Huy Lữ TRẦN VĂN ĐẠT
Nguyên Chánh Chuyên gia FAO - Rome

Chuyên gia FAO

VàI CM NGHĩ CA CHUYÊN GIA FAO

V HOẠT ĐỘNG NÔNG NGHIỆP

VIỆT NAM


 

 

Cơ quan Lương Nông Quốc Tế (FAO) là một trong nhiều cơ quan chuyên ngành của Liên Hiệp Quốc, hiện nay có 183 hội viên từ các châu lục và quần đảo đại dương của quả địa cầu. Việt Nam là một thành viên lâu năm của Cơ Quan này. Cơ Quan FAO đã hỗ trợ kỹ thuật cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, qua hướng dẫn thực hiện các dự án phát triển nông nghiệp, hợp tác kỹ thuật và tham vấn chuyên môn trong tinh thần hợp tác. Từ 2001 đến 2004, FAO trợ cấp kỹ thuật cho Việt Nam hơn 7 triệu đô la qua các dự án nông nghiệp có tầm ngắn và trung hạn. Tuy nhiên, thời gian hoạt động mạnh nhứt của cơ quan này ở nước ta xảy ra từ giữa thập niên 1970s đến giữa 90s, với rất nhiều dự án lớn, đa phương hay song phương có tầm trung và dài hạn; nhằm cải tiến cơ sở, thiết bị, chất xám và tay nghề liên hệ đến các lãnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; với sự hợp tác của UNDP, ADB, Ngân Hàng Thế Giới và các nước tiến bộ. Trong thời gian này, Việt Nam là quốc gia nhận được nhiều dự án phát triển nông nghiệp của FAO trên thế giới, chỉ sau xứ Bangladesh. Do đó, rất nhiều chuyên gia hàng năm đến Việt Nam công tác, đã bày tõ một số cảm nghĩ và quan tâm của họ đến đất nước quê hương ta, xin được ghi nhận ra đây để cùng suy nghĩ.

Ông Alexandro Bozzini, người Y, làm việc ở FAO nhiều năm và nay đã hưu trí, có một kỷ niệm sâu sắc về chuyến viếng thăm làm việc đầu tiên ở Việt Nam. Vào đầu năm 2004, trong một buổi ăn trưa ở một canteen của FAO, ông vui vẻ nói  rằng:”Việt Nam đang trên đường tiến bộ đáng lưu ý.  Tôi đã chứng kiến sự thay đổi quá nhanh của xứ anh và  Trung Quốc, qua những chuyến công tác ở châu A.” Ông là người có cơ hội tham gia vào một trong những phái đoàn FAO/UNDP đầu tiên đến Việt Nam vào năm 1976 để khảo sát tình hình nông nghiệp tại chỗ và xác định nhu cầu cấp thiết về kỹ thuật của một nước vừa chấm dứt chiến tranh và thống nhứt. Trong chuyến công tác đầu tiên này, Ông ta phải mất một tuần lễ để đi từ thành Phố Rome đến Việt Nam. Ông trải qua một hành trình dài từ Rome sang thành phố Franfurt thuộc nước Đức để đến Moscow, nước Nga. Sau đó phải chờ chuyến bay từ Moscow đi qua thủ đô Vạn Tượng, Lào để lấy máy bay đến Hà Nội. Ngày nay, từ Rome đến Hà Nội chỉ mất độ 14 giờ mà thôi. Sự thay đổi đó nói lên quá trình tiến bộ và mức độ hội nhập tích cực của đất nước trong 30 năm qua. Ông cho biết chuyến công tác đặc biệt đó đã để lại trong lòng Ông một dấu ấn nghề nghiệp khó quên.

Cùng tham gia phái đoàn công tác này, có 3 chuyên gia khác, trong đó có một người Nhựt Bổn, mà Ông này bị bệnh suốt thời gian công tác ở Việt Nam vì không quen thức ăn địa phương.  Ngay lúc khởi đầu của chuyến công tác, phái đoàn gặp một số vấn đề khó khăn vì chưa thông hiểu phong tục, văn hóa và nhứt là tình trạng xã hội của một nước vừa dứt chiến tranh. Trong lần tiếp xúc đầu tiên, ngôn ngữ thảo luận và trao đổi quan điểm là Anh ngữ (một trong 3 ngoại ngữ chính thức của các cơ quan Liên Hiệp Quốc; hai ngoại ngữ kia là Pháp ngữ và Tây Ban Nha ngữ). Sau một thời gian thảo luận, bầu không khí trở nên căng thẳng mà phái đoàn không hiểu vì nguyên do nào. Ông Bozzini chợt đề nghị dùng tiếng Pháp thay cho tiếng Anh (hay tiếng Mỹ), với hy vọng giải tỏa bầu không khí năng nề trong cuộc tiếp xúc này. Ông rất mừng khi thấy cuộc họp sau đó trở nên thông thoáng và cởi mở rất nhiều; cho nên, Pháp ngữ được chính thức sử dụng để đối thoại với Việt Nam trong cơ quan FAO. Tuy nhiên, hiện nay Anh ngữ đã trở thành ngôn ngữ phổ thông trong các cuộc tiếp xúc giữa Việt Nam và các cơ quan quốc tế gồm cả FAO. Đó là một tiến bộ khác của đất nước trong tiến trình hội nhập vào cộng đồng thế giới, không kể các phát triển và tiến bộ về hạ tầng cơ sở, vật chất và đời sống từ thành thị đến thôn quê, dù khoảng cách giữa hai nơi này còn quá lớn. Kết quả của chuyên công tác trên là một dự án 5 năm trị gía 6 triệu đô la được thiết lập, nhằm hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp thiết bị cho Viện Khoa Học Nông Nghiệp Quốc Gia ở An Khánh, Hà Nội (VASI).

Alison Hodder, người Uc, chuyên gia về cây ăn quả và rau cải, đã đến tham quan và làm việc tư vấn ở Việt Nam nhiều lần. Cô cho biết mỗi lần Cô đến nước ta được thấy nhiều đổi mới ở Hà Nội. Cô đã từng tham gia vào một số dự án và Chương Trình Hợp Tác Kỹ Thuật (TCP) của FAO, như dự án cây ăn quả ở Bắc Thái, chương trình VAC, dự án trồng nấm ở Thái Bình và Nam Định.  Cô thường cho biết chương trình thăm viếng và làm việc với các cán bộ bản xứ rất bận rộn và chủ yếu ở miền Bắc, nên không có dịp đi tham quan các vùng khác phía Nam. Sau này, Cô phải tự xấp xếp chương trình thăm viếng để vào miền Nam công tác tại Viện Cây Ăn Quả ở Long Định theo lời đề nghị của người viết. Cô rất hài lòng về sự thành công của dự án về Nấm vì đã đưa một số nấm vào thị trường tiêu thụ và tạo ra nhiều công việc ở một số tỉnh Bắc Bộ và nhứt là được dân địa phương ưa chuộng.

Ông Jean-Pierre Marathee, người Pháp, chánh chuyên gia bắp của FAO ở Rome, rất hâm mộ tinh thần chịu khó làm việc của các cán bộ trong nước trong hoàn cảnh vật chất khó khăn. Ông đã góp phần không nhỏ trong chương trình phát triển sản xuất bắp, đặc biệt thành công trong giới thiệu các nguồn gen quý giá và khai thác bắp lai đại trà từ con số zero. Cũng nên nói thêm ở đây, 3 chương trình sản xuất thành công và nổi bậc nhứt hiện nay của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông Thôn gồm có cà phê, bắp lai và lúa lai.  Ông đã được Bộ này trao tặng huy chương “Vì sự nghiệp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” vào năm 1999.  Ông thường tâm sự:”Việt Nam sẽ tiến bộ nhanh chóng vì các cán bộ có đầu óc bén nhạy, dễ hấp thụ các kỹ thuật tân tiến và nhiệt thành triển khai đến tận tay nông dân.

Ông Reto Florin, người Thụy Sĩ, chuyên gia về thủy lợi, đã đến Việt Nam nhiều lần và làm việc với các cán bộ Việt Nam từ miền Bắc đến Nam (dự án thủy lợi ở Huế, Trị An, Dầu Tiếng) từ đầu thập niên 1980s đến nay. Ông cho biết môi trường làm việc ở Việt Nam khác hẳn với các nước khác trên thế giới, nhứt là ở cấp vùng. Ông nhận xét các cán bộ Việt Nam thông minh nhưng thường tự mãn và cho biết thêm muốn làm việc với họ có hiệu quả hơn cần phải biết cách tiếp xúc và cung cách khác biệt cho từng miền. Lúc đầu, với tính hay pha trò, trong lúc làm việc Ông thường hay nói đùa để tạo bầu không khí phấn khởi, nhưng đôi lúc Ông cảm thấy không được hài lòng vì vài nơi không muốn hưởng ứng và giữ thái độ im lặng. Về sau Ông hiểu được thói quen và đặc tính của từng miền. Ông ta thường khẳng định:”Đừng lo! Việt Nam của các anh sẽ cất cánh nhanh và bắt kịp với các nước xung quanh như Thái Lan, Indonesia và Philippines trong thời gian ngắn khi có chính sách thích hợp!”

Ông Minas Papademetriou, người Cyprus, chuyên gia cay ăn quả và Đại Diện cấp Vùng cho Cục Sản Xuất và Bảo Vệ Cây Cối của FAO ở Bangkok, cho biết rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn không những trong cây ăn quả mà còn ở các lãnh vực nông nghiệp khác, nhứt là ở miền Nam; nhưng cần phải trao đổi kinh nghiệm nhiều với các nước láng giềng, chủ yếu Thái lan trong giai đoạn đầu và Malaysia ở giai đoạn sau. Ông rất rất ngạc và lấy làm thích thú khi thấy nông dân tự chuyển đổi ruộng lúa thành vườn cây ăn quả, như xoài, cam quít ở dọc theo quốc lộ từ Trung Lương đến bắc Mỹ Thuận trong lúc đang có chính sách ưu tiên cho an ninh lương thực. Ông bảo rằng:”Có lẽ, Việt Nam nên có chính sách lúa gạo mềm dẽo hơn để thích ứng cho từng miền. Thay vì chỉ có một chính sách cho cả nước, cần có chính sách nông nghiệp khác nhau: ở miền Bắc nên hạn chế biến đổi ruộng lúa cho các sử dụng khác vì đất hẹp, trong khi ở miền Nam nên khuyến khích chuyển đổi cơ cấu trồng lúa hiện nay càng nhiều càng tốt để đưa đất nước tiến bộ nhanh hơn và cải thiện đời sống của nông dân.  Ngoài ra, Ông còn thêm rằng: “Việt Nam không nên tranh đua với Thái lan hoặc các nước khác trong xuất  khẩu gạo, mà nên để ý xem xét chính sách về ngủ cốc của Trung Quốc trong thời gian qua.

Ông Keith Chapman, người Uc, chuyên gia cấp vùng về cây công nghệ, hiện làm việc ở Bangkok cho biết các cán bộ Việt Nam rất hiếu khách nên dễ làm việc chung. Ông mới nhận việc làm với FAO cách nay 3 năm, nhưng đã giúp cho nước ta có dự án TCP về cà phê và IPM trên cây dừa. Trong một dịp chiêu đải ở Bangkok, Ông tâm sự: “Việt Nam cần có chính sách dành ưu tiên cao cho cải tiến nhanh khâu công nghệ chế biến và bảo quản để mỡ rộng thị trường trên thế giới và tăng gia sản xuất trong nước. Tình trạng yếu kém của khâu này hiện nay so với Thái Lan, làm giới hạn rất nhiều khả năng sản xuất nông nghiệp của xứ.” Ông còn cho biết thêm “Nước Malaysia đang điều chỉnh hướng đi trong  khu vực nông nghiệp, ngay cả cây công nghệ như cây cao su và cây cọ. Họ không còn muốn tăng thêm mức sản xuất của hai loại cây này, nhưng vẫn thu hoạch được lợi nhuận cao hơn, qua nổ lực triển khai mạnh công nghệ chế biến cho hai loại cây này.  

Hiện nay, nền nông nghiệp, chủ yếu ngành trồng lúa ở châu A, đặc biệt vùng Đông và Đông Nam A, đang trở mình và có khuynh hướng chuyển đổi từ khâu sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kinh tế thị trường.  Thế hệ trẻ nông thôn tiếp tục di cư ra thành thị để tiến thân, chỉ còn lại lớp nông dân lớn tuổi. Người nông dân muốn vươn lên để thoát khỏi cảnh nghèo khó, bắt kịp mức sống đô thị; nhưng họ thiếu khả năng để có đủ các phương tiện sản xuất làm tăng năng suất và lợi tức gia đình. Do đó, thách thức lớn hiện nay cho khu vực nông nghiệp và thành phần chỉ đạo là:

1)      Sách lược nhằm chuẩn bị cho khu vực nông nghiệp trong thời kỳ chuyển tiếp kinh tế, mà không quên thành phần nông thôn đang sống trong khó khăn vật chất. Cần lưu ý về chất xám, huấn luyện, công nghệ sinh học, tin học, cơ giới hóa, v.v.

2)      Phát triển các hệ thống sản xuất lấy trồng lúa làm căn bản, thích ứng cho điều kiện xã hội và kinh tế đất nước, và có khả năng giảm thiểu mức rủi ro, nghèo khó và tai hại cho môi trường.

3)      Bao giờ Việt Nam, một nước nông nghiệp, mới tự túc được phân đạm (urê) để phù hợp với phương châm sản xuất: “nước, phân, cần và giống”? Việt Nam đã thành công trong chương trình thủy lợi, giống và cần, nhưng còn thiếu phân hàng năm. Trung Quốc đã tự túc phân hoá học cách nay 4 thập niên!

4)      Làm thế nào tiến đến công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông thôn khi cư dân còn ở trong tình trạng nghèo khó và thiếu thông tin hiện đại?

 

Trần văn Đạt

2005

(Một cuộc tiếp xúc bỏ túi)

 

This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free