Huy Lữ TRẦN VĂN ĐẠT
Nguyên Chánh Chuyên gia FAO - Rome

Nguồn gốc con người

THỬ TÌM HIỂU:

2- NGUỒN GỐC CON NGƯỜI

1.      Mở đầu

Vụ nổ lớn hay Big Bang cách nay hơn 13,7 tỷ năm là một giả thuyết thành lập vũ trụ được nhiều nhà nghiên cứu chấp nhận. Vũ trụ phải cần đến 8 tỷ năm để hội đủ điều kiện vật chất tạo ra các dãy thiên hà. Hệ Thái dương được hình thành trong dãy thiên hà Milky Way cách nay 4,6 tỷ năm, trong đó trái đất chúng ta luôn di chuyển trong vũ trụ với vận tốc 530km/giây. 

Cách nay 4,4 tỷ năm, trái đất còn nóng ở thể lỏng, nhưng có hơi nước trong khí quyển. Nhờ sự va chạm của một hành tinh nhỏ vào trái đất sinh ra mặt trăng, trục trái đất bị nghiêng nên tạo ra thời tiết 4 mùa. Từ đó trái đất ổn định hơn, có ánh sáng, sức nóng, ngày dài hơn, khí bốc hơi thành mây, mưa tạo ra sông hồ, đại dương. Hiện tượng quang hợp sản xuất nguyên tố mới Oxy cách nay 3,5 tỷ năm (5,6). 

Năng lượng nhiệt từ dung nham và mặt trời kết hợp Hydro + Oxy tạo ra H2O (nước) ở dạng khí và càng tới gần 2 cực trái đất H2O ngưng tụ tạo ra những cơn mưa đầu tiên trên trái đất. Khí Oxy và nước là hai yếu tố tối quan trọng của sự sống trên địa cầu. Trái đất nguội dần, dấu hiệu sự sống đầu tiên được ghi nhận cách nay khoảng 4,1 tỷ năm. 

2.      Sự sống trong hệ Thái dương (5,

Trong hệ Mặt trời, trái đất nằm ở vị trí thích hợp cho sự sống và phát triển của các sinh vật, vì môi trường có đủ điều kiện, chẳng hạn trái đất không lạnh quá và cũng không nóng quá, có nước, không khí, chất carbon, hydro, oxy, nitro… so với các hành tinh khác trong hệ Thái Dương. Sao Kim hay Venus (sao Hôm, sao Mai) gần mặt trời hơn trái đất có nhiệt độ bình quân 462 °C và sao Hỏa hay Mars xa mặt trời hơn trái đất có nhiệt độ bình quân âm -153 °C. Quá trình tạo sự sống phải trải qua hàng tỷ năm và có nhiều giả thuyết về hình thành sự sống trên quả đất này. 

Cách nay 3,8 tỷ năm, có cuộc cách mạng dưới đáy biển nguyên thủy. Các nguyên tố đơn giản: Carbon, Hydro, Oxy, Nitro… kết thành hợp chất hữu cơ của sự sống. Khoảng 700.000 năm sau, sự sống bắt đầu xuất hiện qua các vi khuẩn đơn bào. Các vi khuẩn sống trong nước từ đơn bào tiến hóa thành đa bào, rồi thành các sinh vật lớn hơn. Các sinh vật phù du sống trong biển tiến hóa tiếp thành loài cá và loài côn trùng nguyên thủy. 

Sự sống được ghi nhận trên trái đất cách nay khoảng 3,7 tỷ năm (7), do các nhà khám phá tìm thấy dấu vết sự sống trong hóa thạch có tuổi 3,4 tỷ năm (8) (Hình 1). Sự sống có cùng nguồn gốc từ các phân tử hữu cơ đơn giản ở dạng tiền tế bào đến các tế bào nguyên thủy có quá trình trao đổi nguyên chất của chúng với nhau (9).

 

        
Dấu vết sống hóa thạch 3,4 tỉ năm

Ngày nay các nhà khoa học đã xác định cơ sở vật chất chủ yếu của sự sống gồm 2 loại hợp chất hữu cơ là protein và axit nucleic (DNA và RNA). Trong tế bào, protein đóng vai trò xúc tác và điều hoà, còn axit nucleic - di truyền và sinh sản.

 

Hoạt động của các bộ phận con người là do kết hợp hoạt động của từng tế bào với dòng năng lượng do tế bào tạo ra. Các tế bào chứa thông tin di truyền (RNA) truyền tải mã di truyền (gen) trong quá trình tạo protein và phân bào (9). 

3.      Con người xuất hiện lúc nào và ở đâu? (1, 16)

-Cách nay 2,5 tỷ năm, các loài sinh vật nguyên thủy trên Trái đất phát triển sớm nhứt trong giai đoạn cuối của thời tiền Cambri. Còn các thực vật đa bào nguyên thủy xuất hiện khoảng 1,2 tỷ năm trước với cấu tạo phức tạp hơn. 

-Cách nay 850 triệu năm, Trái đất trải qua giai đoạn đóng băng toàn cầu dài nhất và mãnh liệt nhất trong lịch sử. Thời kỳ băng giá này kéo dài 200 triệu năm. Sự phát triển của sự sống chưa được lâu thì bắt buộc phải ngừng lại.  

-Cách nay 600 triệu năm, các sinh vật đa tế bào đã xuất hiện, chúng giống như loài tảo trong nước – đó là một loài vật đơn giản nhứt. 

-Cách nay 550 triệu năm, lượng Oxy tăng đến 13%, qua 30 triệu năm kế tiếp động vật có xương sống và loài cá có miệng răng, không có hậu môn và di chuyển uốn éo xuất hiện, phát triển mạnh trong nước là tổ tiên nguyên thủy của loài người ngày nay (1). Lớp khí Ozone cũng xuất hiện để bảo vệ sự sống trên trái đất chống các tia cực tím UV nguy hiểm đến từ mặt trời.



Bọ 3 thùy 530 triệu năm

-Cách nay khoảng 530 triệu năm, Trái đất bước vào thời kỳ Paleozoic (đại cổ sinh), bắt đâu bằng kỷ đầu tiên là kỷ Cambri. Đây là thời gian bùng nổ của phát triển sinh vật, kéo dài khoảng 30 triệu năm, gọi là thời kỳ bùng nổ Cambri. Ở dưới biển, các loại động vật phức tạp hơn xuất hiện, điển hình nhất là bọ ba thùy (Trilobita) (Hình 2) và các họ hàng (16). 


Sinh vật lưỡng cư

 

-Cách nay 400 triệu năm, động vật lưỡng cư như ếch nhái, cá sấu, rắn, loài bò sát… (Hình 3) ra đời nhờ cơ thể giữ nước nên có thể sinh sống xa nước và dần dần định cư trên đất liền. Một số loài bò sát tiến hóa thành các giai đoạn đầu của động vật có vú. Cách nay khoảng 300 triệu năm, loài động vật có vú xuất hiện.  


Pangaea 300 triệu năm



          -Cách nay khoảng 300 triệu năm,
siêu lục địa được hình thành dưới tên gọi Pangaea (Hình 4). Pangaea sau đó trôi dạt, tách ra thành các siêu lục địa phía bắc và phía nam, được gọi  là Laurasia và Gondwana khoảng 200 triệu năm trước. Siêu lục địa Laurasia gồm khối đất đá ở Bắc bán cầu, chủ yếu là Laurentia (phần lớn của Bắc Mỹ ngày nay), BalticaSiberiKazakhstania và các craton Hoa Bắc và Hoa Đông. Siêu lục địa Gondwana ở phía nam địa cầu, bao gồm phần lớn các khối đất đá tạo ra các lục địa ngày nay của bán cầu nam, gồm châu Nam CựcNam Mỹchâu PhiMadagascarẤn Độbán đảo ArabiaÚc-New Guinea và New Zealand (Wikipedia).

 

Các nghiên cứu ngày nay cho biết các vết nứt vỡ, phân tách các siêu lục địa làm tiêu hủy hàng loạt sinh vật gồm cả thực vật và các loại cá và động vật biển. Chúng lắng xuống và tạo thành các mỏ dầu ngày nay. 

-Cách nay khoảng 250 triệu năm, một ngọn núi lửa khổng lồ của hành tinh hoạt động, tạo ra đám mây khói đầy trời và sinh ra khí CO2 làm diệt chủng đến 70% các loài sinh vật. Trong 5 triệu năm có 5 lần diệt chủng, các trận hồng thủy làm xáo trộn đời sống sinh vật, cho phép các sinh vật mới ra đời, trong đó có các loài khủng long. Đó là thời kỳ Trái đất trải qua thảm họa tuyệt chủng khủng khiếp nhứt mà các sử gia gọi là đại tuyệt chủng Permi (Permi là tên một thành phố ở Nga nơi có cuộc khai quật khảo cổ). 

-Cách nay 70 triệu năm: Động vật có vú, có đôi mắt ở phía trước mặt và chân tay nắm bắt bất cứ vật gì xuất hiện, trong đó có những sinh vật tổ tiên loài người. Bộ “Linh trưởng” (primates) xuất hiện. 

-Cách nay 65 triệu năm, một tiểu hành tinh trong Hệ Mặt trời có đường kính rộng 10 km lao về phía Trái đất (nay là vịnh Mexico), tạo ra những đám mây bụi phủ kín trời, gây ra biến chuyển khí hậu, nhiệt độ xuống thấp mạnh, làm diệt chủng loài khủng long và những động vật nặng trên 22 kg, còn những động vật có vú nhỏ tồn tại. Bằng chứng cho sự kiện này là sự hiện diện của Iridium (một thứ chỉ có ngoài Trái đất) được tìm thấy ở khu vực vịnh Mexico có tuổi thọ 65 triệu năm. 

-Cách nay 50 triệu năm, tổ tiên chúng ta sống trên một hành tinh đang nóng ấm lên và các lục địa bị tách ra đã hoàn tất. 

-Cách nay 10 triệu năm, sông Colorado bắt đầu bào mòn, tạo ra một vực sâu vĩ đại và là một trong 7 kỳ quan thế giới ngày nay, đó là Grand Canyon, Hoa Kỳ. Núi Everest cũng xuất hiện. Trái đất trở nên lạnh hơn trong thời kỳ này. Các tổ tiên Linh trưởng gồm cả tổ tiên con người thuộc nhánh Haplorhini có Họ Người (Hominidae) di dời về vùng nhiệt đới. 

 

Các nhà khảo cổ học khám phá rất nhiều di vật hóa thạch của tổ tiên loài người ở Châu Phi có niên đại cách nay từ 6 đến 2 triệu năm và cho biết sự tiến hóa của con người là do thay đổi chất di truyền - các tế bào hóa học và DNA hay gen, mỗi dân tộc có tỉ lệ và cấu trúc gen khác biệt nhau để thích ứng với môi trường sống địa phương theo thời gian (10). 

-Cách nay 7 triệu năm, các tổ tiên Linh trưởng có cuộc sống tương đối bình yên (6). Sự tiến hóa loài người là một quá trình lâu dài từ tổ tiên Linh trưởng biết đi hai chân để trở thành Người hiện đại (Homo sapiens) phải trải qua khoảng 6 triệu năm (Hình 5). Theo công cuộc khảo cứu mới nhứt, con người không phải tiến hóa từ loài khỉ vượn, cả hai xuất phát từ tổ tiên chung rồi tách ra tiến hóa riêng rẻ, mà đến nay chưa biết tổ tiên đó là ai (2). 


                     Linh trưởng 7 triệu năm

 

Một hiện tượng quan trọng xảy ra lúc này: một loài cỏ mọc lên từ đất, tạo nên các đồng cỏ khắp nơi trên thế giới. Tại Đông Phi Châu, cây sống thưa thớt hơn và cách xa hơn, tổ tiên phải dùng đến sức mình làm việc để sống với đôi bàn tay.


             Người khéo léo



 

-Cách nay 2,6 triệu năm, con Người khéo léo (Homo habilis) và Người đứng thẳng (Homo erectus) (Hình 6) đi hai chân trên đất, biết sử dụng những hòn đá cứng xung quanh tạo ra cách đây hàng tỷ năm trong hoạt động hàng ngày. Họ ghè đẽo, đập đá với nhau để làm hòn cụi có một hay nhiều cạnh sắc bén như một dụng cụ cổ sơ rất hữu hiệu để chế tác các sản phẩm như rìu, dao chặt cây làm nơi cư trú, làm gươm giáo đi săn bắt, cắt thịt thú rừng để ăn… (Hình 7); cho nên, con người bấy giờ có thể làm hàng trăm công việc so với con người nguyên thủy trước đó, cho phép tổ tiên chúng ta tồn tại: cuộc cách mạng đầu tiên xảy ra - công nghệ đồ đá.

 


Đá cụi

  



Hình 7: Đá cụi (trái) đá bị gọt đẽo (phải)

           Họ cũng biết tạo ra và sử dụng lửa trong đời sống hàng ngày từ hơn 800.000 năm trước, giúp con người tiến bộ nhanh hơn sau này, mở ra thế giới đầy tiềm năng. Lửa giúp cho tổ tiên ta nhiều việc, trong đó có nấu nướng thức ăn nhiều bổ dưỡng hơn, làm cho bộ não to hơn. Lửa cũng giúp kỹ nghệ đồ gốm, chế tạo những tổ hợp kim loại để có những công cụ sinh hoạt hữu hiệu như cuốc, cày, mai, xẻng…, tạo ra hơi nước để chạy máy sau này… 

Di vật hóa thạch cho biết tổ tiên Người khéo léo và Người đứng thẳng thích đi xa, xuất hiện ở Châu Phi và Châu Á cách nay khoảng 2 triệu và 1,7 triệu năm. Người hiện đại khôn ngoan hơn, có bộ não lớn, biết chế tác và sử dụng dụng cụ đồ đá trong đời sống hàng ngày, có nhiều sinh hoạt và văn hóa đa dạng cách nay hơn 200.000 năm.


Hình 8: Tiến hóa con người (15)

 4.      Con người rời khỏi Châu Phi

Nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc và phân tán con Người hiện đại (Homo sapiens) trên thế giới, đôi khi trái ngược nhau về không gian cũng như thời gian; nguyên do chính là sự sử dụng các phướng pháp, kỹ thuật nghiên cứu khác nhau, như di vật khảo cổ, công cụ chế tác, đo lường sọ người, nghiên cứu di truyền… trong thế kỷ 19 và 20. Đến cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, khoa học tiến bộ rất nhiều, phương pháp khảo cứu dựa vào thay đổi cấu trúc genome (bộ gen), nghiên cứu gen hay Y-chromosome DNA (nhiễm sắc thể), Mitochodrial DNA (ty  thể)… trong tế bào người, đồng thời phối hợp sử dụng kỹ thuật toán và tin học. Nhờ đó, nhiều nhà khoa học đã xác định con người hiện đại xuất phát duy nhứt từ một nguồn gốc: Châu Phi thay vì đa nguồn gốc trong quá khứ, vì họ biết được Phi Châu có sự đa dạng di truyền rất lớn so với các vùng Á, Âu, Mỹ hoặc Úc Châu. 

Ngoài ra, trong nghiên cứu khảo cổ học gần đây, sự khám phá di vật hóa thạch của loài người xảy ra khá nhanh trên thế giới: gần đây 47 cái răng của 13 người được tìm thấy trong động Fuyan ở miền nam Trung Quốc (Động Phúc Nham, huyện Dao, tỉnh Hồ Nam) cho biết con người hiện đại có thể hiện diện ở đó cách nay 80.000-30.000 năm; xương hóa thạch người hiện đại tìm thấy ở động Skhul và Qafzeh, Do Thái cách nay 90.000 năm; một mảnh xương hóa thạch ở Nam Phi xác định niên đại khoảng 260.000 năm trước. Mới đây phát hiện di vật hóa thạch tại khu mõ cũ hoang vu ở Marroc cách nay 200.000 năm; cho nên, Người hiện đại có mặt ở khắp Châu Phi chứ không phải chỉ ở Đông Phi Châu và họ rời khỏi Châu Phi sớm hơn báo cáo trước đây (11) (Hình 9, 10). 

 

Hình 9: Con đường người rời khỏi Châu Phi, 2015 (Bản đồ National Geographic) (12,13)

         Dự án nghiên cứu về Genographic của National Geographic Society và IBM (13) đã phát triển một phương pháp phân tích mới, phức tạp hơn nhằm theo dõi mối quan hệ giữa các trình tự di truyền từ các mẫu tái kết hợp - quá trình phân tử DNA bị phá vỡ và tái kết hợp thành cặp mới khi thế hệ mới được tạo ra - đã đề nghị con Người hiện đại rời khỏi châu Phi đến bán đảo Á Rập thông qua eo biển Bab-el-Mandeb của Hồng Hải (từ Yemen) (Hình 9), chứ không phải từ tuyến đường phía Bắc qua Ai Cập (Hình 10). 

Sự phân ly của lịch sử di truyền chung giữa các dân tộc cho thấy rằng các nhóm Á-Âu tương tự như các dân tộc ở miền nam Ấn Độ, hơn là những người ở châu Phi. Tuy nhiên, giả thuyết này cần thêm nhiều dữ liệu để hiểu rõ hơn. 


Hình 10: Mô hình mới: Người hiện đại di cư khỏi Châu Phi (12)

(Mô hình cho biết đã có sự phân tán của con Người hiện đại ngay sau khi rời Châu Phi, rất giống với công trình của các nhà khảo cổ học) 

-Cách nay hơn 200.000 năm, con Người hiện đại phát triển hoàn toàn (Hình 11) (6, 9), tiếng nói rõ ràng hơn, nhưng âm thanh còn phức tạp hơn bây giờ. Con người ngày càng khôn ngoan, khéo léo so với các sinh vật khác. Họ bắt đầu rời khỏi Châu Phi và phân tán trên thế giới ít nhứt 100.000 năm trước, nhờ đó được tồn tại đến ngày nay. Đây là một thay đổi quyết định quan trọng để thích ứng và an toàn hơn cho sự sống, tránh được hiện tượng tuyệt chủng từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ. Rồi một thời kỳ băng hà lại bắt đầu cách nay 100.000 năm. 


            Người hiện đại

Tuy nhiên, có nhiều giả thuyết về hướng đi và thời gian di cư của Người hiện đại khác nhau; nhưng theo nghiên cứu của nhóm khoa học gia National Geographic cho biết Người hiện đại xuất hiện tại Châu Phi cách nay 200.000 năm, đã đến bán đảo Á Rập, Trung Đông cách nay khoảng 100.000 năm, một phần đến Châu Âu cách nay 40.000 năm (có một bộ phận của nhóm này trở lại Phi Châu cách nay 3.000 năm), phần lớn khác di chuyển ven biển đến Ấn Độ 70.000 năm trước (14), rồi đến Đông Nam Á khoảng 65.000 - 55.000 năm. Từ Đông Nam Á họ đến Châu Úc và Trung Quốc khoảng 50.000-40.000 năm trước (Hình 9, 10). Cũng có giả thuyết cho biết một nhóm khác từ Ấn Độ tiến về phương Bắc đến Trung Quốc, Triều Tiên và Nhựt Bổn (Hình 9). 

Những khám phá mới đây cho biết cách nay 80.000 năm Người hiện đại đã có mặt ở Trung Quốc qua tìm thấy 47 cái răng cổ hóa thạch và ở Úc Châu với các dụng cụ sinh hoạt cổ, đang làm thay đổi suy nghĩ về hướng đi về phương Đông sau khi rời khỏi Phi Châu. 

-Cách nay 70.000 năm, núi lửa lớn Toba ở Indonesia bắt đầu hoạt động mạnh, tạo những đám mây khủng bao trùm vạn vật, làm hạ nhiệt độ gây nên mùa Đông khủng khiếp (“Nuclear winter”), tiếp theo là thời kỳ băng giá khoảng 1.000 năm. Biến cố này đã gây ra áp lực rất lớn cho những người muốn di cư lên hướng Bắc như Trung Quốc chẳng hạn, nên họ phải lần theo bờ biển Ấn Độ đi về phương Đông đến Đông Nam Á và tiến xuống miền Nam đến Úc Châu và các quần đảo khác. 

-Cách nay 20.000 năm, thời tiết khắc nghiệt hơn trước. Phần lớn nước bị đóng băng, mực nước biến lùi ra xa từ 102 m đến 136m so với mực nước hiện nay, con Người hiện đại vượt cánh đồng băng giá Siberia qua eo biển Bering đến Alaska cách nay 15.000 năm, đến Mỹ Quốc khoảng 12.000 năm và tới Nam Mỹ độ 11.000-10.000 năm trước (12). 

Sau đó, băng hà bắt đầu tan rả, lục địa Mỹ-Á lại tách rời nhau, tạo ra sông hồ khắp thế giới và gần giống bản đồ ngày nay. Đất đai có đủ nước, thời tiết ấm làm cho cây cối, động vật sinh sôi nẩy nở. Con Người hiện đại phát triển, từ du canh du mục tiến dần đến định cư. Dân số gia tăng, do sự sinh tồn con người khôn ngoan hơn, biết chọn loại cỏ để trồng mà họ bỏ quên hàng trăm ngàn năm trước. Họ bắt đầu thuần dưỡng, chọn hạt, gieo giống cỏ như lúa mì, lúa mạch đen để sản xuất nhiều thực phẩm. Đó là những giống cây trồng và nguồn năng lượng sinh học mà Người hiện đại sản xuất được vừa để nuôi dưỡng nhân loại, vừa giúp cho nền văn minh tiến bộ xảy ra ngày nay. Sau đó, sự thuần dưỡng thú hoang như dê, cừu, bò, chó, mèo, heo, gà… xuất hiện. 

Trung Đông là một nơi hội đủ các điều kiện cần thiết để phát triển nền nông nghiệp sơ khai nêu trên, như khí hậu ấm áp, ngả ba đường thương mại, di chuyển của Châu Phi, Châu Á và Châu Âu…; cho nên, con người mới sở hữu một nghề mới - nghề nông nghiệp sơ khai, đưa xã hội đến đời sống định cư lâu dài, không còn trải qua thời kỳ sinh sống lưu động nữa. Các nhà nghiên cứu Tây Phương cho rằng đây là nôi nông nghiệp đầu tiên thế giới; trong khi đó, các nhà khảo cứu Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang nỗ lực tìm các chứng cứ khả tin để tranh chiếm lấy cái nôi nông nghiệp đầu tiên này, ngay cả nguồn gốc con người! 

5.      Kết luận

Thời gian đã giúp cho nhiều ngành tiến bộ nhờ các phát minh khoa học, công nghệ mới và tư duy mới, đặc biệt trong khảo cổ học; do đó nhiều giả thuyết được làm sáng tỏ hơn, có nhiều bằng chứng thuyết phục hơn, nhưng chắc chắn chưa đạt đến điểm cuối sự thật về nguồn gốc và di chuyển của Người hiện đại. Tổ tiên loài người được biết rõ hơn, có lịch sử lâu dài hơn. Theo nghiên cứu gần đây, con người không phải tiến hóa từ loài khỉ vượn. Thủy tổ liên hệ con người đi hai chân (Australopithecus afarensis) hay Linh trưởng và loài khỉ vượn có chung tổ tiên, nhưng tiến hóa riêng rẻ. Tổ tiên con người có đến 15-20 loài xuất hiện tiến hóa liên tục qua các thời đại, môi trường với cuộc sống thăng trầm, gặp nhiều rủi ro thiên nhiên, cho nên bị diệt chủng nhiều lần và cuối cùng chỉ Người hiện đại (Homo sapiens) duy nhứt tồn tại ngày nay. Có lúc loài người chỉ còn khoảng 10.000 người trên địa cầu (15). 

Nhờ có thêm dữ liệu và công nghệ mới các nhà khoa học đã hiểu biết nhiều hơn tổ tiên của chúng ta và cuộc hành trình rời khỏi Phi Châu của họ. Họ phát hiện Người hiện đại đã tiến hóa hoàn tất và xuất hiện tại Phi Châu cách nay khoảng 200.000 năm sớm hơn giả thuyết trước đây. Họ rời lục địa này đến Yemen, vượt qua bán đảo Á Rập khoảng 100.000 năm trước.  Từ đó, họ đến Âu Châu cách nay khoảng 40.000 năm (có giả thuyết nhóm này từ miền Tây Ấn Độ đi về phía tây đến Âu Châu), nhóm khác đến Ấn Độ cách nay 70.000 năm. Tứ Ấn Độ, họ đi theo bờ biển phía nam đến Đông Nam Á và Úc Châu cách nay 65.000-50.000 năm, đến Đông Á (Trung Quốc) muộn hơn, cách nay 40.000 năm do khí hậu khắc nghiệt cản trở. Các mốc thời gian nêu trên chỉ là biểu tượng thời gian tương đối hiện nay, sẽ có nhiều thay đổi với các khám phá mới trong tương lai. 

12-2017 

 TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

1.      Wikipedia: Vụ nổ lớn
2.      Wikipeia: Large Hardron Collider
3.      NASA (Science). Universe: Dark energy, dark matter
4.      Video Lịch sử 3,7 tỷ năm của vũ trụ
5.      Wikipedia: Sự sống
6.      Wikipedia: Timeline of human evolution
7.      Milsom, Clare; Rigby, Sue (2009). Fossils at a Glance (ấn bản 2). John Wiley & Sons. tr. 134. ISBN 1405193360.
8.      Dean, Tim. 2011. World’s oldest fossils reveal earliest life on Earth. Austalian Life Scientist. IDG Communication.
9.      Lintilhac, P. M. 1999. “Thinking of biology: toward a theory of cellularity--speculations on the nature of the living cell” (PDF). BioScience 49 (1): 59–68. PMID 11543344doi:10.2307/1313494.
10.  Smithsonian National museum of Natural history. 2017. Introduction to human evolution
11.  Ancient-Origins. 2015.  Teeth Discovered in China Show that Modern Humans Left Africa at Least 30,000 Years Earlier than Previously Thought
12.  Abigail Beall. 2017. How man migrated out of Africa: Fascinating new DNA study sheds fresh light on the journey our ancestors took 100,000 years ago. DailyMail.com.
13.  Dacid Maxwell Braun. 2011. Modern Humans Wandered Out of Africa via Arabia. National Geographic Society
14.  Martin Robinson. 2011. Our ancestors headed into India via Yemen before wandering further east and north
Researchers used complicated new DNA procedure 'recombination'
15.  Evolution of modern humans.
16.  Đặng Vũ Tuấn Sơn. 2017. Quá trình hình thành và tiến hóa của sự sống trên Trái Đất. Khoahoc.tv.    

 


This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free