Huy Lữ TRẦN VĂN ĐẠT
Nguyên Chánh Chuyên gia FAO - Rome

Nông nghiệp thế giới

Vài suy tư về:

 

MỘT SỐ HIỆN TƯỢNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP THẾ GIỚI

TRONG THẬP NIÊN 1980-2000



Nông nghiệp vẫn còn là nguồn kinh tế quan trọng và giữ vai trò thiết yếu trong thời kỳ phát triển của nhiều nước kém mở mang. Nguồn lợi tức hàng năm của nền nông nghiệp còn chiếm tỉ lệ khá cao của tổng sản lượng quốc gia, khoảng 20,3% ở Việt Nam năm 2010 và lao động nông nghiệp còn cao, độ 50% tổng lao động cả nước. Phát triển nông nghiệp đòi hỏi đầu tư lớn về hạ tầng cơ sở, đặc biệt hệ thống tưới tiêu, giao thông và tổ chức thị trường tiêu thu; nhằm thúc đẩy áp dụng kỹ thuật tân tiến để tăng sản suất và hiệu năng. Tuy nhiên, sự đầu tư phát triển và gói kỹ thuật chỉ giúp nông dân sinh tồn, không thể giúp nông thôn bắt kịp mức sống thành thị, nếu không có các chính sách hỗ trợ thực tế như từng thấy ở các nước phát triển. Đó là do hiệu năng kinh tế của nông nghiệp luôn thấp so với các ngành nghề khác như công nghiệp và dịch vụ; giá nông sản luôn bị kiềm chế ổn định và thấp, nhứt là đối với các nhu yếu phẩm; và hoạt động nông nghiệp còn mang bản chất cổ truyền, riêng rẻ, thiếu tổ chức hợp tác để xây dựng một lực lượng lớn mạnh tranh đấu cho quyền lợi của mình. Tại các nước tiến bộ, sản xuất nông nghiệp dù trở thành thứ yếu, nông dân là thành phần thiểu số; nhưng họ vẫn giữ thế chính trị rất mạnh trong xã hội qua các cuộc bầu cử địa phương và quốc gia; do đó ngành này nhận được hỗ trợ to lớn từ nhà nước và nông dân có đời sống thịnh vượng không kém gì người thành thị. Còn tại các nước đang phát triển, phần lớn nông dân không hề có tiếng nói chinh trị đủ mạnh để bênh vực quyền lợi mình trong xã hội; trái lại, họ còn bị lợi dụng, chèn ép và bỏ quên, nhứt là ở các vùng xa hẻo lánh!

Cho nên, các nước đang phát triển khó có thể vươn lên kịp đà tiến bộ thế giới, nếu chỉ dựa vào nền kinh tế nông nghiệp và không có cơ hội hoặc không có chinh sách năng động trong phát triển các ngành kinh tế có lợi tức cao như công nghiệp, dịch vụ, du lịch…; họ không thể thoát khỏi tình trạng chậm tiến kéo dài. Trong khi đó, nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế và các nước giàu mạnh thành lập các chương trình viện trợ kỹ thuật và tài chính với hàng tỉ Mỹ kim mỗi năm để giúp đỡ các nước kém may mắn cải tiến sản xuất nông nghiệp; nhưng các chính sách hỗ trợ này không luôn mang kết quả tích cực cho các đối tượng, nhiều khi gây ra tình trạng hoang mang cho các nước nhận viện trợ vì các điều kiện áp đặt hoặc đòi hỏi của người cho quá tầm tay họ. Khi nhìn lại quá khứ, người ta đã chứng kiến những hoạt động viện trợ đa phương hoặc song phương quốc tế đối với các nước đang phát triển đã gây ra một số vấn đề và hiện tượng đáng lưu ý sau đây trong nông nghiệp toàn cầu thập niên 1.980-2.000.

 

1)      Chánh sách của Ngân Hàng Thế Giới và vài cơ quan quốc tế khác chuyển từ nông nghiệp tưới tiêu qua không tưới tiêu và giảm trợ giúp: Từ thập niên 1960s đến 1970s, các cơ quan quốc tế, nhứt là Ngân Hàng Thế Giới đã tích cực giúp các nước đang phát triển, đặc biệt ở Châu Á và Châu Mỹ La Tinh phát triển mạnh các công trình dẫn thủy nhập điền để tăng gia sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, Cuộc Cách Mạng Xanh đã xảy ra từ thập niên 1970s đến giữa 1990s. Sau đó, sự cho vay và giúp đỡ của các cơ quan quốc tế giảm dần trong lãnh vực này. Trong thời gian 1986/87, sự cho vay và giúp đỡ cho châu Á chỉ còn 50% của mức độ 1977-79 (Pingali and Rosegrant, 1994). Từ thập niên 1970s Ngân Hàng Thế Giới thay đổi chính sách qua cổ động phát triển nông nghiệp nước trời (không tưới tiêu) để có lợi tức kinh tế cao do đầu tư thấp, nhưng sản xuất suy giảm. Chính sách này không thành công vì canh tác nước trời không làm tăng năng suất nông nghiệp để đủ đáp ứng tình trạng gia tăng dân số thế giới.

 

2)      Chánh sách của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF[1]) mạnh tay phá vỡ nhiều cơ cấu xã hội nông thôn: Trong nhiều thập niên qua, Quỹ này đã có những chánh tiền tệ rất khắc khe đối với các nước đang phát triển muốn vay tiền. Dù những chánh sách này có vẻ tích cực giúp cải cách tình trạng quản lý, nhằm kích thích nền kinh tế thị trường; nhưng rất khó thực hiện tại các nước nghèo, vì gây ra xáo trộn xã hội không ít. Thí dụ cụ thể, chế độ của Tổng Thống Indonesia Suharto (1921-2008) đã bị sụp đổ do áp dụng các điều kiện áp đặt của IMF (như bỏ trợ cấp cho xăng dầu, phân bón, thực phẩm…) để được vay mượn hỗ trợ, làm vật giá leo thang, xã hội bất ổn, biểu tình bạo động xảy ra năm 1998. Cũng vậy, nhiều nước Châu Phi như Burkina Faso, Sierra Leone… phải chịu sức ép của IMF, gây rối loạn bất lợi cho phát triển kinh tế nội địa. Thật vậy, nước Burkina Faso phải giải tán và tư nhân hóa các Hợp tác Xã và hệ thống phân phối vật tư đang hoạt động hữu hiệu trong nước do chính phủ quản lý; trong khi bản thân nước này chưa có tư nhân đủ khả năng đứng ra thay thế, đặc biệt ở các thôn ấp. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp bị sút giảm do không có đủ phân hóa học, thuốc sát trùng bày bán ở địa phương và sản phẩm không được di chuyển đến nơi tiêu thụ kịp lúc. Tại nước Sierra Leone cũng gặp nhiều khó khăn như thế trong quản lý nông nghiệp của nhà nước!

 

3)      Vấn đề đánh giá lợi tức kinh tế trong nông nghiệp: Trong các cuộc họp, thảo luận và đánh giá các dự án hoặc vấn đề nông nghiệp, các chuyên gia quốc tế, nhứt là những người từ các nước đã phát triển luôn đặt ra vấn đề cần có lợi tức kinh tế cao; trong khi việc sản xuất nông nghiệp trong nước họ luôn được bao cấp to lớn, nghĩa là vấn đề lợi tức kinh tế thực sự không được nêu ra. Khi vấn đề này được các nước đang phát triển đặt ra, họ viện dẫn lý do nước họ giàu mạnh có thể làm được, còn các nước nghèo không có khả năng tài chính như họ. Vì vậy, nông dân của các nước sau này đã phải tiếp tục cuộc sống nghèo khó. Chẳng hạn, trong 1999-2000, Mỹ đã chi 1,3 tỉ hỗ trợ sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, trong khi trị giá tổng sản lượng lúa gạo sản xuất trong thời gian này là 1,2 tỉ Mỹ kim. Cũng vậy, trong năm 2000, tổng số tiền bao cấp cho nông nghiệp tại Nhựt Bổn chiếm 1,4% GDP, trong khi ngành này chỉ góp vào 1,2% GDP (tổng sản lượng quốc gia)! Vì thế, Vòng Đàm Phán Doha về mậu dịch thế giới khởi sự từ 2001 còn gặp nhiều trở ngại lớn đến nay, giữa quyền lợi của nước giàu và nước nghèo.

 

4)      Trợ giúp quốc tế chuyển từ châu Á đến châu Phi: Từ đầu thập niên 1990s, các nhà viện trợ quốc tế có khuynh hướng chuyển các chương trình viện trợ đến Phi Châu, vì các trợ giúp cho châu lục này trong các thập niên trước đó không mang lại kết quả cụ thể. Trái lại, các nước Châu Phi ở Miền Nam sa mạc Sahara ngày càng trở nên nghèo thêm, nhứt là tại các nước có nội chiến xảy ra. Chính sách này lại ảnh hưởng rất lớn đến sự nghèo khó ở Nam Á (Bangladesh, Ấn Độ, Sri Lanka…), nơi chiếm đến 60% tổng số người nghèo khó thế giới năm 2008 (950 triệu người, theo cơ quan FAO). Người có tiền bao giờ cũng mạnh!

 

5)      Vấn đề chậm tiến ở châu Phi: Sự chậm tiến của Phi Châu đã nổi bật trong những thập niên vừa qua. Có nhiều chỉ trích thế giới về sự thiếu quan tâm của một số nước giàu mạnh hiện nay, nhứt là Nhựt Bổn. Xứ này xuất khẩu nhiều hàng hóa công nghiệp như xe ô tô, máy điện tử, vi tính; nhưng không có chương trình giúp đỡ phát triển tầm cỡ cho lục địa này. Do đó, Trung Quốc đang bắt đầu gây ảnh hưởng tại châu lục này qua các công trình phát triển thủy nông, hạ tầng cơ sở… Tuy nhiên, vấn đề chậm tiến ở châu Phi là do nhiều nguyên nhân đan kết nhau, từ vấn đề văn hóa đến chính trị, kinh tế và xã hội. Sự bất ổn chính trị đã làm cho nhiều nước Phi Châu trở nên nghèo nàn, lạc hậu hơn thời bị thực dân đô hộ.

 

6)      Hiện tượng chảy máu chất xám tại các nước đang phát triển: Đây là hiện tượng phổ biến tại các nước đang phát triển, làm cho các nước này thiếu lực lượng nhân sự có tay nghề cao, nên tiến bộ ngày càng chậm chạp. Hiện tượng này trầm trọng hơn tại các nước Nam Á. Ở Phi Châu, vấn đề này ngày càng làm cho sự phát triển xứ sở khó khăn hơn.

 

7)      Cần có chính sách - ưu tiên trong phát triển kinh tế: Qua nhiều năm làm việc với một cơ quan quốc tế và thăm viếng nhiều quốc gia đang phát triển, chúng tôi nhận ra các chính sách quốc gia hữu hiệu, thực tiễn và quyết tâm chính trị cao của nhà nước là một động cơ thúc đẩy phát triển có kết quả lớn nhứt trong một nước, bên cạnh bộ máy quản lý nhà nước phải trong sáng và hiệu quả. Việt Nam với Đổi Mới là trường hợp điển hình nhứt khi nhà nước quyết tâm thực thi một chính sách quốc gia quan trọng để thoát nghèo đói. Malaysia và Indonesia cũng đã thành công với nhiều chính sách quốc gia đặc biệt trong lãnh vực nông nghiệp, như chương trinh Phát triển đất đai (Land Development) ở Malaysia và IPM (Integrated Pest Management) thành công ở Indonesia.

 

Ngoài ra, có trên 20 cơ quan chuyên ngành quốc tế thuộc Liên Hiệp Quốc được thành lập sau Thế chiến II, nhằm cung cấp dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật trong mọi lãnh vực cho các nước hội viên, nhứt là những nước nghèo, đang phát triển; nhưng đa số các nước này không hiểu rỏ cơ cấu và các hoạt động hiện hành của các tổ chức nêu trên, nên không biết lợi dụng khai thác hữu hiệu các khả năng hiện hữu của các cơ quan quốc tế để phục vụ lợi ích cho quốc gia mình.

 

Thật đáng tiếc!

 

Trần văn Đạt, Ph. D.

11-2010

Tài Liệu Tham Khảo:

Pingali, P.L. and Rosegrant, M.W. 1994. Confronting the environmental consequences of the green revolution.  In Proceedings of the 18th Session of the International Rice Commission, Rome, Italy, 5-9 Sep. 1994, FAO, Rome, p. 59-69.

 

 



[1] IMF: International Monetary Fund.

This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free