Huy Lữ TRẦN VĂN ĐẠT
Nguyên Chánh Chuyên gia FAO - Rome

Nguồn gốc người Việt Nam

THỬ TÌM HIỂU:

3- NGUỒN GỐC NGƯỜI VIỆT

  

1.      Tổng quan

Nguồn gốc người Việt Nam vẫn còn là đề tài tranh cải của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, đang cần đến nhiều nỗ lực hơn nữa trong ngành khảo cổ học, di truyền, các phương pháp khoa học tân tiến để có những kết luận khả tin. Hiện nay, chúng ta thấy được một ít tia sáng ở cuối đường hầm trong nghiên cứu nguồn gốc nhân loại. Một cách tóm lược, cho đến nay tất cả loài Người hiện đại trên địa cầu đều có tổ tiên chung, xuất hiện ở Phi Châu ít nhứt hơn 200.000 năm trước, đã có thay đổi hình dạng, màu da, tóc, mũi, mắt và tinh thần do ảnh hưởng môi trường sống sau khi rời khỏi Châu Phi cách nay độ 100.000 năm để phân tán khắp thế giới; nhưng cơ bản di truyền không thay đổi nhiều. 

Tổng quát, thế giới ngày nay có 4 chủng tộc chính: Chủng tộc Caucasian/da trắng, chủng tộc Mongoloid/Người Á Châu, chủng tộc Negroid/da đen, và chủng tộc Australoid. 

Tại nước Việt cổ, đã có người hiện đại Việt cổ thuộc chủng Australoid đến sinh sống từ 65.000-50.000 trước cho đến cuối nền văn hóa Sơn Vi hay cuối thời đại đồ đá cũ (cách nay 11.000 năm). Sau đó, tạp chủng Australo-Mogoloid xuất hiện trong nền văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn với đa số người hải đảo Melanesian và Indonesian (cách nay 10.000-6.000 năm). Đến nền văn hóa Phùng Nguyên (cách nay 4.500-3.500 năm), những đợt di cư từ phương Bắc đến sống và tạp lai với cư dân địa phương mà chủng Mongoloid phương nam ngày càng chiếm ưu thế, còn chủng Melanesian, Indonesian và Australoid-Melanesian trở nên thiểu số. Cuối cùng chủng Australoid không còn nữa (15, 16). 

Vào thời đại Đông Sơn (từ 2.700-1.800 năm trước), cư dân Việt cổ dưới thời Hùng Vương của nước Văn Lang có nguồn gốc đa tộc, mà hạt nhân của cộng đồng là người Tày-Thái cổ do có chỉ số sọ gần giống nhau, với sự tham gia của các nhóm tộc khác như Malayô, Môn-Khmer… thuộc chủng Mongoloid phương nam (15, 16). 

2.      Vài giả thuyết nguồn gốc người Việt Nam

Hiện có nhiều giả thuyết về nguồn gốc tổ tiên người Việt sau khi rời khỏi Ấn Độ để đến Đông Nam Á, họ tiếp tục phân tán xuống miền Nam – Úc Châu trước khi di chuyển lên miền Bắc - Đông Á, trong đó hai giả thuyết thường được nhắc đến về nguồn gốc người Việt (17): 


-          Theo thư tịch Trung Hoa và Việt Nam: Do áp lực xâm lược của người gốc Mongoloid phương bắc, người Việt có nguồn gốc từ hạ lưu sông Dương Tử phải di cư từ miền nam Trung Hoa đến miền Bắc Việt Nam, gồm nhiều nhóm cư dân sinh sống từ nhiều nơi khác nhau nên gọi là Bách Việt. Về sau hầu hết các nước Bách Việt bị người Hoa Hạ tràn xuống thôn tính và bị Hán hóa, chỉ có Lạc Việt-Tây Âu còn giữ được tập quán của mình. Họ là tổ tiên của người Việt ngày nay.

 

-          Theo học giả Pháp Louis Finot (1864-1935): Thuyết này nói về nguồn gốc dân tộc Việt thời đồ đá, từ 70.000 năm trước trong quá trình rời khỏi Phi Châu chung của loài người. Giống dân Indonesian (Cổ Mã Lai) xưa cư trú ở Tây Ấn Độ, bị giống dân Aryan (nay gọi Indo-European) xâm chiếm cách nay khoảng 50.000-30.000 năm, nên họ phải chạy qua vùng đất phía Đông của bán đảo Trung Ấn, nơi đó, giống dân Indonesian hòa hợp với chủng dân Mongolian tạo thành giống Việt Nam. Một bộ phận khác đi qua Vân Nam lên Trung Quốc (17).

 

Ngoài ra, gần đây có 2 giả thuyết đáng chú ý do tác giả Việt Nam nêu ra:

 

-          Giả thuyết của Tạ Đức (17): Với các bằng chứng lịch sử, di vật khảo cổ, nhân chủng học và ngôn ngữ học, giả thuyết này cho biết người Lạc Việt đã có mặt trên đất Trung Quốc ở lưu vực sông Hoàng Hà từ lâu, sau đó di cư nhiều đợt xuống miền nam Dương Tử cho đến Bắc Việt, vì đất nước họ bị các nước lớn xâm chiếm.

 

Được biết vào thời Hạ (khoảng 2070 TCN - khoảng 1600 TCN), người Việt cổ có mặt ở Diêm Thôn lưu vực Hoàng Hà (ít nhứt khoảng 5.000 năm trước). Vào thời nhà Thương (khoảng 1600 TCN - khoảng 1046 TCN), người Việt cổ có nước Xích Quỹ (truyền thuyết Thánh Gióng đánh giặc Ân) ở nam Dương Tử (2.879 TCN). Đến thời nhà Chu (khoảng 1046 TCN - khoảng 221 TCN), có nước La (Lạc Việt), Việt Thường (cách nay hơn 3.000 năm), Văn Lang (700 TCN - 257 TCN), Âu Lạc (257 TCN - 179 TCN) và những nước Bách Việt nhỏ khác. Vào thời Xuân-Thu & Chiến Quốc (770 TCN - 221 TCN) có nước Sở, Ngô và Ư (Âu) Việt. Họ đã có chữ viết ở Ư Việt, nhưng bị cấm dùng vào thời Tần (221 TCN - 207 TCN) và bị thay thế vào thời Hán (206 TCN - 220 ). Sau đó bị Hán thôn tính, người Lạc Việt hay Bách Việt phải di cư xuống phương Nam, Đông, Tây Trung Hoa và Bắc Việt Nam.

 

Do đó, trong nền văn hóa Phùng Nguyên (Cách nay 4.500-3.500 năm) hay thời đại kim khí, người Việt cổ là một cộng đồng hợp chủng, hòa hợp giữa người địa phương gốc hải đảo Indonesian (Mã lai cỗ), Melanesian… với những đợt di dân từ phương Bắc qua nhiều thời đại, tạo nên nước Văn Lang, Âu Lạc, Đại Cồ Việt, Đại Việt (1.054-1.804), và Việt Nam từ năm 1.804 đến nay.

 

-          Giả thuyết của Hà Văn Thùy (18,19): Cách nay 70.000 năm, con người hiện đại từ Phi Châu theo ven biển Nam Á tới thềm Biển Đông của Việt Nam. Khoảng 50.000 năm trước, người Việt cổ di cư ra các đảo Đông Nam Á, sang Ấn Độ và Miến Điện. Đến thời kỳ băng hà chấm dứt, khí hậu thuận lợi hơn khoảng 30.000 năm trước, người Việt cổ tiến về phương Bắc khai phá đất Trung Hoa ở miền nam Dương Tử với nghề nông nghiệp lúa cách nay 12.400 năm? (theo Belwood (20) và những nghiên cứu di truyền mới đây, chỉ cách nay khoảng 9.000-8.000 năm). Sau đó, họ tiến lên lưu vực Hoàng Hà trồng kê trên đất cao nguyên, hòa huyết với cư dân địa phương, tạo nên tiểu chủng Mongoloid phương nam.

 

Sau khi thua trận Trác Lộc cách nay 4.698 năm, Lạc Long Quân dẫn đoàn quân dân vùng “Núi Thái-Trong Nguồn” dùng thuyền xuôi Hoàng Hà, Trung Quốc ra biển, đổ bộ vào Rào Rum-Ngàn Hống của Nghệ An. Họ sống chung và lai giống với người Việt cổ địa phương, sinh ra cư dân văn hóa Phùng Nguyên, tổ tiên trực tiếp của người Việt ngày nay.

 

Hai giả thuyết cuối nêu trên có hơi cường điệu tinh thần quốc gia, cần bổ túc thêm các dữ liệu, bằng chứng khoa học thuyết phục hơn cho đọc giả trong nước và các nhà nghiên cứu quốc tế. 

3.      4.      Kết luận

Nguồn gốc người Việt Nam còn quá nhiều giả thuyết, chưa có giả thuyết nào được đưa ra với đầy đủ dữ liệu thuyết phục, thiếu phối hợp các công trình khảo cổ học và các ngành liên hệ, cũng như thiếu nghiên cứu khoa học sâu rộng, đặc biệt về di truyền gen với các mô hình làm việc tân tiến, kỹ thuật hiện đại để có những khám phá mới, soi sáng các giả thuyết hiện có, giúp đưa ra các kết luận về nguồn gốc người Việt Nam chính xác hơn và có thể tin tưởng nhiều hơn. 

Trong dòng Người hiện đại rời khỏi Châu Phi, Người Đông Nam Á gồm cư dân Việt cổ thuộc chủng Australoid có thể là tổ tiên của người thuộc chủng Mogoloid (phương bắc và phương nam) sau này, trở thành người bản địa lâu dài của vùng Đông Nam Á, rồi tạp lai với nhau và với người di cư từ phương Bắc, Đông và Tây để trở thành con người Đông Nam Á và người Việt Nam hôm nay.

Trần Văn Đạt, Ph. D.

8-2017 

  TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

1.      Wikipedia: Vụ nổ lớn
2.      Wikipeia: Large Hardron Collider
3.      NASA (Science). Universe: Dark energy, dark matter
4.      Video Lịch sử 3,7 tỷ năm của vũ trụ
5.      Wikipedia: Sự sống
6.      Wikipedia: Timeline of human evolution
7.      Milsom, Clare; Rigby, Sue (2009). Fossils at a Glance (ấn bản 2). John Wiley & Sons. tr. 134. ISBN 1405193360.
8.      Dean, Tim. 2011. World’s oldest fossils reveal earliest life on Earth. Austalian Life Scientist. IDG Communication.
9.      Lintilhac, P. M. 1999. “Thinking of biology: toward a theory of cellularity--speculations on the nature of the living cell” (PDF). BioScience 49 (1): 59–68. PMID 11543344doi:10.2307/1313494.
10.  Smithsonian National museum of Natural history. 2017. Introduction to human evolution
11.  Ancient-Origins. 2015.  Teeth Discovered in China Show that Modern Humans Left Africa at Least 30,000 Years Earlier than Previously Thought
12.  Abigail Beall. 2017. How man migrated out of Africa: Fascinating new DNA study sheds fresh light on the journey our ancestors took 100,000 years ago. DailyMail.com.
13.  Dacid Maxwell Braun. 2011. Modern Humans Wandered Out of Africa via Arabia. National Geographic Society
14.  Martin Robinson. 2011. Our ancestors headed into India via Yemen before wandering further east and north
Researchers used complicated new DNA procedure 'recombination'
15.  Viện Khảo Cổ Học, 1999. Thời Đại Kim Khí Nam Bộ. Khảo Cổ Việt Nam, Tập II. NXB Khoa Học Xã Hội, tr. 349-398.
16.  Viện Khảo Cổ Học. 2002. Khảo cổ học Việt Nam, Tập III: Khảo cổ học lịch sử Việt Nam. NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 519 tr.
17.  Tạ Đức. 2013. Nguồn gốc Người Việt – Người Mường. NXB Trí Thức, 843 trang.
18.  Hà Văn Thùy. 2014. Tường trình 10 năm đi tìm nguồn gốc người Việt. Khoa học và Đời sống online (07.11.2014 ).
19.  Hà Văn Thùy. 2014. Thủy tổ người Việt thực sự ở đâu. Khoa học và Đời sống online
20.  Peter Belwood. 2005. First farmers. The Origins of Agricultural Societies, published by Blackwell, Victoria, Australia, 360 pages.
21.  Wikipedia: Nguồn gốc các dân tộc Việt Nam.
22.  Evolution of modern humans
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free