kỷ yếu của Học viện Khoa học Quốc gia, Hoa Kỳ (Proceedings of the National Academy of Sciences - PNAS) như sau:

 

 
Lúa Japonica


Lúa Indica

(1)  Nguồn gốc lúa Japonica và Indica (Hình 5 và 6): Các chuyên gia PNAS đã sử dụng kỹ thuật toán vi tính hóa hiện đại, như đã dùng trước đây xem xét dữ liệu di truyền của tiến hóa con người, và đưa ra kết luận nhóm lúa Japonica xuất hiện trước Indica hàng ngàn năm. Sau đó, lúa Japonica lan rộng xuống miền nam như Đông Nam Á và Ấn Độ, nơi đó cây lúa này có lẽ đột biến hoặc/và lai giống với một loài lúa khác chưa biết nguồn gốc để tạo ra lúa Indica muộn hơn.

            Về điều kiện thổ ngơi, lúa Japonica thích ứng với vùng ôn đới, được trồng vào mùa hè ở Bắc Mỹ, châu Âu, Nhựt Bổn, Triều Tiên và miền bắc Trung Quốc. Cho nên, áp lực của mùa đông rét lạnh và sau thời kỳ tiểu hạn lạnh khô ngắn cách nay 13 000-11 500 năm, cùng với áp lực dân số có thể là nguyên nhân ra đời sớm của loài lúa Japonica. Trong khi lúa Indica bành trướng rộng rãi và mau lẹ khắp năm châu, nhờ khí hậu nhiệt đới nóng ẩm thuận lợi. Đến nay, lúa Indica chiếm đến 80% tổng sản lượng thế giới, còn Japonica chỉ 20%.

Sự tách rời nguồn gốc lúa Indica từ lúa Japonica hiện còn là đề tài tranh cải trong giới khoa học. Có vài nghiên cứu về đặc tính  hạt dễ rụng của cây lúa hoang giúp loại lúa này lan rộng nhanh trong môi trường so với cây lúa trồng ít rụng; cho nên họ cho rằng gen chống hạt rụng trong lúa Indica có thể do đột biến từ lúa Japonica sinh ra trước. Nhưng tại sao lúa Indica không thể có đột biến hoặc do con người lai tạo tuyển chọn để có gen kháng hạt rụng trong khi cây lúa châu Phi (cũng loài Indica) có khả năng này (Ewen Callaway, 2014)?

Hơn nữa, Ông Tao Sang, một nhà di truyền thực vật tại Viện Thực vật học của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã tìm thấy gen sh4 ngăn chặn hạt rụng của cây lúa thuần, cho biết lúa Japonica và Indica có nguồn gốc di truyền rất khác nhau.

Một ví dụ khác là đột biến tương tự trong một gen được gọi là Rc trong lớp cám hạt lúa hoặc pericarp (làm mất màu đỏ của hạt gạo lúa hoang). Một số nghiên cứu về sau này cũng có kết luận nguồn gốc cây lúa theo cùng một mô hình: Japonica xuất hiện trước Indica. Tuy nhiên, họ còn tranh nhau giải thích tại sao Indica và Japonica khác biệt về mặt di truyền trên hầu hết bộ gen của chúng, nhưng lại chia sẻ chung những đột biến về đặc tính chính làm cho cây lúa dễ trồng hơn? Dù sao sự thật hiển nhiên là việc lai tạo giống của con người đóng vai trò rất quan trọng trong lịch sử rất sớm của lúa thuần (Ewen Callaway, 2014). Cũng vậy, năm 2018, Ông Cubry và cộng sự viên ở Montpellier, Pháp khi nghiên cứu nguồn gốc cây lúa châu Phi và gen hạt dễ rụng sh5 cho biết cả hai loại lúa trồng châu Phi và lúa châu Á đều do sự tuyển lựa của con người trong quá trình thuần hóa (Cubry và cộng sự viên, 2018).

 (2)  Nguồn gốc cây lúa thuần: Theo cuộc nghiên cứu trên, các chuyên gia này sắp xếp lại trình tự của 630 đoạn gen trên các nhiễm sắc thể chọn từ các giống lúa thuần và lúa dại cho biết chuỗi thứ tự gen phù hợp hơn với thuyết

hình một nguồn gốc của các loài Hình 7: Hình: Mô hình lan toả của nông nghiệp trồng lúa (Silva và những cộng sự viên, 2015)

lúa thế giới. Họ suy diễn các loài lúa trồng hiện nay có cùng chung một nguồn gốc xuất phát duy nhứt từ miền nam lưu vực sông Dương Tử hay Trường Giang vì nơi đó các nhà khảo cổ Trung Quốc tìm thấy lúa hiện diện lâu đời nhứt, mặc dù số mẫu lúa được dùng trong nghiên cứu chưa đủ đại diện cho tất cả các loại lúa trồng châu Á.

Ngoài ra, những nhà nghiên cứu PNAS trên cũng sử dụng "đồng hồ phân tử" của gen lúa để xem khi nào cây lúa trải qua thời kỳ tiến hóa thuần dưỡng. Họ tìm thấy nguồn gốc của cây lúa trồng cách nay khoảng 8 200 năm, trong khi hai nhóm lúa Indica và Japonica tách rời nhau cách nay khoảng 3 900 năm. Họ cho biết những kết quả nghiên cứu trên đây phù hợp với một số nghiên cứu khảo cổ học tại Trung Quốc, nơi các nhà khảo cổ đã phát hiện trong thế kỷ XX vừa qua các loài lúa thuần xuất hiện tại lưu vực sông Dương Tử cách nay độ 11 000 đến 10 000 năm; trong khi thuần hóa lúa ở sông Hằng, Ấn Độ chỉ cách nay khoảng 4 000 năm (News Network Archaeography, 2011) và (Ewen Callaway, 2014). Cây lúa  lan tỏa từ lưu vực sông Trường Giang đến các nơi khác ở miền nam như Nam Á, Đông Nam Á và miền đông của Trung Quốc (Hình 7).

Dù thế, một số chuyên gia lúa gạo quốc tế khác chưa tin tưởng hoàn toàn về các giả thuyết của nhóm chuyên gia Mỹ PNAS do dữ liêu về dòng lúa mẫu dùng trong nghiên cứu còn giới hạn. Ngay cả các nhà nghiên cứu Trung Quốc, nguồn gốc cây lúa có thể xuất phát tại vùng Châu Giang (Pearl river), Quảng Đông ở tận cuối miền nam Trung Quốc (vùng đất Việt cổ), thay vì ở miền nam sông Dương Tử thuộc trung nguyên xứ này. Ông Bin Han, nhà di truyền của Viện Sinh học Thượng Hải, thuộc Học viện Khoa học Trung Hoa (Shanghai Institute for Biological Sciences of the Chinese Academy of Sciences) và nhóm cộng sự đã nghiên cứu trên 1 000 giống lúa thuần và 446 lúa dại của nhiều nước châu Á, tìm thấy nhiều giống lúa Japonica và Inđica có di truyền rất gần với các giống lúa hoang ở châu thổ Châu Giang; nhưng vấn đề này vẫn còn tranh cải vì vùng Châu Giang không có di vật khảo cổ liên quan đến lúa gạo được phát hiện. Ông Han lý luận lưu vực sông Dương Tử là vùng đất màu mỡ nên có kho lúa tồn trữ được tìm thấy nơi đó, còn vùng Châu Giang kém phì nhiêu nên không có lúa dư thừa để tồn trữ trong thời tiền sử, nhưng có khí hậu cận nhiệt đới thích hợp cho trồng lúa hơn (Ewen Callaway, 2014).

                                                                                                                   Lan tỏa và phân bố cây lúa (Silva et al.)        

Theo quan điểm của Tiến sĩ Dorian Fuller, nhà khảo cổ-thực vật học tại Đại học Warwick, Anh Quốc sau khi đến nghiên cứu thung lũng sông Dương Tử cho rằng những cư dân đầu tiên chỉ sống về nghề săn bắt, thức ăn chủ yếu là hạt sồi (acorn), hạt dẻ và cá. Nhóm nghiên cứu của Ông tìm thấy dấu vết hạt gạo xuất hiện bắt đầu từ 7 000 năm trước, nhưng những hạt gạo còn thay đổi hình dạng, chứng tỏ hạt gạo chưa được thuần hóa và hàng ngàn năm sau đó hạt sồi đã biến mất tại các địa điểm khảo cổ của Trung Quốc (Ewen Callaway, 2014).

Với tiến bộ công nghệ mau lẹ, Ông Fuller tin tưởng các nhà nghiên cứu đang trở lại dùng các công nghệ DNA xưa đã một thời tạo ra cách mạng hiểu biết về tiến hóa con người. Nếu họ có thể phục hồi DNA từ những hạt gạo cổ còn lại, các nhà nghiên cứu có thể xác định khi nào và ở đâu các gen thuần hóa quan trọng xuất hiện. Hầu hết hạt gạo tìm thấy từ các di chỉ khảo cổ đều bị cháy nám, và những nỗ lực tìm kiếm DNA từ ngũ cốc cổ xưa trong quá khứ đã thất bại; nhưng các máy trình tự hiện đại có thể giải mã các sợi DNA rất ngắn - có thể từ những mảnh gạo cổ còn lại có hàng ngàn năm tuổi. Điều đó có nghĩa là họ có thể tìm thấy DNA và thậm chí toàn bộ hệ gen từ hạt gạo cổ (Ewen Callaway, 2014); cho nên có thể đưa tới một cuộc cách mạng mới trong ngành khảo cổ học trong tương lai.

 

Ngoài ra, một khám phá mới đáng chú ý vừa xảy ra gần đây trong nông nghiệp lúa từ dự án “3 000 bộ gen lúa” (The 3 000 rice genomes project) của Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế IRRI tại Philippines với sự hợp tác của Viện Khoa học cây trồng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc (CAAS), BGI-Thẩm Quyến và 13 quốc gia, được bảo trợ bởi quỹ  Bill & Melinda Gates Foundation. Trong dự án này, các nhà nghiên cứu đã giải trình 3024 dòng lúa đại diện từ 89 quốc gia trên thế giới, bao gồm 2 466 dòng từ IRRI, và 558 dòng từ Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc. Ngày 24-5-2018, họ đã báo cáo kết quả nghiên cứu trên tạp chí Nature số 557: Trong hai nhóm lúa chính Indica và Japonica, công tác phân tích dữ kiện cho thấy sự hiện diện của nhiều quần thể lúa mà trước đây chưa hề được báo cáo có nguồn gốc địa lý đặc biệt và có tính duy nhất. Bằng chứng khác cho thấy cây lúa châu Á đã được thuần hóa nhiều lần một cách độc lập qua hàng ngàn năm (Wensheng Wang, Ramil Mauleon, […]Hei Leung, 2018), (IRRI, 2018).

 

Kết quả cuộc nghiên cứu này phù hợp với giả thuyết nguồn gốc đa trung tâm của Dr. T.T. Chang (1976, 1985), nhưng có vẻ không cùng hướng với kết luận về lúa trồng một nguồn gốc được đăng trong Kỷ yếu của Học viện Khoa học Quốc gia Mỹ - PNAS nói trên. Ngoài ra, theo Dr. D. Fuller, trong nghiên cứu mô hình thuần hóa, bằng chứng di truyền và dữ liệu khảo cổ học cũng cung cấp thông tin về số lần thuần hóa đã xảy ra độc lập về mặt địa lý và văn hóa. Các dữ liệu có sẵn đã tiết lộ quá trình thuần hóa xảy ra chậm từ hàng trăm đến hàng ngàn năm, dường như có các quá trình song song trong các loài không liên quan từ các nơi khác nhau trên thế giới (Fuller, 2014)

           

 Hình 8:a) Sự thuần hóa của Oryza sativaOryza glaberrima.

b) Mối quan hệ giữa các phân loài Oryza sativa và tổ tiên của chúng, Oryza rufipogon Oryza nivara.

(Dấu hoa thị màu đỏ biểu thị thời gian phân kỳ của japonica từ dòng O. rufipogon (~ 18 kya). Ngày đầu tiên này có thể phản ánh sự phân kỳ giữa quần thể O. rufipogon hiện tại và quần thể lúa hoang tuyệt chủng là các tổ tiên của O. sativa variegata japonica. Bằng chứng cho thấy sự lai tạo đã dẫn đến sự xâm nhập của các gen từ japonica đến indica và aus (được chỉ ra bởi các mũi tên màu xanh). Lúa châu Á và châu Phi được thuần hóa một cách độc lập cách nhau 6.000 năm.) (kya: nghìn năm trước) (Wing, R. A, M. D. Purugganan và O Zhang. 2018).

               Do đó, cũng trong 2018, nhà sinh học Michael Purugganan của Trung tâm nghiên cứu gen và Hệ thống Sinh học thuộc Bộ môn Sinh học của Đại học New York (người dẫn đầu trong bài viết đồng tác giả của nghiên cứu mô hình một nguồn gốc PNAS) cùng 2 nhà khoa học khác đã viết về “The rice genome revolution: from an ancient grain to green super rice”, được đăng trên tạp chí Nature Reviews Genetics. Các nhà khoa học này đã kết hợp nghiên cứu PNAS và dự án 3 000 bộ gen lúa của IRRI để đề nghị một mô hình mới theo hướng của PNAS, trong đó việc thuần hóa cây lúa dường như chỉ xảy ra một lần ở cây lúa Japonica tại vùng châu thổ sông Dương Tử, Trung Quốc và tiếp theo sự hồi giao của alen Japonica với một trong hai loại lúa hoang hoặc proto-Indica và/hoặc proto-Aus ngày nay, tạo nên các nhóm lúa khác nhau, như lúa Japonica nhiệt đới, lúa thơm, lúa Aus/Boro, bên cạnh hai nhóm chính Indica và Japonica (Wing et al., 2018) (Hình . Tại sao cây lúa châu Á chỉ được thuần hóa một lần ở Trung Quốc trong khi cây lúa châu Phi cũng loại Indica được thuần hóa độc lập khoảng 6 000 năm sau? 

Tóm lại, việc tìm hiểu nguồn gốc chính xác của cây lúa châu Á ngày càng được sáng tỏ hơn, nhưng chưa đưa đến kết luận cuối cùng. Hiện nay, có một số nhóm nghiên cứu đang còn sử dụng kỹ thuật DNA trước đây cũng như công nghệ sắp xếp trình tự của DNA kết hợp với tin học và thuật toán số hiện đại để xác nhận các kết quả nghiên cứu của Học viện Khoa học Quốc gia PNAS và dự án 3.000 bộ gen lúa của IRRI, chẳng hạn, nhóm khảo cứu của Dr. Dorian Fuller, Anh quốc, đang tiến hành phục hồi DNA gạo cổ từ Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan. Đây là cuộc nghiên cứu trên các hạt gạo cổ thay vì trên hạt gạo thuần ngày nay. 

Thật vậy, các công trình nghiên cứu tìm hiểu nguồn gốc bản địa của thảo mộc cũng như con người là một việc làm dài hạn để đào sâu quá khứ, nhứt là thời tiền sử, chúng ta hãy chờ xem những tiến bộ ngoạn mục đến với ngành khảo cổ học qua thời đại AI - thông minh nhân tạo trong những năm sắp tới!


Trần Văn Đạt, Ph. D.
04-04-2018

 TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trần Văn Đạt. 2010. Lịch sử trồng lúa Việt Nam. Nhà in 5 Star Printing, Nam California, Hoa Kỳ, trang 17-32.
  2. Bellwood, P. 2005. First Farmers: The Origins of Agricultural Societies. Blackwell Publishing, Victoria, Australia, 360 pages.
  3. Zhao, Z. 1998. The Middle Zangtze region in China is one place where rice was domesticated. Antiquity 72:885-96.
  4. Lu, H, Lieu, Z, Wu, N. et al. 2002. Rice domestication and climate change: phytoliths evidence from East China. Boreas 31:378-85.
  5. Nayar, N. M. 1973. Origin and cytogenetics of rice. Advances in Genetics, vol 17, Academic Press Inc., New York and London.
  6. Vishnu-Mittre. 1976. Discussion. In Early history of agriculture, Philosophical Transactions of Royal Society of London B275: 141.
  7. Sharma S. D.1973. Evolution in genus Oryza. In Advancing Frontiers in Cytogenetics. Hindustan Publishing Corp., New Delhi, p 5-10.
  8. Solheim II, W.G. 1971. New light on a forgotten past. National Geographic, Vol. 139, No. 3.
  9. Higham, C. F. W. 1989. Rice cultivation and the growth of Southeast Asian civilization. Endeavour 13: 82-8.
  10. Chang, T.T. 1985. Crop history and genetic conservation: Rice - A case study. Iowa State Journal of Research, Vol 59 (4): 425-455.
  11. Morinaga, T. 1972. Japanese rice and its introduction from abroad. In Morinaga, T., Kihara, H., Tshukuba, J and Ueno, M. eds. History of Biology in Japan of dawn of its civilization, Yokendo, Tokyo (trong Matsuo, 1997).
  12. Khush, G. S. 1997. Origin, dispersal, cultivation and variation of rice. Plant Mo. Biol. 35:25-34.
  13. News Network Archaeography. 2011. Rice's origins point to China, genome researchers conclude.
  14. Ewen Callaway. 2014. Domestication: The birth of rice. Nature, 514: 58-59 (30 October 2014).
  15. Wensheng Wang, Ramil Mauleon, […]Hei Leung. 2018. https://d.adroll.com/cm/aol/outhttps://d.adroll.com/cm/index/outhttps://d.adroll.com/cm/n/outGenomic variation in 3,010 diverse accessions of Asian cultivated rice. Nature, 557: 43-49.
  16.  IRRI. 2018. Unlocking rice gene diversity for food security (Press release)

Updated references:

  1. Cubry, P., Tranchant-Dubreuil, C., Thuillet, A., Francois, O., Sabot, F., Vigouroux, Y… 2018. The rise and fall of African rice cultivation revealed by analysis of 246 new genomes. Current Biology, vol. 28:14, 23-7-2018. 
  2. Fuller, D. 2014. Modelling domestication. Institute of Archaeology, University College London 
  3. Kovach, M. J., Sweeney, M. T., & Mccouch, S. R. 2007. New insights into the history of rice domestication. Trends in Genetics,23(11), 578-587.
  4. Londo, J. P., Chiang, Y., Hung, K., Chiang, T., & Schaal, B. A. 2006. Phylogeography of Asian wild rice, Oryza rufipogon, reveals multiple independent domestications of cultivated rice, Oryza sativa. Proceedings of the National Academy of Sciences,103(25), 9578-9583.
  5.  Nam Văn Hội Quán. 2017.Nguồn gốc của Nông Nghiệp Trồng Lúa 
  6. Oka H. I. 1988. Origins of Cultivated Rice. Oxford, New York and Tokyo: Japan Scientific Societies Press and Elsevier.
  7. Silva F, Stevens C.J, Weisskopf A, Castillo C, Qin L, Bevan A, et al. 2015. Modelling the Geographical Origin of Rice Cultivation in Asia Using the Rice Archaeological Database. PLoS ONE 10(9): e0137024
  8. van Driem G. 1998. Neolithic correlates of ancient Tibeto-Burman migrations. In: Blench R and Spriggs M, editors. Archaeology and Language II: Archaeological Data and Linguistic Hypotheses, p. 67-102.
  9. Wing, R. A, M. D. Purugganan và O Zhang. 2018. The rice genome revolution: from an ancient grain to green super rice. Nature Reviews Genetics19, 505–517   

 

 



[1] Phytoliths là những vật vi tế trong một số thảo mộc, gồm họ Hòa thảo, đậu, sắn, cây gỗ…, được cấu tạo bằng chất silica hoặc dưới dạng calcium oxalate không bị hủy hại với thời gian, nên được dùng trong khảo cổ học để xác định loại thảo mộc và niên đại.


This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free