Với USAID & FAO
VÀI MẪU CHUYỆN LÀM VIỆC VỚI
USAID VÀ FAO
Năm 1974, tôi may mắn được cấp học bổng du học nước Mỹ để nâng cao khả năng nghề nghiệp và nghĩ rằng sau thời gian đôi ba năm học xong sẽ trở về quê hương phục vụ đất nước; nhưng không ngờ cuộc đời đã đưa đẩy mình lưu lạc và trôi nổi khắp năm châu trong phần tư thế kỷ để góp phần vào phát triển nông nghiệp thế giới. Trong những năm làm việc ở nước ngoài, tôi có dịp đi tham quan nhiều nước, nhứt là ở Châu Phi và Châu Á, cũng như có cơ hội tiếp xúc với các chuyên gia thế giới và tham dự các cuộc họp quốc tế và cấp vùng về ngành lúa gạo. Theo yêu cầu của vài người bạn vong niên, tôi xin ghi lại sau đây ít kỷ niệm làm việc trong những năm qua cho báo Nội San Nông Nghiệp Việt Nam hầu góp vui cùng các bạn đồng nghiệp.
Ngày ấy một mình ta rủi dong
Trái đất mòn chân đã mấy vòng
Ngửa mặt nhìn trời trời nhỏ hẹp
Quay về trần giới rộng mênh mông!
Vào hè 1977, tôi thực hiện một chuyến công tác tư vấn cho USAID ở nước Haute Volta mà bây giờ gọi là Burkina Faso (độ 16 triệu dân, 2008) ở Tây Phi.
Đó là chuyến đi đầu tiên đến lục địa Châu Phi với nhiệm vụ cố vấn kỹ thuật trong hai tháng để thiết lập một Phòng Hạt Giống tại nước này. Vào giữa tháng 6-1977, tôi bắt đầu chuyến đi xa với ít nhiều lo âu đến vùng đất mới lạ bên kia quả địa cầu. Phải lấy bốn chuyến bay mất khoảng 18 giờ trong 2 ngày để đi từ Sacramento đến New York, Paris rồi đến thành phố Dakar, thủ đô nước Senegal để chờ đổi chuyến bay đi Ouagadougou, thủ đô xứ Haute Volta.
Chặng đường đến Phi Châu trước hết là nước Senegal, nơi có đảo Gorée, một di tích lịch sử nổi tiếng thế giới (cách thủ đô Dakar 3 km biển) tập trung các người da đen Phi Châu để bán làm nô lệ trong thời Pháp thuộc (1711-1793). Từ phi trường vào thành phố Dakar, tôi vừa hồi hộp vừa có một cảm giác buồn man mác của một người bỗng nhiên lưu lạc đến một nơi hoàn toàn xa lạ và mới mẻ. Tôi chỉ thấy toàn một màu
xám đen di động đó đây, không có màu vàng hay trắng. Đi đến đâu cũng chỉ gặp toàn một màu da đen xám, đen mun như mình đang đi trong những buổi chiều tối nhá nhem, không đèn ngoài phố... Đêm về tôi cảm thấy thật cô đơn trong một khách sạn lớn ở trung tâm Thủ đô nên chẳng buồn xuống phố. Đến mấy hôm sau, tình huống xúc cảm đó không còn nữa, tôi bắt đầu thấy mình là một thành phần nào đó của bản xứ khi ra phố và có thể phân biệt được những nét đẹp tự nhiên của người bản địa.
Em, người con gái nước da đen
Đôi mắt mới nhìn đã thấy quen…
Trong một tuần lễ ở lại Dakar do phi trường đình công, tôi có dịp gặp Ông Huỳnh Văn Lang mở nhà hàng EuroAsia, G.S. Tôn Thất Trình và anh T.S. Lê Nguyên Khôi đang làm việc ở xứ này. Sau đó, tôi đáp chuyến bay đến Thủ đô Ouagadougou của xứ Haute Volta. Bấy giờ tôi không còn cảm giác "lạc loài" ở Dakar nữa, mà lòng háo hức cho một công việc mới sắp tới và xúc tiếp với những người Phi có nền văn hóa khác biệt. Họ cũng như những dân tộc khác, hiền hòa, cởi mở và dễ giao thiệp. Họ có lòng nễ trọng người Châu Á. Trong chuyến công tác này, tôi có nhiệm vụ thiết lập trang bị một Phòng Thử nghiệm Hạt Giống ở vùng ngoại ô thủ đô (Zone du Bois), soạn thảo các tài liệu hướng dẫn làm công tác thử nghiệm hạt giống như độ nẩy mầm, độ thuần, chất lạ, ẩm độ, phân biệt, xếp hạng hạt giống, v.v., và tập huấn cho những người điều khiển và sử dụng Phòng Hạt Giống sau này. Sau đó vài năm, Phòng Hạt Giống đã trở thành Sở Hạt Giống Quốc Gia. Chính phủ Haute Volta đã đặt tầm quan trọng rất cao cho khâu sản xuất hạt giống vì hạt giống tốt đạt chuẩn có thể đóng góp đến 15% năng suất hoa màu.
Tuy nhiên, khả năng cung cấp đầy đủ hạt giống tốt, đúng theo tiêu chuẩn cùng một lúc cho nhiều nông dân rất khó khăn; các giới thẩm quyền thường áp dụng hệ thống sản xuất hạt giống chính thức của các nước tiền tiến, gồm có 4 giai đoạn sản xuất: từ "hạt giống tác giả" (breeder seed) đến hạt giống siêu nguyên chủng (pre-basic seed), hạt giống nguyên chủng (basic seed) và hạt giống kiểm nhận (certified seed). Qua các giai đoạn này, công tác kiểm tra, chứng nhận chất lượng hạt giống phải được thực hiện đúng lúc bởi các nhân viên kiểm tra của Phòng Hạt Giống.
Kinh nghiệm qua nhiều thập niên cho biết rằng áp dụng hệ thống sản xuất hạt giống nêu trên không còn thích hợp cho các nước đang phát triển vì quá tốn kém, khó thực hành và làm giá thành hạt giống tăng gấp đôi. Cho nên, hiện nay các cơ quan quốc tế đang cổ động áp dụng hệ thống sản xuất hạt giống cộng đồng (community seed production system), trong hệ này nông dân là thành phần chủ động. Các nỗ lực trong công tác huấn luyện nông dân về phương pháp tuyển chọn và để dành đủ hạt giống tốt cho vụ sau rất cần thiết, trong khi các cơ quan khảo cứu có trách nhiệm cung cấp thường xuyên (3-4 năm/lần) cho nông dân nguồn hạt giống thuần có đủ tiêu chuẩn qui định để nhơn giống.
2. Giới thiệu phương pháp cấy lúa ở Mali:
Từ cuối năm 1980-81, tôi làm chuyên gia USAID ở xứ Mali, Tây Phi với dân số độ 15 triệu người (2008). Xứ này là một trong những nước sản xuất nhiều lúa gạo dọc theo phụ lưu sông Niger và đã xuất khẩu trước thập niên 1970s. Phần lớn lúa gạo ở đây được trồng theo lối sạ thẳng như lúa nổi ở Miền Nam Việt Nam nên năng suất bình quân chỉ độ 1-2 t/ha. Lúc đó, một trong những công tác của tôi là cố gắng giới thiệu và trình diễn cách trồng lúa cấy ở vùng Gao, Mopti thuộc miền Đông Bắc và "Office du Niger" (thuộc tỉnh Ségou) ở miền Đông Nam của xứ này; nhưng tôi gặp nhiều khó khăn vì cả công nhân viên và nông dân than phiền việc cấy lúa quá vất vả, không thực tế cho xã hội họ, dù phương pháp này cho năng suất cao hơn nhờ kiểm soát cỏ dại hữu hiệu.
Sau đó, công tác truyền bá lúa cấy vẫn tiến hành thực hiện bởi nhiều cơ quan khác. Mười năm sau, tôi trở lại và đi tham quan Office du Niger, vùng trồng lúa lớn nhất của xứ với 60.000 ha, và lấy làm ngạc nhiên khi thấy phương pháp cấy lúa được áp dụng trên 80% tổng số diện tích trồng lúa tưới tiêu. Năng suất lúa bình quân của vùng đã tăng đến 5 t/ha. Nước Mali là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới, đang tiến đến tình trạng tự túc lúa gạo và sẽ trở lại vị trí của một nước xuất khẩu trong vùng không xa lắm, vì tiềm năng sản xuất lúa rất lớn. Theo tôi được biết các hoạt động của World Bank mà Thầy Đoàn Minh Quan đã làm việc ở Mali một dạo và các đoàn công tác khác của Pháp, Hà Lan, Đức… đã đóng góp không nhỏ cho tăng gia sản xuất lúa của vùng Office du Niger này.
3. Chiếc lò trấu Việt Nam trên thế giới
Vào cuối năm 1991, một chuyến công tác theo dõi dự án FAO về "Thịnh Vượng Với Lúa Gạo" (Le riz prospère) ở Burkina Faso làm tôi khó quên được, liên quan đến việc phổ biến lò trấu Việt Nam.
Hình 2: Lò trấu Việt Nam do IRRI cải tiến,
đang được sử dụng tại một gia đình Philippines (Quick, 1996)
Nhân chuyến về thăm quê hương vào đầu năm 1990, tôi thấy chiếc lò trấu đang được dùng để nấu ăn trong nhà mình là một dụng cụ hữu ích và rẽ tiền, có thể áp dụng cho những nơi trồng lúa khác, đặc biệt Châu Phi. Năm 1991, tôi nhận được một chiếc lò trấu do gia đình tôi gởi đến Rome qua anh chị Hải-Nhâm, bạn thân ở Rome về thăm quê hương. Cho nên, lần trở lại công tác xứ Burkina Faso vào cuối 1991, tôi mang theo lò trấu này để phổ biến, vì dân Phi không biết dùng vỏ trấu làm năng lượng sau khi xay chà lúa gạo. Người ta vứt bỏ vỏ trấu vào sông rạch hoặc ruộng nương làm ô nhiễm môi trường.
Tôi cùng anh Tiến Sĩ Nguyễn Văn Ngưu, một nhân viên của dự án FAO, giới thiệu và trình diễn cách sử dụng lò trấu này tại Trung Tâm Thí Nghiệm Nông Nghiệp của vùng Farako Bâ, gần Bobo Dioulasso. Sau đó, dư án lúa FAO cấp vùng do Nhật Bản tài trợ, đã tiếp tục phổ biến chiếc lò trấu này ở 4 nước - Burkina Faso, Guinea, Mali và Senegal. Hiện nay, nguyên tắc lò trấu Việt Nam được các cơ quan viện trợ quốc tế khác áp dụng để chế tạo ra những "Lò trấu cải tiến" có hiệu suất năng lượng cao hơn và thích hợp cho người dân nông thôn dùng ở những nơi sản xuất nhiều lúa gạo vùng Tây Phi. Một điều hứng khởi khác cũng làm cho tôi khó quên là anh Nguyễn Văn Ngưu đang làm việc cho FAO ở Burkina Faso đã giới thiệu chiếc lò trấu nầy đến anh Phan Hiếu Hiền, bạn đồng khóa 8 của anh ở Trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn, bấy giờ đang du học lấy bằng Tiến Sĩ tại Viện Nghiên Cứu Lúa Quốc Tế IRRI ở Los Baños, Philippines. Anh Hiền đã dùng nguyên tắc lò trấu Việt Nam để xây dựng luận án ra trường về cung cấp nguồn năng lượng cho máy sấy lúa tại Viện Nghiên Cứu Lúa này. Sau đó ít lâu, nhân một chuyến đi công tác đến IRRI, tôi gặp anh Hiền và anh đã bảo với tôi: "Nếu biết chiếc lò trấu này sớm hơn có lẽ tôi đã ra trường lâu rồi". Sau khi luận án ra trường của anh được hoàn tất, chiếc lò trấu được IRRI cải tiến và máy sấy lúa do anh chế tạo được Viện Lúa Gạo Quốc Tế phổ biến rầm rộ ở Châu Á vào giữa thập niên 1990s. Cho đến nay, nhiều nước Châu Á, như Philippines (Hình 2), Thái Lan, Myanmar, Bangladesh... vẫn còn sử dụng hai loại dụng cụ này. Năm 2008, các chuyên gia Á Châu (Philippines) cải tiến lò trấu một lần nữa về phương diện môi trường - làm khói đen thoát ra ít hơn và ngọn lửa đều hơn . Anh Hiền hiện là Giáo Sư dạy học tại trường Đại Học Nông Lâm Thủ Đức.
4. "Hôtel Vietnam" miền quê xứ Guinea:
Năm 1992, tôi cùng một phái đoàn đi kiểm tra thường xuyên một dự án phát triển trồng lúa FAO ở thung lũng sông Banié, miền Tây nước Guinea. Nước Tây Phi này có độ 9 triệu dân và mỗi năm phải nhập khẩu khoảng 250.000 tấn gạo. Gạo là thức ăn chính của dân tộc Guinea với khẩu phần hàng năm độ 150 kg gần tương đương với dân Việt Nam. Một phái đoàn gồm hai chiếc xe với 8 người gồm cả tài xế, khởi hành từ thủ đô Conakry lúc 7 giờ sáng và dự kiến đến thung lũng Banié vào khoảng 6-7 giờ tối trên lộ trình đồi núi quanh co dài 500 km. Chúng tôi đang đi nửa đường, chợt thấy một ngôi nhà trệt có bảng hiệu "Hôtel Vietnam" trong một xóm độ vài chục căn nhà bên vệ đường. Tôi hết sức ngạc nhiên và mừng rỡ, yêu cầu tài xế ngừng xe và quay trở lại để viếng khách sạn này đồng thời nghỉ giải lao, mong gặp một vài người Việt ở miền hoang dã này.
Đây là một "khách sạn" có "nhà hàng" nhỏ với một dãy nhà phía sau có lẽ là phòng trọ. Trong nhà hàng có một quầy bán ít hàng tạp hóa ở phía trước và 4 cái bàn rộng, dài và thấp được xếp đặt không thứ tự bên trong. Khi chúng tôi đến đây vào lúc giữa trưa nên vắng khách. Tôi không thấy một người VN nào mà chỉ có một chị Phi Châu tuổi độ 30-35 có nước da "ngâm ngâm" và 2 em bé đang chơi đùa trên nền gạch. Tôi hiếu kỳ hỏi chị: "Thưa Bà, khách sạn này có phải do người VN làm chủ chăng?" Chị trả lời: "Vâng! nhà này là của Mẹ tôi. Bà là người Việt Nam và cũng có một nhà hàng lớn hơn ở thủ đô Conakry". Chị Jacqueline là một trong 3 người con của một người đàn bà VN có chồng người Guinea khi ông này đi lính "Lê dương" viễn chinh cho Pháp ở VN trong thời Pháp thuộc khoảng đầu thập niên 1950s.
Sau khi tiếp đãi chúng tôi, Chị bắt đầu mở cassette với những bản nhạc VN xưa như Sơn Nữ Ca, Trăng Sáng Đêm Thanh... và bảo rằng Chị thích nghe nhạc Việt lắm. Chị rất thân thiện, đến ngồi bên tôi và cứ hỏi mãi về xứ VN bây giờ ra sao mà dường như từ lâu chị không nhận được nguồn thông tin nào. Chị cũng bảo rằng chị sẽ về thăm quê Mẹ một lần cho biết. Tôi không biết chị đã thực hiện được ước nguyện nhỏ này chưa. Bấy giờ, tôi cảm thấy một niềm vui không nhỏ trong chuyến công tác ở vùng châu Phi xa tít. Có đi làm việc xa ở ngoại quốc, các bạn mới thấy niềm vui sướng và quí trọng khi gặp một người đồng hương như thế này! Chị Jacqueline nhất định không để tôi trả chi phí cho buổi ăn trưa của phái đoàn... Lòng hiếu khách của Chị cứ theo tôi mãi cho đến hết chuyến công tác gập ghềnh đồi núi này.
Trong thời gian đi công tác tại các nước châu Phi nói tiếng Pháp, đặc biệt ở Burkina Faso, Mali, Côte d'Ivoire, Guinea, Niger, Mauritania, Madagascar..., tôi thường gặp nhiều người đàn bà Việt Nam lưu lạc xứ người lâu năm như trường hợp Má của chị Jacqueline, nhưng phần lớn họ đã ly dị chồng sau ít năm đến châu Phi sinh sống, vì họ không thể chấp nhận chế độ đa thê của người Hồi giáo ở đây. Họ chuyên sống với nghề làm nhà hàng ở các thành phố lớn, thuộc thành phần trung hoặc thượng lưu và thường cho con em đi du học ở Pháp quốc.
Nàng Jeannie
Jeannie, phần số đến riêng nàng
Thân gái dặm trường lỡ bước hoang
Mười sáu tuổi đời thân lưu lạc
Năm mươi thu chẳn kiếp lang thang
Hoang vu buôn bản nàng trôi nổi
Xa tít trời Phi gái lỡ làng
Một đoá trà mi miền Bắc lạnh
Mười năm xa cách sắc hương tan.
Tháng 9-1996, tôi có dịp tham dự hội nghị về lúa gạo của vùng Địa Trung Hải và phụ cận được tổ chức ở vùng Arles, miền Nam nước Pháp. Vùng Địa Trung Hải và phụ cận này gồm có 12 nước trồng lúa, đó là Ai Cập, Bồ Đào Nha, Hungary, Hy Lạp, Iran, Iraq, Romania, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Ma Rốc, Liên bang Nga và Ý. Diện tích trồng lúa của vùng gần một triệu hecta và đa số là loại lúa Japonica có hạt ngắn tròn và gạo dẽo, nhưng có năng suất rất cao từ 5 đến 10 tấn/ha. Kỹ thuật trồng lúa của vùng Địa Trung Hải tiến bộ rất sớm với canh tác hoàn toàn cơ giới hóa, ngoại trừ Ai Cập còn cấy lúa bằng tay. Vào đầu thập niên 1950-60s, năng suất lúa bình quân của nước Ý và Pháp đạt đến 5t/ha. Hiện nay, năng suất của hai nước này chỉ ở mức 6 t/ha mà thôi. Trong khi đó, Ai Cập và Hy Lạp đã làm những tiến bộ rất lớn trong ngành trồng lúa với năng suất 10 t/ha và 8 t/ha, theo thứ tự. Ai Cập, California và Úc là những nơi có năng suất lúa bình quân cao nhất trên thế giới hiện nay. Nhiệm vụ của FAO là làm sao giúp các nước trong vùng thu ngắn khoảng cách năng suất khác biệt giữa hai nhóm quốc gia trong cùng một vùng sinh thái, qua tổ chức các cuộc hội thảo để trao đổi kinh nghiệm, giống lúa, và chuyên gia liên hệ thăm viếng nhau.
Tại Pháp, lúa được trồng ở vùng Camargue gần Arles, một vùng đồng bằng có nước ngập quanh năm. Lúa gạo không phải là thức ăn chính của người Pháp, nhưng có tầm ảnh hưởng lớn trong giới chính trị và số lượng nhập khẩu hàng năm khá cao, độ 400.000 tấn gạo. Diện tích trồng lúa có lúc đến 33.000 ha vào 1961 rồi sụt giảm còn 11.000 ha vào 1985. Vì áp lực chính trị của giới nông dân, chính phủ Pháp phải phục hồi kỹ nghệ trồng lúa từ 1990 với chánh sách trợ cấp không nhỏ để giữ diện tích trồng lúa độ 20.000 ha mỗi năm. Trong thập niên vừa qua, thức ăn của người châu Âu đã thay đổi theo chiều hướng đa dạng hóa nên khẩu phần gạo đã tăng gia đến 5-6 kg/năm.
Trong cuộc họp cấp vùng này, Ban Tổ Chức đã dành một ngày đi thăm ruộng lúa và tham quan khu vực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ở vùng Camargue của Pháp. Hành trình này đã để lại trong ký ức chúng tôi một "tai nạn" khó quên. Khu vực bảo vệ này khá rộng lớn nên được tổ chức tham quan bằng xe lửa chạy quanh những khu rừng, hồ nước thiên nhiên với những đàn thiên nga bay lượn. Đặc điểm của vùng này là có quá nhiều muỗi, không thua gì ở khu rừng Sát hoặc vùng Năm Căn, Cà Mau. Ngay cả trong toa xe lửa cũng chở đầy muỗi! Chúng tôi đã không thấy thoải mái chút nào khi phải ngồi trên chiếc xe lửa với nhiều muỗi như thế trong vòng 20 phút mà thiếu những chiếc khăn rằn như đồng bào mình phải mang theo khi đi làm việc trong những khu rừng nước mặn.
Sau chuyến đi tham quan bằng xe lửa này, một đoàn người độ 70-80 người từ 20 quốc gia cứ mãi nhốn nháo lên vì trên mặt mủi, tay và chân của họ có đầy những mụt đỏ hồng và ngứa ngáy khó chịu. Vẻ mặt mọi người trông khó coi làm sao! Có vài người yêu cầu đưa họ đi nhà thương, nhưng chủ nhân bảo rằng không cần phải lo chi cả. Sau đó, đoàn khách tham quan được chiêu đãi những tuần rượu vang trắng, đỏ và bữa ăn trưa thịnh soạn, tôi không còn nghe ai phàn nàn gì nữa và không còn thấy các mụt mận đỏ ở đâu...
6. Người Trung Quốc giấu bí quyết kỹ thuật lúa lai:
Gần đây Lúa lai là một một đề tài kỹ thuật mới mẻ và hấp dẫn, đang được các chuyên gia lúa gạo trong nước cũng như thế giới và một số chính phủ đặc biệt quan tâm đến. Tổ chức FAO cũng không kém phần lưu ý đến loại lúa có tiềm năng cao này.
Các chuyên gia Trung Quốc (TQ) đã thành công tạo giống lúa lai từ năm 1974 và nông dân bắt đầu trồng đại trà vào 1976, trong khi các nước khác và ngay cả Viện Lúa IRRI ở Philippines không đạt được tiến bộ đáng kể trong lãnh vực này qua nhiều năm nghiên cứu.
Lúa lai giống
Đây là một kỹ thuật mới sáng tạo có thể làm tăng năng suất lúa từ 15 đến 20% so với các giống lúa cao năng truyền thống. Lúc đầu, nhiều nước trong đó có Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Philippines, Đại Hàn, Việt Nam, v.v. đã hồ hỡi bắt chước kỹ thuật trồng lúa lai của TQ trong suốt thập niên 1980s; nhưng sau vài ba năm họ trở nên chán nản, vì giống lúa lai họ trồng có năng suất rất cao trong vài năm đầu, bắt đầu thoái hóa, năng suất ngày càng sút giảm, không hơn các loại lúa thường. Họ và ngay cả các chuyên gia lúa IRRI không biết nguyên nhân của vấn đề này. Cho nên, Ấn Độ, Indonesia và Philippines đã giảm bớt đầu tư vào chương trình lúa lai cho đến khi Việt Nam thành công trong lãnh vực này vào giữa thập niên 1990s, sau khi học được bí quyết của Tàu!
Các chuyên gia Trung Quốc không tiết lộ về những bí quyết kỹ thuật để giữ năng suất lúa lai cao mãi trong khi họ tiếp tục bành trướng diện tích trồng lúa lai đến 17 triệu ha, hay 50% tổng diện tích trồng lúa toàn quốc trong 1995. Nhờ chương trình lúa lai, Trung Quốc đã giảm diện tích trồng lúa từ 36 triệu ha trong 1975 xuống còn 30 triệu ha trong 2009, nhưng vẫn sản xuất đủ gạo nuôi dân và còn dành ra hơn 3 triệu hecta đất cho canh tác các hoa màu khác có trị giá kinh tế cao hơn.
Ở Việt Nam (VN) cho đến 1991, nông dân tỉnh Quảng Ninh, gần biên giới Trung Quốc bắt đầu nhập nội giống lúa lai của nước này để trồng khoảng 100 ha ruộng. Theo yêu cầu của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, FAO đã giúp VN một dự án Hợp Tác Kỹ Thuật (TCP) đầu tiên nhằm theo dõi hiện tượng phát triển lúa lai ở VN và nếu thành công sẽ đem kết quả phổ biến đến các nước khác.
Trong ít năm đầu, VN nhập các giống cha mẹ từ Trung Quốc để lai tạo trong nước, nhưng sau vài năm năng suất lúa lai bị giảm đi mà không rõ nguyên nhân. Các chuyên viên VN theo dõi rất sát sự thử nghiệm lúa lai trong nước và nhứt là ở Trung Quốc, đã khám phá ra vấn đề bất thuần của giống cha mẹ sau vài thế hệ là nguyên nhân của sự thoái hóa năng suất. Cứ mỗi khi hạt giống bị lẫn lộn, không thuần độ 1% sản xuất sẽ kém đi 100 kg lúa! Họ đặc biệt theo dõi thầm kín và học được kinh nghiệm từ một chuyên gia Tàu, Giáo sư Châu (C.S. Zhou) của Trung Tâm lúa Lai Quốc Gia ở Hồ Nam (do FAO mời qua dự án), trong khi ông này thực hiện phương pháp duy trì dòng thuần cha và mẹ ở trại lúa Đồng Văn, tỉnh Hà Nam trong 6 tháng năm 1993. Kỹ thuật này sau đó được truyền đến các nước khác qua các dự án FAO và IRRI. Các chuyên gia lúa lai của IRRI có lẽ biết được kỹ thuật duy trì dòng thuần qua ngõ Việt Nam. Lúa lai chỉ phát triển mạnh ở miến Bắc Việt Nam vì đất hẹp người đông, nhưng sản xuất hạt giống lai F1 rất thuận lợi ở Miền Nam nhờ khí hậu ấm áp và không thay đổi nhiều.
7. 2004 - Năm Lúa Gạo Quốc Tế:
Năm 2004 đã trở thành Năm Lúa Gạo Quốc Tế. Thật vậy, từ năm 1999, chúng tôi ở cơ quan FAO đã xúc tiến các thủ tục hành chánh quốc tế phức tạp cần thiết để Liên Hiệp Quốc tuyên bố năm 2004 là Năm Lúa Gạo Quốc Tế. Trước hết, Hội nghị lưỡng niên FAO đã chấp nhận Nghị Quyết "2004-Năm Lúa Gạo Quốc Tế", do phái đoàn Philippines đệ trình vào tháng 11-2001 và yều cầu Tổng Giám Đốc FAO chuyển Nghị Quyết này đến Liên Hiệp Quốc ở New York để cơ quan này tuyên bố chính thức có tầm quốc tế. Nghị Quyết trên đã được đưa ra Phiên Họp Khoáng Đại lần thứ 57 của Hội Đồng LHQ và được các hội viên chấp thuận, tuyên bố năm 2004 là Năm Lúa Gạo Quốc Tế vào ngày 16-12-2002. Đây là một trường hợp duy nhứt mà LHQ tuyên bố về một loại màu thực phẩm quan trọng trên diễn đàn quốc tế của họ.
Năm Quốc Tế này đã được các quốc gia trồng lúa trên thế giới cùng tham gia tổ chức qua sự điều hợp của FAO, với cộng tác của nhiều cơ quan quốc tế như World Bank, UNDP, UNICEF, UNEP, WHO, IRRI, WARDA, CIAT, IFPRI, IPGRI, WFP, IFAD.., nhằm kêu gọi mọi giới liên hệ chú ý nhiều hơn tầm quan trọng của lúa gạo liên hệ chặt chẽ đến vấn đề an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo tại các nước đang phát triển. Đặc biệt, Năm Lúa Gạo Quốc tế nhằm cổ động các nước giàu mạnh, các cơ quan tài trợ quốc tế hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển lúa gạo trên toàn cầu. Khi nghỉ hưu, người viết hân hạnh được cơ quan FAO trao tặng huy chương Năm Lúa Gạo Quốc Tế.
Tóm lại, hoạt động hàng ngày của chúng tôi ở cơ quan FAO trung ương, Rome là nhằm hỗ trợ kỹ thuật cho các nước hội viên trên thế giới phát huy tiềm năng sản xuất lúa gạo để bảo đảm an ninh lương thực và giảm thiểu nghèo đói, chủ yếu theo yêu cầu của các nước này. Hoạt động chính gồm có các công tác phổ biến tin tức kỹ thuật mới xuất hiện, cố vấn giúp giải quyết các khó khăn theo yêu cầu, nghiên cứu, xây dựng, thi hành, theo dõi, và đánh giá các dự án và chương trình lúa gạo trên thế giới trong khuôn khổ Ủy Ban Lúa Gạo Quốc Tế (International Rice Commission – IRC) mà người viết là Thơ Ký Điều Hành của Ủy Ban này từ 1993 đến 2004.
Logo Năm Lúa Gạo Quốc Tế 2004
Huy chương IYR-2004