Huy Lữ TRẦN VĂN ĐẠT
Nguyên Chánh Chuyên gia FAO - Rome

Trống đồng

 
TRỐNG ĐỒNG ĐÔNG SƠN:
THÔNG ĐIỆP NÔNG NGHIỆP CỔ ĐẠI
 
                                             Trần Văn Đạt, Ph. D.
 

 
                           Hình 1: Trống Ngọc Lũ và mặt trống (1)
Trống đồng là một di vật tiêu biểu cho nền văn minh người Việt cổ thời dựng nước, ngoài nhiệm vụ nhạc khí còn là biểu tượng của quyền lực, lễ hội, tôn giáo… Do đó, các loại trống đồng của nền văn hóa Đông Sơn được các nhà khảo cổ học tìm thấy ở Việt Nam từ cuối thế kỷ 19, đã giúp chúng ta có thêm chứng tích nhận diện phần nào bản chất văn hóa, xã hội và kinh tế của người Việt trong thời đại Văn Lang, bên cạnh các phát hiện di vật khảo cổ, tài liệu, sách sử nội địa và Trung Quốc mà mức độ chính xác chưa thể xác định tất yếu. Sự hiện diện của trống đồng tại Việt Nam và phần nào ở vùng Hoa Nam (bị Bắc Phương xâm chiếm), đã xác minh bằng chứng không thể chối cải nguồn gốc và nền văn minh cổ xưa của người Lạc Việt mà Phương Bắc cố tình che đậy hoặc ngụy tạo để họ dễ dàng thực hiện âm mưu bành trướng đồng hóa dân tộc từ thời Bắc thuộc, lúc bọn Nhậm Diên, Sỹ Nhiếp thực hiện chủ trương bá quyền thâm hiẩm.
Các trống đồng được phát hiện trong thời gian qua chỉ là một phần nhỏ của số lượng mà tổ tiên ta ngày xưa kín đáo lưu giữ lại sau khi kẻ đô hộ thời đó gắt gao cấm đoán sản xuất, tàng trữ và sử dụng; họ tịch thu nhiều trống đồng Việt cổ để nấu chảy đúc thành trụ đồng, ngựa đồng hoặc thành khối mang về Phương Bắc làm của riêng (Hậu Hán Thư). Chúng ta còn nhớ lời đe dọa đâu đây khắc trên trụ đồng ở địa giới ngày xưa: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” của bọn Mã Viện đời Đông Hán sau khi đánh bại lực lượng nổi dậy của Hai Bà Trưng. Các trống đồng được tìm thấy trong thời gian qua dù số lượng còn khiêm nhường cũng cung cấp cho hậu thế hiểu biết nhiều hơn, thực tế hơn về bức tranh lịch sử cụ thể của một nền văn hóa nổi tiếng một thời, đó cũng là bản thông điệp nền nông nghiệp Cổ Đại hay văn minh lúa nước dưới thời đại Hùng Vương-An Dương Vương khoảng gần một ngàn năm trước Công Nguyên (tr CN).
Trống đồng và nền văn hóa Đông Sơn
Trống đồng là một biểu tượng nổi bật của nền văn hóa Đông Sơn. Tất cả các trống đồng được tìm thấy đều thuộc cùng một loại, loại I theo phân loại của F. Heger (1). Hiện nay, các nhà khảo cổ học Việt Nam thống nhứt gọi là trống đồng Đông Sơn (Hình 1). Những di tích Đông Sơn được Ông L. Pajot, nhân viên thuế quan Pháp tìm thấy, khai quật ở vùng sông Mã, Thanh Hóa vào năm 1924, sau đó công trình khảo cứu được nối tiếp bởi học giả Thụy Điển O. Jansé. Năm 1934, nhà khảo cổ người Áo Heine Geldern đề nghị dùng tên “văn hóa Đông Sơn” cho nền văn hóa này (2). Kể từ 1954, các nhà khảo cổ học Việt Nam tiếp tục công trình nghiên cứu. Di tích Đông Sơn thuộc làng Đông Sơn, phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa ngày nay, nằm ở hữu ngạn sông Mã. Các di tích tìm thấy ở nhiều địa điểm, nhưng thường phân bố trên các vùng đất cao, chân đồi, ven sông và ven suối. Tầng văn hóa trung bình dày 0,60-1,00m. Ngoài các di chỉ cư trú riêng biệt, còn có loại di tích hỗn hợp của cả di chỉ cư trú và khu mộ táng.
Nền văn hóa Đông Sơn được khám phá phát nguồn từ vùng Bắc Trung Bộ trên hạ lưu sông Mã và sông Cả đến châu thổ sông Hồng, trải qua thời gian một ngàn năm, bắt đầu từ giai đoạn sớm của thế kỷ 8-7 tr.CN và kết thúc vào thế kỷ 1 và 2 sau CN. Nền văn hóa Đông Sơn là chặng đường tiến bộ vượt bực của người Việt cổ, tiếp theo các nền văn hóa sớm hơn như văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu và Gò Mun, tiền đề của thời dựng nước.
Đến nay, số trống đồng được phát hiện gần 1.000 trống lớn nhỏ, không kể những trống vỡ nát (2) trên những địa bàn thuộc phạm vi nền văn hóa Đông Sơn (miền Bắc Trung Bộ và châu thổ sông Hồng), và chúng còn được tìm thấy ở một số tỉnh khác như Thừa Thiên-Huế, Gia Lai-Kontum, Quảng Nam-Đà Nẵng, Bình Định, Nha Trang, Bình Dương, Vũng Tàu, Kiên Giang. Trống đồng Đông Sơn cũng được phát hiện ở Miền Nam Trung Hoa, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Hiện nay, trống đồng cổ còn thấy ở nước Mỹ (Nam California) do cách di chuyển nào đó.
Viện Khảo Cổ Học Việt Nam đã phân loại trống đống Đông Sơn làm 4 nhóm chính, căn cứ vào hình dáng và hoa văn trang trí, nhóm A (hay loại I) phổ biến nhứt. Một số trống đẹp nổi tiếng như trống Ngọc Lũ, trống Hoàng Hạ, trống Cổ Loa, trống Làng Cốc…
Bức tranh lịch sử sinh hoạt nông nghiệp trên trống đồng Đông Sơn
Nền nông nghiệp sơ khai của cư dân nước Việt cổ đã xuất hiện vào thời tiền sử khoảng 10.000-8.000 năm trước (thời đại Đá Mới), do ngành khảo cổ học phát hiện phấn hoa và bào tử của các loại cây củ đậu, hạt quả… và khai quật được nhiều vỏ ốc sò và dụng cụ ghè đẽo một mặt trong các hang động của nền văn hóa Hòa Bình (3). Cho đến thời kỳ văn hóa Đông Sơn (khoảng 6.000-5.000 năm sau văn hóa Hòa Bình) - một nền văn hóa nổi tiếng của nước Văn Lang (hay Lạc Việt) trong thời đại kim khí bắt đầu cách nay khoảng 2.700 năm - nền nông nghiệp Cổ Đại đã tích lũy nhiều tiến bộ quan trọng và đã trở nên nề nếp, xã hội đã có nhiều sản phẩm dư thừa qua khai quật tìm thấy các hầm ngũ cốc thối nát trong đất, chậu gốm lớn, thạp đồng (4). Xã hội nông nghiệp đã có những kỹ thuật tinh xảo, nhứt là khi cư dân phát triển mạnh nghệ thuật luyện kim đúc đồng và sau đó khám phá kim loại sắt.
Một số sinh hoạt nông nghiệp trong thời Cổ Đại đó được khắc ghi trên các trống đồng Đông Sơn, qua các hình ảnh hoa văn rất điêu luyện và mỹ thuật. Các hoa văn trang trí trên trống đồng rất đa dạng, thể hiện nhiều góc cạnh của xã hội thời Cổ Đại dưới triều đại Hùng Vương- An Dương Vương. Các hoa văn này xuất hiện trên mặt, tang, thân và ngay cả chân trống đồng, chủ yếu gồm có các loại văn mặt trời, văn kỷ hà, văn tả cảnh sinh hoạt và văn hình động vật (Hình 2).

 
Hình 2: Hình họa mặt trống đồng Ngọc Lũ (5)
Tất cả những hoa văn trang trí này làm nổi bật vẻ đẹp sống động, hiện thực, đôi khi cách điệu theo thời gian của xã hội đương thời - một bức tranh lịch sử của người Lạc Việt, trong đó đặc biệt mô tả sinh hoạt nghề nông toàn diện và rõ ràng ngành nông nghiệp thời Cổ Đại gồm các khâu nông, lâm, ngư và súc đạt mức phồn thịnh trong nền văn hóa Đông Sơn.
·         Những hoa văn trống đồng rất phổ biến:Những hoa văn như mặt trời, nhà sàn, người giã gạo, chim cò bay, đàn hươu biểu diễn, thuyền ghe và người đánh trống, nhảy múa, đối đáp (Hình 3) rất phổ cập, có thể tìm thấy dễ dàng trên nhiều trống đồng ở các vành hình tròn trên mặt, tang và đôi khi trên thân trống. Các hình ảnh đó phát họa một bức tranh đồng quê trong thời kỳ thịnh vượng với chim cò tung bay ngoài đồng ruộng, người dân sinh hoạt với nghề nông trong mưa nắng dưới ánh mặt trời, biết chăn nuôi gia súc, sắn bắn, biết đánh bắt cá tôm, trồng trọt, nhứt là làm vụ lúa nước theo mùa, biết thu hoạch theo thời tiết và hoan ca chào đón ngày cuối vụ hay chào mừng hạt thóc mới, hò hát, giã gạo, nhảy múa kết đoàn dưới trăng. Họ còn biết trao đổi thương phẩm với nhiều bộ tộc, quốc gia láng giềng bằng hàng hải với các ghe thuyền gỗ vượt sông biển. Hoa văn phổ biến nhứt trên mặt trống đồng Đông Sơn là hình ảnh các loại chim, người cũng hóa trang chim, đội mũ gắng lông chim, mũi thuyền có mắt chim tròn, cho biết chim là loài vật tổ tôn kính của người Lạc Việt bên cạnh thần Mặt trời.                                                                                         

                                             
Hình 3: Hoa văn phổ biến trên mặt trống đồng Ngọc Lũ (5)
(Mặt trời, nhà sàn, chim bay, hươu từng cặp, người giã gạo, vựa lúa, nhảy múa, đánh trống)
 
·         Văn mặt trời có nhiều tia ở trung tâm của mặt (nắp) trên hầu hết trống đồng cho thấy người Việt Cổ thờ thần mặt trời và sùng bái thiên nhiên: mặt trời, lữa, nước, đất, gió, sấm sét, núi non… vì các hiện tượng “huyền bí” này giúp họ có được đời sống, sinh hoạt hàng ngày, tiếp nối từ thế hệ này đến thế hệ khác. Mặt trời cung cấp nguồn năng lượng vô biên để nông dân trồng trọt, nuôi dưỡng, sản xuất và thu hoạch cuối mùa. Dù lúc đó con người chưa có kiến thức khoa học như ngày nay - chưa biết đến hiện tượng quang hợp của các loài thảo mộc - họ cũng nhận thức được nếu không có nguồn ánh sáng thiên nhiên họ không thể thực hiện các hoạt động sản xuất lương thực để nuôi sống bản thân và gia đình, con người và muôn loài không thể tồn tại lâu dài trên quả đất này. Từ ngàn xưa người dân luôn hướng nhìn mặt trời, bầu trời xa xâm để mong đợi mưa gió thuận hòa giúp canh tác tươi tốt, được mùa; mong chờ trời nắng ráo để hoàn tất thu hoạch mau chóng và đúng lúc.
Trông trời, trông đất, trông mây,
Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm.
 
Ngoài ra, trống đồng có nhiều vành hoa văn đồng tâm với nhiều hình chim, trong đó chim chân cao mỏ dài và hình hươu chạy theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, biểu lộ hướng trái đất quay từ Tây sang Đông, thể hiện trình độ thiên văn cao của người Việt cổ. Trên hầu hết nhạc khí trống đồng, minh khí đều có hình mặt trời chiếu sáng ở tâm điểm mặt trống, như nói lên tầm quan trọng thiết yếu của vầng thái dương đối với con người nông nghiệp qua thời tiết bốn mùa. Có thể đó là biểu hiện lịch pháp thiên văn cho nền nông nghiệp cổ(2). 
Theo hoa văn trên trống đồng, như trống đồng Hoàng Hạ (Hà Tây cũ), được một số nhà khảo cổ nghiên cứu và đánh giá là một loại lịch thời Hùng Vương, là bức thiên đồ cho phép xác định được các ngày tiết trong năm. Đó là loại lịch ngày âm (Hình 4), kết hợp chu kỳ mặt trăng và mặt trời, bắt nguồn từ văn hóa Bách Việt, mang đậm nét văn hóa nông nghiệp lúa nước ở phương Nam (3). Số lượng của các tia, chim bay, hươu, thuyền hầu hết là số chẳn, biểu hiện cư dân thời bấy giờ biết đo đếm. Số tia 12 chiếm đa số liên quan đến số tháng trong năm (6). Thời Cổ Đại, Ai Cập cũng có bộ lịch giúp hoạt động nông nghiệp ven sông Nile.
 
·         Hoa văn tả cảnh sinh hoạt của con người trên trống đồng (Hình 4 và 5) hình dung nền nông nghiệp thời Cổ Đại khá đa dạng. Các hoa văn người giã gạo,cộng thêm hình ảnh kho chứa, thạp đồng, văn bông lúa (trống số 31 (2)) (Hình 6), chim cò bay, tượng cóc, hình trâu bò, rắn nướcnhứt là người nam và nữ đứng giã gạo (Hình 5), hò hát đối đáp được tìm thấy khá phổ thông trên nhiều trống đồng. Điều đó và sự hiện diện của lưỡi cày đồng thời bấy giờ biểu hiện ngành nông nghiệp lúa nước đã trở nên một nghề chủ yếu cố định của người Việt Cổ trong thời dựng nước. Nông dân đã sản xuất lương thực dư thừa, nên có các thạp đồng lớn, trống chậu bằng đồng, vựa thóc trong những nhà khá giả. Nhờ nghề trồng lúa nước, người Văn Lang đã định cư, không còn lối sống du canh du mục nữa. Họ đã tụ tập thành từng làng xóm ven sông rạch, biển hồ, vùng đất cao, đồi núi; nhờ đó tổ chức xã hội ngày càng hoàn chỉnh, lớn mạnh và vững chắc; nước Văn Lang đã được thành lập. 

             
Hình 4: Các loài chim trên trống đồng Đông Sơn (my.opera.com):

Hàng 1: Chim trĩ trên mái nhà sàn cong, công (trống Ngọc Lũ), cò thìa,

Hàng 2: Gà trên mái nhà sàn tròn (trống Hoàng Hạ), công (trống Miếu Môn),

 
·         Hóa trang cờ bay, khố váy, áo hai vạt ngắn dài của những người giã gạo, vũ công và chiến binh (Hình 6) được khắc trên trống đồng cho thấy nghề dệt vải, trồng cây vải, bố đai, trồng dâu nuôi tầm - nghĩa là công nghệ vải sợi đã phổ biến nhiều nơi trong nước Văn Lang để sản xuất tơ sợi làm áo khố che thân, trang trí nội thất, làm cờ xí trong ngày lễ hội, cờ hành quân bảo vệ giang sơn.
 
Hình 5: Hình họa người giã gạo và thổi khèn trên trống đồng Đông Sơn (6)
 
·         Các hoa văn hình thuyền, thuyền đua, thuyền chiến, xương cá (2), các loại cá, rắn, nhà sàn, lầu gác (2) cho thấy ngành ngư-lâm cũng rất quan trọng trong xã hội bấy giờ. Nông dân biết khai thác cây rừng để làm nhà ở, gỗ đóng ghe thuyền dùng trong ngư nghiệp, phương tiện di chuyển, các dụng cụ sinh hoạt hàng ngày, và vũ khí gươm giáo chống xâm lăng. Trong thời Cổ Đại, có một bộ phận cư dân không nhỏ chuyên sống với nghề biển, sông hồ. Do đó, họ biết khai thác các chiến thuyền để chống ngoại xâm bảo vệ xứ sở, chuyên nghề đánh bắt cá, ốc sò để làm đa dạng lương thực hàng ngày. Ngành hàng hải cũng phát triển từ thời đó, nhiều trống đồng được tìm thấy ở Miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và vài nước Đông Nam Á. 

 
Hình 6: Bông lúa trên quai trống đồng Ngọc Lũ
 
·         Các hoa văn hình động vật như chim bay, chim đậu (trĩ, công, chàng bè, trích…), trâu bò (trống số 5 (2)), gà, chó, cóc… (Hình 4) trên mặt, tang, thân hoặc chân trống đồng cho thấy nông dân biết thuần dưỡng thú rừng, biết nuôi gia cầm để có thêm thức ăn, nhứt là nghề nông nghiệp dựa vào sức kéo của trâu bò (8), làm tăng gia sản lượng thực phẩm và nâng cao hiệu năng trồng trọt. Sự phát hiện lưỡi cày đồng và các tượng bò hình khối, hoa văn bò đực cho biết ngành nông nghiệp lúa nước đã phát triển cao. Họ đã biết dùng trâu bò cày xới đất canh tác, nhứt là cày ruộng, xới rẫy, một công việc nặng nhọc đối với con người khi làm việc trong điều kiện trồng lúa ngập nước và trên đất khô ráo cho canh tác các màu phụ. Trong khi tượng cóc, cóc giao phối trên trống đồng thể hiện sự mong mỏi của nông dân về mưa thuận gió hòa, vụ mùa thuận lợi.
Con cóc là cậu Ông Trời.
Cóc nghiến răng trời đang nắng thì mưa.
  
·         Các hoa văn hươu nai, chim bay, chim đậu, con công, chàng bè, chim trích, cá sấu, chó săn (Hình 2, 7 và cho thấy cư dân Việt Cổ vẫn còn có một bộ phận không nhỏ còn sống về nghề săn bắn trong rừng núi, vùng sâu vùng xa để có thêm thực phẩm. Họ có đời sống lưu động, làm nghề du canh để có đủ lương thực sinh tồn. Nghề du canh này vẫn còn tồn tại đến ngày nay ở vùng Tây nguyên Trung phần và thượng du Bắc Bộ.
 
·         Các họa tiết độc đáo mô tả hình ảnh vũ công múa hát, hóa trang trong lễ hội, tục đối đáp (Hình 2 và 5) khắc trên trống đồng, và hoạt cảnh hát hò trong khi chèo thuyền, đánh cá, làm ruộng… (Hình 7). Trong nhà sàn, từng cặp nam nữ ngồi đối diện, lồng tay chân nhau cùng ca hát, đối đáp (Hình 5 và 6). Còn có tế trời, tế nước trên trống đồng Ngọc Lũ và Hoàng Hạ. Các hình ảnh bơi chèo, múa hát, thổi khèn, ngồi đối đáp, ôm cõng nhau…, cho thấy những lễ hội, ngày mùa vui vẻ trong một xã hội ổn định, thịnh vượng và dân tộc còn chất phát, có đầu óc nghệ thuật, hiếu hòa với tín ngưỡng sùng bái thiên nhiên.
Đó là một bức tranh lịch sử rất sống động của xã hội Văn Lang, phồn vinh với sự nổi bật của một nền nông nghiệp tiến bộ: nông nghiệp lúa nước. Các hình ảnh cụ thể trên trống đồng Đông Sơn đã rọi sáng thêm các thành quả nghiên cứu của các nhà khảo cổ học Việt Nam trong hơn thế kỷ qua, nhứt là minh xác thêm trong thời đại Hùng Vương-An Dương Vương cách nay khoảng 3.000 năm nền nông nghiệp đã thoát khỏi tình trạng sơ khai của thời tiền sử và trở nên năng động, hiệu quả và có nề nếp. Nhờ đó, cư dân Việt cổ Đông Sơn có đời sống định cư lâu dài và ổn định, xã hội được tổ chức trật tự có hệ thống để hình thành nước Lạc Việt hùng mạnh một thời.
 
 
 
Tài Liệu Tham Khảo:
 
1.     Viện Khảo Cổ Học, 1999. Thời Đại Kim Khí Nam Bộ. Khảo Cổ Việt Nam, Tập II. NXB Khoa Học Xã Hội, tr. 349-398.
2.      Hoàng Xuân Chính, 2012. Đồ đồng văn hóa Đông Sơn. NXB Văn hóa thông tin, TP/HCM, 238 trang.
3.      Nguyễn Địch Dỹ và Đinh Văn Thuận. 1981. Kết quả phân tích bào tử phấn hoa ở Hạ Sơn, Phiêng Tung, Nà Khù. Thần Sa- những di tích của con người thời đại đá. Bắc Thái 1981.
4.      Trần Văn Đạt. 2010. Lịch sử trồng lúa Việt Nam. NXB 5 Star Printing, Nam California, Huê Kỳ, 489 trang.
5.      Lê Văn Siêu. 2006. Ý nghĩa những hình vẽ trên bề mặt trống đồng Ngọc Lũ. Trong Việt Nam văn minh sử
6.      Wikipedia.org.
7.      Vũ Thế Long. 1979. Di tích động vật ở di chỉ Đa Bút (Thanh Hóa). NPHM, Viện Khảo Cổ Học 1979.
8.      Nguyễn Duy Xuân. 2011. Trống đồng Đông Sơn.  Nguồn: CINET.gov.vn).
 

This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free