Huy Lữ TRẦN VĂN ĐẠT
Nguyên Chánh Chuyên gia FAO - Rome

Khủng hoảng lương thực

Cuc KhỦng HoẢng Lương ThỰc ThẾ GiỚi

Vai Trò Nông NghiỆp ThẾ Kỷ 21


 


 

1.   Khủng Hoảng Lương Thực Thế Giới

Nhiều giới quan sát quốc tế theo dõi khuynh hướng tăng giá của các nhu yếu phẩm như gạo, lúa mì, bắp và thịt từ năm 2004 và sự kiện tăng giá đột biến từ giữa 2007 đến nay. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, giá các lương thực chủ yếu đã tăng đến 40-80% hoặc nhiều hơn tại một số quốc gia phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu nội địa. Giá gạo trắng Thái 100% B hạng nhì (F.O.B Bangkok) tăng từ 245 Mỹ kim/tấn trong 2004 lên 334 Mỹ kim trong 2007, và hơn 1.200 Mỹ kim vào cuối tháng 4-2008 (FAOSTAT, 20008), gây ra tình trạng xã hội bất ổn, nổi loạn tại Mexico, Haiti ở châu Mỹ La Tinh và Caribbean; Ai Cập, Cameroon, Guinea, Burkina Faso, Mauritania, Senegal ở châu Phi; Bangladesh, Philippines, Pakistan ở châu Á. Giá gạo và các thực phẩm khác đang còn tiếp tục tăng cao, làm cộng đồng thế giới và các giới hữu trách quốc tế như Ngân Hàng Thế Giới (WB), Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), Cơ Quan Lương Nông Quốc Tế (FAO), Chương Trình Lương Thực Thế Giới (WFP), Viện Nghiên Cứu Lúa Quốc Tế ở Philippines (IRRI)… đặc biệt quan tâm theo dõi.

Vào giữa tháng 4-2008, cuộc họp giữa WB và IMF ở Washington, với sự tham dự cấp Bộ trưởng của hơn 180 quốc gia đã thảo luận tình trạng tăng giá năng lượng và lương thực cũng như khủng hoảng tín dụng làm xáo trộn thị trường chứng khoán toàn cầu. Họ đã ủng hộ “Khế ước mới về chính sách lương thực toàn cầu” (New Deal for Global Food Policy), trong đó đề ra những biện pháp ngắn, trung và dài hạn để đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay. Ngân Hàng Thế Giới ước lượng 100 triệu người tại các nước nghèo có thể bị nạn đói nghiêm trọng với giá lương thực tăng lên mức kỷ lục, và kêu gọi các nước giàu và thế giới cung cấp viện trợ thực phẩm cho những nơi đang cần.

            Tình trạng phát triển kinh tế bất quân bình trên thế giới kéo dài nhiều năm qua, đã đến thời điểm cần có những giải pháp công bình hơn cho các nước đang sống với nghề nông nghiệp. Hiện tượng toàn cầu hóa cần phải điều chỉnh lại để có lợi ích cho cả nước công nghiệp và nước đang phát triển. Hiện nay, giá lương thực thế giới lên cao, nhưng người sản xuất không có lợi ích gì, trái lại còn bị lỗ lã vì giá các nhập lượng trợ nông như phân hóa học, thuốc sát trùng, thuốc diệt cỏ, nhiên liệu, nhân công… cũng tăng cao không kém. Hơn nữa, ngay trong những nước xuất khẩu gạo, giá của loại lương thực này cũng tăng lên cao và khó kiềm chế. Rõ ràng tình trạng cung cầu không phải là yếu tố duy nhứt trong bài toán kinh tế thực phẩm hiện nay, ít nhứt đối với lúa gạo, một nhu yếu phẩm quan trọng cho hơn 3 tỉ người trên thế giới. Thị trường Mỹ không thiếu gạo vì là nước xuất khẩu gạo, nhưng giới tiêu thụ ăn gạo xôn xao, giá gạo vẫn tăng lên cao do ảnh hưởng khủng hoảng thế giới, nhứt là từ châu Á.

Thế giới đang thiếu gạo? Sản xuất lúa gạo toàn cầu trong 40 năm qua (1966 đến 2006) vẫn tăng gia liên tục từ 261 triệu lên 636 triệu tấn lúa (tương đương 422,6 triệu tấn gạo trắng), hay trung bình 3,6% mỗi năm, với mỗi 8-10 năm có một lần mất mùa. Trong cùng thời gian đó, giá gạo bình quân tăng từ 128 lên 311 Mỹ kim/tấn, và giá cao nhứt 464 Mỹ kim trong 1974 (FAOSTAT, 2008). Cuộc Cách Mạng Xanh đã làm tăng sản lượng lúa trong 25 năm, nhưng đồng thời làm cho giá lúa tăng chậm, ở mức 250 Mỹ kim/tấn mà thôi, ngoại trừ những năm bị mất mùa giá gạo lên cao hơn. Năm 1986 là thời cao điểm của Cách Mạng Xanh, nên giá gạo bình quân thế giới xuống thấp nhứt, chỉ còn 188 Mỹ kim/tấn. Mãi đến năm 2001-03 giá gạo bình quân trở lại mức 222 Mỹ kim/tấn, tương đương với giá gạo cách đó 25 năm (1976) (FAOSTAT, 2008). Nếu thêm yếu tố lạm phát mỗi năm, nông dân trồng lúa ở các nước đang phát triển phải chịu biết bao thiệt thòi trong cuộc sống, vì vậy họ mãi là thành phần nghèo của xã hội dù sống tại một nước xuất khẩu gạo. Thật vậy, Thái Lan đứng hàng đầu xuất khẩu gạo thế giới hơn 7 thập niên qua, nông dân họ vẫn còn tương đối nghèo! Cho nên, nhiều nông dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ ruộng lúa qua vườn cây trái, ruộng đất trồng lúa bị công nghiệp hóa tại các nước có nền kinh tế đang phát triển mạnh. Trung Quốc đã chuyển đổi hơn 3 triệu hecta đất trồng lúa qua các sử dụng khác có lợi tức kinh tế cao hơn trong hơn 3 thập niên qua.

            Trong thời gian từ 1997 đến 2007, giá gạo trắng Thái 100% B hạng nhì (F.O.B Bangkok) đã giảm từ 317 Mỹ kim trong 1997 xuống mức thấp nhứt 177 Mỹ kim/tấn trong 2001, sau đó giá gạo bình quân tăng dần cho đến năm 2007 ở mức 334 Mỹ kim/tấn (FAO, 2008). Bỗng nhiên, trong 4 tháng đầu 2008, giá gạo tăng đột biến: 575 Mỹ kim trong tháng 2, 602 Mỹ kim trong tháng 3 và hơn 1.200 Mỹ kim vào cuối tháng 4. Do đó, có nhiều yếu tố ngoài mức cung cầu tạo nên sức ép lớn làm giá gạo thế giới tăng nhanh trong một thời gian ngắn.

             Năm 2007, sản lượng lúa thế giới đã tăng 1% so với 2006, lên 642 triệu tấn (tương đương 428 triệu tấn gạo trắng), mặc dù vụ mùa gặp thiên tai và sâu bệnh tại Bangladesh, Trung Quốc, Việt Nam và vài nước khác. Trong điều kiện bình thường, giá gạo trong 2008, nếu tăng, chỉ có thể lên cao độ 10-15% như đã thấy vài năm trước, do dự trữ gạo thế giới sút giảm từ 130 triệu tấn trong 2000-2001 xuống còn 103,6 triệu tấn trong 2007 (FAO, 2008). Trái lại, trong tháng 3-5-2008, giá gạo tăng nhanh mỗi ngày, mỗi tuần lễ; chủ yếu do tác động tâm lý khủng hoảng, gây ảnh hưởng dây chuyền từ cuộc khủng hoảng tín dụng thế giới đến đồng Mỹ kim tiếp tục mất giá (1 Euro = 1,56$ US), giá dầu thô tăng nhanh có lúc đến 140 Mỹ kim/thùng, lạm phát thế giới hoành hành, giới đầu cơ trục lợi, và hậu quả của khâu truyền thông hiện đại.

Hơn nữa, các quyết định cắt giảm xuất khẩu gạo tại Ai Cập, Ấn Độ, Brazil, Pakistan và Việt Nam làm cho giá gạo thế giới càng tăng cao nhanh thêm. Cộng đồng thế giới còn quan tâm đến các nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp khác từ các vấn đề nóng bỏng như dân số thế giới gia tăng không ngừng, quỹ đất nông nghiệp bị thu hẹp, tình trạng thay đổi khí hậu, hâm nóng toàn cầu đã được xác nhận, sản xuất nhiên liệu sinh học trong thời khủng hoảng năng lượng, và hiện tượng kinh tế bùng phát ở Ấn Độ và Trung Quốc đang tạo nên áp lực rất lớn cho viễn tượng sản xuất lương thực toàn cầu trong những tháng năm tới.

            Để đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay, trong ngắn hạn, các cơ quan quốc tế, các nước phát triển, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng thế giới cần đẩy mạnh công tác cứu đói khẩn cấp đến các nơi đang thiếu thực phẩm. Các nước xuất khẩu gạo cần ngồi lại với nhau nhằm giúp hạ nhiệt thị trường, ổn định giá cả và phân phối. Các nước đang phát triển có một số biện pháp khẩn cấp kiềm hãm giá lên cao và chuyển giao lương thực đến nơi bất ổn. Trong tầm trung và dài hạn, các nước phát triển cần giảm bớt bao cấp nông nghiệp to lớn của họ và mở cửa cho nhập khẩu nông sản từ các nước đang phát triển để giúp san bằng khoảng cách sâu đậm giữa hai thế giới này. Đây là một cơ hội tốt cho thế giới mở lại các cuộc đàm phán về chánh sách nông nghiệp đã bị ngưng trệ từ tháng 7-2006 để tìm các giải pháp hợp lý, có lợi ích cho cả nước công nghiệp và nước đang phát triển.

2.   Thời Đại Lương Thực Giá Rẻ Không Còn Nữa?

Ngành nông nghiệp cung cấp lương thực thế giới với giá cả tương đối thấp và rẻ trong nhiều thập niên qua so với các lãnh vực khác như công nghiệp, địa ốc, vận chuyển, dịch vụ…; nhờ đó, mang nhiều lợi ích cho giới tiêu thụ, nhứt là thành phần nghèo trong xã hội và người sống ở đô thị. Các chính phủ đều có chính sách giữ giá lương thực căn bản thấp và ổn định để tránh những cơn xáo trộn, bất ổn xã hội như đã thấy trong cuộc khủng hoảng lương thực thế giới hiện nay. Trong khi đó, thành phần bị thiệt thòi nhứt khi các chính phủ thi hành chính sách này, là nông dân, những người sản xuất thực phẩm phục vụ con người. Ngoại trừ nông dân tại các nước tiến bộ trở nên giàu có nhờ chính sách hỗ trợ nhà nước, còn nông dân ở các nước đang phát triển như Việt Nam, Đông Nam Á và Nam Á đa số vẫn còn sống cơ cực, nghèo khó; cho dù quốc gia họ xuất khẩu nông sản lâu đời. Đó là nghịch lý trong thời đại toàn cầu hóa hay khu vực hóa, mà các nước phát triển hiện nay cổ võ không ngừng.

            Vì thế, khi thế giới càng phát triển các khâu công nghiệp, địa ốc, dịch vụ, du lịch… ngành nông nghiệp ngày càng giảm bớt tầm quan trọng kinh tế, nhưng vẫn còn thiết yếu về chính trị và xã hội, nhứt là an ninh lương thực quốc gia. Thật vậy, theo tiến trình phát triển trên thế giới, sự đóng góp của ngành nông nghiệp vào nền kinh tế quốc gia giảm dần khi nền kinh tế trong nước lớn mạnh. Từ năm 1965 đến 2004, đóng góp của nông nghiệp vào GDP (Gross domestic product) của Trung Quốc giảm từ 37,9% xuống 13,1%, Ấn Độ từ 44,9% xuống 21,1%, Indonesia từ 56% xuống 15,4%, Malaysia từ 28,8% xuống 9,5%, Đại Hàn từ 39,4% xuống 3,7%, Philippines từ 25,9% xuống 13,7%, Thái Lan từ 31,9% xuống 10,1% và Brazil từ 18,7% xuống 10,4%. Riêng nước Mỹ từ 1974 đến 2004 giảm từ 4,3% xuống dưới 1% và Việt Nam từ 1985 đến 2006 giảm từ 40,2% xuống 20,4% (WRI, 2007 và Tổng cục Thống kê, 2006).

Một điều hiển nhiên là ngành nông nghiệp thường mang lợi tức đến nông dân kém hơn các ngành nghề khác vì sản xuất kém hữu hiệu và chính sách nhà nước; nhưng ngành này cung cấp quan trọng nguồn thực phẩm, lợi tức, việc làm và nguồn đầu tư cho đa số quần chúng nông thôn. Vì thế, các nước tiến bộ đã có chính sách hỗ trợ nông nghiệp to lớn để sản xuất lương thực giá rẻ cho giới tiêu thụ trong nước, đồng thời hỗ trợ nông dân có lợi tức hàng năm cao để san bằng giai cấp xã hội và đáp ứng yêu cầu chính trị trong nước. Trong khi các nước đang phát triển không có đủ khả năng tài chánh để làm như vậy đến nơi đến chốn; cho nên thành phần nông dân luôn bị bỏ quên, có đời sống thấp kém hơn các ngành phi nông nghiệp. Thách thức lớn nhứt cho các nước này là làm sao tăng năng suất, lợi tức và sự bền vững cho nông nghiệp để góp phần hữu hiệu cho nền kinh tế quốc gia, giảm thiểu nghèo khó, bảo đảm an ninh lương thực căn bản, đời sống lành mạnh và sử dụng lâu dài nguồn tài nguyên thiên nhiên. Vấn đề bao cấp nông nghiệp không công bình dù đã sản xuất lương thực giá rẻ, nhưng đã tạo ra chênh lệch giàu nghèo giữa các nước trên thế giới ngày càng lớn thêm.

            Ở mỗi nước, chính sách bao cấp luôn không minh bạch, được che giấu dưới nhiều hình thức, ngay cả tại các nước công nghiệp giàu có. Chánh sách nông nghiệp ở 30 nước giàu trên thế giới, gọi là Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển OECD (Organization for Economic Co-operation and Development), luôn tiếp tục chuyển một số tiền khổng lồ đến các nhà sản xuất để giúp họ tồn tại, đồng thời sản xuất lương thực giá rẻ, nâng cao đời sống nông dân bắt kịp người thành thị, và đồng thời tạo nên phong cảnh thiên nhiên, không gian an lành cho xã hội. Trong năm 2004, số tiền bao cấp cho nông nghiệp thế giới lên đến 279,5 tỉ Mỹ kim (hay 30% tổng lợi tức nông nghiệp), trong đó Liên Âu chi 133,4 tỉ (33% tổng lợi tức nông nghiệp), Mỹ 46,5 tỉ (18%), Nhựt 48,7 tỉ (56%), Đại Hàn 19,8 tỉ (63%) và Úc 1,1 tỉ Mỹ kim (4% tổng lợi tức nông nghiệp) (Griswold et al., 2005). Hơn nữa, nhờ chính sách hỗ trợ này mà nền nông nghiệp của các nước giàu trong khối OECD đã phát triển liên tục về phương diện kỹ thuật, quản lý và gia tăng hiệu năng cùng chất lượng.

Tại Hoa Kỳ, chánh sách bao cấp nông nghiệp được thực hiện bởi các luật lệ đặt ra kể từ năm 1933 (Agicultural Adjustment Act), nhằm khuyến khích phát triển các nông trại lớn. Từ 1996 đến 2002, số tiền bao cấp trung bình hàng năm độ 16 tỉ Mỹ kim theo báo cáo chính thức của chính phủ. Chương trình hỗ trợ nông nghiệp của Mỹ đã cấp cho nông dân một số tiền mặt và bảo đảm giá sàn hay giá tối thiểu cho nông sản, không kể đến bao cấp xuất khẩu. Các nông sản được bao cấp gồm có ngũ cốc chăn nuôi, lúa mì, lúa gạo, bông vải, thuốc lá, sữa, thịt, đậu nành, cây có dầu, đậu phọng, đường, mật, lông cừu, sản phẩm dầu thực vật và các hoa màu khác. Chẳng hạn đối với lúa gạo, Mỹ đã chi 1,3 tỉ Mỹ kim cho hỗ trợ lợi tức nông dân trong 1999 - 2000, khi trị giá tổng sản lượng lúa gạo sản xuất trong thời gian này là1,2 tỉ Mỹ kim. Kết quả của chương trình này đã làm sản xuất nông phẩm dư thừa, giá thức ăn hạ thấp, do tiền trả cho nông dân luôn cao hơn giá của thị trường tự do. Cho đến 2007, giới tiêu thụ chi tiền cho lương thực hàng ngày ít hơn trước kia. Năm 1929, trước khi nông nghiệp được trợ cấp, người Mỹ dành 23,9% lương của họ cho thức ăn, đến 1997 chỉ còn 10,7% mà thôi; nhưng họ phải chi phí nhiều hơn cho các dịch vụ khác như nhà cửa, di chuyển, giải trí… (Wikipedia, 2007).

Liên Âu đã thiết lập Chính sách Nông nghiệp chung còn gọi là CAP (Common Agricultural Policy) từ đầu thập niên 1960s nhằm bảo vệ biên giới và tạo ra cơ chế bao cấp cho nông nghiệp. Để tránh thiếu thực phẩm, Liên Âu thực hiện chính sách tiến đến tự túc và bảo vệ thị trường nội địa ổn định. CAP bảo trợ nông nghiệp qua ba hình thức: hỗ trợ giá nội địa, bao cấp xuất khẩu và giúp đỡ trực tiếp (cấp tiền) để đền bù lợi tức bị mất mát. Chẳng hạn, mỗi con bò sữa nhận được bao cấp đến 2,70 Mỹ kim mỗi ngày, nghĩa là hơn gấp đôi lương một ngày của một nông dân nghèo. Do đó, Liên Âu sản xuất sữa bột dư thừa nên phải xuất khẩu với giá rẻ, làm ảnh hưởng không ít đến ngành sản xuất sữa bột tại một số nước đang phát triển như Ấn Độ, Jamaica… (Sharma, 2003). Cũng vậy đối với trường hợp mía đường và một số nông sản khác (Oxfam, 2002).

Nhựt Bổn có chương trình bao cấp nông nghiệp lớn không ngờ. Họ hỗ trợ cho ngành nông nghiệp lớn hơn sự đóng góp của ngành này vào nền kinh tế quốc gia. Trong năm 2000, tổng số tiền bao cấp cho nông nghiệp chiếm 1,4% GDP, khi ngành này chỉ góp vào 1,2% của GDP (Griswold et al., 2005). Chẳng hạn, chính phủ mua lúa gạo từ nông dân với giá gấp 7-8 lần cao hơn thị trường thế giới. Vì thế, mọi người đua nhau sản xuất lúa, nhưng đa số nông dân chỉ là những người thành thị làm nghề nông bán thời gian. Chính sách bao cấp của Nhựt không làm giảm các hộ nông dân nhỏ, ngược lại còn gia tăng thêm. Khi đến xứ Nhựt chúng ta vẫn còn thấy những ruộng lúa nhỏ độ vài trăm m2 và có khi nằm rải rác trong các thung lũng cao, trên đồi núi ở các vùng xa xôi.

Một nghiên cứu của IMF (Paiva,2005) cho biết những nước giàu có với lợi tức mỗi đầu người lớn hơn 10.000 Mỹ kim mỗi năm có khuynh hướng ít nhập khẩu hàng hóa nông nghiệp hơn mong đợi, vì họ điều tiết các giao dịch thương mại. Hơn nữa, các nước thuộc NAFTA (North American Free Trade Agreement) và Liên Âu còn xuất khẩu nông sản nhiều hơn các nước đang phát triển vì sự hỗ trợ to lớn cho các hoạt động nông trại. Các nước kỹ nghệ lại có khuynh hướng trao đổi các nông sản với nhau, qua các thỏa hiệp cho hàng rào quan thuế thấp hoặc không thuế, đặc biệt ở các nước Liên Âu.

Những nước đang phát triển cũng có chương trình bao cấp cho nông nghiệp, nhưng  chỉ độ 10% trị giá tổng sản lượng nông nghiệp quốc gia hoặc ít hơn. Theo báo cáo trong 1996, Brazil trợ cấp 3.235 triệu Mỹ kim, Thái Lan 2.616 triệu Mỹ kim, Venezuela 1.450 triệu Mỹ kim, Nam Phi 1.179 triệu Mỹ kim và Colombia 723 triệu Mỹ kim (Centad, 2007).

            Do các chương trình hỗ trợ nông nghiệp vĩ đại, giá lương thực tại các nước công nghiệp luôn ở mức thấp. Chẳng hạn ở Mỹ, theo thống kê của Tổ chức FAO, giá cả (người sản xuất) của một số nông phẩm chủ yếu trong thời gian 15 năm qua (1991-2005) tăng tương đối ít, như thịt bò (24%), thịt gà (38%), sữa (23%), khoai tây (39%), lúa mì (15%), và táo (8%); nhưng không thay đổi hoặc có khuynh hướng giảm đôi chút như: bắp, cam, gạo, đậu nành và đường. Ở các nước đang phát triển, cũng có cùng khuynh hướng giá cả như thế. Tại Thái Lan, giá của một số nông sản như thịt bò, thịt gà, sữa, bắp, gạo, đậu nành, đường dường như không thay đổi nhiều; nhưng đậu nành, khoai tây, cam có khuynh hướng thuyên giảm chút ít trong nhiều năm (FAOSTAT, 2008). Nếu kể thêm yếu tố lạm phát mỗi năm, sản xuất của nông dân tại các nước đang phát triển bị thiệt thòi rất nhiều khi so sánh với các ngành nghề khác, vì họ không nhận được sự hỗ trợ cần thiết của chính phủ để theo kịp người thành thị như các nước giàu có đang làm.

Nếu vì lý do nào đó sự hỗ trợ cho nông dân không còn ở mức độ ngày nay, nền nông nghiệp của các nước phát triển sẽ suy giảm mau lẹ do giá thành quá cao, khó cạnh tranh với các nước đang phát triển, dù trình độ kỹ thuật, khả năng quản lý sản xuất rất cao; đồng thời giá lương thực sẽ lên cao hơn mức hiện nay. Nông nghiệp là nguồn kinh tế chính của nhiều nước đang phát triển, cho nên họ đã và đang phản đối chương trình trợ cấp nông nghiệp của các nước giàu mạnh trên diễn đàn quốc tế. Theo nghiên cứu của Ngân Hàng Thế giới, nếu bao cấp hoàn toàn bị bãi bỏ ở các nước giàu có, thương mại nông nghiệp sẽ tăng 17% và xuất khẩu nông nghiệp của các nước có lợi tức thấp và trung bình có thể tăng 24%; cho nên, tổng số lợi tức hàng năm của các nước này có thể tăng đến 60 tỉ Mỹ kim hay độ 6% (Centad, 2007).

Vì thế, Thỏa Hiệp Tổng Thể Mậu Dịch và Thuế Khóa còn gọi GATT (General Agreement on Trade and Tariffs) đã được khởi sự từ năm 1947 về các vấn đề trao đổi thương mại thế giới, nhưng việc thảo luận chỉ thật sự bắt đầu tại xứ Uruguay, Nam Mỹ từ năm 1986, được gọi là Vòng Uruguay và cuối cùng đồng ý chấp thuận vào 1992. Hiệp Ước này được 117 quốc gia ký kết ở Marakette, Ma rốc vào ngày 15-4-1994, với mục đích chính nhằm giảm thiểu bao cấp nội địa, cải thiện thương mại, giảm bớt cạnh tranh xuất khẩu và chấp nhận biện pháp kiểm tra vệ-sinh thảo mộc. Hiệp Ước này nay trở thành Tổ chức Thương mại Thế giới WTO (World Trade Organization) có trụ sở trung ương tại Geneva, Thụy Sĩ.

Vào tháng 11 năm 2001, cuộc Họp cấp Bộ Trưởng Thương Mại lần Thứ Tư ở Doha, xứ Qatar (hay Vòng Đàm Phán Doha) đã chấp thuận cuộc thương thuyết về một số vấn đề, trong đó có nông nghiệp và dịch vụ đã khởi sự từ 2000. Tại Doha, các Bộ Trưởng cũng chấp nhận những vấn đề khó khăn xảy ra cho các nước đang phát triển trong khi thi hành các thỏa hiệp WTO. Sau đó, vấn đề bao cấp nông nghiệp được các cuộc Họp cấp Bộ Trưởng thảo luận tiếp theo rất gay go ở Cancún (Mexico) trong 2003, Geneva (Thụy Sĩ) trong 2004, và Hồng Kông trong 2005 để đạt đến thỏa thuận một nền thương mại quốc tế công bình, có lợi cho cả các nước đang phát triển và phát triển; nhưng họ chưa đạt được kết quả mong muốn.

Ba nước Brazil, Trung Quốc và đặc biệt Ấn Độ đã đứng ra đại diện cho thế giới đang phát triển để đòi hỏi các nước công nghiệp giảm bớt bao cấp trong ngành nông nghiệp nhằm tạo thế cạnh tranh công bằng quốc tế; nhưng các nước giàu mạnh này chống đối mãnh liệt. Hội Đồng Khoáng Đại của WTO vào ngày 27-28 tháng 7 năm 2006 đã đồng ý đề nghị của Tổng Giám Đốc Pascal Lamy tạm ngưng cuộc hội nghị đàm phán Doha vì các bất đồng trong vấn đề nông nghiệp còn quá lớn. Tất cả sự khó khăn nêu trên đã phản ánh sự kiên trì của các nước giàu OECD trong bao cấp nông nghiệp. Vấn đề bao cấp là sự sống còn của nền nông nghiệp tại các nước này, cho nên họ không thể nhượng bộ một cách mau lẹ và hoàn toàn, vì các thế lực chính trị bản xứ hãy còn lớn mạnh.

Dưới sức ép của cuộc khủng hoảng lương thực thế giới đang xảy ra, ngày 21-7-2008 vừa qua, các Bộ trưởng thương mại của 35 quốc gia lại nhóm họp tại trụ sở WTO để tiếp tục thương lượng về tự do hóa thương mại các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp trong khuôn khổ vòng đàm phán Doha, với hy vọng sẽ khai thông khó khăn để đạt được kết quả cụ thể. Thông tin mới nhứt gần đây cho biết EU và Mỹ có thể đồng ý cắt giảm trợ cấp nông nghiệp (khoảng 60-70% mức hiện hữu) và các nước đang phát triển phải tháo gở bớt hàng rào thuế quan cho các sản phẩm phi nông nghiệp; nhưng cuối cùng họ gặp phải khó khăn mới về cơ chế bảo vệ đặc biệt đối với một số mặt hàng nông sản đòi hỏi bởi một số nước đang phát triển. Vì vậy, một lần nữa vòng đàm phán Doha đã kết thúc mà không có một hiệp định chung.

Hiện nay “công thức Thụy Sĩ” về bao cấp nông nghiệp đang được nhiều nước chú ý và thảo luận, trong đó hỗ trợ nội địa giảm xuống đến mức bằng 5% trị giá của tổng sản xuất nông nghiệp cả nước. Mỹ đã hứa sẽ tiến đến công thức này, còn Liên Âu và Nhựt Bổn cố bảo vệ bao cấp qua cổ súy giá trị đa năng của nền nông nghiệp. Riêng Liên Âu có đề nghị (còn các hội viên chấp thuận) giảm trả tiền trực tiếp cho nông dân 3% mỗi năm cho đến tổng cộng 20%. Đề nghị này cũng chỉ nhằm ấn định trả tiền trực tiếp đến 300.000 euros cho mỗi nông trại!

            Nhưng, thế giới hiện xảy ra cuộc khủng hoảng tín dụng, làm suy thoái sức mạnh của nền kinh tế Mỹ và đồng Mỹ kim; vì thế giá dầu thô tăng cao không phanh, làm tăng giá các khu vực liên hệ, trong đó có các loại thực phẩm chủ yếu trên thế giới. Kể từ giữa năm 2007, giá lương thực lên cao bất bình thường, phần lớn do tâm lý hoảng hốt của giới tiêu thụ và nạn đầu cơ thương mại, tạo ra cuộc khủng hoảng lương thực hiếm thấy trên thế giới. Với sự can thiệp của cộng đồng quốc tế và các biện pháp xử lý mạnh tạm thời trong các quốc gia liên quan, giá thực phẩm không còn tăng cao đột ngột mỗi ngày, có vẻ ngưng lại để trở về giá trị hợp lý của chúng theo phản ứng kinh tế thị trường; nhưng chắc là không thể trở về ngay vị trí cũ của năm qua, vì các vật tư đều tăng giá do giá dầu tăng và nạn lạm phát còn đó. Ngoại trừ trường hơp có sự can thiệp mạnh của các nước giàu với các biện pháp hỗ trợ mà thôi, và nếu nông nghiệp được mùa trong nhiều năm liên tiếp sắp tới. Thời đại lương thực giá rẻ vẫn còn nằm trong tay các nước phát triển, và tùy thuộc vào chính sách, quản lý thị trường của các nước đang phát triển đối với quyền lợi nông dân và giới tiêu thụ nghèo (đa số là nông dân).

Trên thị trường thế giới, giá gạo đã giảm xuống khoảng 600-700 Mỹ kim/tấn vào tháng 7-2008. Tại các siêu thị vùng Little Saigon, Cali (Mỹ) giá gạo đã tăng độ 80-100% so với đầu năm và còn giữ ở mức này trong tháng 7-2008, sau một đợt biến động ngắn. Tại Việt Nam, do tin đồn đãi giá gạo bổng nhiên tăng đột biến trong 2 ngày cuối tháng 4-2008, sau đó với sự can thiệp mạnh của nhà nước, giá ngừng lại và giảm xuống ít nhiều, nhưng chưa trở lại mức trước khi có cuộc khủng hoảng lương thực thế giới. Giá gạo thông dụng trước là 8.500-9.000$/kg, nay ổn định lên 12.000-13.000$, gạo thơm Thái Lan Khao Dawn Mali từ 15.000 lên 20.000$ hoặc hơn. Tuy nhiên, giá phân nhập khẩu vẫn còn lên cao. Do đó, cần phải có cơ chế ấn định hệ số cân bằng giữa giá phân và giá lúa khi có biện pháp ổn định giá cả thị trường, nhằm để bảo vệ lợi tức của nông dân và giới tiêu thụ nghèo. 

            Cần nhắc lại vào năm 1973-74, thế giới có cuộc khủng hoảng năng lượng vì lạm phát cao, Mỹ kim giảm giá, giá dầu thô tăng; làm giá lương thực thế giới tăng lên cao như hiện nay. Chẳng hạn, giá gạo Thái lúc bấy giờ bình quân tăng lên cao nhứt là 750 Mỹ kim mỗi tấn gạo (gạo thơm đến 1.400 Mỹ kim). Trong 1974, nạn đói đã gây thiệt mạng đến 1,5 triệu người ở nước Bangladesh (Quddus and Becker, 2000). Nhưng sau khi cuộc khủng hoảng đi qua, giá thực phẩm trở về vị trí cũ - thấp và rẻ cho đến năm 2007, vì vào lúc đó cuộc Cách Mạng Xanh đang bành trướng, sản xuất nông sản tăng mạnh trên thế giới, và đồng thời các nước công nghiệp tiếp tục đẩy mạnh chính sách trợ cấp nông nghiệp cho đến nay. Giá gạo bình quân trở lại khoảng 250-350 Mỹ kim/tấn cho đến 2007, nông dân trồng lúa bị thiệt thòi.

Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng lương thực thế giới hiện nay, có lẽ thời đại thực phẩm giá rẻ không còn nữa sau hơn nhiều thập niên các nước phát triển xem nhẹ tầm quan trọng của ngành nông nghiệp, trong khi theo đuổi tiến trình công nghiệp hóa và thực hiện chính sách bao cấp hỗ trợ nông dân từ khâu sản xuất đến thị trường xuất khẩu. Hy vọng rằng sau cuộc khủng hoảng này, các nước công nghiệp sẽ thay đổi phần nào quan niệm về một nền thương mại quốc tế công bình, có lợi cho cả các nước đang phát triển và phát triển trong thời đại toàn cầu hóa hợp lý. Hiện nay, thế giới chưa thấy xuất hiện cuộc Cách Mạng Xanh khác và chính sách trợ cấp nông nghiệp của các nước giàu này đang bị thế giới chỉ trích ngày càng nhiều. Vì thế, ngày 29-4-2008, Ông Jacques Diouf, Tổng Giám Đốc Tổ chức FAO đã kêu gọi thế giới phải biết tận dụng cơ hội này để trợ giúp nông dân ở các nước đang phát triển, những đối tượng từng phải gánh chịu tình trạng giá lương thực rẻ mạt, tránh rơi vào hoàn cảnh tương tự trong tương lai. Đây là thời điểm thích hợp để khởi động ngành nông nghiệp và thế giới đừng để lỡ mất cơ hội này.    

3.   Cần Tư Duy Mới Về Vai Trò Nông Nghiệp Trong Thế Kỷ 21

Từ buổi sơ khai, nền nông nghiệp đã giúp cho nhân loại không còn sinh sống theo lề lối du mục, có cơ hội định cư lâu dài trên đất cao, thung lũng, đồng bằng ven sông biển; tạo nên các nền văn hóa đặc thù của nhiều dân tộc. Sự thịnh vượng của nông nghiệp kéo dài hàng ngàn năm, chỉ bị cạnh tranh khi nền công nghiệp bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ 18. Đầu thế kỷ 20, tầm quan trọng kinh tế của nông nghiệp bị sút giảm dần và bị lấn áp không ngừng từ giữa thế kỷ 20 đến nay. Cuộc khủng hoảng lương thực thế giới hiện nay, một phần do hậu quả nêu trên, đang đánh thức lương tâm con người và những quốc gia do chánh sách nhà nước đã quên lãng sự đóng góp quan trọng của ngành này vào thịnh vượng xã hội. Với thời gian, vai trò của nền nông nghiệp đã tiến hóa đáng kể trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội đất nước; do đó, cần xác định lại cho đúng vị trí của ngành này tương quan với các vấn đề nhạy cảm về an ninh lương thực, phát triển kinh tế quốc gia và đời sống nông dân của các nước đang phát triển trong thời đại toàn cầu hóa.

Về an ninh lương thực, vai trò của nền nông nghiệp thế giới trong thế kỷ 21 không còn giống như thế kỷ trước, hoặc khác xa hơn với những thế kỷ trước kia; nhưng tư duy của nhiều nhà làm kế hoạch tại các nước đang phát triển vẫn chưa thay đổi nhiều để bắt kịp đà tiến hóa này. Chẳng hạn, họ vẫn giữ quan niệm về một nền nông nghiệp luôn đóng góp vai trò tối quan trọng trong chính sách an ninh lương thực quốc gia. Thật ra, vấn đề an ninh lương thực không chỉ là vấn đề sản xuất thật nhiều và đầy đủ nhằm thỏa mãn nhu cầu trong nước, mà theo kinh nghiệm phần lớn do ở khâu quy hoạch, tổ chức và phân phối địa phương, ngoài vấn đề chất lượng. Các cuộc khủng hoảng lương thực thế giới đã qua và hiện tại chứng minh điều đó. Trong tháng 3-5/2008 vừa qua, Việt Nam, Pakistan, Mỹ (Cali) và Ai Cập là những nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, nhưng vẫn có những cơn sốt ảo địa phương về thiếu ltương thực, mặc dù các nước này vẫn còn gạo đầy ấp kho dự trữ. Năm 1945, nạn đói lớn xảy ra ở Miền Bắc trong khi thực dân Pháp lo dự trữ gạo cho chiến lược sắp tới, dùng lúa gạo thay thế than đá chạy nhà máy điện và sản xuất rượu thay để thay thế xăng ở Miền Nam. Ở vùng vịnh Bengal, nạn đói kinh khủng xảy ra tại xứ Bangladesh trong năm 1974 là do sự phân phối thực phẩm không hữu hiệu và nạn đầu cơ hoành hành trong nước này. Do đó, vấn đề phân phối thực phẩm và quản lý thị trường là nguyên nhân cơ bản của các cuộc khủng hoảng lương thực, bên cạnh vấn đề sản xuất địa phương. Trong khi đó, nhiều nước công nghiệp sản xuất lúa gạo ít hơn nhu cầu nội địa như Liên Âu, Malaysia,  Brazil… vẫn có đủ lúa gạo tồn kho cho an ninh lương thực quốc gia và không thấy xuất hiện hiện tượng cơn sốt ảo xảy ra trong cuộc khủng hoảng lương thực thế giới hiện nay.

Tại Việt Nam, sự phát triển kinh tế quốc gia không còn ở nông thôn, do đó tầm quan trọng của ngành này giảm dần. Như đã nêu trên, tỉ trọng nông nghiệp đóng góp vào tổng sản lượng quốc gia đã giảm từ 40,2% trong 1984 xuống 20,4% trong 2006. Cho nên, nếu vẫn muốn ngành này giữ vai trò quan trọng trong an ninh lương thực, cần phải có lối suy nghĩ và tầm nhìn mới đối với nền nông nghiệp để tránh những thiệt thòi cho các vùng đất thích hợp cho sản xuất trong nước, như đồng bằng sông Cửu Long. Trên thế giới, trong điều kiện bình thường hiện nay không có nước nông nghiệp nào hoặc vùng nông nghiệp nào trở nên giàu mạnh mà không được hỗ trợ thỏa đáng. Trong những năm gần đây, Việt Nam xuất khẩu nhiều thủy sản, gạo và cây công nghiệp, thu hoạch ngoại tệ nhiều tỉ Mỹ kim mỗi năm; nhưng nông dân liên hệ không được hưởng lợi ích tương xứng.

Nông dân giàu nghèo không hẳn do khả năng sản xuất nông sản của người sản xuất, mà phần lớn trên thực tế do các chánh sách hỗ trợ quốc gia. Thật vậy, nông dân của các nước công nghiệp đều giàu có, với mức sống tương đương hoặc hơn các thành phần khác ở đô thị, vì họ nhận hỗ trợ to lớn từ chính phủ qua nhiều hình thức khác nhau. Tại các nước đang phát triển, đa số nông dân vẫn còn sống nghèo khó so với người thành thị, chỉ vì họ không nhận được sự hỗ trợ và phân phối lợi tức tương xứng của nhà nước. Dù kém về phương tiện sản xuất, họ vẫn có trình độ sản xuất nông nghiệp có thể so sánh với các nước tiến bộ, chủ yếu trong ngành sản xuất lúa gạo, rau hoa quả, chăn nuôi, đánh bắt cá, cho dù đất nước họ thuộc vùng nhiệt đới kém ưu thế về khí hậu so với các nước phát triển ở vùng ôn đới.

Trong kỷ nguyên công nghiệp hóa, nghề nông nghiệp không thể làm cho người sản xuất ở nông thôn giàu mạnh tại các nước đang phát triển, vì thiếu chính sách hỗ trợ hữu hiệu của nhà nước. Đó là chưa nói đến các khó khăn và nhiều nghịch lý thường chứng kiến ở nông dân các nước nghèo: (1) nhiều nông dân không đủ đất đai canh tác, thiếu vốn liếng để sản xuất và áp dụng kỹ thuật tiến bộ, (2) giá cả thành phẩm luôn bị động bất kể giá thành cao, (3) vai trò nông dân trong xã hội còn bị xem nhẹ so với các nước tiền tiến, và (4) chính sách nông nghiệp còn bất cập, kỳ thị (ngân sách phát triển nông nghiệp thấp, những xứ có truyền thống nông nghiệp lâu đời, nhưng không đủ phân bón, thuốc sát trùng… để sản xuất!).

Phi nông bất ổn? Nhiều người còn nghĩ rằng chỉ có nông nghiệp mới giúp sự phát triển kinh tế xã hội bền vững. Đây là quan niệm xưa của những thế kỷ trước khi ngành nông nghiệp còn đóng vai trò tối quan trọng trong nhiều quốc gia đang phát triển, nhứt là vào thời kỳ nhứt nông nhì sĩ. Cho dù nền nông nghiệp vẫn vững bền hàng thế kỷ, đời sống của nông dân không còn mãi thịnh vượng với thời gian; trái lại trong nhiều thập niên qua cuộc sống họ xuống cấp dần cho đến mức nghèo khó hiện nay so với các ngành nghề khác. Trong khi đó, khâu công nghiệp tiến hóa mạnh và chiếm lĩnh ưu thế trong vai trò phát triển kinh tế quốc gia, nền nông nghiệp cổ truyền vô tình bị quên lãng trong các chính sách quốc gia. Chỉ có sự bền vững của chính bản thân nền nông nghiệp là đáng chú ý tới trong các chính sách phát triển nông nghiệp để tránh ô nhiểm môi trường, xói mòn di truyền và bảo tồn văn hóa bản xứ.

Vì vậy, tại một nước đang phát triển, hơn lúc nào hết cần có những tư duy và tầm nhìn mới về sự tiến hóa và phát triển nông nghiệp quốc gia trong điều kiện toàn cầu hóa, thay đổi khí hậu, khủng hoảng lương thực và năng lượng thế giới, đặc biệt tại các quốc gia còn thiên nhiều về nông nghiệp, với mục đích xóa đói giảm nghèo ở nông thôn vùng xa, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, và tạo cơ hội cho sự phát triển kinh tế xã hội đồng đều cả nước, như đang thấy tại các nước phát triển. Tóm lại, các nước này phải chú trọng đến các lãnh vực chủ yếu như sau:

            (1)  Chính sách và qui hoạch thích hợp là vấn đề ưu tiên để phát huy kích thích một nền nông nghiệp cạnh tranh. Để tạo một thế đứng vững mạnh trên thị trường thế giới, nền nông nghiệp cần phát triển ưu thế nội lực của mình và giảm bớt thế yếu, qua các qui hoạch chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp thích ứng. Cần có chính sách vĩ mô cơ bản được thực hiện đồng bộ, lâu dài nhằm tăng gia hỗ trợ nhà nước cho nông nghiệp, đầu tư, thu hút doanh nghiệp về nông thôn; quy hoạch tốt hơn và tổ chức sản xuất hữu hiệu có tính chất kinh tế cao như từng thấy ở Malaysia và Trung Quốc.

 (2) Cần phát triển nhiều hơn các kết cấu hạ tầng cơ sở ở nông thôn; nhứt là các vùng núi, cao nguyên, vùng xa. Tại nhiều nước kém mở mang, hạ tầng cơ sơ của vùng sản xuất nông nghiệp (điện, nước, cầu, đường, trường học, trạm y tế, viễn thông…) còn rất yếu kém so với các miền khác, mặc dù vùng này cung cấp sản xuất và xuất khẩu lương thực chủ yếu của nước cũng như đóng góp vào phát triển kinh tế quốc gia không nhỏ.

            (3)  Vấn đề nhân sự là đầu máy hướng dẫn khả năng cạnh tranh, cho nên cần đẩy mạnh phong trào đổi mới tư duy về quản lý, phương thức sản xuất theo kinh tế thị trường; tăng tốc và ưu tiên đặc biệt cho công tác đào tạo nhân lực chuyên môn cho qui hoạch, quản lý, nghiên cứu, sản xuất và thị trường. Cần huấn luyện nông dân với kỹ thuật tiến bộ và chuyển đổi nghề nghiệp khi cần.

(4) Cần cải tiến sản xuất nông nghiệp với hiệu năng, chất lượng và sức cạnh tranh cao; đồng thời phải tổ chức quản lý hữu hiệu về biến chế, tồn trữ; đặc biệt lưu ý đến công tác phân phối thực phẩm, quản lý thị trường để tránh các bất ổn xã hội ảo.

Với tình trạng sản xuất manh mún hiện nay, cần có chính sách vĩ mô về tích tụ đất đai cho sản xuất cơ giới, nhằm phục vụ phát triển sản xuất hàng hóa nông thôn, tăng cao năng suất và sức cạnh tranh lớn. Cần có chính sách phát triển nhiều hơn các nông trại nhỏ và trung bình (từ 10-50 ha).

Cần thúc đẩy các hoạt động hợp tác xã và tổ chức nông dân hữu hiệu hơn, chú trọng đến các dịch vụ và hình thức sản xuất làm giảm bớt các tầng lớp trung gian trục lợi giữa nông dân và thị trường tiêu thụ để tránh cho họ không bị thiệt thòi về giá cả nông sản tại nơi sản xuất.

            (5)  Mở rộng thị trường nông nghiệp là yếu tố kích thích sản xuất trong nước. Các chương trình phát triển nông nghiệp cần thực hiện với chu kỳ khép kín từ sản xuất đến biến chế, bảo quản và thị trường. Chẳng hạn, giải quyết đầu ra mau lẹ, hữu hiệu, với các phương thức cấp tiến hơn như - Liên kết nông trại với các thị trường tiêu thụ như siêu thị để phát triển tiềm năng thị trường nội địa, đồng thời xâm nhập vào thị trường thế giới. Cần thường xuyên tổ chức các cuộc điều nghiên thị trường thế giới.

            (6)  Vấn đề đa dạng hóa nông nghiệp cũng cần chú ý để tránh gây khó khăn cho thị trường dao động thường xảy ra. Những nước xuất khẩu gạo cần đặt lại mục tiêu nhằm bảo đảm an ninh lương thực hơn kiếm ngoại tệ, vì hàng triệu người tập trung sản xuất lúa để mang về một số ngoại tệ giới hạn hàng năm, kể ra đã phung phí quá nhiều sức lao động, thời gian và đầu tư. Vì vậy, cần phải đa dạng hóa ngành trồng lúa đặc biệt ở vùng nông nghiệp tập trung để dành đất đai cho các hoa màu có giá trị cao, chăn nuôi, thủy sản, biến chế và công nghiệp hóa.

Cần công nghiệp hóa nông thôn, phát triển dịch vụ và đô thị hóa để chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở làng xã. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay đang mở ra một thị trường mới – đó là nhiên liệu sinh học, cơ hội ngàn vàng cho các nước nông nghiệp muôn đời muốn đổi mới để phát triển.

            (7)  Phát triển và củng cố khu vực nghiên cứu và khuyến nông để cải tiến chất lượng nông sản và hạ giá thành sản xuất hầu nâng cao lực cạnh tranh. Ngành khảo cứu chú trọng nhiều hơn về cải tiến di truyền. Các kỹ thuật nông nghiệp tiến bộ đã có sẵn trên thế giới, chỉ cần thử nghiệm địa phương, áp dụng và phổ biến; đáng kể hơn hết là kỹ thuật thu hẹp khoảng cách giữa năng suất của nông dân và trung tâm thí nghiệm, công nghệ nông nghiệp chính xác hoặc Kiển Tra Màu và công nghệ sinh học ứng dụng.

(8)  Chương trình tín dụng nông thôn cần hữu hiệu hóa, chẳng hạn đường lối cung cấp vi tín dụng cho người nghèo, không ruộng thế chấp của Ngân hàng Grameen ở Bangladesh (Giải Nobel Hòa Bình 2006) cần được khuyến khích và áp dụng sâu rộng trong nước để giúp nông dân nghèo, vùng xa có vốn liếng phát triển sản xuất. Ngoài ra, cung cấp tín dụng còn phải nhằm đảm bảo đầu ra hợp lý, tránh các giới trung gian thao túng bốc lột nông dân. Hũ tục bán lúa non còn hoành hành ở thôn ấp, gây áp lực cho người nghèo.

 (9)  Cải tiến và phát triển hệ thống thông tin nông nghiệp với áp dụng công nghệ tin học để giúp qui hoạch hữu hiệu, chính xác cho các khâu tiên đoán, sản xuất, tiêu thụ, giao dịch nông sản nội địa và quốc tế, đồng thời cung cấp cho nông dân các thông tin thị trường cập nhựt và đúng đắn để tránh giới trung gian thao túng ở thôn ấp. Do đó, cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để sớm đưa các công nghệ thông tin, thời đại vi tính về thôn ấp.

(10) Vấn đề bền vững nông nghiệp liên kết với công nghiệp hóa và đô thị hóa nông thôn cần được dành ưu tiên cao hơn để tránh tạo ra ô nhiễm môi trường, xói mòn gien và bảo tồn tài nguyên và văn hóa dành cho thế hệ mai sau.

Tóm lại, trong thời hội nhập kinh tế thế giới, nền nông nghiệp các nước đang phát triển không những hướng về cải tiến năng suất để tăng gia sản lượng, còn phải chú trọng đến phân phối thực phẩm, nâng cao hiệu năng kinh tế, chất lượng, lợi thế cạnh tranh, môi trường lành mạnh và đời sống phồn vinh nông thôn. Do đó, các chính sách thích nghi và hỗ trợ nông dân thích đáng sẽ giúp củng cố vai trò truyền thống quan trọng nông nghiệp, qua đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế quốc gia cũng như góp phần đảm bảo an ninh lương thực, phong phú nền văn hóa, và bền vững phát triển trong thế kỷ 21.    

Trần Văn Đạt, Ph. D.
01-08-2008

 Tài liỆu tham khảo:

1.      Centad (Centre for Trade and Development), 2007. Agricultural subsidies: Facts and figures. Newsletter, March 22, 2007

2.      FAOSTAT, 2008. FAO statistics: Production

3.      Griswold, D., Slivinski, S. and Preble, C. 2005. Ripe for reform: Six good reasons to reduce US farm subsidies and trade barriers. Trade Policy Analysis No. 30, CATO Institute, 19 pages. 

4.      Oxfam, 2002. Stop the dumping! How EU agricultural subsidies are damaging livelihoods in the developing world. Oxfam Briefing Paper, No. 31

5.      Paiva, C. 2005. Assessment protectionism and subsidies in agriculture: A gravity approach. IMF Workig Paper,  WP/05/21, 17 pages.

6.      Quddus, M. and Becker, C. 2000. Speculative price bubble in the rice market and the 1974 Bangladesh famine. J. of Economic Development, vol. (2) Dec. 2000.

7.      Sharma, D. 2003. Protecting agriculture: “Zero-Tolerance” on farm subsidies. Global Policy Forum, New York,

8.      Tổng cục Thống kê (GSO). 2006.

9.      Wikipedia. 2007. Agricultural subsidy. Wikipedia, the free encyclopedia

10.  WRI (World Resources Institute). 2007. GDP: Percent GDP from agriculture. Earth Trends: Economics, Business, and the Environment,

 

 

 

 

This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free