Thôi miên
NHỮng bí ẨN CHƯA LỜI GIẢI:
THÔI MIÊN
GiadinhNet - Các bản thảo viết tay từ thời cổ đại cho thấy các nền văn minh Ai Cập, Ba Tư, La Mã, Ấn Độ... đều ghi nhận về thôi miên với đầy vẻ huyền bí.
Ở Trung Quốc, từ xa xưa, các nghi thức tôn giáo đã áp dụng thôi miên để chứng minh sức mạnh siêu nhiên.
Thuở sơ khai, các thầy cúng trong đền thờ thần y học Asclepius thời cổ Hy Lạp cũng coi nó là phương thức độc đáo để tăng cường sức khỏe và giúp sảng khoái tinh thần, chữa trị bệnh. Đến đầu thế kỷ thứ 16, thôi miên được một số thầy thuốc đề cập trở lại.
Bác sĩ Mesmer (Áo) từ việc chuyên dùng bức xạ từ trường của vũ trụ để chữa bệnh trở thành một nhà thực hành về thôi miên. Theo một số tài liệu, khi ông xuất hiện tại một quảng trường ở Paris (Pháp), giọng nói và những cái vẫy tay của ông đã khiến cho nhiều người đứng chung quanh bị ám thị, đờ đẫn hoặc kích động, có người rơi vào giấc ngủ.
Đến cuối thế kỷ 19, Sigmund Freud, bác sĩ tâm thần người Áo, qua một số thử nghiệm, đã cho rằng thôi miên gây hại nhiều hơn lợi. Do uy tín của Freud rất cao nên liệu pháp này lại bị rẻ rúng, chìm vào quên lãng, mãi đến giữa thế kỷ 20 mới được quan tâm trở lại.
Hiện ở Pháp, thôi miên tuy không được chấp nhận là phương pháp điều trị chính thống nhưng có trên 10% số bác sĩ tự nhận có sử dụng nó để chữa trị. Ở Mỹ, tỷ lệ này còn cao hơn. Ở Anh, một số bệnh viện đã dùng thôi miên thay cho thuốc tê, thuốc mê trong phẫu thuật như mổ thoát vị, mổ lấy thai, nhổ răng, thậm chí cưa chân tay.
Tác dụng không ngờ
Tác dụng của thôi miên đến nay, vẫn còn gây nhiều tranh cãi, nhưng trong nhiều trường hợp, liệu pháp này đã đem lại hiệu quả khá khả quan
Tái tạo trí nhớ: Thôi miên giúp nhớ lại những sự kiện quá khứ đã chìm vào quên lãng. Khả năng này đã được áp dụng để phá án, điển hình là vụ Jimmy Hayes, xảy ra vào năm 1989 tại Mỹ. Tên tội phạm đột nhập vào nhà của một cặp vợ chồng, hãm hiếp, cướp của, giết người diệt khẩu. Người vợ được cứu sống nhưng không nhớ điều gì. Cảnh sát phải nhờ cậy đến các nhà thôi miên. Nhờ đó, chị ta đã mô tả được hình dạng cụ thể của hung thủ.
Tuy nhiên, trên 10% số người bị thôi miên có những ký ức giả, nhớ và kể lại những chuyện không phải của mình (có thể do nghe hoặc đọc đâu đó trong sách vở). Một thử nghiệm của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ cho thấy, hơn 70% số người bị thôi miên đã kể lại một chuyện trùng nhau 100%, chẳng hạn thuở nhỏ bị lạc trong siêu thị, bố mẹ bỏ đi đâu không biết, lạc lõng, bơ vơ một mình, gào khóc giữa đám đông người xa lạ.
Làm giảm cân: Cô Angie Brown (Pháp) cao 1,6 m nhưng nặng 89 kg do ăn luôn miệng. Cô tìm nhiều cách giảm béo không khỏi, lại đã có triệu chứng của bệnh tim mạch. Được thôi miên, cô chợt thấy lại thời còn thon thả xinh tươi. Rồi quá trình tăng cân hiện lên rõ nét khiến cô vô cùng kinh hãi; và cuối cùng bóng dáng thanh mảnh hiện ra quyến rũ khiến cô quyết tâm thay đổi lối sống và chế độ ăn uống. Sau 10 tuần chữa trị, Angie giảm được 25 kg.
Cai thuốc lá: Anh Nicolas (Pháp) nghiện thuốc lá từ năm 15 tuổi. Mỗi ngày hút tới 2 bao thuốc nên mới 35 tuổi, anh đã bị viêm phế quản mạn. Qua thôi miên, Nicolas chợt thấy mình đang đứng trên một sườn đồi cây cối xanh tươi, phong cảnh hữu tình, không khí trong lành. Từ trong tiềm thức văng vẳng lời khuyên: "Đừng hút thuốc, làm bẩn bầu không khí thoáng đãng". Điều này đã giúp anh bỏ hút. Ở Pháp, tỷ lệ chữa cai nghiện thuốc lá bằng thôi miên đạt kết quả 68%, cao hơn hẳn các phương pháp khác.
Thôi miên phải chăng là giấc ngủ?
Từ "thôi miên" có gốc tiếng Hy Lạp là Hypnos có nghĩa là giấc ngủ. Nhưng thực chất thôi miên không phải trạng thái giống như giấc ngủ. Những người được thôi miên hoàn toàn có khả năng tự giác trong quá trình thí nghiệm. Những người ngủ thì không thể biết những gì xảy ra quanh họ.
Luận điểm cho rằng thôi miên giống như giấc ngủ là không có cơ sở. Điện não đồ của người được thôi miên khác điện não đồ của người đang ngủ. Người được thôi miên cũng có những phản xạ giống như ở trạng thái thức tỉnh. Tuy nhận biết của họ về thực tế có những hạn chế, bởi vì họ chỉ tập trung vào một lĩnh vực nào đó, mà không bị phân tán bởi hoàn cảnh xung quanh.
Theo các chuyên gia y học: Thôi miên có thể so sánh với trạng thái thư giãn sâu hoặc trạng thái người ta đạt được khi "thiền". Một người ở trạng thái thôi miên cũng có khả năng chấp nhận những điều trái ngược hiển nhiên nhất.
Một cuộc nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy: Thôi miên có tác dụng làm giảm nỗi sợ hãi của người bệnh trước phẫu thuật và làm giảm đau đớn do phẫu thuật gây nên. Thôi miên còn được áp dụng để chữa bệnh cho một số người mắc bệnh tâm thần, giúp người bệnh nhớ lại một số thử nghiệm và một số giai đoạn trong đời sống của họ (tuổi thơ ấu chẳng hạn).
Trong ngành điều tra hình sự thôi miên có thể giúp các nhân viên điều tra tìm ra tội phạm. Người ta còn phát hiện ra rằng, thôi miên có tác dụng tốt trong nhiều vấn đề của phụ nữ như: Điều hòa kinh nguyệt, điều trị tốt hiện tượng nôn mửa khi thai nghén, tăng sức đề kháng của phụ nữ với bất kỳ sự đụng chạm nào thuộc sản khoa...
Những bí ẩn của hiện tượng thôi miên vẫn đang được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu.
Giang Hà
|