Huy Lữ TRẦN VĂN ĐẠT
Nguyên Chánh Chuyên gia FAO - Rome

Nuôi yến

NGHỀ NUÔI YẾN GÒ CÔNG

 
 

 

                                                            Hình 1: Chim yến làm                                                                                tổ trong Thị xã Gò Công Tiền                                                                 Giang - Ảnh: Dương Thế Hùng

 

 

 

Nghề yến sào được biết đến rất lâu khỏang gần 14 thế kỷ, từ đời Đường (618 - 907) ở Trung Quốc, nhưng mãi đến đầu thế kỷ 14 yến sào mới trở thành một nghề cụ thể ở Đông Nam Á. Ở Việt Nam, nghề yến sào được khởi sự từ năm 1328 khi thuyền của Đề đốc nhà Trần – Lê Văn Đạt bị bão giạt vào Hòn Tre, Nha Trang, ông lập ra thôn Bích Đầm và tìm ra các đảo yến để khai thác (1).

Vùng đất Gò Công có những đặc sản rất nổi tiếng trong nước như mắm tôm chà, dưa hấu, mãng cầu… Gần đây, vùng đất này sản xuất thêm một một lọai thức ăn “vương giả” dành cho người có nhiều tiền mà ngày trước chỉ dành cho vua chúa, quý tộc cung đình. Đây là lọai thực phẩm cầu kỳ và quý hiếm, được xếp vào lọai “bát trân” nổi tiếng (cùng với bào ngư, hải sâm, vây cá mập, bong bong cá, sò điệp, gan ngỗng…), ngày nay thường gọi là “vàng trắng” vì giá trị mỗi kg xuất khẩu từ 2.000 đến 2.500 triệu đồng/tấn. Đó là yến sào hay tổ yến. Tổ yến là một loại thực phẩm chứa trên 10 loại nguyên tố vi lượng (cystein, phenylalamin, tyrosin, aspartic acid, serine, valine aiginie, leucine…) cần thiết cho việc tạo máu, ổn định thần kinh, kích thích sản sinh tinh trùng và trứng, bổ phổi, cường thận, tăng cường hệ miễn dịch. Ngòai ra, tổ yến cũng chứa 10% acid sialic, một yếu tố tân tạo tế bào giúp người bệnh phục hồi nhanh chóng, ngay cả hỗ trợ bệnh nhân AIDS chống lại virus HIV. Tổ yến còn có các chất khóang như Ca, Fe, K, P và Mg. Dùng tổ yến thường xuyên sẽ giúp làm đẹp da, chống lão hóa và ngăn ngừa các khối u (1, 2 và Wikipedia). Chính vì vậy, loại thực phẩm thượng hạng này rất đắt giá. 

Trung bình một căn nhà nuôi yến thành công rộng 100m2 có thể thu hoạch 10 kg tổ yến/năm (Hình 1 và 2), đem lại 15.000 USD (2).  Tuy nhiên, nghề nuôi yến trong thành phố cũng tạo ra vài vấn đề xã hội, như gây tiếng ồn ào, đặc biệt lúc đàn yến bay về tổ buổi chiều và làm ô nhiễm môi trường xung quanh nhà nuôi yến, nhứt là những hộ dùng nước mưa và chỗ phơi quần áo ngòai trời do phân chim thải ra lúc bay về tổ. Đến nay, chưa phát hiện chim yến bị nhiễm H5N1.

Nghề sản xuất tổ yến gồm có hai hình thưc: nuôi chim yến tự nhiên trong môi trường thân thiện chim yến đến sống làm tổ, và dùng phương pháp dẫn dụ bầy yến bay về làm tổ với các kỹ thuật hiện đại. Nuôi yến với phương pháp dẫn dụ ngày càng phát triển nhiều hơn trong nước, còn nghề nuôi yến tự nhiên rất giới hạn, đặc biệt Nha Trang chiếm hơn 70%. Hiện nay nghề nuôi yến trong nhà (Hình 2) đã bùng phát khắp xứ, nhứt là những thôn quê, thành phố ven biển, từ Đà Nẳng, Quảng Nam đến Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Nha Trang, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Thành phố HCM (Huyện Cần Giờ, Nhà Bè và Quận 9), Long An, Tiền Giang, Bến tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang...; nhưng sản lượng cao nhứt tập trung ở các đảo tỉnh Khánh Hòa, bình quân gần 3 tấn tổ yến mỗi năm (1).

       
 
Hình 2:
Tổ yến

            Tại Gò Công, nghề nuôi chim yến trong nhà xuất hiện vào đầu thập niên 1970, khi gia đình ông Lê Thàn ở ấp Khương Ninh, xã Long Bình, huyện Gò Công Tây bỗng thấy đàn chim lạ vào nhà làm tổ, nhưng họ không biết đó là lòai chim yến mà tổ của nó là một lọai thực phẩm đắt tiền. Vì không biết giá trị của lòai chim này nên gia đình này chỉ nuôi chơi và và sau đó bán ngôi nhà cho Ông Mười Thiết (Trần Văn Thiết) cùng thôn. Chính Ông này mới bắt đầu khai thác kiếm lợi nhuận năm 1990 (3). Từ đó, nghề nuôi yến được truyền đến nhiều hộ trong xã Long Bình như hiện nay. Nghề nuôi yến trong nhà cũng được phổ biến đến các nới khác từ huyện Gò Công Tây, Chợ Gạo đến Gò Công Đông và Thị Xã Gò Công. Yến sào Gò Công bắt đầu xâm nhập vào thị trường trong nước với giá thấp hơn vài nơi khác, nhưng nếu khai thác theo công nghệ chính thống sẽ có chất lượng cao hơn và có thể tiến vào các thị trường thế giới. Hiện nay giá tổ yến sào thô Gò Công chỉ khỏang 32-42 triệu đồng/kg, nếu chế biến sạch giá bán đến 50 triệu đồng/kg (2011). Giá này vẫn còn thấp hơn yến sào Nha Trang khỏang 20% hay 60 triệu đồng/kg (3). Năm 2006, công ty Yến sào EKA ở Sài Gòn đến Gò Công Tây mua đất cất nhiều nhà nuôi yến chuyên nghiệp hóa với thiết bị hiện đại như máy phát âm thanh dụ yến, máy phun sương… và đầu tư quy mô hơn.

            Theo khảo sát sơ khởi của ngành tài nguyên và môi trường tỉnh Tiền Giang, “vùng ven biển Gò Công có khí hậu thoáng đãng, trong lành, phong phú phù du và côn trùng. Những yếu tố “đất lành” đó đã dẫn dụ chim yến tìm đến sống, làm tổ. Chim yến Gò Công giống như chim sẻ nhỏ nhưng khỏe, bay cao, đi kiếm ăn xa.” (3). Theo anh Lê Danh Hòang, một chuyên gia nuôi yến trẻ (1): “Gò Công có điều kiện sinh thái lý tưởng với 30% rừng cây, 20% mặt nước, 50% đồng lúa và bụi cây thấp cộng thêm khí hậu nóng ẩm thuận lợi để phát triển nghề nuôi chim yến. Một đàn yến tự nhiên ở đây cũng có trên 3.000 con”.

            Chim yến có trên 100 lòai, nhưng chỉ có yến hàng (Aerodramus Germanicus) và yến tổ trắng (Aerodramus Fuciphagus) làm tổ bằng nước bọt (7).

-          Yến hàng có đuôi nhọn sẻ đôi, thân nhỏ (12–14cm), ngực xám, lưng mảng màu sáng, tiếng kêu đặc trưng phát sóng siêu âm, sinh sống tại các đảo ven biển Việt Nam, tổ màu hơi xám hoặc đỏ, và một năm sinh sản 2 lần.

 

-          Yến tổ trắng có vòng đời 12 năm, đuôi bầu, sải cánh dài 12-15 cm, lưng không có khỏang trắng, tiếng kêu đặc trưng có phát sóng siêu âm, tổ to 8-12 g và sinh sản 3-4 lứa mỗi năm.

Chim yến thường sống có đôi, mỗi năm đẻ ba, bốn lần (1-2 lần ở hang tự nhiên) tùy loài, mỗi lần 2 trứng. Loài chim này không hề đậu trên cành mà mỗi khi đáp xuống, chúng chỉ treo mình trên vách đá hoặc tường nhà bằng đôi chân ngắn, bé nhỏ. Yến làm tổ bằng chính nước bọt của chúng tiết ra rồi tự kéo thành sợi nhỏ, cuộn lại giống hình vỏ sò gọi là yến sào (tổ yến) (Hình 3) (8). Lòai chim này rất chung thủy, không loan chạ với chim yến khác sau khi “cặp bồ”. Đến mùa, chúng cùng nhau làm tổ. Đặc biệt hơn hết, chúng không bao giờ đi lạc tổ, lạc nhà. Chính vì lẽ đó, người ta chỉ dụ những chim yến non vừa tập tểnh bay. Cho nên, cần từ 1 đến 2 năm để xây dựng một đàn yến (2).

Tuy nhiên, chúng rất nhạy cảm với sự thay đổi ánh sáng, nhiệt độ, và độ ẩm bên trong nơi chúng làm tổ. Chim yến thích chỗ tối (độ sáng 0,2 Lux), ẩm độ cao (80 – 95%, lý tưởng nhất 85%) và nhiệt độ ổn định (280C) (6).


Hình 3: Yến ngoài thiên nhiên

Nghề nuôi yến tại Gò Công còn quá trẻ, mang tính chất tự phát tự khởi, truyền nhau những kinh nghiệm cá nhân hoặc trên itnternet. Nhiều tư nhân đã đầu tư hàng tỉ đồng để xây nhà 3 hoặc 4 tầng và mua thiết bị dẫn dụ chim yến, nhưng số trường hợp dẫn dụ hiện nay chỉ thành công hơn 50% mà thôi. Do đó, số người bị thất bại, phá sản không ít vì nhà xây cho chim yến “ở” không thể chuyển qua mục đích khác hoặc phải tu chỉnh sửa chữa lại tốn nhiều tiền. Theo Tiến sĩ Sinh vật học Elisa Nugroho – Chủ tịch Hiệp hội những người nuôi yến Indonesia quả quyết rằng: “Nếu đặt nhà đúng vị trí và áp đúng đúng kỹ thuật thì tỷ lệ thành công đến 95%” (2).

 

            Cho nên, nghề nuôi yến đất Gò còn trong giai đọan khởi đầu, chưa có khảo sát tiềm năng thật sự của vùng và kế họach khai thác hữu hiệu dài hạn. Do đó, cần có sự phối hợp giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân để phát triển nghể nuôi yến sào có tính cách chuyên nghiệp hơn, như từng thấy lại các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan…

Hiện nay, Indonesia có trên 200.000 căn nhà yến, Thái Lan trên 70.000, Malaysia trên 35.000… trong khi Việt Nam hiện chỉ có khoảng 3.000 - 5.000 căn quy mô nhỏ lẻ, tự phát. Sản lượng tổ yến của Indonesia 105 tấn, Thái Lan 35 tấn, Malaysia 12 tấn… Việt Nam hiện có khoảng 4,5 tấn, trong đó Công ty yến sào Khánh Hòa chiếm 70% nhưng chủ yếu là tổ yến tự nhiên, thu hoạch từ các đảo (6). Việt Nam có tiềm năng sản xuất yến sào rất lớn, nhưng việc thực hiện còn yếu kém và đi sau các nước Đông Nam Á khác, do chưa có chánh sách nhà nước và quy họach minh bạch. 

            Một cách tổng thể, nghề nuôi yến trong nhà gồm có ít nhứt 5 giai đoạn chủ yếu sau đây (2 và 4):

1)      Khảo sát, kiểm tra thực tế vùng muốn nuôi yến để có thể đạt đến mức khả quan chim yến về sinh sống và làm tổ, trước khi thực hiện dự án xây cất nhà. Vùng này phải có nhiều tổ yến tự nhiên. 

2)                  Xây dựng nhà nuôi yến đạt chuẩn: Nhà phải đúng mô hình đạt chuẩn gần như tự nhiên giống như hang yến ngoài đảo, để chim yến khám phá thích nghi, tìm nơi an toàn cho chim yến ở lại làm tổ. Nhà phải nằm trong vùng có tổ yến tự nhiện và đúng hướng chim ra vào theo đúng qui trình thích hợp điều kiện chim yến làm tổ. Nhà phải có tối thiển 100 m2 trở lên với nhiều lỗ thông nhỏ quanh tường. Nhà nuôi yến thành phố phải cao hơn nhà xung quanh kế bên, tránh tiếng ồn ào, phải có chuồng cu lượn của yến theo mô hình tự nhiên. Nhà vùng quê thoáng có điệu kiện tốt cho chim bay lượn và nguồn thức ăn nhiều hơn. Làm một căn nhà ba tầng xong rồi... bỏ hoang! Đến hai năm sau, nếu dụ được 50 - 60 cặp yến về ở thì coi như bước đầu thành công (5). Nghề nuôi yến có thể lấy lại vốn sau ba năm và bắt đầu có lãi từ năm thứ tư trở đi (8). 

3)      Thành lập “khách sạn” yến: Phải gắn lên trần nhà nuôi yến những hộp vuông bằng gỗ chuyên dùng phù hợp với tập quán của yến, được xem như phòng ở cho từng cập yến sinh sống làm tổ. Bầu không khí trong nhà phải thóang, mát mẽ, với ẩm độ phải luôn giữ 80% bằng sử dụng máy phun mưa. Trong nhà, tường, trần, sàn nhà không được có mùi lạ, mà phải được phun chất mùi của yến với dung dịch có mùi hấp dẫn có tên thị trường Close2You Aroma (1). 

4)      Kỹ thuật dẫn dụ yến đến khách sạn: Đầu tư một số thiết bị hiện đại để dẫn dụ bầy chim


Hình 4: Máy phát âm

yến nghe bay về làm tổ, sinh sản, như kỹ thuật phun mưa, tạo mùi bầy đàn, máy phát âm thanh có ống loa (Hình 4) để tạo tiếng kêu chí chít thực sự của chim để gọi yến vào nhà. Lắp đặt tổ yến giã vào những thanh gỗ (chuyên dùng cho yến làm tổ) áp sát mái nhà để yến có cảm giác gần gũi, vào nhà rồi ở lại làm tổ (2). Ngòai ra còn lắp thêm máy điều hòa không khí để có nhiệt độ tối hảo, máy theo dõi quan sát họat động chim. Kẻ thù của yến như cú mèo, tắc kè, diều hâu, ngòai ra cần loại trừ kiến, gián, chuột, dơi, thằn lằn… 

5)      Khai thác và biến chế tổ yến: Nghề lấy tổ yến vất vã đối với nuôi yến tự nhiên trên vách đá hải đảo, còn nuôi yến trong nhà thu họach dễ dàng hơn;

nhưng phải lấy tổ đúng lúc và hợp lý, không quá sớm. Thu họach không đồng bộ hoặc không đúng kỳ hạn sẽ làm giảm dân số yến và năng suất trại yến. Công tác thu họach, phân lọai, biến chế và bảo quản tổ yến rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tổ yến trên thị trường; cho nên đòi hỏi nhiều kinh nghiệm của người khai thác.

Tóm lại, nghề nuôi chim yến trong nhà đã mở ra triển vọng mới cho kinh tế Việt Nam nói chung và đất Gò Công nói riêng, có thể cung cấp nhiều việc làm cho người dân ở nông thôn và thành thị, tăng thêm lợi tức gia đình và có thể mang ngọai tệ về cho nước với hàng trăm triệu Mỹ kim khi xuất khẩu. Nghề khai thác tổ yến được thực hiện trong điều kiện tự nhiên, nguồn lợi thiên nhiên. Mô hình nuôi chim yến tại nhà là nghề mới đầy sức hấp dẫn, hiệu quả kinh tế cao, chỉ cần đầu tư một lần, không phải đầu tư giống, thức ăn chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh... Nuôi yến còn có lợi ích về môi trường, bởi yến sống hoang dã, thức ăn của chúng là các loại sâu bọ, côn trùng gây hại cho sản xuất nông nghiệp, chưa kể còn có thể phát triển khâu du lịch.

Hiện nay có trên 30 tỉnh thành cả nước có nhà nuôi yến, đa số tự phát tự khởi với một số nhỏ trang trại có tổ chức, đầu tư khá quy mô và có tính cách công nghiệp hóa. Do đó, cần có chánh sách, sự hướng dẫn, huấn luyện cũng như quy họach lâu dài với sự hợp tác của nhà nước, doanh nghiệp và nông dân trong công tác chuyển giao công nghệ tiên tiến sản xuất tổ yến trong nước, giúp cho ngành sàn xuất và xuất khẩu này được hữu hiện và có trình độ cao theo kip các nước sản xuất yến sào trong vùng Đông Nam Á.

Trần Văn Đạt

2014

Tài LiỆu tham KhẢo:

1.      Siêu thị yến sào. 2011. Thủy tổ nghề yến sào.

2.      LN. 2006. Người gọi chim yến vào nhà. Việt báo (Theo báo Thanh Niên).

3.      Kỳ Quan. 2011. Yến sào Gò Công – thương hiệu của tương lai.

4.      Công ty Gia Lộc yến Hòang. Giới thiệu nuôi yến trong nhà.

5.      Làm giàu bằng nghề nuôi yến trong nhà (2009).

6.      Thanh tâm. 2011. Nuôi chim yến trong nhà: Tiềm năng đang mở rộng, Khoa học phổ thông.

7.      Đỗ Hữu Hiền. 2911.  Kỹ thuật nuôi chim yến trong nhà (bài 1, 2 và 3) - Trung tâm ứng dụng KH&CN.

8.      Tuổi Trẻ. 2011. Làm giàu bằng nghề nuôi yến trong nha.

 

 


This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free