Thế giới nghĩ gì
TÌNH TRẠNG SẢN XUẤT& THƯƠNG MẠI
LÚA GẠO THẾ GIỚI 2004-05
Tình trạng sản xuất và giao dịch lúa gạo quốc tế thường bị chi phối bởi 4 yếu tố chính:
(1) Lúa là một màu quan trọng cho an ninh lương thực và liên hệ đến tình trạng nghèo khó trên thế giới. Cho nên, nhiều nước đang phát triển đã thực hiện chính sách tự túc lúa gạo, với nhiều trợ cấp cho cả ngành sản xuất và thị trường tiêu thụ, dù chưa sánh kịp với trợ cấp to lớn của các nước tiến bộ. Hai nước Malaysia và Trung Quốc, trái lại, có chính sách tự túc giới hạn, khôn ngoan, theo thứ tự ở mức 65% và 90% nhu cầu nội địa.
(2) Tuy khối lượng sản xuất lúa gạo thế giới rất lớn, chỉ sau lúa mì, nhưng số lượng giao dịch quốc tế tương đối nhỏ, chỉ khoảng 25-28 triệu tấn gạo hay 5-6% mỗi năm, vì chính sách tự túc của nhiều nước. Do đó, tình trạng thị trường dễ bị giao động khi có những biến chuyển nhỏ trong ngành sản xuất.
(3) Một yếu tố quan trọng khác gây ảnh hưởng rõ rệt đến sản xuất thế giới là sự bất định của khí hậu hàng năm. Hiện nay, diện tích trồng lúa tưới tiêu chiếm độ 57% tổng diện tích lúa, nhưng sản xuất đạt đến 75% tổng sản lượng thế giới; cho nên, ngành trồng lúa còn tùy thuộc rất nhiều vào thời tiết mỗi năm, nhứt là các loại lúa nhờ nước trời còn chiếm 43% tổng diện tích. Theo thống kê về tình trạng sản xuất lúa trong 50 năm qua, cứ bình quân mỗi 6-7 năm có một lần khí hậu bất lợi cho canh tác lúa trên thế giới và gây giao động giá cả trên thị trường.
(4) Sản xuất của Châu Á phản ánh đậm nét tình trạng lúa gạo trên thế giới và đóng vai trò quyết định tối hậu đến giá cả và giao dịch quốc tế, vì châu lục này hàng năm sản xuất và đồng thời tiêu thụ hơn 90% lúa gạo của thế giới. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ và các chính sách nhập khẩu lúa gạo của các châu lục khác cũng làm ảnh hưởng đến thị trường không ít.
Trên thế giới, trong vụ mùa 2004-05, sản xuất lúa tương đối thuận hòa, có chiều hướng gia tăng ở Trung Quốc, Nhựt Bổn, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam ở châu Á; Ai Cập, Madagascar và Nigeria ở châu Phi; Mỹ, Cuba, Colombia, Uruguay và Argentina ở châu Mỹ; mặc dù nhiều nơi có khí hậu bất lợi cho canh tác lúa, nhưng ở mức độ nhỏ. Một cách tổng thể, sản lượng lúa thu hoạch được điều chỉnh lại ở mức 585 triệu tấn trong vụ mùa 2003-04, hay tăng 2,3% so với 572 triệu tấn trong 2002-03. Theo dự đoán gần đây của cơ quan FAO, sản lượng thu hoạch của vụ mùa 2004-05 sẽ đạt đến 608 triệu tấn lúa hay tăng gần 4% của 2003-04; nhưng thị trường giao dịch quốc tế chỉ ước lượng ở mức 26,5 triệu tấn gạo1/ trong 2004. Số lượng lúa tồn trữ trong các kho vựa thế giới trong 2003-04 độ 103 triệu tấn, kém hơn 13 triệu tấn trong năm trước. Trong 2004-05, sản xuất gia tăng, nhưng mức cầu (413 triệu tấn gạo) còn cao hơn cung, nên số lượng tồn trữ bị sử dụng, làm giảm xuống 97 triệu tấn, chủ yếu ở Trung Quốc và Ân Độ, để đáp ứng nhu cầu. Mức tồn trữ còn bị giảm ở các nước xuất khẩu: Uc, Thái Lan, Mỹ và những nước nhập khẩu: Nhựt Bổn, Nam Hàn, Nigeria và Côte d’Ivoire. Trong khi một số nước khác như, Bangladesh, Myanmar, Indonesia, Philippines và Iran đang cố tăng gia tồn trữ lúa gạo trong nước.
Ở châu Á, Trung Quốc sau 5 năm sút giảm sản lượng lúa thu hoạch, đã bắt đầu phục hồi sản xuất đến 180,7 triệu tấn trong 2004-05 hay tăng 12% so với 2003-04, do chính sách khuyến khích của chính phủ và giá lúa gạo hấp dẫn trong nước. Sản xuất ở Indonesia cũng gia tăng đến mức kỷ lục 53,7 triệu tấn, hay 3% so với 2003, do mở rộng thêm 300.000 ha ruộng lúa. Sản lượng thu hoạch của Nhựt Bổn tăng gia đáng kể, nhờ khí hậu thuận lợi làm tăng năng suất. Việt Nam cũng ước lượng sản xuất tăng thêm độ 2% của năm vừa qua (34,7 triệu tấn), dù một số vùng bị bão, lũ và hạn hán. Sản xuất lúa ở Philippnies và Thái Lan cũng được tiên đoán sẽ gia tăng trong 2004-05. Trong khi đó, ở Â n Độ sản xuất lúa sẽ thấp hơn năm 2003-04 độ 3 triệu tấn, tức chỉ đạt đến 127,5 triệu tấn, do khô hạn ở vùng tây bắc, một nôi sản xuất thực phẩm lớn của nước này. Ở Banglgadesh, sản lượng được ước đoán ở 38,3 triệu tấn, hay thấp hơn 2003-04 gần 2 triệu tấn vì lũ lụt vào tháng 6-7 vừa qua, làm ảnh hưởng đến vụ lúa Aus và Aman. Sự sút giảm sản lượng cũng được tiên đoán ở Nam Hàn, Sri Lanka, Nepal và Malaysia vì khí hậu bất lợi.
Ở châu Phi, sản xuất lúa được tiên đoán gia tăng đến 19 triệu tấn trong mùa 2004-05, hay tăng 3,5% so với năm 2003-04. Sự gia tăng này phần lớn do sản xuất gia tăng ở Ai Cập với 5% nhiều hơn năm rồi, nhờ giá lúa gạo còn cao và nhu cầu đòi hỏi xuất khẩu còn lớn. Nigeria cũng tăng gia sản lượng một ít nhờ sử dụng giống lúa mới NERICA (giống lai O. sativa x O. glaberrima) trong các vùng trồng lúa nhờ nước trời. Mặc dù bị ảnh hưởng phần nào của 2 trận bão ở miền bắc vào tháng 1 và 2, sản lượng lúa ở Madagascar trong 2004-05 được tiên đoán gia tăng hơn năm rồi độ 3 triệu tấn. Nuớc Côte d’ Ivoire, dù có chiến tranh, sản xuất có thể đạt đến mức sản lượng của năm qua, tức độ 850.000 tấn. Còn các vùng khác bị ảnh hưởng khí hậu bất lợi và sâu bệnh phá hại. Năm nay, Mauritania bị sâu đục thân phá hại khá nặng nên sản lượng giảm bớt 11% so với 2003. Mozambique bị mưa nhiều làm trì hoãn trồng trọt vào đầu vụ, nên sản xuất sút giảm bớt độ 10% so với năm qua. Sản xuất lúa của một số nước ở miền nam sa mạc Sahara như Mali, Niger và Mauritania có thể bị ảnh hưởng nặng nề hơn nếu dịch nạn châu chấu không kịp thời dập tắt trong những ngày tháng sắp tới.
Ở châu Mỹ La Tinh và vùng Caribbean, nhờ giá gạo gia tăng trở lại trong vùng, một số nước thúc đẩy chương trình sản xuất lúa nhiều hơn trong 2004 so với năm vừa qua. Nước Argentina tiên đoán chính thức mức sản xuất sẽ đạt đến 900.000 tấn, mức cao nhứt kể từ 1999, hay tăng 38% so với năm rồi, nhờ tăng cả diện tích thu hoạch và năng suất. Mặc dù có bão lụt ở tiểu bang miền nam - Santa Catarina, sản lượng lúa của Brazil sẽ gia tăng đến 12,9 triệu tấn hay tăng 7%. Uruguay sẽ thu hoạch lớn trong năm nay nhờ năng suất tăng đến 6,75 t/ha. Dù bị ảnh hưởng của độ lạnh bất thường, sản xuất ở Colombia tăng đến 2,55 triệu tấn, hay tăng 2% so với 2003. Cuba có thể tăng sản xuất đến 750.000 tấn, hay 5% hơn năm qua, nhờ sự bành trướng của khu vực sản xuất nhỏ tư nhân trong kế hoạch “Lúa gạo của nhân dân” đã được thi hành cách đây ít năm. Mexico dự kiến tăng đến 250.000 tấn lúa hay 2,5% hơn năm qua. Trong khi đó, sản xuất bị giảm sút ở các nước khác như Paraguay vì thiếu mưa; Ecuador giảm 7% vì mưa quá nhiều; Guyana giảm bớt 100.000 tấn lúa vì lũ lụt và mưa nhiều; Peru giảm 15% vì hạn hán; Venezuela thiếu mưa ở Guarico, một vùng lúa tưới tiêu lớn của nước; Haiti và Dominican Republic bi mưa nhiều và bão lũ trong tháng 5 và sau đó bị khô hạn. Riêng Dominican Republic dự đoán mức sản xuất giảm bớt 10% so với 2003.
Ở các nước khác trên thế giới: Nước Mỹ dự kiến sản xuất đến 9,9 triệu tấn lúa, hay nhiều hơn 10% của 2003. Sản xuất của Liên Hiệp Châu  -u-25 (nước) không thay đổi nhiều lắm, dự kiến tăng hơn 40.000 tấn so với Liên Hiệp Châu Âu-15 trong 2003, do tăng gia sản lượng chủ yếu ở Hy Lạp và Tây Ban Nha. Vì bị thiếu nước vào lúc đầu mùa ở New South Wales, nước Úc trồng lúa hơi muộn, làm ảnh hưởng đến sản xuất, ước lượng 600.000 tấn trong 2004, gần bằng mức sản xuất năm 2003 cũng bị thiếu nước.
Theo tiên đoán của cơ quan FAO, số lượng gạo giao dịch quốc tế sẽ giảm từ 28,1 triệu tấn trong 2003 xuống 26,5 triệu tấn trong 2004, do nhu cầu ít hơn ở một số nước nhập khẩu gạo lớn của châu Á và châu Mỹ. Chủ yếu nước Mỹ và các nước Á Châu như Trung Quốc, Ân Độ, Myanmar giảm bớt xuất khẩu gạo; trong khi Indonesia sẽ không nhập khẩu gạo nhiều hơn 1 triệu tấn như năm trước, do lệnh cấm nhập khẩu được gia hạn đến cuối năm 2004. Các nước châu A khác, như Bangladesh, Malaysia và Philippines có thể tăng nhập khẩu vì thời tiết bất lợi trong mùa mưa vừa qua. Ở châu Phi, Nigeria, nước nhập khẩu lớn, dự trù nhập khẩu độ 1,6 triệu tấn gạo trong 2004. Các nước Benin, Ghana, Senegal và Nam Phi cũng tiếp tục nhập khẩu, nhưng ít hơn. Ở châu Mỹ, nhập khẩu giảm bớt một ít ở nước Mỹ với 500.000 tấn gạo indica hạt dài cho người di dân gốc Á Châu, Brazil 700.000 tấn (1,1 triệu tấn trong 2003), Cuba với 600.000 tấn. Trong 2004, mức nhập khẩu gạo của Liên Hiệp Châu  u vẫn giữ ở 880.000 tấn của 2003, nhưng chính sách của Liên Hiệp này sẽ thay đổi dần trong thời gian sắp tới với thuế suất thấp hơn, ưu tiên cho các nước đang phát triển.
Giá gạo trên thị trường quốc tế được cải tiến phần nào từ tháng 4-2003 cho đến tháng 5-2004 và sau đó bắt đầu có chiều hướng suy giảm trở lại một ít cho đến tháng 10; nhưng giá của gạo có chất lượng cao vẫn còn tăng gia vì nhu cầu nhập khẩu còn mạnh. Trong tháng 11, giá gạo tăng trở lại vì thiếu gạo cung cấp cho nhu cầu xuất khẩu và nhập khẩu mạnh ở Trung Đông và Tây Phi Châu. Trong 10 tháng đầu của 2004, Thái Lan đã xuất khẩu 7,7 triệu tấn gạo so với 5,5 triệu tấn trong cùng thời gian của 2003. Nước Thái có thể đạt mức xuất khẩu kỷ lục 9,2 triệu tấn gạo hoặc nhiều hơn chỉ tiêu này trong năm nay. Giá gạo Thái 100% B bình quân từ 221 đô la/tấn/FOB trong tháng 1 lên 252 đô la trong tháng 4 và sau đó suy giảm đôi chút ở 249 đô la trong tháng 10. Vào tháng 11, giá gạo tăng trở lại 263 đô la, khi chính phủ thu mua lúa để hỗ trợ giá trong nước. Trong khi đó, giá gạo tấm super A1 tăng từ 184 trong tháng 2 lên 218 đô la trong tháng 4, và sau đó giảm xuống 201 đô la trong tháng 10 và tăng trở lại 215 đô la trong tháng 11.
Ở Việt Nam, trong 2004, giá các loại gạo cao hơn 2003 (bình quân 183 đô la cho gạo 5% tấm). Gía gạo 5% tăng từ 199 trong tháng 1 lên 239 đô la trong tháng 4, sau đó suy giảm dần cho đến 221 đô la trong tháng 10. Vào tháng 11, giá gạo này lại tăng lên 232 đô la vì hạn chế gạo xuất khẩu do khô hạn ở một số tỉnh. Giá gạo 25% cũng tăng từ 186 trong tháng 1 lên 222 đô la trong tháng 5 và 6, sau đó giảm xuống 209 đô la trong tháng 10 và tăng trở lại 216 đô la trong tháng 11. Đến tháng 11, nước xuất khẩu đạt đến 3,7 triệu tấn gạo, so với chỉ tiêu 4 triệu tấn. Nhà nước đang có biện pháp hạn chế mức xuất khẩu để tránh làm nguy hại đến tình trạng cung cấp nội địa. Vào đầu 2005, Việt Nam sẽ có thể xuất khẩu mạnh hơn khi mùa thu hoạch vừa hoàn tất, và sẽ có thể mở thêm thị trường mới ở Liên Hiệp Châu Âu và châu Phi.
Ở Pakistan, giá gạo 25% cũng tăng từ 210 trong tháng 2 lên 243 đô la trong tháng 6, sau đó giảm xuống dần đến 241 đô la trong tháng 9. Vì phá giá đồng Rupia và mùa lúa chính vừa thu hoạch xong, giá gạo 25% tiếp tục giảm xuống 226 đô la trong tháng 10 và 221 đô la trong tháng 11.
Ở Ân Độ, giá gạo 5 và 25% tấm không thay đổi nhiều trong suốt năm 2004, với 195 và 175 đô la, theo thứ tự. Chính phủ Ân đang có chính sách thúc đẩy trở lại chương trình xuất khẩu gạo bằng các biện pháp khuyến khích sản xuất thêm và giúp đở các giới xuất khẩu, sau khi đã tìm được thị trường ở Nam Phi, vì xứ này có nhiều cư dân gốc Ân Độ và giá gạo nhập khẩu từ Mỹ quá cao. Chính phủ dự kiến xuất khẩu ít hơn trong 2005 vì mức sản xuất có khuynh hướng chậm lại. Trước đây, nước này xuất khẩu nhiều gạo vì thiếu khả năng tồn trữ số lượng dư thừa, và đã trở nên nước xuất khẩu gạo lớn vào hàng thứ hai trên thế giới trong 2002, nhờ được mùa.
Ở nước Mỹ, sản xuất lúa được mùa với sản lượng thu hoạch cao hơn 2003 đến 15%; cho nên, xuất khẩu gạo của nước này sẽ nhiều hơn trong 2005, chủ yếu đến một số nước Trung Mỹ và Caribbean như Mexico, Cuba. Có thể Cuba sẽ trở thành thị trường lúa gạo lớn nhứt của Mỹ trong vài năm tới đây, với chính sách cởi mở gần đây của Mỹ. Giá gạo hạt dài 2/4 (hạng 2 với 4% tấm) tăng liên tục từ 351 trong tháng 1 đến 397 đô la trong tháng 6 và giảm dần xuống ở mức 330 đô la từ tháng 9 cho đến nay.
Ở khu vực thị trường chung Nam Mỹ còn gọi MERCOSUL (gồm 4 nước: Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay), mức xuất khẩu vượt quá nhu cầu trong vùng, cộng thêm sản lượng lúa thu hoạch gia tăng trong năm nay, sẽ làm cho giá lúa gạo giảm xuống hơn nữa vào 2005. Cho nên, hiện nay các thành viên của MERCOSUL đang thảo luận để tìm giải pháp xuất khẩu ra ngoài khu vực của họ. Nước Brazil đang cố giảm mức nhập khẩu gạo từ Argentina và Uruguay, gây ra tình hình căng thẳng trong thị trường chung này. Mặc dù thế, nước này đang vận động các thành viên của MERCOSUL chống lại chính sách tài trợ lúa gạo lớn lao của Mỹ theo qui ước WTO.
Châu Phi là vùng nhập khẩu lớn với 8,6 triệu tấn gạo trong 2003, hay một phần ba của số lượng nhập khẩu thế giới. Nigeria là một nước nhập khẩu lớn nhứt trong vùng và cũng có thể là nước dẫn đầu nhập khẩu thế giới trong 2005. Chính phủ đang có chương trình tăng gia sản xuất để tiến đến tự túc trong 5-6 năm sắp tới, qua sự giúp đở kỹ thuật của cơ quan FAO. Mali đang tiến dần đến tự túc lúa gạo và bắt đầu xuất khẩu qua một số nước láng giềng, với số lượng khiêm nhường từ 10.000 -15.000 tấn gạo mỗi năm kể từ 2002. Châu Phi vẫn là nơi lý tưởng cho các nước xuất khẩu gạo chú ý đến.
Tóm lại, vào 2005, mức cung cấp gạo cho thị trường thế giới có thể còn bị giới hạn trong các nước xuất khẩu truyền thống, cho nên giá lúa gạo có thể còn tiếp tục giữ sức mạnh hiện nay.
Trần Văn Đạt, Ph. D.
2005
TàI LIệU THAM KHảO:
- FAOSTAT on line.
- FAO Food Outlook, No.3, September 2004, Economic and Social Department.
- InterRice (CIRAD), Monthly Report of the World Market of Rice, October 2004.