Nobel Hòa Bình 2006
NOBEL HÒA BÌNH 2006:
NGÂN HÀNG GRAMEEN VÀ VI TÍN DỤNG
Dr. M. Yunus
Giải Nobel Hòa Bình đã được trao ra trong năm 2006 nhằm nêu lên vấn đề nghèo đói đáng chú ý trên thế giới hiện nay. Theo thống kê của cơ quan FAO và Ngân Hàng Thế giới, năm 2005 có hơn 850 triệu người nghèo đói trên thế giới. Trong khi đó, theo tin tức báo chí, thế giới có độ 1 tỉ người béo phì mà phần lớn số này ở các nước đã phát triển. Tiêu chuẩn nghèo của Ngân Hàng Thế Giới là thu nhập của một người mỗi ngày tương đương một Mỹ kim. Áp dụng tiêu chuẩn này, Việt Nam có tỉ lệ người nghèo giảm từ 58% trong 1993 xuống 37% 1998, 29% 2002 và 20% 2004. Độ 90% nghèo đói xảy ra ở nông thôn mà hơn 50% ở dưới ngưỡng nghèo đói (<1 đô la) do chính sách phát triển kinh tế bất tương xứng hiện nay gây ra. Trước năm 1975, Đồng Bằng Sông Cửu Long là một vùng trù phú nhứt nước, nhưng cũng theo báo cáo trên trong năm 2002, vùng này có mức nghèo đói (23%) cao hơn Đồng Bằng Sông Hồng (13%) và vùng Duyên Hải Miền Trung (22%) (Lâm Văn Bé, 2006). Giải Nobel Hòa Bình năm 2006 rất có ý nghĩa và có thể là một trong các giải pháp thích đáng cho vấn đề xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam và các nước đang phát triển trên thế giới, nhứt là ở châu Á và châu Phi.
Ngày 13-10-2006, Ông Mohammed Yunus, Giáo Sư kinh tế học và Ngân hàng Grameen ở Bangladesh được trao giải thưởng Nobel Hòa Bình trị giá 1,4 triệu Mỹ kim, vì họ đã có công lớn trong công tác giảm đói nghèo ở nước này, qua chương trình cung cấp vi tín dụng cho những người dân thật nghèo không có ruộng đất và của cải để thế chấp. Giáo sư Yunus quan niệm rằng sự nghèo đói hiện nay trên thế giới không phải do chính những người dân nghèo, mà do từ các định chế và chánh sách của nhiều chính phủ; cho nên, chỉ cần cải tiến hoặc tháo gỡ các định chế và chính sách này sự nghèo khó sẽ tự biến mất (Yunus, 1995). Người dân nghèo chỉ cần được giúp một số vốn nhỏ để họ có thể tự phát triển và có cơ hội hoạt động với khả năng của mình để vươn lên đời sống tốt hơn. Vì vậy, GS Yunus và cộng sự viên đã bắt đầu từ 1976 dự án nghiên cứu cung cấp một số vốn nhỏ, trung bình từ 50 đến 100 Mỹ kim mỗi đầu người cho dân nghèo để kinh doanh. Chương trình này thành công, đã gây tiếng vang trong nước, được chính phủ Bangladesh công nhận và giúp đỡ một phần vật chất cho hoạt động trong giai đoạn đầu. Chương trình lớn mạnh dần, được nhiều nước trong vùng như Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka… chú ý đến, áp dụng hoặc cải tiến cho phù hợp với từng nước.
Năm 1983, Chương trình vi tín dụng được ngân hàng hóa và trở thành Ngân Hàng Grameen Bangladesh, có tầm vóc của cơ quan tài chánh với mục đích mở rộng địa bàn hoạt động cho cả nước và cung cấp tín dụng cho nhiều khâu khác nhau, nhưng đối tượng vẫn là người thật nghèo, đặc biệt phụ nữ. Năm 1994, GS Yunus nhận được Giải Thưởng Thực Phẩm Thế Giới (World Food Prize) cao quý từ Hoa Kỳ. Giải thưởng này đã chính thức công nhận công lao của Ông góp phần làm giảm thiểu nạn nghèo đói ở Bangladesh. Trong khi đó, một số cơ quan quốc tế và nhiều nước phát triển đã lên tiếng chỉ trích chương trình vi tín dụng của Ngân Hàng Grameen vì không có hiệu quả kinh tế và còn tùy thuộc vào trợ cấp bên ngoài. Về diện kinh tế, các chỉ trích này hoàn toàn đúng, nhưng về mặt xã hội đạo đức không hợp lý. Đây là một loại ngân hàng dành cho người nghèo khó, chứ không phải cơ quan tài chánh cho vay kiếm lời; cho nên cần phải quan tâm về cả hai yếu tố xã hội và kinh tế cùng một lúc để giảm nghèo. Vì thế, giải Nobel Hòa Bình mới đến tay GS Yunus năm nay mặc dù hơi muộn!
Đây là một thành công lớn cho các nước đang phát triển, đáng cho Việt Nam noi gương để giúp đở người dân hiện đang nghèo khó cải tiến đời sống tâm tối vượt khỏi tầm tay của mình.
Lịch sử Ngân Hàng Grameen (Trần Văn Đạt, 2002): GS Yunus, sinh năm 1940 ở Bangladesh, tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế học ở Đại Học nổi tiếng Vanderbilt, bang Tennesse của Mỹ và trở về nước dạy học từ 1972 ở Đại Học Chittagong, miền đông của nước này. Trước thảm trạng thiếu đói lan tràn trong nước Bangladesh vào năm 1974 gây ra gần một triệu rưởi người thiệt mạng, GS Yunus băn khoăn về cảnh tượng đen tối của nước ông, đã chợt nghĩ ra rằng sự thiếu thực phẩm gây ra nạn đói cho người dân nghèo là do họ thiếu khả năng tài chánh để mua thức ăn. Năm 1976, Ông và một số cộng sự viên bắt đầu thực hiện một dự án nghiên cứu về cung cấp vi tín dụng tại làng Jabra gần nơi Ông đang dạy học. Do báo cáo của sinh viên cho biết nông dân muốn dệt vải nhưng thiếu vốn để làm ăn, nên họ phải đi vay mượn không chính thức với tiền lời cao đến 10% mỗi tuần, ông liền xuất tiền túi 27 Mỹ kim chia cho 42 người vay để mua con thoi giúp họ dệt vải và sau đó họ hoàn trả tiền cho Ông rất nhanh (CNN, 2006). Ngoài ra, Ông còn đứng ra bảo đảm và vay tiền từ ngân hàng thương mại cho nhiều nông dân nghèo để họ có vốn nuôi gà, nuôi bò sữa, làm đồ gốm, trồng rau, dệt vải…, họ hoàn tiền lại cho Ông đúng hạn kỳ. Năm 1983, Ngân Hàng Grameen Bangladesh được thành lập, có tư cách pháp lý của một ngân hàng thương mại, nhưng chuyên về cung cấp tín dụng cho người nghèo. Theo tiếng Bengali, Grameen có nghĩa là “làng quê”. Vào cuối 1992, số vốn cho vay của Ngân Hàng lên đến 149 triệu Taka (2,13 triệu Mỹ kim) và tỉ số người đi vay của Ngân Hàng này và cơ quan tín dụng - tài chánh của chính phủ Bangladesh là 88:12 (Dadhich, 1995).
Văn phòng Grameen Bank, Bangladesh
Năm 1989, GS Yunus và nhóm cộng sự viên thành lập thêm những tổ chức mới như Grameen Fisheries Foundation cho sản xuất cá tôm, Grameen Krishi Foundation cho chương trình thủy lợi và Grameen Trust cho chương trình sức khoẻ. Sau đó, ngoài Ngân hàng Grameen, họ còn bắt đầu bỏ vốn hoạt động trong kỹ nghệ dệt vải, cung cấp dịch vụ Internet, v.v. (Yunus, 2006) Tất cả người vay tiền là người thật nghèo. Năm 1997, Grameen Foundation được thành lập do một nhóm thân hữu của Ngân Hàng Grameen, với mục đích xóa đói giảm nghèo và tạo cơ hội thăng tiến cho người nghèo, bằng cách giúp đỡ họ nhận được tín dụng nhỏ dễ dàng và các thông tin liên hệ. Hiện nay, mạng lưới toàn cầu vi tài chánh của Grameen Foundation có đến 2,2 triệu gia đình trong 22 quốc gia. Từ 1983 đến nay, riêng ở Bangladesh, Ngân Hàng Grameen đã cho vay tổng cộng 6 tỷ Mỹ kim cho 6,6 triệu người vay, 97% là phụ nữ, mỗi năm cho vay độ 500 triệu Mỹ kim, và cung cấp dịch vụ cho 79.000 xã trong nước này (Ngô Nhân Dụng, 2006). Theo GS Yunus, đến cuối năm 2004, trên thế giới có 3.100 tổ chức gần giống như Ngân Hàng Grameen, từ xứ nhỏ như Uganda ở châu Phi đến New York, Chicago ở Hoa Kỳ, Pháp, Na Uy. Các tổ chức này tiếp xúc với 92 triệu người vay tiền, trong đó 67 triệu là người nghèo nhứt được vay tiền từ các ngân hàng thương mại.
Nguyên tắc cho vay của Ngân Hàng Grameen (Dadhich, 1995 và Yunus, 2006)): Trọng điểm của Ngân Hàng Grameen là chú trọng phát triển xã hội qua cung cấp tín dụng cho người nghèo mà không đòi hỏi thế chấp hay giao kèo pháp lý. Vì thế khách hàng của họ là những người thật nghèo, không có ruộng đất và của cải, đặc biệt phụ nữ. Một gia đình được xem nghèo khi chỉ làm chủ không quá 2.000 m2 đất và không có của cải quá 10.000 taka (143 Mỹ kim).
Chương trình cho vay của Ngân Hàng Grameen có 4 loại:
(i) Cho vay tổng thể nhằm vào các hoạt động kinh tế để giúp tạo ra lợi tức và tạo công việc làm cho mình để tự làm chủ.
(ii) Cho vay liên hợp nghĩa là cho vay cả nhóm chứ không phải cá nhân để họ có số vốn lớn dành cho các hoạt động đầu tư lớn.
(iii) Cho vay xây cất nha chỉ được thực hiện sau khi người vay đã có biểu hiện tốt trong các lần vay nợ trước.
(iv) Cho vay kỹ thuật nhằm mục đích đầu tư sản xuất, như nhà máy xay chà lúa, đào giếng, máy gặt lúa…
Các nguyên tắc chính của vi tín dụng Grameen gồm có:
1) Sự cho vay không cần thế chấp và giao kèo pháp lý, mà căn cứ vào lòng tin con người.
2) Cho vay theo nhóm tối thiểu 5 người cùng liên đới chịu trách nhiệm, người vay của nhóm không phải đến Ngân Hàng để xin vay, trái lại Ngân Hàng đến gặp nhóm để chọn người cho vay, qua các phiên họp địa phương giữa các nhóm và trung tâm cho vay. Lần đầu tiên, Ngân Hàng chỉ chọn ra 2 người trong nhóm để cho vay, sau đó căn cứ vào thành tích trả nợ tốt, Ngân Hàng sẽ tiếp tục cho vay nhưng mỗi lần 2 người mà thôi. Mức trả nợ hiện nay đạt đến 98%.
3) Mục tiêu hoạt động và số tiền cho vay được quyết định do khuyến cáo của trưởng nhóm đi vay nợ và trưởng trung tâm cho vay. Cấp tiền cho vay trong vòng 15 ngày kể từ ngày nộp đơn xin vay, với thủ tục rất đơn giản. Người mượn cùng một lúc có thể xin vay cho một hay nhiều mục đích.
4) Tiền vốn trả lại được ấn định từng kỳ (mỗi tuần, hoặc 2 tuần), với lãi suất 18%. Khi người vay trả vốn đủ 50 kỳ hạn, tức gần một năm, họ bắt đầu trả tiền lãi.
5) Người vay bị bắt buộc hoặc tự nguyện tham gia chương trình tiết kiệm.
6) Cho vay có thể xuyên qua các tổ chức bất vụ lợi. Nếu xuyên qua các tổ chức có lợi, lãi suất phải theo thị trường thường cao hơn để vốn cho vay được bền vững.
7) Tín dụng Grameen dành ưu tiên cho thành lập vốn đầu tư xã hội, nhằm thành lập trung tâm huấn luyện để phát triển khả năng trình độ kỹ thuật của người đi vay và người cho vay, đặc biệt chú ý đến giáo dục trẻ con, học bổng cho cao học, tín dụng cho kỹ thuật mới như: điện thoại di động, tin học, năng lượng thiên nhiên, cơ động thay thế sức người…
Điểm đáng lưu ý là trong quá trình cho vay, các phiên họp giữa người cho vay và người vay mượn đã tạo cơ hội gặp gỡ giữa những người dân vay nợ với nhau và với người của Ngân hàng để trao đổi kinh nghiệm về các thành quả và những khó khăn trong hoạt động liên hệ vay tiền. Nhân viên Ngân Hàng thường cho lời khuyến cáo về kỹ thuật, nhiều khi họ cũng đi thăm viếng nhà người vay nợ để quan sát tiến trình kinh doanh của họ. Mỗi phiên họp như thế có từ 6 đến 8 nhóm người đi vay trong cùng xã để Ngân Hàng cho vay nợ mới và đồng thời thu nợ theo định kỳ. Những người vay tiền sau một năm có biểu hiện trả nợ tốt được quyền mua cổ phần của Ngân Hàng. Đến nay, 94% số cổ phần do người dân nghèo làm chủ. Các cổ đông có quyền bầu ra 9 quản trị viên trong số 13 người trong hội đồng quản trị, số còn lại gồm đại diện chính phủ và ông Yunus (Ngô Nhân Dụng, 2006). Từ năm 1995, Ngân Hàng Grameen trở nên tự túc và không còn nhận tài trợ bên ngoài.
Ngoài ra, trong các buổi họp trả nợ hàng tuần, những người vay mượn cùng nhau đọc “16 điều phát nguyện” về sức khoẻ, vệ sinh cá nhân và xã hội, cải thiện phong tục, kế hoạch hóa gia đình, dạy con, trồng rau quanh năm, cày cấy, v.v., nhằm cải tiến đời sống lành mạnh và tốt đẹp hơn, trong tinh thần tự do và tự nguyện.
Chỉ trích: Chương trình vi tín dụng Grameen cũng gặp một số khuyết điểm như: (i) chi phí điều hành giám sát quá cao, (ii) không cung cấp tín dụng cho mục đích đầu tư và (iii) thiếu cơ sở huấn luyện để cải thiện khả năng của người đi vay và người cho vay. Chẳng hạn, chi phí thành lập và điều hành ngân hàng trong năm 1992 cao đến 5,5% của số vốn hoạt động, so với 4% của cơ quan tín dụng ở Ấn Độ. Đầu thập niên 1990s, một nghiên cứu của Ngân Hàng Thế Giới cho biết chỉ số lệ thuộc trợ cấp (subsidy dependence index-SDI) của Ngân Hàng Grameen Bangladesh cao đến 130, nghĩa là Ngân Hàng này cần tăng lãi suất hơn gấp đôi lãi suất bấy giờ (16%) để có thể tự túc, tự lực. Sự sống còn của Ngân Hàng Grameen còn tùy thuộc vào trợ cấp của chính phủ và các tổ chức quốc tế (Dadhich, 1995). Tuy nhiên, hiện nay Ngân Hàng này đang ở trong tình trạng tự túc.
Tóm lại, chương trình vi tín dụng của Ngân Hàng Grameen đã làm thay đổi hẳn diện mạo của các làng xã, và rất thành công trong công tác giảm nghèo ở Bangladesh và một số nước đang phát triển trên thế giới. Chương trình này là sự phối hợp áp dụng giữa các nguyên tắc kinh tế và động lực xã hội để giúp người nghèo “tự làm chủ mình”. Rõ ràng chương trình vi tín dụng Grameen có thể áp dụng ở Việt Nam để giúp những người nghèo khổ vượt qua các khó khăn đời sống triền miên, chỉ vì họ thiếu phương tiện, vốn liếng cần thiết để sinh hoạt, hoặc không có cơ hội áp dụng kỹ thuật tân tiến để tăng gia sản xuất. Hơn nữa, hiện tượng cho vay nợ chợ đen, ngắn hạn với lãi suất rất cao xảy ra thường xuyên ở bất cứ nơi nào trong nước, từ thôn quê đến thành thị. Do đó, cần có chính sách thích hợp để khuyến khích áp dụng triệt để các nguyên tắc vi tín dụng của Ngân Hàng Grameen trong hoàn cảnh đất nước, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của các giới đói nghèo, kém may mắn hiện nay, cũng như giảm bớt hiện tượng cho vay tiêu cực dẫy đầy trong nước, trong khuynh hướng hiện đại hóa và hội nhập thế giới của đất nước.
Trần Văn Đạt, Ph. D.
2006
Tài Liệu Tham Khảo:
- CNN. 2006. Bankers for poor win peace Nobel. (www.cnn.worldnews).
- Dadhich, C.L. 1995. Grameen Bank: Pros and Cons. Dialogue on A New Deal for Self-Employed: Role of credit, Technology and Public Policy, 30-1 to 2-2-1995, M.S. Swaminathan Research Foundation, p 55-57.
- Lâm Văn Bé. 2006. Nghèo đói vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong Nghiên cứu văn hóa Đồng Nai-Cửu Long, số 4, Tả Quân Lê Văn Duyệt Foundation ấn hành: 93-120.
- Ngô Nhân Dụng. 2006. Giải Nobel Hòa Bình cho một ngân hàng? Người-việt on line
- Trần Văn Đạt. 2002. Tiến trình phát triển sản xuất lúa gạo tại Việt Nam. NXB Nông Nghiệp, Việt Nam, 315 trang.
- Yunus, M. 1995. Grameen Bank: The Concept and its Roles. Dialogue on A New Deal for Self-Employed: Role of credit, Technology and Public Policy, 30-1 to 2-2-1995, M.S. Swaminathan Research Foundation, p 52-54.
- Yunus, M. 2006. What is microcredit.