Manh Manh
NỮ SĨ NGUYỄN THỊ MANH MANH
4.1. Thân Thế và Sự Nghiệp
Nữ sĩ Manh Manh là một người đàn bà tiến bộ trong thời tiền chiến, có biệt hiệu Nguyễn Thị Manh Manh, ký tắt Manh Manh. Tên thật là Nguyễn Thị Kiêm sinh ngày 3 tháng 1 năm 1914 tại sài Gòn, nhưng quê quán ở Gò Công. Bà mất 2005 ở Paris, Pháp Quốc. Bà là con Ông Hội Đồng Nguyễn Đình Trị, còn gọi Huyện Trị, cũng là cây bút thời bấy giờ ở Gò Công. Bà là cựu học sinh Trường Áo Tím Gia Long, có bằng Thành Chung (Trung học Đệ Nhứt Cấp), vừa cổ võ cho thơ mới vừa phát động phong trào Phụ nữ và Văn học. Manh Manh là môt phụ nữ đầu tiên đăng đàn, thuyết trình cổ động phong trào thơ mới tại Việt Nam (Hùynh Minh, 1969). Bà chuyên viết về phóng sự và phỏng vấn cho tờ báo Phụ Nữ Tân Văn và lần lượt viết cho các tờ báo khác như: Công luận, Nữ lưu, Việt Nam, Tuần Lễ nay.... Bà còn có bút danh Mym, Nguyễn Văn Mym, Lệ Thủy.
Bà nổi tiếng khắp nước, là hiện tượng lạ trong thập niên 1930s vì có can đảm cổ võ phong trào thơ mới, qua các diễn đàn từ Nam đến Bắc và các tờ báo như "Phụ Nữ Tân Văn" do Bà làm chủ bút; đã tạo nên cuộc bút chiến vang lừng một thời ở đất Sài Gòn. Trong thời gian này, ủng hộ mạnh nhứt cho thơ mới có Thế Lữ ở miền Bắc và Manh Manh trong Nam (Nguyễn Tấn Long- Nguyễn Hữu Trọng, 1968). Bà là một người tiền phong trong thơ mới, đã làm gay mắt nhiều bậc thâm nho trưởng thượng. Một bài thơ của Ông Diệp Văn Kỳ trên báo Công Luận mắng khéo Manh Manh được lưu truyền trong dân gian đến nay (Hùynh Minh, 1969):
"Con chim Manh Manh
Đậu nhánh cây chanh,
Tá vác mảnh sành,
Liệng nó chết dãy,
Làm thịt bảy mâm,
Ta dọn ông ăn,
Ông hỏi con chim gì,
Ta đáp chim Manh Manh
Đậu nhánh cây chanh…"
Phan Khôi
Theo Wikipedia, đầu năm 1932, nhà văn Phan Khôi [1](1887-1959) đề xướng Phong trào Thơ mới. Nữ sĩ Manh Manh hưởng ứng ngay phong trao này, gửi thơ mới của mình để đăng trên Phụ Nữ Tân Văn. Sau đó, nữ sĩ còn đăng đàn diễn thuyết cổ vũ cho phong trào. GS. Phan Cự Đệ (1982) kể:
..."Cuộc tấn công của "thơ mới" vào "thơ cũ" ngày càng quyết liệt. Tối ngày 26 tháng 7 năm 1933, Nguyễn Thị Kiêm (tức nữ sĩ Manh Manh, khi ấy mới 19 tuổi) diễn thuyết tại Hội Khuyến học Sài Gòn về “Lối thơ mới”. Hội này thành lập đã 25 năm mới có một buổi phụ nữ lên diễn đàn, mà cũng là buổi đông thính giả nhất (Hình2). Hơn hai năm sau (tháng 11 năm 1935), Nguyễn Thị Kiêm lại diễn thuyết một lần nữa tại Hội Khuyến học Sài Gòn. Lần này, bà và ông Nguyễn Văn Hạnh cùng diễn thuyết tranh luận về “thơ mới"...
Buổi diễn thuyết của Manh Manh tại Hội Khuyến Học
(Báo Phụ Nữ Tân Văn số 211, ngày 10/8/1933. Ảnh: Thiện Mộc Lan.)
Manh Manh không chỉ bảo vệ thơ mới còn là một chiến sĩ đòi giải phóng phụ nữ, bình quyền với nam giới. TS. Phan Văn Hoàng viết:
"Chị đả kích các tập tục hủ bại như trọng nam khinh nữ, tảo hôn, đa thê..., bênh vực những quyền lợi chính đáng của nữ giới. Trong năm 1934, chị đã đi tới 4 thành phố (Huế, Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng) để diễn thuyết các đề tài: "Dư luận nam giới đối với phụ nữ tiên tiến", "Một ngày của một người đàn bà tiên tiến", "Có nên tự do kết hôn chăng?", "Nên bỏ chế độ đa thê không"? Ý tưởng của chị trong các buổi diễn thuyết đó đã tạo ra trong xã hội hai luồng dư luận trái chiều (tán thành và phản đối) phản ảnh qua báo chí trong Nam ngoài Bắc..."
Năm 1936, nữ sĩ Manh Manh còn tích cực tham gia phong trào Đông Dương đại hội. Tuy mới 22 tuổi, nữ sĩ là một trong hai phụ nữ được cử vào Ủy ban lâm thời tổ chức Đông Dương đại hội tại Sài Gòn, bên cạnh các nhân vật nổi tiếng thời đó như Nguyễn An Ninh, Trịnh Đình Thảo, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Nguyễn, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm...
Ngày mồng 1 tháng Mười năm Bính Tý (tức 11 tháng 11 năm 1937), nữ sĩ Nguyễn Thị Manh Manh thành hôn với ông Trương Văn Em, người Hà Tiên, một nhà giáo dạy Việt văn ở trường Trung học Huỳnh Khương Ninh, Sài Gòn, đồng thời cũng là một nhà báo với bút hiệu Lư Khê.
Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt (em út Lư Khê, gọi nữ sĩ Manh Manh là chị dâu) (2008) kể:
..."Chị (Manh Manh) cư xử với nhà chồng rất tốt, được bên chồng yêu quí. Chị là thứ nữ của ông Huyện Trị, còn anh Lư Khê là con nhà nghèo ở Rạch Vược (Hà Tiên)...Song, chị không hợm mình, lúc nào chị cũng quí trọng người nghèo rất thật tình, không màu mè, không phân biệt giai cấp. Chị thường viết báo hoặc diễn thuyết bênh vực dân nghèo...Khi sinh bé Mi Nu, chị Kiêm bị sự cố không may, mất khả năng sinh sản. Năm sau, bé Mi Nu (bị liệt từ lúc mới sinh) qua đời...chị Kiêm vô cùng buồn, chị thỏa thuận cho anh có người khác...Đầu năm 1945, trước ngày Nhật đảo chính Pháp, anh Lư Khê có người vợ thứ hai...Khoảng đầu năm 1950, chị Manh Manh đi Pháp. Bên ấy chị được tin anh Lư Khê qua đời. Anh bị ám sát ngày 3 tháng 7 năm 1950. Thời kỳ này ở Sài Gòn rất nhiễu nhương"...
Trong đời tư, Manh Manh gặp nhiều chuyện buồn, nên đầu năm 1950, Bà lấy chồng Pháp và lặng lẽ rời quê hương theo chồng về nước, sống ở thủ đô Paris mai danh ẩn tích, cắt đứt mọi liên lạc với người quen trong nước. Từ đó, không ai biết tin tức gì về Bà… Cho đến khi hai nhà nghiên cứu Thiện Mộc Lan và Thanh Việt Thanh xuất bản quyển sách viết về Manh Manh, mà Bà nhận được qua một người bạn Việt Kiều về thăm quê hương mang sang. Lúc đó Bà đã 85 tuổi đời. Sau đó, nữ sĩ Manh Manh qua đời trong một nhà dưỡng lão ở Paris vào ngày 26 tháng 1 năm 2005, thọ 91 tuổi.
4.2. Đóng Góp Cho Văn Học Việt Nam
Sự cổ vũ nồng nhiệt của nữ sĩ Manh Manh về “thơ mới”, đã được Hoài Thanh-Hoài Chân (1988) kể lại trong cuốn Thi nhân Việt Nam (xuất bản năm 1941), như sau:
..."Từ hai tháng trước, hôm 26 juillet (tháng 7) 1933, một nữ sĩ có tài và có gan, cô Nguyễn Thị Kiêm, đã lên diễn đàn Hội Khuyến học Sài Gòn thành lập đến bấy giờ đã 25 năm. Lần thứ nhất một bạn gái lên diễn đàn và cũng là lần thứ nhất có một cuộc diễn thuyết được đông người nghe như thế"...
Ghi nhận công lao của nữ sĩ, trong Việt Nam thi nhân tiền chiến (quyển thượng) có đoạn (Nguyễn Tấn Long - Nguyễn Hữu Trọng, 1968):
..."Trong hồi dậy men của nền thơ mới, nữ sĩ Manh Manh là người đàn bà đầu tiên đáp ứng tiếng gọi đàn của nhà tiên phong Phan Khôi...Chúng ta ngày nay nhìn lại việc qua, giữa cái cũ kỹ từ nghìn đời sừng sững như cổ thành kiên cố; thế mà, bỗng chốc, một Phan Khôi táo bạo nổ phát súng cách mạng thi ca; người nữ chiến sĩ tiền phong anh dũng và hăng say hoạt động để bảo vệ và củng cố nền tảng thơ mới bén rễ và sống mạnh, ta phải kể Nguyễn Thị Manh Manh, một tay đã đóng góp công lao không nhỏ cho nền văn học đất nước.
Trong thời gian hai thập niên hoạt động văn học không dài, nữ sĩ Manh Manh đã góp phần không nhỏ cho phong trào nữ lưu đòi binh quyền và cổ động phổ biến thể loại thơ mới trong một xã hội còn nặng phong kiến và thủ cựu tại Việt Nam.
4.3. Vài Bài Thơ Của Nữ Sĩ Manh Manh
Trong cuộc diễn thuyết vào đêm 26 tháng 7 năm 1933 tại Hội Khuyến học Sài Gòn, nữ sĩ Manh Manh có "trưng ra làm điển hình” một bài thơ mới của mình như sau:
Canh tàn
Em ơi, nghe lóng nghe
Gió đêm thoáng qua cửa ...
Lụn tàn một góc lửa,
Lạnh ngắt chốn buồng the.
Gió đêm thoáng qua cửa ...
Não dạ dế tỉ te
Lạnh ngắt chốn buồng the ...
Em ơi, khêu chút lửa.
Não dạ dế tỉ te
Gió ru " ... thiết chi nữa ... "
Em ơi, khêu chút lửa
Rồi lại ngồi đây nghe.
Gió ru " ... thiết chi nữa ... "
Sụt sùi mấy cành tre
Em ngồi đây có nghe
Tơ lòng chi đứt nữa.
(Trích trong bài diễn thuyết tại Hội Khuyến học Sài Gòn ngày 26-7-1933)
Nữ sĩ Manh Manh làm thơ rất ít, và chưa in tập thơ nào. Trong bộ sách Việt Nam thi nhân tiền chiến (tập 2, ấn bản kỳ nhì, 1968) xuất bản tại Sài Gòn, đã giới thiệu 4 bài thơ mới và một bài diễn thuyết của bà:
-Viếng phòng vắng, đăng báo Phụ Nữ Tân Văn số Xuân, ra ngày 19 tháng 1 năm 1933.
-Canh Tàn, trích trong bài diễn thuyết về Thơ mới tại Hội Khuyến học Sài Gòn ngày 26 tháng 7 năm 1933.
-Hai cô thiếu nữ, đăng báo Phụ nữ tân văn, 1933.
-Bức thư gởi cho tất cả ai ưa hay là ghét lối thơ mới, đăng báo Phụ Nữ Tân văn số 228, ra ngày 14 tháng 12 năm 1933.
-Vấn đề Nữ lưu và Văn học. Đây là bài diễn thuyết, sau đăng báo Phụ nữ tân văn số 131, ra ngày 26 tháng 5 năm 1932.
Bức thư gởi cho tất cả ai ưa hay là ghét lối thơ mới
Phải tôi đấy, Manh Manh, mấy bạn à!
Lâu quá không làm thơ, mấy bạn cũng "nột dạ"?
Phải, tôi đây Manh Manh, mấy ông à!
Lâu quá không làm thơ, mấy ông lấy làm lạ?...
Bạn yêu tựu hỏi nhỏ: "E...chỉ sợ?
Tội nghiệp chớ ! Người thì trẻ nên có hơi khờ"...
Bạn ghét xúm hét to: "Á! nó sợ!
Đáng khiếp chửa ! Người thì đẹt mà muốn vát cờ"
Nghiêng mình thưa:"Hỡi các bạn quí yêu,
Gì mà sợ ? Nghe tôi nói nhỏ: Manh chưa "xiều"
Khoanh tay gọi:"Hỡi các ông trớ trêu,
Khoan vinh mặt, đứng ngay cho tôi tỏ mấy điều
Thật, lâu nay tôi vắng đến "làng thơ"
Các bạn ơi, không phải phụ ai mà hởn hờ,
Ừ, lâu nay tôi không có làm thơ,
Các ông ơi, không phải sợ ai mà lu lờ.
Bị lôi cuốn trong chiến trường hoạt động.
Há được ngồi không mà sấp "mấy sợi tơ lòng".
Trước là hành động, thơ không mấy trọng,
Suốt đời nào để nghe quả tim con phập phồng!
Tuy vậy, giữa những lúc đi hăm hở,
Đôi khi tôi giựt mình nhớ đến khách làng thơ.
Ừ, mình nín thinh họ cho nhát dở !
Thôi, lấy " túi văn chương " vét một vài bài thơ.
Bấy lâu đành với tình cảm hởn hờ,
Bây giờ cần tới nó e hồn thơ không tới?
Nói chơi, chớ có gì đâu mà chờ,
Đây một bức thơ, thơ mới ! thơ mới! thơ mới!
...Rồi tôi thấy biết bao người rũ tới.
Vừa nghe hô thơ mới của Nguyễn Thị Manh Manh
Người ưa với kẻ ghét lối thơ mới,
Ưa đến nghe, ghét đến "bới" làm tôi tái xanh
...Rồi tôi nghe tiếng cười rộ lớn thêm,
Vớ được chuyện, họ cầm bút viết thôi kịch liệt!
Kẻ nghịch la:"Đả đảo! chẳng để êm!"
Bạn thích gật đầu nói:"Cái lối thơ hay thiệt"
Kết luận chuyện mới gần thành chuyện cũ
Các bạn ơi, cãi với nhau thét đã nhàm rồi
Làng thơ, thơ cũ, thơ mới, có đủ:
Thơ xưa là đất cũ, thơ nay tỷ đất bồi;
Đất trước để yên, đất sau lo xới,
Đất mới thì ít khô khan hơn đất dụng rồi.
Rủ nhau khai phá, cất thêm sở mới,
Nếu thật tình mong cây thơm mọc nhánh đâm chồi.
Bây giờ tôi thử khuyên khách làng thơ:
Đổi lại, ai ưa thơ mới lo tìm chỗ dở,
Ai ghét, ráng kiếm cái hay của thơ
Vậy, chê, khen, có giá trị hoa mới sẽ nở".
(Phụ nữ tân văn, số 228, ngày 14-12-1933)
Viếng Phòng vắng
Gió lọt phòng không
Tạt hơi đông
Lạnh như đồng
Ngồi mơ tưởng
Ngày xưa phất phưởng
Dấy động tơ lòng ...
Trải đã mấy trăng
Hỡi nhện giăng
Với rêu lan
Tấm vách cũ
Từ khi người chủ
Một giấc lặng trang.
Tan nát vóc xưa
dưới mồ mưa
sương phủ dập ! ...
Đến hồn nàng
Thôi cũng bặt đàng
Biết sao được gặp ! ...
Hò hẹn kiếp sau
lại tìm nhau.
Có đặng nào ?
Dầu có tin
nàng sẽ tái sinh
ở vũ trụ nào ?
* * *
Thôi duyên có bấy
nhiêu ngần ấy ! ...
Hoa để tàn
trong trương sách
hơi lây lách
Như thấm từ hàng ;
Nàng tựa đóa hoa
mà người ta
là quyển sách
lật nửa chừng
từ mỗi tờ, bừng
hương lên bay tách ...
* * *
Gió lọt phòng không
tạt hơi đông
lạnh như đồng
Ngồi tơ tưởng
Tình xưa phất phưởng
Ấm dịu cõi lòng ...
(Phụ nữ tân văn, số mùa Xuân, 19-1-1933)
Hai cô thiếu nữ đi ra đồng
(Một cô ở chợ, một cô ở đồng)
Hai cô thiếu nữ đi ra đồng,
Một mảnh lụa hồng, một vóc vải đen.
Hai cô rủ nhau đi xuống đầm
(Cô đi chân không, cô đi dép đầm)
Hai cô rủ nhau đi xuống đầm,
Bóng lụa hồng tách bóng vải thâm.
Mỗi người tay xách một giỏ mây,
Băng đi tha thướt dưới bóng nhành cây.
Mỗi người tay xách một giỏ mây,
Cô này bắt cá, cô này hái hoa...
Rồi lại rủ nhau đi về.
Một cô nhẹ nhàng, một cô nặng nề.
Rồi lại rủ nhau đi về.
Giỏ cá cũng gần kề với giỏ bông.
Gặp bà lão khóc dựa bên đường,
Hai cô mới ngừng để hỏi tỏ tường.
Gặp bà lão khóc dựa bên đường,
Nghe tỏ tường cả hai động lòng thương.
Bà kia còn ba mụn cháu thơ,
Mồ côi cha mẹ, cùng bà bơ vơ...
Bà kia còn ba mụn cháu thơ,
Nhà tranh hết gạo biết nhờ cậy ai?
Cô ở đồng tay đưa giỏ cá :
" Bà ơi, cá ni bán được giá cao. "
Cô ở đồng tay đưa giỏ cá :
" Bà lấy hết đi, bán được khá tiền."
Lão bà nước mắt đổ chan hòa
Thốt ra mấy lời cảm ân thật thà
Lão bà nước mắt đổ chan hòa
Rằng: "Cô thật là tiên xuống cứu tôi."
Cô ở chợ tay đưa giỏ bông:
"Bà ơi, thứ này bán được tiền không?"
Cô ở chợ tay đưa giỏ bông :
"Nếu bà muốn bán, cho bông cháu bà."
Bà lão cười rồi lại nói vầy:
" Ở đồng có ai mua chi thứ này"
Bà lão cười rồi lại nói vầy:
" Cháu nhà trông gạo, bông này quản chi."
Xong mới từ hai cô mà đi ...
Cấp củm giỏ mây, buổi cơm trẻ nhi.
Xong mới từ hai cô mà đi ...
Một cô thì lại nghĩ chi, thở dài ...
Hai cô thiếu nữ đi khỏi đồng,
Cô ở đồng bay nhẹ bổng tấm lòng.
Hai cô thiếu nữ đi khỏi đồng.
Cô áo hồng mang nặng cái giỏ bông ...
Bà La Fugie nhà thám hiểm và họa sĩ
Các anh ơi dẹp lọ, dẹp đèn, dẹp tim, dẹp móc
Để tôi dắt các anh ra mắt một người đàn bà
Một người đàn bà từng bao phen lăn lóc
Giữa tạo vật với phong ba (đây chẳng phải là “tạo vật” “phong ba” theo nghĩa bóng các anh thường than thở)
Người từng lướt đi chẳng kể nắng nung, tuyết lạnh, đất nghiêng, đá vỡ
Người ăn vận như bạn trai, ngồi lưng ngựa long chong
Mà qua đèo, xuống hố, lên dốc, lội hào
Cùng một bọn tùy tùng dân lạ, sấn đi giữa non núi chình chòng
Rồi trải qua những ngày phẳng lặng, những đêm hung giông bão …
Các anh ơi, đó là nhà thám hiểm, lại là giống đàn bà đem cái trí, cái tài, cái gan của mình để phục vụ khoa học
Sống để đi kiếm trên mặt đất, những góc nào mà loài người còn cô độc
Những xứ tít mù xa, sống để khảo sát bao la …
Rồi mượn bút họa thần tình mà gộp trong mấy vuông giấy trắng thế giới bằng phong cảnh, nhân loại bằng hình người
Cái tài nuôi cái chí, người tự tạo người.
Ôi ! mấy bức tranh của họa sĩ là một đời in khắc!
Các anh ơi các anh chẳng có biệt tài, có chí cao, có gan lớn thì tôi chẳng xúi các anh chuyện đi xa.
Tôi chẳng buộc các anh cưỡi ngựa vượt non băng ngàn lưu linh xứ lạ.
Chống với gió mưa vất vả, với sương tuyết, tơi tả vói băng sơn
Tôi chỉ xin các anh bẻ ống, đập đèn, liệng tim, quăng móc
Tôi chỉ cầu các anh thôi hút, bỏ dứt tật ghiền;
Các anh ưng nghe tôi chăng? Hay là:
Đang lúc tâm hồn tôi rung động vì một bậc anh tài mới thoáng qua.
Đang lúc tôi hăm hở hát ca cái can đảm, cái khí tiết, cái hùng dũng
Của một người đàn bà; - mà các anh vẫn nằm điềm nhiên, vẫn móc, vẫn tim, vẫn hút, vẫn ghiền.
Thì các anh ơi
Đành rằng trọn đời, trên thế giới người ta,
Các anh chẳng là đàn ông, mà các anh cũng chẳng đáng làm đàn bà.
(Phụ Nữ Tân Văn, số ra ngày 20-4-1934)
Trần Văn Đạt, Ph. D.
2016
Tài Liệu Tham Khảo:
- Huỳnh Minh. 1969. Gò Công xưa và nay. NXB Xuân Thu, California, Mỹ quốc, 264 trang.
- Hoài Thanh-Hoài Chân 1988. Thi nhân Việt Nam. Nhà xuất bản Văn học (Hà Nội) in lại năm 1988.
- Hội Ái Hữu Gò Công tại Hoa Kỳ. 2000. Lịch sử tỉnh Gò Công. Giai phẩm Xuân Canh Thìn 2000, trang 3-42.
- Nguyễn Tấn Long- Nguyễn Hữu Trọng. 1968. Thi nhân Việt Nam tiền chiến (quyển thượng). Nhà xuất bản Sống mới, Sài Gòn, 1968.
- Phan Cự Đệ, Phong trào thơ mới (1932-1945). 1982. Nhà xuất bản Khoa học xã hội.
- Trương Minh Đạt. 2008. Nghiên cứu Hà Tiên. Tạp chí Xưa & Nay và nhà xuất bản Trẻ cùng hợp tác ấn hành năm 2008.
- Nam Kỳ Lục Tỉnh online.
- WIKIPEDIA: Manh Manh.
[1] Phan Khôi sinh ngày 6 - 10 - 1887 tại làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là con của Phó bảng Phan Trân (tri phủ Điện Khánh) và bà Hoàng Thị Lệ. Đỗ Tú tài chữ Hán năm 19 tuổi nhưng lại mở đầu và cổ vũ cho phong trào Thơ mới. Ông còn là một nhà báo tài năng, một người tích cực áp dụng tư tưởng duy lý phương Tây, phê phán một cách hài hước thói hư tật xấu của quan lại phong kiến và thực dân Pháp.